Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

Giá dầu thô, khí đốt đồng loạt giảm nhiệt

Phiên giao dịch năng lượng đêm qua, giá dầu thô, khí đốt hợp đồng kỳ hạn bất ngờ cùng đi xuống, do chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, từ lượng cung tuần qua cho tới hoạt động sản xuất ở Trung Quốc, châu Âu.



Mở phiên giao dịch 20/2, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ công bố báo cáo cho biết, trong tuần kết thúc ngày 14/2 vừa qua, lượng cung khí đốt đã giảm 250 tỷ feet khối. Mức giảm này nằm trong vùng dự báo của giới phân tích trong cuộc điều tra trước đó của Platts, từ 248 tỷ đến 252 tỷ feet khối.

Kết quả của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ về lượng cung khí đốt trong tuần qua đã không gây được sự ngạc nhiên trên thị trường, từ đó gây tác động lên tâm lý của các nhà đầu tư. Thêm vào đó việc CME tăng yêu cầu đảm bảo thực hiện hợp đồng khí đốt tương lai cũng ảnh hưởng tới nhà đầu tư.

Chốt phiên giao dịch ngày 20/2, giá khí đốt hợp đồng tháng 3 quay đầu giảm nhẹ 8,5 cent, tương ứng với mức giảm 1,4%, xuống còn 6,06 USD/ triệu BTU trên sàn hàng hóa New York. Trước đó, trong phiên, giá khí đốt hợp đồng kỳ hạn loại này có lúc còn tụt xuống ngưỡng thấp, khoảng 5,92 USD.

Phiên giao dịch ngày 19/2, giá khí đốt đã bất ngờ tăng mạnh lên ngưỡng cao nhất trong vòng 5 năm qua, ở mức 6,149 USD/ triệu BTU, sau khi thị trường đón nhận các thông tin dự báo thời tiết cho thấy nước Mỹ còn tiếp tục chìm trong băng giá, từ đó làm tăng đồn đoán về việc lượng cung giảm mạnh.

Cùng đi xuống với giá khí đốt trong ngày, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 3 trên sàn giao dịch hàng hóa New York đã giảm 39 cent, tương ứng với mức 0,4%, xuống còn 102,92 USD mỗi thùng vào cuối phiên 20/2. Giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 4 thì giảm 9 cent, xuống còn 102,75 USD mỗi thùng.

Hôm 19/2, giá dầu thô ngọt, nhẹ hợp đồng tháng 3 đã chạm mức cao nhất trong vòng bốn tháng gần đây. Cụ thể, giá dầu thô tháng 3 đã tăng được 88 cent so với phiên giao dịch liền trước đó, tương ứng mức tăng 0,9%, lên 103,31 USD mỗi thùng, mức cao nhất kể từ tháng 10 năm ngoái cho đến nay.

Sự đi xuống trong ngày 20/2 của giá dầu thô chủ yếu là do số liệu sản xuất yếu kém từ Trung Quốc. Cụ thể, chỉ số quản lý sản xuất sơ bộ do ngân hàng HSBC công bố chạm mức thấp nhất trong 7 năm. Ngoài ra, việc chỉ số kinh doanh khu vực đồng Euro mất động lực cũng tác động xấu lên thị trường.

Giá dầu thô giảm đêm qua còn một phần là do báo cáo từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chi nhánh Philadelphia cho thấy chỉ số sản xuất khu vực này giảm mạnh trong tháng 2. Điều này đã xóa nhòa ảnh hưởng tích cực từ báo cáo về chỉ số quản lý sản xuất tại Mỹ trong tháng 2 tăng lên mức cao nhất 4 năm.

Cũng trong phiên giao dịch đêm qua, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ công bố báo cáo cho biết, trong tuần kết thúc ngày 14/2, lượng cung dầu thô đã tăng 1 triệu thùng, thấp hơn mức dự báo tăng 1,9 triệu thùng của giới phân tích trong cuộc khảo sát dư luận trước đó do tổ chức Platts tiến hành.

Theo báo cáo này, lượng cung xăng trong tuần tăng 300.000 thùng, các chế phẩm khác từ dầu thô (bao gồm cả dầu sưởi) giảm 300.000 thùng. Trong khi, theo dự báo của các chuyên gia thị trường thì cung xăng giảm 1,3 triệu thùng, cung các chế phẩm khác từ dầu thô cũng hạ mạnh, đến 2 triệu thùng.

Báo cáo trên đã lập tức có tác động mạnh tới giá xăng, dầu sưởi giao sau trên sàn New York. Trong đó, giá dầu sưởi giao tháng 3 tăng được 3 cent, tương ứng mức tăng 1%, lên 3,18 USD mỗi gallon. Giá xăng giao cùng kỳ hạn tăng được 2 cent, tương ứng với mức tăng 0,8% lên 2,85 USD mỗi gallon.

Trong khi đó, trên sàn London, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 4 giảm 17 cent, tương ứng với mức giảm 0,2%, xuống còn 110,30 USD mỗi thùng. Với mức giảm khá mạnh này, hiện khoảng chênh lệch giá giữa dầu thô giao sau trên sàn New York và sàn London đã bị thu hẹp, xuống còn hơn 7 USD.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét