Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014

Muốn “tự do hóa” giá xăng, điện thì phải xóa độc quyền

Nếu thị trường còn độc quyền, dân nghèo và doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa được hỗ trợ thì việc tự do hóa giá xăng, điện coi chừng “bóp bụng” người dân.Việc tự do hóa giá cả các loại năng lượng cũng có nghĩa là giá các mặt hàng điện, xăng dầu, than… sẽ tăng giảm theo giá thị trường mà không có sự can thiệp của Nhà nước. Nhưng liệu việc tự do hóa giá năng lượng trong khi vẫn còn tình trạng độc quyền thì có đảm bảo mang lại hiệu quả như mong đợi? Và việc tăng giá như thế nào để không tạo gánh nặng cho người tiêu thụ, nhất là những hộ dân nghèo và doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV)?

Đây là những băn khoăn của nhiều người tại buổi đối thoại chính sách về tăng trưởng xanh và chính sách tài khóa nhiên liệu hóa thạch ở Việt Nam diễn ra sáng 18-6.

Trước tăng minh bạch, sau giảm độc quyền

Bà Michaela Prokop, cố vấn chính sách về kinh tế của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), cho rằng hầu hết các trợ cấp giá nhiên liệu hiện nay của Việt Nam là gián tiếp, chỉ ưu đãi cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong ngành năng lượng.

Việc tự do hóa giá năng lượng khó mang lại hiệu quả khi vẫn còn tình trạng độc quyền. Ảnh: HTD

Cụ thể, DNNN xăng dầu được ưu đãi về thị trường, vay vốn, tiếp cận đất đai… Trong khi đó cấu trúc của ngành năng lượng chỉ mang lại rất ít động lực cho việc đầu tư vào công suất mới. Việc này đồng nghĩa là thị trường thiếu cạnh tranh nên kém hiệu quả.

Đồng tình với bà Michaela Prokop, bà Vũ Xuân Nguyệt Hồng, Viện phó Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cũng nhận định ngành năng lượng chủ yếu là DNNN đang độc quyền trong sản xuất và phân phối năng lượng. Độc quyền dẫn đến sự nhập nhằng giữa bảo hộ ngành và bảo hộ DNNN trong các ngành đó. Trong khi đó thông tin về giá thành, kết quả sản xuất, kinh doanh của các DNNN này lại thiếu công khai, nhất là các khoản nợ xấu.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng nếu vẫn còn tình trạng độc quyền và chi phối thị trường như hiện nay thì không thể cải cách giá năng lượng được. “Sẽ không có giá thị trường nếu như không có cơ cấu thị trường” - bà Lan nhấn mạnh.

“Tự do hóa về giá trong điều kiện độc quyền và trong bối cảnh thiếu vắng các cơ quan điều tiết độc lập sẽ làm gia tăng sự thiếu hiệu quả, gây lãng phí và các vấn đề cấu trúc. Qua nghiên cứu chúng tôi còn hoài nghi về lý do tăng giá nhiên liệu do thiếu sự minh bạch và nhận thức của các DNNN trong ngành năng lượng còn thiếu hiệu quả” - bà Michaela Prokop nhấn mạnh.

Bộ Công Thương đừng đứng “ba chân”!

Đi sâu vào gốc rễ của vấn đề, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM, cho rằng các DNNN như EVN, PVN, VINACOMIN đều thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương. Nhưng bộ này hiện nay lại giữ ba vai trò cùng một lúc vừa làm chính sách, vừa làm đại diện chủ sở hữu, vừa điều tiết thị trường. Ba chức năng trong một như vậy là mâu thuẫn với kinh tế thị trường.

Vì vậy theo ông Cung, muốn cải cách những DN này thì phải tách ba chức năng này. Trong đó, Bộ Công Thương chỉ tập trung làm chính sách. Chức năng chủ sở hữu DN giao cho một cơ quan khác. Đồng thời cần một cơ quan độc lập để điều tiết thị trường thì mới đảm bảo hiệu quả, hiệu lực và công bằng.

Trợ sức cho người nghèo và DNNVV

Theo bà Michaela Prokop, để tiến tới tự do hóa giá năng lượng phải có chính sách hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt đối với đối tượng dễ bị tổn thương - các hộ nghèo. “Bằng chứng quốc tế cho thấy hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt là cách phù hợp và hiệu quả nhất để giảm thiểu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến các hộ nghèo. Việc này cần thực hiện lồng ghép vào khung bảo trợ xã hội rộng hơn. Ngoài ra việc hỗ trợ bằng tiền mặt cũng cần thực hiện đối với các hộ nông dân và kinh doanh” - bà Michaela Prokop nói.

Để tránh tình trạng người dân để nhận được vài chục ngàn đồng tiền hỗ trợ thì phải mất cả trăm ngàn đồng tiền xe ôm đi lại như báo chí phản ảnh vừa qua, ông Nguyễn Thắng, Trung tâm Phân tích và Dự báo (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), cho rằng thay vì mức hỗ trợ 30.000 đồng/tháng thì hỗ trợ luôn mức điện tiêu thụ tương đương với giá trị này. Tức là hỗ trợ khoảng 30 kWh/tháng cho mỗi hộ nghèo bất kể họ dùng bao nhiêu điện.

Đồng thời, ông Thắng cũng đề nghị áp dụng trở lại biểu giá đặc biệt đối với điện cho tưới tiêu tập trung vào nông dân nghèo và hộ quy mô nhỏ hiện nay đã bỏ…

Ngoài ra, ông Thắng cũng đề nghị khi thực hiện tự do hóa giá năng lượng, Nhà nước cũng cần có sự hỗ trợ cho DNNVV và một số DN có lựa chọn để tránh tình trạng DN sống không nổi, ngưng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng vì giá nhiên liệu tăng cao.

THU HẰNG


Đừng chuyển từ độc quyền nhà nước sang độc quyền tư nhân!

Bà Vũ Xuân Nguyệt Hồng (Viện phí Viện CIEM) cho hay muốn thực hiện lộ trình cải cách giá phải gắn liền với cải cách DNNN, nếu không sẽ khó thành công. Hiện Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty năng lượng chủ chốt: EVN, PVN và VINACOMIN.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có một kế hoạch nào để dỡ bỏ tính độc quyền của các DNNN trong ngành năng lượng, trừ ngành điện đã có cam kết tự do hóa thị trường phát điện, thí điểm cạnh tranh trên thị trường truyền tải điện trước năm 2015 và cạnh tranh trên thị trường phân phối điện trước năm 2021.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM, cũng cho rằng: “Nếu các DNNN chỉ dừng ở cổ phần hóa sẽ dẫn đến nguy cơ chuyển từ độc quyền nhà nước sang độc quyền tư nhân.

Dân bàn chính sách còn “hai ông bộ” đi đâu?

Câu chuyện giá điện, xăng, than… là vấn đề thiết thực với đời sống hằng ngày của người dân, liên quan trực tiếp đến sự quản lý của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương nhưng không hiểu tại sao các bộ, ngành được ban tổ chức mời lại thờ ơ khi không ai đến dự buổi đối thoại này. Thậm chí báo cáo được thảo luận hôm nay đưa ra nhiều dữ liệu và khuyến nghị có lợi cho các DNNN ngành năng lượng và cho các bộ, ngành quản lý những DN này nhưng họ cũng không bận tâm. Tôi được biết trong quá trình thực hiện báo cáo, nhóm nghiên cứu đã nhiều lần mời các bộ, ngành liên quan góp ý nhưng họ không có một sự phản hồi nào.

Chuyên gia kinh tế PHẠM CHI LAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét