Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

Malaysia nâng cấp hệ thống radar cảnh giới... bảo vệ dầu mỏ?

Nhằm tăng cường khả năng phòng thủ đảm bảo an ninh quốc gia, Không quân Malaysia đang cân nhắc nâng cấp hệ thống radar hiện có của mình.

Tiêm kích F/A-18 của Không quân Malaysia

Thông tin này được Tư lệnh Không quân Hoàng gia Malaysia (RMAF) ngày 11/6 cho biết. Theo Tư lệnh RMAF Rodzali Daud, do hệ thống radar hiện tại đã được biên chế hoạt động được 15 năm, nên đề xuất nâng cấp hệ thống này sẽ được chính phủ đưa ra thảo luận. Theo đó, hệ thống radar của RMAF sẽ được nâng cấp về công nghệ điện tử hàng không và hệ thống xử lý.

Mặc dù việc phân bổ ngân sách cho kế hoạch nâng cấp này chưa được thực hiện, tuy nhiên, ông Rodzali tin tưởng rằng việc này sẽ được thực hiện theo kế hoạch phát triển lần thứ 11 của Malaysia (RMK-11):

"Chúng tôi sẽ thực hiện việc này, nó đã sẵn sàng và có thể được thực hiện. Việc nâng cấp này đòi hỏi phải có nhiều tiền và đã nằm trong kế hoạch phát triển của chúng tôi, nhưng chúng đang nỗ lực thực hiện việc này sớm hơn."

Việc Không quân Malaysia khẩn trương trình vấn đề hiện đại hóa hệ thống radar lên chính phủ nước này được nhiều chuyên gia đánh giá xuất phát từ tình hình bất ổn tại Biển Đông, đặc biệt là vấn đề liên quan đến bãi cạn James cách bờ biển bang Sarawak của Malaysia chỉ 80 km.

Bãi James theo cách gọi của phía Trung Quốc là Tăng Mầu cách bờ biển Trung Quốc tới 1.800 km. Trung Quốc coi đó là điểm cực nam của “đường lưỡi bò” phi lý mà nước này đơn phương vạch ra trên Biển Đông.

Sẽ không có gì đáng nói nếu như Hải quân Trung Quốc không tiến hành 2 cuộc tập trận hải quân gần bãi cạn này chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm. Động thái này khiến Malaysia buộc phải có những thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận với yêu sách mà Trung Quốc tuyên bố ở Biển Đông.

Trong một diễn biến mới nhất, hôm 26/1, ba chiến hạm Trung Quốc gồm một tàu đổ bộ và 2 tàu khu trục đã tiến hành tuần tra gần bãi cạn James – khu vực “tranh chấp” với Malaysia ở Biển Đông. Đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang cố gắng để thực hiện tuyên bố chủ quyền đơn phương ở Biển Đông.

Điều đáng nói là sau khi có mặt ở khu vực tranh chấp với Malaysia, các sĩ quan và thủy thủ trên 3 chiếc tàu trên đã tổ thức nghi lễ trọng thể để khẳng định quyết tâm bảo vệ quyền lợi trên biển của Trung Quốc. Theo Tân Hoa xã, chỉ huy hạm đội trên, ông Jiang Weilie, đã hối thúc tất cả sĩ quan và binh sĩ "luôn sẵn sàng chiến đấu, cải thiện năng lực tác chiến”.

Sự kiện ngày 26/1 không phải là lần đầu tiên các tàu của Trung Quốc “quấy nhiễu” ở khu vực gần bãi cạn James. Trước đó hồi tháng 3/2013, bốn tàu của Trung Quốc từng xuất hiện ở khu vực này, sự việc đã bị phía Malaysia cực lực phản đối.

Chuyên gia Ian Storey của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nói: “Những sự cố tương tự có thể sẽ không phải chuyện hiếm trong tương lai ở khu vực này. Khi sự hiện diện của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp sẽ diễn ra thường xuyên hơn, Malaysia sẽ cần phải xác định lại chính sách của họ”.

Đến tháng 10/2013, Malaysia công bố kế hoạch xây dựng một căn cứ hải quân mới ở Bintulu, thị trấn lớn nhất ở Sarawak và là vùng lãnh thổ của Malaysia gần bãi cạn James nhất.

Dù không nhắc đến Trung Quốc và Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia cho biết, mục đích xây dựng căn cứ này là để bảo vệ trữ lượng dầu mỏ của nước này nhưng rõ ràng, ai cũng ngầm hiểu động thái này là để đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng từ phía Trung Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét