Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2014

Kinh nghiệm lái xe Hà Nội - Thanh Hóa

Hiện tại đoạn Ninh Bình qua đường sắt thị xã Tam Điệp phải đi đường tránh, cuối tuần có thể ùn tắc nhưng tài xế nhất định không được vượt sang làn trống.

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Bá Đô.

Từ sau khi đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình hoàn thành, di chuyển từ Hà Nội về Thanh Hóa rút ngắn thời gian hơn nhưng cũng khiến các tài xế phải tập trung chú ý hơn đến tốc độ cũng như những quy định giao thông trên toàn tuyến.

Về cơ bản, để di chuyển từ Hà Nội vào Thanh Hóa có hai đoạn đường chính là Hà Nội - Ninh Bình và Ninh Bình - Thanh Hóa. Từ Hà Nội tới Ninh Bình có thể đi toàn cao tốc hoặc một nửa cao tốc đến Cầu Giẽ, đoạn còn lại di chuyển đường quốc lộ 1 qua tỉnh Hà Nam. Để thuận tiện, hầu hết các lái xe hiện nay đi theo cung đường sau đây.

1. Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình (Cao tốc)

Toàn bộ là đường cao tốc khi bắt đầu ra khỏi Hà Nội. Khi bắt đầu rẽ phải nhập vào cao tốc Pháp Vân, các lái xe cần chú ý đầy đủ tín hiệu đèn xi-nhan cũng như đi đúng làn đường, không đè vạch. Đây là nơi cảnh sát giao thông hay xử lý lỗi của lái xe.

Đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đã cũ nên chất lượng mặt đường không tốt, rất hay xuất hiện những gờ hay rãnh chạy ngang đường. Kiểu địa hình này khá nguy hiểm cho lái xe khi đang "mát ga" ở tốc độ cao, vì thế cần đảm bảo quan sát cũng như vững tay lái trên đoạn này.

Sang cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, chiều dài 50 km và được lắp đặt khoảng 50 camera rải đều trên toàn tuyến. Các xe thường xuyên chạy với tốc độ cao hơn so với Pháp Vân - Cầu Giẽ do đường rộng, mặt đường mới. Tài xế nên tuân thủ tốc độ tối đa cũng như chú ý đầy đủ tín hiệu vượt, tuân thủ khoảng cách an toàn.

Đến gần trạm thu phí cuối cao tốc là nơi có nhiều biển hạn chế tốc độ liên tục với khoảng cách ngắn, từ 80 km/h xuống 60 km/h và 40 km/h. Lái xe cần chú ý để giảm tốc độ phù hợp, không trái luật nhưng vẫn đảm bảm an toàn xe các xe phía sau. Xung quanh trạm thu phí cũng là nơi các chốt cảnh sát giao thông xử lý lỗi.

Sau khi hết cao tốc, lái xe rẽ phải nhập vào đường quốc lộ 10 chạy nối Nam Định với thành phố Ninh Bình. Ở đây làn đường hẹp, xe di chuyển hai chiều lưu lượng lớn nên cần tập trung, tốc độ hạn chế 60 km/h, không vượt lấn làn ngược chiều. Đi thẳng quốc lộ 10 đến trung tâm thành phố Ninh Bình rẽ trái theo quốc lộ 1 vào Thanh Hóa.

2. Ninh Binh - Thanh Hóa (Quốc lộ 1)

Khi vào thành phố Ninh Bình, lưu lượng tham gia giao thông đông nên không thể di chuyển nhanh. Đối với những người mới lần đầu chạy đoạn này, lưu ý đèn đỏ trong thành phố, hầu hết đều khá thấp và bị khuất tầm nhìn bởi cây cối, xe tải. Tài xế tuân thủ các quy định an toàn giao thông khi di chuyển nội đô như ở Hà Nội. Cảnh sát giao thông Ninh Bình chốt đều trên mỗi ngã tư.

Từ Ninh Bình sang Thanh Hóa gặp đoạn đường vòng khi vào thị xã Tam Điệp. Tại đây, khi qua gần đường sắt là công trường đang thi công, vì vậy các xe phải di chuyển đường tránh. Chú ý đường tránh hạn chế tốc độ 55 km/h, đoạn qua nhà máy xi măng Tam Điệp cấm vượt nên dù các xe phía trước xi chuyển chậm, làn bên cạnh thoáng cũng không được nôn nóng.

Dốc Xây (nhìn từ Thanh Hóa sang). Ảnh: thanhhoa365.

Ranh giới giữa Ninh Bình và Thanh Hóa là Dốc Xây, một bên là thị xã Tam Điệp, bên kia là thị xã Bỉm Sơn. Với những lái mới lần đầu đi qua đoạn này cần lưu ý, chiều vào (Ninh Bình - Thanh Hóa) cần vượt dốc, còn chiều ra sẽ chui hầm. Dốc Xây vòng núi nên bị khuất tầm nhìn, cần thận trọng vượt dốc với tốc độ chậm, không bám đuôi xe khác, đặc biệt vào ban đêm, khi trời mưa gió.

Tuyến đường từ thị xã Bỉm Sơn vào thành phố Thanh Hóa đường đẹp, gồm cả đô thị và khu không có dân cư. Tài xế lưu ý tốc độ tối đa, đi đúng làn đường, giữ khoảng cách an toàn, chỉ vượt ở những nơi cho phép. Cảnh sát giao thông Thanh Hóa có nhiều chốt dọc tuyến, xử lý lỗi chạy quá tốc độ cả khi vào thành phố.

Nếu chạy xe theo tốc độ giới hạn cho phép, không gặp ùn tắc cục bộ, khoảng thời gian di chuyển Hà Nội - Thanh Hóa khoảng 3 giờ cho quãng đường 150 km gồm cả nghỉ chân thời gian ngắn.

3. Đổ xăng, ăn uống

Ngoài đoạn cao tốc Hà Nội - Cầu Giẽ - Ninh Bình không có trạm xăng thì còn lại dọc tuyến có rất nhiều, tài xế có thể phân bổ cho hợp lý. Để nghỉ chân ăn uống dọc đường, thường có ba lựa chọn cho những người chạy đường dài, hoặc đến giờ ăn, bao gồm Hà Nam, Ninh Bình và Thanh Hóa. Ở Hà Nam, địa điểm quen thuộc và nhiều khách vãng lai lui tới là khu ăn uống ở thành phố Phủ Lý, bên cạnh khu hành chính của tỉnh. Các món ăn quen thuộc như bánh cuốn, bún cá...

Sang Ninh Bình, thành phố Ninh Bình đoạn gần cầu Lim là nơi có nhiều hàng quán, nổi tiếng với các món ăn đặc sản, đặc biệt là thịt dê cơm cháy. Đến Thanh Hóa, đây là nơi giao thoa ẩm thực cả Bắc và Trung nên có nhiều sự lựa chọn, từ miến lươn, bánh tôm, bánh cuốn và nét đặc trưng nem chua.

Dù dừng chân ở tỉnh nào cũng có nhiều sự lựa chọn, từ quán nhỏ ven đường đến nhà hàng sang trọng. Nếu chọn ăn nhanh ở những quán nhỏ, nên tham khảo giá trước khi chọn món để có mức giá hợp lý nhất.

Đức Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét