Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

Thị trường xăng dầu: Chưa đủ điều kiện để DN tự định giá

Trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề nghị, cần mạnh dạn cho DN tự định giá xăng dầu trên cơ sở hướng dẫn của Nhà nước. Liệu điều đó có giúp thị trường xăng dầu minh bạch?


Trong nền kinh tế thị trường, có hai chủ thể được quyết định định giá, một là thị trường, hai là nhà nước. Và việc quyết định sản phẩm nào do ai định giá thì phải trên ba nguyên tắc cơ bản về định giá trong nền kinh tế thị trường.

Ba nguyên tắc định giá

Nguyên tắc đầu tiên là xem xét có hay không sự độc quyền của DN. Đối với các sản phẩm tự do cạnh tranh thì giá sẽ do thị trường quyết định. Còn đối với các sản phẩm độc quyền thì Nhà nước phải định giá. Chẳng hạn, những sản phẩm độc quyền như điện, nước... lâu nay vẫn do Nhà nước quyết định mức giá (bởi nếu để DN quyết định thì rất có thể giá sẽ rất cao mà người tiêu dùng không có khả năng lựa chọn và buộc phải chấp nhận). Quay trở lại với thị trường xăng dầu VN, với 11 đầu mối kinh doanh nhập khẩu xăng dầu, trong đó Petrolimex chiếm đến 60% thị phần, PV oil chiếm gần 20%, hai DNtrên chiếm đến 80% thị phần. Trên thực tế cho thấy, khi giá xăng dầu thế giới vừa tăng nhẹ, trong thời gian quy định các DN xăng dầu ngay lập tức kêu lỗ và kiến nghị tăng giá. Khi giá xăng dầu thế giới giảm liên tục và giảm sâu, các DN đã không giảm giá kịp thời, chỉ giảm giá trước áp lực của công luận và các cơ quan chức năng, nhưng việc giảm giá chỉ nhỏ giọt. Như vậy, thị trường kinh doanh xăng dầu của chúng ta hiện nay vẫn chưa phải là một thị trường mang tính cạnh tranh thực sự mà còn là một thị trường độc quyền nhóm. Do vậy, việc để cho DN tự định giá là chưa hợp lý.

Nguyên tắc thứ hai, là phải xem xét đến tính công khai, minh bạch của DN trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu liệu đã đảm bảo để họ tự quyết định giá? Như đã khẳng định, hiện Việt Nam chưa thể có một thị trường xăng dầu minh bạch đúng nghĩa. Mặc dù, các cơ quan chức năng đã công bố nhiều thông tin nhằm minh bạch hóa thị trường xăng dầu, điều cần quan tâm về mức giá cũng rõ ràng. Tuy nhiên, giá tham chiếu giữa những nhà cung cấp sản phẩm từ nước ngoài, đơn vị nào có mức giá ưu đãi, cạnh tranh nhất liệu có được công bố? Tiếp đến, các cơ quan chức năng công bố báo cáo tài chính, bảng cân đối kế toán, thu nhập,... với hàng đống con số rắc rối, liệu người dân có hiểu được hay không, hay thực chất chỉ những cơ quan chuyên môn mới nắm được.

Nguyên tắc thứ ba, đó là vấn đề hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, DN và người tiêu dùng. Với năng lực hạn chế trong viêc kiểm soát nguyên tắc tính giá xăng dầu của DN như hiện nay, nếu Nhà nước tiếp tục để cho họ tự định giá dù biên độ hẹp cũng sẽ rất nguy hại. DN xăng dầu đang thống lĩnh thị trường họ sẽ làm mọi cách để tính giá có lợi cho DN và đưa lại lợi nhuận mà Nhà nước rất khó "cầm cương" còn người tiêu dùng luôn phải chịu thiệt đơn, thiệt kép và mối dung hòa lợi ích giữa ba bên sẽ không bao giờ tìm được tiếng nói chung.

Như vậy, rất khó để tìm đáp án đồng ý mạnh dạn giao quyền tự định giá cho DN như Bộ trưởng Tài chính đã khẳng định. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu và tác động không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân. Dư luận kỳ vọng vào cơ chế điều hành giá xăng dầu đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, phù hợp và kịp thời với diễn biến giá thị trường; đồng thời tránh tình trạng lạm quyền và độc quyền.

Vai trò của nhà nước

Với thị trường xăng dầu, để phù hợp với thể chế xác định giá đối với thị trường, khi còn có DN giữ vị trí thống lĩnh thị trường, phù hợp với Luật Giá đã ban hành, Nhà nước cần quy định giá trần (đó là mức giá tối đa), mới đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, tạo sự cạnh tranh về giá giữa các DN. Theo đó, giá bán của các DN không được vượt qua giá trần. Để làm được như vậy, bản thân DN cầncố gắng phấn đấu giảm chi phí quản lý, kinh doanh, tiếp thị để giảm giá bán nhằm thu hút khách hàng. Mức giá tối đa này phải đảm bảo cho DN bù đắp được chi phí và có lãi hợp lý, phải sát với giá thị trường.

Hiện nay, giá bán lẻ xăng dầu được điều chỉnh theo tần suất 15 ngày/lần, đồng thời, sẽ được tính theo giá bình quân giá 15 ngày đầu của chu kỳ dự trữ (30 ngày). Với cách tính này rõ ràng, thị trường xăng dầu sẽ phát sinh hai kịch bản: thứ nhất, giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ tăng vào giữa lúc giá thế giới trong 10-15 ngày qua đang đi xuống, bởi vì giá 15 ngày trước đó, tức nửa đầu chu kỳ dự trữ ở mức cao. Thứ hai, với lý do tương tự, khi giá thế giới đang tăng thì giá xăng dầu trong nước lại giảm. Do vậy, khi quy định giá bán lẻ xăng dầu nhà nước nên lấy giá 15 ngày sát ngày tính giá để phản ánh chính xác hơn xu thế biến động của thế giới.

Còn đối với quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu,hiện nay hạn chế của Quỹ bình ổn là cơ sở hình thành nguồn quỹ, việc quản lý và sử dụng đều chưa hợp lý. Như việc trích lập Quỹ, đáng lẽ, chỉ khi giá thế giới xuống thấp, để tạo nguồn quỹ bình ổn thì nên trích lập quỹ để đề phòng khi giá thế giới lên cao mới sử dụng. Song hiện nay việc trích lập quỹ đang được thực hiện ở hầu hết thời điểm, thậm chí việc trích quỹ đồng thời với xả quỹ là không thể chấp nhận được. Và trong nhiều thời điểm, chỉ có người tiêu dùng đóng góp vào quỹ, còn DN không thực hiện nghĩa vụ này, trong khi về nguyên tắc, cả người bán và người mua đều phải chia sẻ rủi ro. Do vậy, để nguồn quỹ bình ổn giá xăng dầu thật sự phát huy hiệu quả thì nguồn hình thành không nên chỉ từ người tiêu dùng, mà cần có sự tham giá đóng góp của cả DN kinh doanh xăng dầu, dù chỉ là với một tỷ lệ rất thấp trong lợi nhuận của DN.

Việc trao quyền tự quyết nửa vời cho DN là một trong những nguyên nhân khiến thị trường xăng dầu VN gần như không có sự cạnh tranh. Với một thị trường còn mang tính độc quyền, Nhà nước để cho DN tự quyết định giá dù trong biên độ nhỏ, là trái với cơ chế quản lý giá trong nền kinh tế thị trường. Nhưng để xăng dầu được điều hành theo kiểu lưỡng tính như hiện nay cũng không nên là phương án lâu dài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét