Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

Nghịch lý: Giá xăng dầu đắt vì quỹ bình ổn

Nếu vẫn tiếp tục trích quỹ bình ổn khi giá đang lỗ thì người dân vừa phải gánh mức tăng giá bán lẻ, vừa phải chấp nhận giá đắt hơn một khoản bằng chính khoản trích quỹ.

Giá tăng vẫn phải đóng phí bình ổn

Trưa 22/4, giá xăng dầu tăng nhẹ từ 130 đến 210 đồng/lít. Các mức tăng giá này chính là mức lỗ giữa giá cơ sở và giá bán lẻ xăng dầu trước đó. Lỗ dẫn tới phải tăng giá, song các DN vẫn phải trích lập quỹ bình ổn giá với mức đồng loạt 300 đồng/lít,kg cho cả 4 mặt hàng. Nói cách khác, người dân vừa phải trả thêm một khoản cho cú tăng giá vừa qua, vừa phải trả trước một khoản dự phòng cho tương lai.

Ngày 6/3, các doanh nghiệp xăng dầu lỗ. quỹ bình ổn được xả ra để bù như xăng bù 300 đồng/lít nhưng người dân vẫn phải tiếp tục phải đóng tiền cho quỹ như thường lệ.


Dù tăng giá hay giảm giá, người dân luôn phải chi tiền góp quỹ.

Lỗ mà vẫn phải trích quỹ, hoặc vừa xả, vừa trích là nghịch lý bấy lâu nay của cơ chế vận hành quỹ bình ổn xăng dầu. Song, tới đây, nếu như dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu do Bộ Công thương soạn thảo được thông qua thì có thể, nghịch lý này sẽ chấm dứt. Nguyên tắc trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu được Bộ Công thương quyết “xốc” lại cho phù hợp hơn với quy luật thị trường.

Theo Bộ này đề xuất, quỹ bình ổn giá sẽ chỉ trích khi giá cơ sở thấp hơn giá bán lẻ, nghĩa là khi giá xăng dầu có lãi. Ngược lại, quỹ cũng sẽ chỉ được sử dụng khi tình hình kinh doanh xăng dầu bị lỗ, giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ. Đặc biệt, việc trích - xả quỹ cũng phải căn cứ theo từng trường hợp biến động giá thành xăng dầu thay vì vận hành một cách tùy tiện như hiện nay.

Cụ thể, khi giá thế giới giảm, các yếu tố cấu thành biến động làm giá cơ sở giảm từ 12% trở lên so với giá bán lẻ hiện hành, quỹ bình ổn mới được trích lập. Khi giá thế giới tăng, các yếu tố cấu thành biến động làm giá cơ sở tăng từ 7% trở lên so với giá bán lẻ hiện hành thì quỹ bình ổn giá mới được phép sử dụng. Điều này cũng có nghĩa, trong phạm vi 7% trở lại, doanh nghiệp sẽ tăng giá mà không được phép xả quỹ để bù.

Theo Bô Công thương, quỹ bình ổn giá xăng dầu là một trong những công cụ nhằm ổn định giá bán lẻ xăng đầu trong nước và chỉ nên sử dụng trong trường hợp giá xăng dầu biến động, ảnh hưởng tới ổn định kinh tế vĩ mô.
Cần giảm bớt gánh nặng cho dân

Theo Bộ Tài chính, hết quý I, số dư Quỹ có hơn 842 tỷ đồng. Trong đó, tổng số tiền trích quỹ đạt tới hơn 1.043 tỷ đồng và số tiền đã xả ra để bù lỗ chỉ có hơn 370 tỷ đồng. Đây thực chất là số tiền của người dân đóng góp, nhưng lại được để trong tài khoản của DN và do Bộ này quyết định việc sử dụng.

Trình lên Thủ tướng bản dự thảo mới về Nghị định kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đã bày tỏ, việc tạo nguồn cho quỹ bình ổn giá là cần thiết. Nhưng nếu như giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ, nghĩa là giá đang lỗ, dẫn tới phải tăng giá bán lẻ mà vẫn trích lập quỹ bình ôn giá thì mức giá bán lẻ điều chỉnh sẽ tăng thêm một khoản bằng khoản trích lập quỹ bình ổn giá đó. Khi đó, người dân sẽ không có cơ hội sử dụng xăng dầu với mức giá thấp. Với khoản vốn 842 tỷ đồng như trên, thực chất là khoản dự phòng rủi ro nhưng cũng có thể hiểu là khoản “tồn đọng” vốn trong lưu thông xăng dầu.

Chỉ nên đóng góp Quỹ khi có điều kiện.

Hôm 22/4 vừa qua, nếu như không phải chi tiền thêm 300 đồng/lít cho quỹ thì sau khi trừ đi phần lỗ của DN, giá xăng dầu đến tay người dân đáng lẽ sẽ phải rẻ hơn 86 đồng/lít xăng, rẻ hơn 130 đồng/lít dầu diesel và dầu hỏa cũng sẽ rẻ hơn tới 170 đồng/lít so với mức giá trước khi tăng.

Ngược lại, nếu như doanh nghiệp đã lỗ tới mức phải xả quỹ như hôm 6/3 với các mức xả từ 130-300 đồng/lít, thì có thể hiểu, trong mức lỗ này, đã bao gồm cả yếu tố “trích quỹ”. Giả sử, không phải trích lập quỹ, giá xăng dầu sẽ không lỗ và cũng không đến mức phải sử dụng quỹ để bù.

Trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã kết luận, cơ chế vận hành quỹ bình ổn xăng dầu hiện nay là bất hợp lý. Đặc biệt là cơ chế trích quỹ ngay cả khi đang lỗ là một cách ‘ăn” vào giá vốn của doanh nghiệp, tạo ra quỹ ảo, gây méo mó cơ chế thị trường. Thế nhưng, Bộ Tài chính không đồng tình với quan điểm của bộ Công thương. Bộ Tài chính cho rằng, việc duy trì việc trích quỹ bình ổn phải là thường xuyên, liên tục nhằm mục đích tạo nguồn lực để bình ổn giá xăng dầu trong nước trong từng thời kỳ. Với lý do để linh hoạt trong điều hành, Bộ này đã đề nghị Bộ Công thương bỏ các quy định cơ bản về nguyên tắc trích lập, sử dụng Quỹ như trên trong dự thảo Nghị định. Thay vào đó, Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương để ban hành Thông tư riêng để hướng dẫn riêng về Quỹ này.

Mặc dù vậy, Bộ Công thương vẫn bảo lưu quan điểm khi cho rằng, để bảo đảm việc công khai, minh bạch trong sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu, việc quy định nguyên tắc đối với trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu ngay trong Nghị định là cần thiết. Điều này giúp người dân sẽ nắm bắt được được quy trình vận hành của quỹ bình ổn giá, cũng như giám sát được việc sử dụng quỹ này.

Theo Vietnamnet

Siết xe quá tải, xăng tăng giá…hàng hóa đua nhau tăng giá kép

Giá cước vận tải trong những ngày gần đây đã tăng đột biến từ 50 – 150% sau khi có quyết định siết xe quá tải và xăng tăng giá. Nhiều mặt hàng thiết yếu nhờ thế cũng đua nhau tăng giá.

Hàng hóa tăng giá kép

Theo khảo sát trên thị trường các mặt hàng xây dựng như: xi măng, sắt thép, gạch ngói đã rục rịch tăng giá còn các mặt hàng tiêu dùng gạo, rau củ, hoa quả, đường… đang tăng giá rất nhanh.



Cụ thể, tại các cửa hàng, chợ đầu mối, chợ lẻ tại Hà Nội giá cả đã bắt đầu tăng. Tại chợ đầu mối Long Biên, giá các loại hoa quả tăng đột biến từ 5000 – 10.000 đồng/kg, dưa hấu tăng 6.000 – 8.000đồng/kg, xoài tăng 5.000 – 8.000 đồng/kg, các loại chôm chôm, bơ cũng tăng 5.000 – 10.000 đồng/kg… Các loại rau củ như: khoai tây, cà rốt, táo, lê, nho xanh,…vận chuyển từ Trung Quốc cũng tăng từ 3.000 – 6.000 đồng/kg.

Theo anh Hiển (quê Yên Mỹ, Hưng Yên), một chủ đại lí dưa hấu tại chợ đầu mối Long Biên, giá hoa quả nói chung và giá dưa hấu nói riêng tăng bởi đây chủ yếu là các loại hoa quả nhập từ các tỉnh miền Nam, Trung Quốc vận chuyển đường dài nên bị siết vận tải rất chặt. Chính vì vậy, cước phí vận chuyển mới tăng đột biến. Anh Hiển cho hay, giá cước vận chuyển từ Sài Gòn ra Hà Nội trước đây được tính trung bình từ 1,7 – 2,3 triệu đồng/ tấn nhưng nay giá cước đã tăng lên tới 4, 5 – 5 triệu đồng/tấn.

“Siết xe quá tải, giá xăng dầu tăng làm cho cước vận tải tăng khiến hàng loạt các tiểu thương như chúng tôi sống dở chết dở. Nếu cố nhập hàng thì phải tăng giá bán mà tăng giá đồng nghĩa với tự giết mình lúc này khi lượng mua chắc chắn sẽ giảm vì giá quá đắt”, anh Hiển chia sẻ. Theo anh, trước đây xe 3,5 tấn nhưng lúc nào cũng chở trên 10 tấn nay chỉ siết đúng 3,5 tấn nên giá cước đắt lên gấp đôi, gấp 3.

Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp, tiểu thương đã chấp nhận tăng giá cước vận tải bằng cách đẩy giá bán lên cao để bù lại.

Riêng về mặt hàng gạo tại nhiều cửa hàng gạo trên khu Xuân Thủy, Cầu Giấy, Nghĩa Tân, Đại Từ, Thanh Liệt…đều đồng loạt tăng giá từ 1.000 – 2.000 đồng/kg tùy loại.


Người tiêu dùng phải gánh hậu quả khi siết chặt xe quá tải. Giá cả các loại hàng hóa: gạo, hoa quả, rau củ liên tục tăng trong mấy ngày gần đây.

Chị Thư, một chủ cửa hàng gạo tại ngõ 175 phố Xuân Thủy cho hay: “Không phải khan hiếm gạo, kho gạo mỗi ngày vẫn nhập 3 – 5 tấn như bình thường. Mấu chốt của tăng giá là giá cước vận chuyển và xăng dầu tăng. Chúng tôi không dám tăng giá ngay mà chọn giải pháp tăng dần dần cho người tiêu dùng bớt sốc nặng”.

Theo chị Thư, giá cước vận chuyển đã tăng trên 100% đáng lẽ kho gạo của chị phải tăng giá lên 3.000 đồng/kg mới cân bằng như lúc cước chưa tăng. Tuy nhiên, chị Thư nói sức mua của người dân đang giảm sút mà bây giờ tăng luôn 3.000 đồng họ sẽ không chịu nổi nên kho gạo chấp nhận tăng giá dần dần với mỗi lần tăng là 1.000 đồng/kg cho tất cả các loại gạo.

Tương tự, đường kính cũng tăng từ 500 – 1.000 đồng/kg. Riêng các mặt hàng nước ngọt, nước có ga cũng rục rịch tăng từ 5.000 – 10.000 đồng/thùng. Các loại mặt hàng khô, thực phẩm tươi sống, xi măng, sắt thép… cũng bắt đầu rủ nhau tăng giá! Trong đó các loại vật liệu xây dựng tăng trung bình từ 15 – 20%.

“Người tiêu dùng phải gánh”

Giá hàng hóa tăng, các bà nội trợ lại đau đầu vắt óc bởi các bài toán tiết kiệm khi chính mình là người trực tiếp lãnh hậu quả nặng nề nhất từ việc giá cước vận chuyển và xăng dầu.

Bất ngờ vì nhiều mặt hàng tăng giá cùng lúc, chị Thanh Vân (Xuân Thủy, Hà Nội) thẫn thờ: “Bình thường chợ đầu mối dịch vọng giá là ổn định và rẻ nhất nay cũng bắt đầu tăng giá. Cầm 100.000 đồng đi chợ mà chẳng mua được gì. Cũng biết là cước vận tải tăng là chính đáng nhưng giờ trăm thứ tăng giá thế này trong khi lương còm cõi thì chẳng biết phải tiết kiệm đến mức nào nữa”.

Chị Phương, một công nhân may đang đi chợ Thanh Liệt thật thà: “Mấy ngày nay đi chợ cứ đụng vào cái gì cũng tăng giá, từ rau củ đến thịt cá, gạo. Thật sự tôi chưa bao giờ cảm thấy sợ đi chợ như thế này, mỗi lần nghe thấy tăng giá chỉ nghĩ thôi đã bủn rủn hết chân tay”.

Trao đổi với PV, anh Lưu (công ty TNHH DV vận tải Thái Hùng) cho rằng quyết định siết cước vận chuyển là đúng đắn nhưng đã ảnh hưởng vô cùng lớn đến các công ty vận chuyển, hoạt động vận chuyển giảm sút rõ rệt.

Theo anh Lưu, cước vận chuyển đường bộ tăng là điều không thể thay đổi được nữa! Đây là lúc các tiểu thương cần tỉnh táo để sắp xếp và lựa chọn loại hình vận tải: đường sắt, đường biển…để giảm giá cước xuống đảm bảo hoạt động kinh doanh và gỡ khó cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, vận chuyển bằng đường biển, đường sắt chậm hơn nhiều so với đường bộ cũng là một thách thức lớn!

Theo các chuyên gia nhận định, các doanh nghiệp, tiểu thương cần hết sức thận trọng trong việc tăng giá trong thời điểm hiện nay nếu không sẽ bị phản ứng ngược. Với các mặt hàng bán chậm, ế ẩm thì không nên tăng giá bởi nếu tăng sẽ dẫn đến việc người tiêu dùng tẩy chay, sức mua ngày càng yếu đi.

Các chuyên gia cũng cho rằng các doanh nghiệp, tiểu thương cần tính đến việc thay đổi loại hình vận chuyển lâu dài phù hợp với từng loại mặt hàng để tránh gây hiệu ứng tăng giá đồng loạt cùng lúc khiến người tiêu dùng sốc!.

Hướng Dương

10 xe dẫn động 4 bánh trị giá dưới 25.000 USD tốt nhất

Tất cả đều thuộc dòng xe con hoặc thể thao đa dụng do Kelly Blue Book bình chọn cho năm 2014 tại thị trường Mỹ,

10. Kia Sportage 2014


So với những mẫu SUV cỡ nhỏ hiện đang có mặt trên thị trường, Kia Sportage 2014 thua kém đôi chút về mặt kích thước. Tuy nhiên, mẫu xe thể thao đa dụng đến từ Hàn Quốc lại có lợi thế về mặt giá bán. Ngoài kiểu dáng phong cách và khả năng vận hành khá mạnh mẽ, Kia Sportage 2014 còn tạo sự tự tin cho người lái bằng hệ dẫn động 4 bánh.

9. Nissan Juke 2014


Đây là mẫu xe cỡ nhỏ và độc đáo nhất trong danh sách do Kelly Blue Book bình chọn. Có thể nói, Nissan Juke là sự hòa trộn cân bằng giữa dòng xe hatchback, SUV và thể thao. Với động cơ tăng áp và hệ dẫn động 4 bánh, Nissan Juke 2014 sẵn sàng đưa bạn tới bất kỳ đâu, vào bất kỳ lúc nào.

8. Mazda CX-5 2014


Theo Kelly Blue Book, Mazda CX-5 2014 là mẫu xe SUV cỡ nhỏ đẹp mã và mang đến cảm giác lái thú vị nhất trên thị trường hiện nay. Hệ dẫn động 4 bánh của Mazda CX-5 2014 sẽ khiến bạn càng thêm hài lòng.

7. Nissan Rogue 2014


Được tái thiết kế cho năm 2014, Nissan Rogue là một trong những mẫu SUV cỡ nhỏ sở hữu không gian nội thất đẹp và tinh tế nhất. Ngoài hệ dẫn động 4 bánh, Nissan Rogue 2014 còn được trang bị hàng ghế thứ 3 tùy chọn vừa cỡ trẻ em.

6. Honda CR-V 2014


Đây là năm thứ hai Honda CR-V lọt vào danh sách 10 xe con và SUV dẫn động 4 bánh trị giá dưới 25.000 USD tốt nhất trên thị trường của Kelly Blue Book. Honda CR-V là mẫu xe mà bạn có thể dùng để làm bất kỳ điều gì, đặc biệt khi đi kèm hệ dẫn động 4 bánh.

5. Subaru XV Crosstrek 2014


Quả là thiếu sót nếu không đưa sản phẩm của nhãn hiệu Subaru vào danh sách xếp hạng những mẫu xe dẫn động 4 bánh tốt nhất trên thị trường. XV Crosstrek 2014 không chỉ đa dụng như xe hatchback mà còn được trang bị hệ dẫn động 4 bánh nổi tiếng của gia đình Subaru. Tuyệt vời hơn, XV Crosstrek 2014 còn là mẫu xe đầu tiên của Subaru có phiên bản hybrid.

4. Subaru Impreza 2014


Đây là mẫu xe du lịch dẫn động 4 bánh rẻ nhất mà bạn có thể mua trên thị trường. Sở hữu giá bán hợp túi tiền nhưng Subaru Impreza 2014 lại không gây thất vọng về khả năng vận hành. Điều đó một phần là nhờ hệ dẫn động 4 bánh trứ danh của gia đình Subaru.

3. Subaru Legacy 2014


Sedan cỡ trung là phân khúc xe bán chạy nhất tại thị trường Mỹ hiện nay. Trong đó, Subaru Legacy là mẫu xe duy nhất được trang bị hệ dẫn động 4 bánh tiêu chuẩn. Ngoài ra, thành viên nhà Subaru lại còn khá đẹp mã và đáng tin cậy.

2. Subaru Outback 2014

Hãng Subaru hẳn rất tự hào khi liên tục được Kelly Blue Book nhắc tên trong danh sách 10 xe con và SUV dẫn động 4 bánh trị giá dưới 25.000 USD tốt nhất tại thị trường Mỹ. Sau Subaru Impreza và Legacy, đến lượt Outback 2014 được vinh danh.


Về cơ bản, Subaru Outback là phiên bản wagon gầm cao của Legacy. Nếu cần đi bất kỳ đâu và mang theo nhiều đồ đạc mà không thích xe SUV, bạn đừng bao giờ quên Subaru Outback 2014.

1. Subaru Forester 2014

Đứng đầu trong danh sách 10 xe con và SUV dẫn động 4 bánh trị giá dưới 25.000 USD tốt nhất tại thị trường Mỹ của Kelly Blue Book lại là một thành viên khác đến từ gia đình Subaru. Được tái thiết kế cho năm 2014, Forester là mẫu xe bán chạy nhất của hãng Subaru hiện nay.


Subaru Forester 2014 được xếp ở vị trí số 1 nhờ sự kết hợp giữa kiểu dáng gầm cao, khoang hành lý rộng rãi và tầm nhìn rộng. Trên cả là hệ dẫn động 4 bánh tiêu chuẩn vốn đã mang về danh tiếng cho nhãn hiệu Subaru từ xưa đến nay.

10 xe adventure lý tưởng cho người cao to

Yên cao, tay lái thẳng đứng và bàn đặt chân cho phép người lái cao to gập thoải mái là những ưu điểm của 10 mẫu xe adventure dưới đây.


Đối với những người sở hữu thân hình cao to, chọn môtô phù hợp không phải là chuyện dễ dàng. Xe cruiser dường như là lựa chọn phù hợp nhất cho những người cao to vì giúp họ duỗi thẳng về phía trước. Tuy nhiên, dòng xe cruiser lại khiến xương cụt của người lái chịu nhiều áp lực hơn.

Do đó, giải pháp di chuyển lý tưởng cho những người sở hữu chiều cao trên mức trung bình về lâu về dài chính là dòng xe adventure. Với hệ thống giảm xóc có khoảng chạy dài, xe adventure bao giờ cũng đi kèm yên khá cao. Ngoài ra, dòng xe adventure phù hợp với những chuyến off-road còn được trang bị tay lái thẳng đứng. Bàn đặt chân của xe adventure lùi sâu về phía sau hơn cruiser nhưng lại nằm ở vị trí hợp lý hơn môtô thể thao.

Sau đây là danh sách 10 mẫu xe adventure phù hợp cho người to cao do trang motorcycle.com bình chọn.

10. Honda NC700X

Mẫu xe nhà Honda được vinh dự mở đầu cho danh sách nhờ giá bán khá hợp lý, chỉ 7.499 USD. Không chỉ hợp túi tiền, Honda NC700X còn tiết kiệm nhiên liệu và đi kèm hộp chứa đồ tùy chọn vốn là ưu tiên hàng đầu đối với những ai thường xuyên đi đường dài.


Honda NC700X được trang bị yên cao gần 838 mm, tay lái thẳng đứng và bàn đặt chân lùi sâu về phía sau. Khi ngồi trên Honda NC700X, người lái sẽ chúi về phía trước một chút nhưng không đến mức như xe thể thao nên vẫn cảm thấy thoải mái.

Honda NC700X được trang bị động cơ xi-lanh đôi song song, dung tích 670cc. Không phải là một "quả tên lửa" nhưng Honda NC700X hoàn toàn phù hợp cho việc sử dụng hàng ngày hoặc đi chơi cuối tuần.

9. Ducati Multistrada

Nếu chỉ được phép mua duy nhất một chiếc môtô, nhiều người sẽ sẵn sàng chọn Ducati Multistrada. Đây là một mẫu môtô tuyệt vời để đi lại hàng ngày hoặc chở theo nhiều hành lý cho những chuyến du lịch dài ngày. Thậm chí, Ducati Multistrada còn có thể tham gia những chuyến off-road nhẹ nhàng.


Ducati Multistrada đời mới được trang bị nhiều công nghệ hiện đại như hệ thống đánh lửa kép cải tiến, động cơ mạnh mẽ và đáng tin cậy. Ấn tượng hơn là bộ yên cao 851 mm của mẫu môtô adventure đến từ nước Ý. Kết hợp với đó là tay lái thẳng đứng giúp người điều khiển hoàn toàn không phải chúi về phía trước và bàn đặt chân cho phép đầu gối gập 83 độ. Không chỉ đa dụng, Ducati Multistrada còn hứa hẹn là mẫu môtô dành cho mọi dáng người.

8. Moto Guzzi Stelvio NTX

Moto Guzzi không phải là nhãn hiệu được tất cả mọi người yêu thích. Dòng xe Moto Guzzi có một số đặc điểm riêng khiến người sử dụng không hài lòng, điển hình như chiều cao gầm của Stelvio NTX. Bù lại, Moto Guzzi Stelvio NTX chiều được những người cao to.


Moto Guzzi Stelvio NTX có thể mang đến cảm giác thoải mái cho người cao to nhờ yên tùy chỉnh độ cao, từ 812 - 832 mm. Bên cạnh đó là tay lái cao và thiết kế tạo vị trí ngồi khá thoải mái cho người điều khiển. Bàn đặt chân rộng rãi giúp người lái chỉ gập đầu gối 85 độ.

Bình nhiên liệu có dung tích 32 lít đồng nghĩa với việc Moto Guzzi Stelvio NTX hoàn toàn có thể chạy đường dài. Thêm nữa là hộp đựng đồ cứng và rộng rãi phía sau.

7. Yamaha Super Tenere

Với yên tùy chỉnh độ cao trong khoảng từ 845 - 871 mm, Yamaha Super Tenere rõ ràng là một sản phẩm hấp dẫn trong mắt những tay lái to cao. Với vị trí ngồi cân bằng và cho phép người lái gập đầu gối 86 độ, Yamaha Super Tenere là lựa chọn không thể bỏ qua.


Sở hữu giá bán khởi điểm 14.790 USD, Yamaha Super Tenere được trang bị động cơ xi-lanh đôi song song, dung tích 1.199cc. Xe còn đi kèm hệ thống điều chỉnh lực bám và chống bó cứng phanh ABS an toàn.

6. Triumph Tiger 800XC

Nếu không thích những mẫu xe nặng nề và phân khối lớn, các tay lái to cao có thể chuyển sang Triumph Tiger 800XC. So với phiên bản tiêu chuẩn, Triumph Tiger 800XC có nhiều điểm khác biệt như yên cao hơn và tùy chỉnh trong khoảng từ 843 - 863 mm.


Khi điều khiển Triumph Tiger 800XC, người lái sẽ phải nghiêng một chút về phía trước trong khoảng 3 độ. Trong khi đó, đầu gối có thể gập 86 độ. Bù lại là động cơ và hệ thống xả tạo ra âm thanh được rất nhiều người ưa thích. Triumph Tiger 800XC quả là một mẫu xe nhỏ gọn, đa dụng và phù hợp cho mọi hành trình.

5. KTM 1190 Adventure R

Sau khi được cải tiến, KTM 1190 Adventure R gây ấn tượng mạnh với khối động cơ V-Twin, dung tích 1.195cc mới, hệ thống điện tử, khung gầm và giảm xóc hiện đại. Nhờ đó, KTM 1190 Adventure R có thể đối phó với mọi loại địa hình, từ bùn đất đến đường phố.


So với phiên bản tiêu chuẩn, KTM 1190 Adventure R sở hữu yên cao hơn, đạt mức 889 mm. Bên cạnh đó là hệ thống giảm xóc WP linh hoạt trên mọi địa hình.

Tay lái của KTM 1190 Adventure R có hai vị trí tùy chỉnh. Bản thân bàn đặt chân cũng có thể điều chỉnh theo ý muốn của người lái để phù hợp với mọi dáng người. Khi điều khiển KTM 1190 Adventure R, người lái có thể gập đầu gối 87 độ.

4. Suzuki V-Strom 1000


Với những ai chân dài, Suzuki V-Strom 1000 là cái tên không nên bỏ qua nhờ yên cao 840 mm. Người lái không cần phải nghiêng về phía trước và đầu gối có thể gập 88 độ khi điều khiển Suzuki V-Strom 1000.

3. Aprilia Dorsoduro 750 ABS

Phải thừa nhận, Aprilia Dorsoduro 750 ABS là một mẫu xe hơi khác biệt so với những sản phẩm được liệt kê trong danh sách này. Tuy nhiên, với phong cách thiết kế hầm hố, tay lái và yên rộng, Aprilia Dorsoduro 750 ABS tạo cảm giác khá thoải mái trên những hành trình dài.


Yên xe của Aprilia Dorsoduro 750 ABS cao 871 mm. Đầu gối của người lái sẽ gập 89 độ khi điều khiển Aprilia Dorsoduro 750 ABS. Tuy nhiên, người lái lại phải nghiêng 7 độ về phía trước. Xe được trang bị động cơ V-Twin với công suất tối đa 76,7 mã lực và mô-men xoắn cực đại 47,1 lb-ft.

2. BMW R1200GS

Có thể nói, BMW R1200GS là biểu tượng của dòng xe adventure thế giới. Người tiêu dùng đánh giá rất cao khả năng vận hành của BMW R1200GS khi chạy trên cả đường phố thông thường lẫn đi off-road. Mới đây, BMW R1200GS đã được tái thiết kế toàn diện với khối động cơ Boxer làm mát bằng chất lỏng. Không chỉ tăng công suất tối đa, động cơ còn giúp BMW R1200GS duy trì những ưu điểm vốn được yêu thích bấy lâu nay.


Ngoài ra, BMW R1200GS cũng rất an toàn với hàng loạt thiết bị điện tử như hệ thống chống bó cứng phanh ABS, điều chỉnh lực bám, điều khiển hành trình và giảm xóc thích ứng. Đối với những người cao to, BMW R1200GS sẵn sàng đáp ứng với yên cao từ 850 - 876 mm. Tuyệt vời hơn, đầu gối của người lái có thể gập 91 độ khi ngồi trên BMW R1200GS.

1. Kawasaki KLR650

Sở hữu không ít ưu điểm nhưng Kawasaki KLR650 đáng tiếc lại bị rất nhiều người bỏ qua. Trên thực tế, mẫu xe adventure mạnh 33 mã lực có thể chinh phục nhiều địa hình khác nhau.


Với giá bán chỉ 6.499 USD, Kawasaki KLR650 còn rất hợp túi tiền. Xe đi kèm yên cao 889 mm như để dành cho những vận động viên bóng rổ. Đầu gối của người lái có thể gập 92 độ khi điều khiển Kawasaki KLR650. Nhờ đó, Kawasaki KLR650 là mẫu xe mang lại cảm giác thoải mái nhất cho người cao to trong danh sách này.

Hệ thống kiểm soát độ bám đường trên môtô

Trước khi quyết định có thích hay không, bạn hãy thử tìm hiểu về hệ thống kiểm soát độ bám đường trên môtô để có cái nhìn khách quan hơn.


Hệ thống kiểm soát độ bám đường, viết tắt là TCS (Traction Control System), đã trở thành một phần không thể thiếu trên dòng môtô đời mới hiện nay. Từ môtô thể thao đến đường trường, ngày càng có nhiều mẫu xe được trang bị hệ thống TCS như tính năng tiêu chuẩn. Tất nhiên, vẫn có một số tay lái theo chủ nghĩa thuần túy phản đối việc trang bị hệ thống TCS cho môtô. Do đó, hãy cùng tìm hiểu kỹ về hệ thống TCS để có cái nhìn khách quan hơn.

Những lưu ý cơ bản

Độ bám là một trong những yếu tố trọng điểm để làm chủ một chiếc môtô. Về cơ bản, môtô dựa vào những rãnh nhỏ trên mặt lốp để tiếp xúc với mặt đường. Chỉ một chút diện tích nhỏ như vậy cũng đủ làm nên sự liên kết giữa lốp và mặt đường, giữ cho xe tiếp tục lăn bánh.

Tuy nhiên, độ bám đường bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Ví dụ, nhiệt độ và chất lượng của lốp xe có thể cải thiện độ bám. Ngược lại, nhiệt độ thấp, lốp lắp không đúng kỹ thuật hoặc có vỏ quá dày, một cú xóc hay vặn ga quá mạnh, điều kiện mặt đường như lá khô, cát, đá dăm, dầu loang và nước đều ảnh hưởng tiêu cực đến độ bám đường.

Cách duy nhất để tránh khỏi hoặc làm giảm những mối nguy hiểm khi bị trượt bánh xe là kiểm soát tốc độ và tay ga một cách chắn chắn. Bên cạnh đó, người lái còn phải liên tục điều chỉnh góc nghiêng bánh xe và vị trí ngồi theo thời gian thực để chống lại sự mất kiểm soát độ bám đường.

Các tay lái giàu kinh nghiệm có thể cảm nhận thời điểm bánh xe sắp bị mất độ bám. Đây là kỹ năng được hình thành qua đào tạo và trải nghiệm thực tế trong thời gian dài. Kể cả như vậy, cơ thể con người cũng khó có thể phản ứng kịp.

Độ bám đường có thể được tổng hợp theo sai số giữa tốc độ quay của bánh sau và trước. Khi những tốc độ quay giữa hai bánh quá khác biệt, chúng ta có thể bị rơi vào tình trạng mất kiểm soát độ bám đường.

Có thể nói, ngăn chặn việc mất kiểm soát độ bám đường sẽ là phương pháp hữu hiệu hơn cố gắng điều chỉnh chiếc xe khi sắp rơi vào tình huống nguy hiểm. Các kỹ sư đã tìm ra phương pháp để xác định thời điểm bánh xe có nguy cơ bị trượt ngay cả khi hiện tượng đó chưa hoàn toàn xảy ra. Các bảng mạch điện tử có thể giúp giảm thời gian phản ứng và loại trừ sự can thiệp của người lái vào toàn bộ quá trình xử lý.

Hiểu về hiện tượng bánh xe bị trượt

Bánh sau là đối tượng bị mất kiểm soát trong hầu hết các trường hợp. Tất cả năng lượng do động cơ tạo ra cần phải được chuyển hóa thành động năng tịnh tiến, làm quay bánh xe phía sau và triệt tiêu các lực khác để giữ xe thăng bằng.

Tuy nhiên, những lực này thỉnh thoảng lại quá phức tạp, đặc biệt khi chúng lại tác động lẫn nhau. Người lái di chuyển qua khúc cua trong thực tế sẽ khiến nhiều lực phát sinh tổng hợp và triệt tiêu lẫn nhau. Vậy, làm sao để đầu óc con người ngay lập tức hiểu một hệ thống các lực tác động phức tạp như vậy để có thể xử lý trong một thời gian ngắn? Đây chính là lúc vai trò của mạch điện tử được phát huy.

Khi xe chạy qua một khúc cua, lực ly tâm sẽ cố kéo văng người lái ra khỏi cung đường và mở rộng quỹ đạo vào cua. Do đó, chúng ta phải học cách di chuyển để chuyển trọng tâm ra khỏi xe, trong khi các lực khác tác động vào xe và giữ xe cân bằng.

Người lái có thể nhận ra xe di chuyển không hoàn toàn mượt mà. Xe bị trượt bánh liên tục khi vào cua vì hai bánh quay theo hướng khác nhau. Đây là điều hoàn toàn bình thường vì khi vào cua, bánh trước của xe vẫn quay còn bánh sau lại trượt trên một đường thẳng. Nếu biết kỹ thuật đánh và trả lái, bạn có thể hiểu rõ hơn vấn đề trên.


Bánh trước vẫn quay trong khi bánh sau chỉ trượt khi vào cua.

Tốc độ quá cao sẽ khiến xe mất kiểm soát khi vào cua, đồng thời vòng cua cũng sẽ rộng hơn. Giảm ga lúc này có thể là một ý kiến tốt. Tuy nhiên, nếu đột ngột giảm ga để tăng độ bám đường, xe sẽ bị lắc ngang và khó di chuyển. Một số người sẽ thắc mắc vì sao làm đúng cách, tức là giảm lực kéo động cơ rồi mà vẫn bị tai nạn. Câu trả lời chính là do người lái quá "non tay"!

Ma thuật của ECU và những thiết bị cảm biến

Chúng ta có hai cách để kiểm soát độ bám đường. Đầu tiên là lái xe làm sao để bánh sau không bị trượt. Thứ hai là phụ thuộc vào các thiết bị điện tử để khắc phục các lỗi điều khiển. Việc kiểm soát độ bám đường hiện nay đã trở nên đơn giản hơn nhiều khi các kỹ sư tính toán hết cho bạn. Bạn chỉ cần để các ECU hỗ trợ việc điều khiển chiếc xe một cách có kiểm soát.

ECU của hãng Suzuki.

Đầu tiên, ECU cần thông tin và thu thập dữ liệu từ những vị trí khác nhau. Chúng ta đã biết sự chênh lệch tốc độ giữa hai bánh xe là mấu chốt của vấn đề mất độ bám đường. ECU sẽ sử dụng cảm biến của hệ thống chống bó cứng phanh ABS để biết xe quay nhanh hay chậm.

Ngoài ra, một vài nhà sản xuất còn sử dụng các ECU độc lập cho những tác vụ khác nhau để thu thập và xử lý thêm dữ liệu về cách lái cũng như vị trí xe. Nhờ đó, xe vận hành chính xác hơn trong mọi hoàn cảnh.

ABS có mối liên hệ mật thiết với hệ thống kiểm soát độ bám.

ECU cũng kiểm soát quá trình phun nhiên liệu và đánh lửa nhờ những thông tin như tốc độ quay của động cơ, công suất đầu ra, vị trí tay ga, số... Tất nhiên, ECU có thể cho bạn biết mình sắp rơi vào trạng thái bị trượt. Dù ECU chỉ nhận biết được trong tíc tắc trước khi tình trạng trượt xảy ra nhưng vẫn nhanh hơn hàng nghìn lần so với khả năng phán đoán của bạn.

Quan trọng hơn, ECU có thể phản ứng lại một cách nhanh chóng, chính xác khi dữ liệu của tất cả các cảm biến đã được theo dõi và quét hàng trăm lần mỗi giây. Các tình huống đã được tính toán liên tục. Mỗi phút thay đổi tình trạng vận hành của xe đi kèm các thông số khác nhau và được kiểm soát theo thời gian thực.

Làm sao để lấy lại độ bám đường?

Như đã biết, chúng ta có thể lấy lại độ bám đường bằng cách giảm lực kéo tác động lên bánh sau. Nói đến đây, mọi người chắc hẳn sẽ nghĩ đến chuyện giảm ga. Tuy nhiên, trên thực tế, giảm ga không phải là giải pháp.

Để có thể giảm bớt công suất của động cơ, ECU có 3 phương pháp. Đầu tiên là làm chậm quá trình đánh lửa. Thứ hai là cố ý không đánh lửa trong xi-lanh. Cuối cùng là điều chỉnh bướm ga đối với các xe có hệ thống điều khiển bướm ga điện tử. Các cách này cơ bản được biến hóa khác nhau tùy từng nhà sản xuất. Về chi tiết, đây là bí mật công nghệ của từng hãng.

Ví dụ, hệ thống kiểm soát độ bám đường của Kawasaki cắt giảm nhiên liệu phun vào và cố tình không đánh lửa trong 1 hoặc vài xi-lanh động cơ. Đây là phương pháp đơn giản nhất.

Trong khi đó, Aprillia và BMW sử dụng phương pháp làm chậm quá trình đánh lửa cũng như điều chỉnh bướm ga. Về phần mình, Yamaha sử dụng cả ba phương pháp kể trên.

Nói chung, không thể kết luận phương pháp nào là tốt nhất. Tuy nhiên, theo cách nghĩ thông thường, việc kết hợp cả ba phương pháp có vẻ như là giải pháp tốt nhất.

Phương pháp hoãn đánh lửa

Đây là phương pháp điều chỉnh thô mô-men xoắn và công suất tới bánh sau. Phương pháp này rất nhanh và hiệu quả. ECU đơn giản chỉ cắt giảm lượng nhiên liệu tới một hoặc vài xi-lanh. Cũng có thể ECU sẽ bỏ qua bước đánh lửa. Cần phải nói rằng, năng lượng bị mất đủ để tạo ra sự khác biệt. 25% mô-men xoắn bị giảm trong động cơ 4 xi-lanh sẽ cho hiệu quả tức thì.

Phương pháp đánh lửa chậm

Tương tự như trên, phương pháp đánh lửa chậm điều chỉnh rất nhanh nhưng yêu cầu ngưỡng mô-đun tốt. Thời gian đánh lửa có thể bị làm chậm lên tới 20% trước khi động cơ hoãn đánh lửa. Sự điều chỉnh tinh khiến công suất giảm đi trong một thời gian ngắn, giúp quá trình vận hành diễn ra trơn tru. Mặt hạn chế của phương pháp đánh lửa chậm là không thể được sử dụng độc lập trong tất cả các hệ thống TCS.

Phương pháp điều chỉnh bướm ga

ECU có thể điều chỉnh bướm ga trong môtô hệ thống điều khiển cánh ga điện tử. Thân của bướm ga không hoàn toàn được điều khiển bằng dây cáp và kéo tay. Thay vào đó, hệ thống xung điện tử được sử dụng.

Có loại ECU đi kèm cả hai chức năng là thu thập và xử lý thông tin đồng thời điều khiển bướm ga. Nhờ đó, ECU dễ dàng điều chỉnh với độ chính xác cao. Tuy nhiên, cũng vì ECU điều khiển các phần bên trong xe nên hiệu quả có thể sẽ chậm hơn. Điểm tốt là ECU có thể tính toán được hiệu quả từ 0 đến 100%.

Hệ thống kiểm soát độ bám đường cũng được sử dụng để cấu hình các công nghệ an toàn có liên quan tương tự, ví dụ như kiểm soát khởi động hoặc kiểm soát tay lái. Những hệ thống này gắn bó chặt chẽ với các chế độ lái và phun nhiên liệu do người điều khiển lựa chọn. Các chế độ và phương pháp sẽ tác động lẫn nhau để kiểm soát xe tốt nhất.

Nếu sắp mua một chiếc môtô mới được trang bị các hệ thống như vậy mà không chắc chắn có thích hay không, tốt hơn hết bạn nên chọn loại xe cho phép ngắt các chức năng đó. Nếu theo chủ nghĩa thuần túy hơn, bạn có thể mua một chiếc xe không có TCS và học cách tự kiểm soát độ bám đường. Chúc các bạn lái xe an toàn!

Bảo dưỡng động cơ xe máy khi hè về

Thời tiết nóng nực, bụi bặm tăng cao, mưa nhiều và phố ngập thường xuyên, động cơ xe máy là thứ cần được chú ý bảo dưỡng nhất, không phải cứ thay dầu đúng kỳ là xong.

Ở Việt Nam, đặc điểm đường giao thông ở các đô thị rất bụi bặm vào mùa hè, gặp mưa thì lầy lội là những tác nhân trực tiếp ảnh hưởng đến người sử dụng xe máy, cụ thể là tuổi thọ chiếc xe. Thiếu hiểu biết hay chủ quan trong quá trình sử dụng đều là các nguyên nhân gây ra các hư hại, nhất là liên quan đến động cơ. Đây chính là bộ phận gây tốn kém để sửa chữa nhất, vì khi bổ máy, thay thế trục cam, cò, làm lại hơi tốn từ 1 triệu đến vài triệu đồng. Do đó, các hạng mục dưới đây cần được quan tâm nếu muốn máy khỏe và bền bỉ.

Kiểm tra mức dầu và thay dầu định kỳ

Nhớt: Để máy hoạt động êm ái và mát, điều đầu tiên cần chú ý là thay nhớt đúng hạn. Cần lựa chọn loại nhớt có cấp tính năng và cấp độ nhớt phù hợp với động cơ xe, tốt nhất nên tham khảo từ sách hướng dẫn.

Lọc dầu trên xe Yamha Exciter

Dầu động cơ và bộ lọc dầu định kỳ: Cần kiểm tra mức dầu động cơ ít nhất một lần mỗi tháng, đừng chỉ dựa vào đèn báo trên bảng đồng hồ. Để kiểm tra, rút que thăm dầu ra lau sạch, sau đó cắm trở lại và rút lên lần nữa. Nếu thấy có một lớp dầu mỏng bám ở que thăm dầu quanh mức “F” và dầu không quá đặc thì mọi thứ vẫn ổn. Ngược lại, cần châm thêm hoặc thay mới dầu hoàn toàn. Một lưu ý quan trọng là khi thay dầu cũng cần thay lọc dầu.

Với những xe làm mát bằng chất lỏng, thường xuyên lưu ý châm thêm nước

Nước làm mát (với những xe làm mát bằng chất lỏng): Không đủ nước làm mát sẽ làm động cơ nhanh nóng và dẫn đến những tổn hại nghiêm trọng. Kiểm tra bình nước phụ và châm thêm nước làm mát nếu không đạt yêu cầu. Phần lớn các nhà sản xuất khuyến cáo nên thay nước làm mát động cơ sau khoảng 12 tháng.

Bộ lọc gió trên xe máy

Lọc gió: Nếu xe chạy dưới 10.000km/năm, nên thay bộ lọc khí hai năm một lần, còn nếu xe chạy nhiều hơn, trên 16.000 km thì mỗi năm xe cần có bộ lọc mới. Chăm sóc xe thường xuyên: Rửa xe mỗi khi đi đường lầy lội hoặc thấy các chi tiết xe bám quá nhiều bụi, cặn bẩn; sau khi rửa sạch cần để khô hoặc xì khô xe trước khi sử dụng lại.

Ngoài ra cần thường xuyên kiểm tra các phớt làm kín của nắp bình xăng, nắp châm nhớt, để đảm bảo bụi và hơi nước không thể tạp nhiễm vào dầu từ những vị trí này. Theo thời gian thông qua quá trình hoạt động của động cơ, cặn bùn sẽ hình thành, rất khó hoặc thậm chí là không thể tháo bỏ cặn bùn thông qua đường tháo dầu nhớt thông thường, dẫn đến những hư hại do động cơ mất tính bôi trơn, mất công suất động cơ, tăng tiêu hao nhiên liệu, quá nhiệt động cơ, áp suất dầu không ổn định, tăng mài mòn và giảm tuổi thọ động cơ. Tệ hại hơn, khi cặn bùn “khóa chặt” các đường dẫn dầu nhớt trong động cơ, dầu nhớt sẽ không thể bơm lên các vị trí cần bôi trơn, gây ra những hư hỏng nghiêm trọng trong động cơ đến mức có thể buộc phải thay động cơ mới.

Theo Ô tô xe máy

Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

Chiếc xe không chỉ chạy bằng xăng dầu

Từ 12 giờ ngày 22.4, xăng A92 tăng 210 đồng/lít. Cùng với xăng, dầu diezen cũng tăng 170 đồng/lít. Tăng giá xăng dầu ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân và đẩy giá các loại hàng hóa và dịch vụ tăng theo.

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Tuy nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu luôn đưa ra những lý do tăng giá để thuyết phục Bộ Tài chính và Bộ Công thương. Người dân và doanh nghiệp chỉ việc rút tiền túi để chi thêm cho khoản tăng đó.

Nhưng lần tăng này trúng ngay thời điểm siết trọng tải xe. Siết trọng tải xe là đúng, không nói lôi thôi gì sất. Và tất nhiên kéo theo cú siết này là giá vận tải tăng cao. Doanh nghiệp không có nhiều sự lựa chọn để vận tải hàng hóa, bởi vì đường sắt thì làm ăn như thời bao cấp, đường biển cũng không lợi ích gì, chỉ có đường bộ gồng gánh.

Phí vận tải tăng vì siết trọng tải, phí lại tăng chồng vì tăng giá xăng dầu. Ngoài những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối phó, cuối cùng, thì người tiêu dùng phải trả cho giá đầu ra của món hàng. Trăm dâu đổ đầu tằm là vậy.

Nhưng phí vận tải hàng hóa không chỉ tăng do siết trọng tải hay giá xăng dầu tăng, mà còn một khoản phí khác, đó là nạn mãi lộ. Một chuyến hàng xuôi Bắc hay ngược Nam không chỉ trả tiền xăng dầu. Đây cũng là một yếu tố làm mất sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước.

Bi hài kịch của thị trường vận tải còn được nhìn thấy ở các góc khuất khác. Nhà xe phải chở quá tải để bù đắp các chi phí tiêu cực. Nhưng khi qua được cảnh sát giao thông thì cũng phải đối phó với các trạm cân. Đối phó bằng nhiều cách như né đường, né giờ kiểm tra và có luôn cả đút lót. Trả lời phỏng vấn báo Tiền phong ngày 18/4, bài Xe quá tài vẫn thoát nếu “làm luật”, ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TPHCM cho biết, xe quá tải vẫn có thể qua được trạm kiểm soát nếu chịu làm luật 1,2 triệu đồng/chuyến.

Vậy là thêm một loại chi phí vào giá thành vận tải. Bởi vì chiếc xe không chỉ chạy bằng xăng dầu.

Vậy thì vấn đề đặt ra là làm thế nào để lành mạnh hóa thị trường vận tải Việt Nam. Những doanh nghiệp làm ăn chân chính chỉ muốn chở đúng tải, không phải chung chi cho mãi lộ hay đút lót trạm cân. Họ muốn kinh doanh và cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, uy tín thương hiệu. Nhưng những loại tiêu cực đang tồn tại làm méo mó thị trường. Muốn làm ăn tử tế cũng không xong.

Phân tích như vậy để thấy rằng, nếu tăng giá xăng dầu theo quy luật của thị trường thì bắt buộc mọi chủ thể kinh doanh và tiêu dùng đều phải chấp nhận. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải sẽ cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ sẽ có nhiều cơ hội để thành công và phát triển.

Và, thiết lập lại một thị trường lành mạnh không phải chỉ là siết tải trọng mà phải dẹp cho bằng được các tiêu cực đang hoành hành.

Lê Chân Nhân

Xây dựng đường ống dẫn xăng dầu từ Việt Nam sang Lào

Ngày 25/4 tại Vientiane, Công ty cổ phần Lào Petro (PetroLao), Công ty Ennergy Commodities (Slovakia), Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL) và Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh đã ký kết các thỏa thuận hợp tác triển khai nghiên cứu lập báo cáo khả thi “Xây dựng kho ngoại quan và đường ống dẫn dầu từ cảng Hòn La (Việt Nam) sang tỉnh Khammouane của Lào.



Dự án xây dựng kho ngoại quan và đường ống dẫn dầu từ cảng Việt Nam sang Lào là dự án quan trọng được sự thỏa thuận và thống nhất của hai Chính phủ Việt Nam và Lào nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa hai nước, đồng thời giúp Lào đảm bảo được an ninh năng lượng, tiết kiệm được phí vận chuyển xăng dầu nhập khẩu.

Dự án gồm hai đường ống trong đó một đường ống dẫn xăng, một đường ống dẫn dầu và có thể có đường ống dự phòng. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ góp phần tăng cường giao thương, rút ngắn được hàng trăm km đường vận chuyển, góp phần đảm bảo ổn định và phát triển ngành năng lượng của Lào.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Liane Thykeo, Bộ trưởng Tài chính Lào chân thành cảm ơn các đối tác đã hợp tác giúp đỡ và khẳng định, đây là một dự án quan trọng giúp Lào đảm bảo an ninh năng lượng trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước.

Ông hứa sẽ cùng các bên hữu quan của Lào tạo mọi điều kiện để dự án được triển khai đúng như mong muốn, thúc đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo, góp phần vun đắp tình đoàn kết đặc biệt, hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào ngày càng phát triển bền vững./.

Doanh nghiệp xăng dầu 'dọa' kiện Bộ Tài chính

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho hay tại Hội nghị “Thủ tướng với các doanh nghiệp” tổ chức ngày 28/4 tới đây, chủ tịch Hiệp hội sẽ báo cáo với Thủ tướng về vụ truy thu thuế gây tranh cãi. Nếu vấn đề vẫn chưa được giải quyết, Hiệp hội sẽ kiện Bộ Tài chính ra tòa.

Trước đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan truy thu gần 350 tỷ đồng đối với các “đại gia” xăng dầu. Việc truy thu này bắt nguồn từ việc Bộ Tài chính ban hành Văn bản số 17060 ngày 7/12/2102 yêu cầu Tổng cục Hải quan phải thay tờ khai hải quan với các lô hàng xăng dầu chuyển từ tạm nhập tái xuất sang tiêu thụ nội địa. Đáng chú ý, thời điểm tính thuế được văn bản này hướng dẫn là tính từ thời điểm đăng ký tờ khai hải quan thay thế.

Bộ Tư pháp đã “tuýt còi”...

Trong khi trước đó các doanh nghiệp thực hiện kê khai và nộp thuế theo quy định tại Thông tư 194 của Bộ Tài chính, tức không cần đăng ký tờ khai mới, chỉ cần khai và nộp thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt. Với việc phải thay tờ khai mà bản chất là thay đổi thời điểm tính thuế nhập khẩu xăng dầu thì các doanh nghiệp buộc phải nộp bổ sung hàng trăm tỷ đồng tiền thuế cho năm 2012.



Người dân đang kêu vì xăng dầu thường xuyên tăng giá. Doanh nghiệp xăng dầu lại kêu thuế truy thu

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng như các doanh nghiệp cho rằng nội dung Văn bản số 17060 trái với quy định của Nghị định 154 của Chính phủ cũng như Thông tư 194 do chính Bộ Tài chính ban hành. Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) chính thức có công văn gửi Bộ Tài chính khẳng định việc truy thu thuế với các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu là không có cơ sở pháp lý và kiến nghị hủy bỏ Công văn số 17060.

Mới đây nhất, ngày 2/4/2014, Hiệp hội tiếp tục có công văn đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét xử lý việc truy thu thuế đối với tám doanh nghiệp đầu mối nhưng vẫn không nhận được văn bản trả lời. Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã nhiều lần đề nghị Bộ Tài chính tổ chức gặp mặt với Hiệp hội với sự tham dự của các doanh nghiệp đầu mối để giải quyết dứt điểm vụ việc nói trên nhưng không nhận được hồi âm. Bởi vậy, tại Hội nghị “Thủ tướng với các doanh nghiệp”, Hiệp hội dự kiến sẽ có báo cáo trực tiếp để Thủ tướng có phân xử rõ ràng.

Không xong sẽ phải ra tòa

Tiếp xúc với PLVN, một số doanh nghiệp đầu mối cho rằng đang bị thiệt hại nghiêm trọng sau khi bị Bộ Tài chính đưa vào danh sách truy thu thuế nhập khẩu xăng dầu tạm nhập tái xuất.

“Công ty buộc phải nộp hơn 10 tỷ đồng tiền truy thu thuế khiến cổ đông công ty “nổi giận” đòi lãnh đạo công ty giải trình rõ ràng. Chúng tôi trước mắt chỉ giải thích là nộp tạm thời chứ chưa mất khoản tiền này. Không nộp khoản tiền này, công ty chúng tôi sẽ bị treo nợ thuế, các lô hàng sau sẽ bị dừng, không nộp chúng tôi còn bị tính lãi khoản nợ này” - ông này ngán ngẩm.

(Theo báo Pháp luật)

Doanh nghiệp xăng dầu: Lời ăn, lỗ bỏ?

Cả nước có gần 20 doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đầu mối, cùng hàng trăm tổng đại lý, đại lý bán lẻ với gần 15.000, nhưng mức độ cạnh tranh khốc liệt chỉ tập trung ở nơi có điều kiện hạ tầng thuận lợi. Ở vùng sâu, vùng xa, do cước vận chuyển cao và nhiều rủi ro, thì Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) phục vụ gần như tuyệt đối.


Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa), các DN lớn, lâu đời bị cạnh tranh quyết liệt dẫn đến phải thu hẹp thị phần, đặc biệt là tại khu vực phía nam. Không ít trường hợp DN tranh giành đại lý xăng dầu của nhau.

Theo quy định, đại lý, cửa hàng xăng dầu chỉ được phép ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với 1 DN đầu mối hoặc tổng đại lý, nhưng trên thực tế, các tổng đại lý/đại lý thường xuyên “bắt tay” với nhiều DN đầu mối để bán xăng dầu.

Sự cạnh tranh này thể hiện rõ nhất là mức chênh lệch giữa giá bán buôn với giá bán lẻ, mức chi hoa hồng giữa các đầu mối với tổng đại lý, đại lý bán lẻ.

Theo Bộ Tài chính, mức hoa hồng này cao nhất chỉ là 430đ/lít, nhưng trên thực tế, các DN thường xuyên cho các đại lý hưởng mức cao hơn, có thời điểm tới hơn 1.000đ/lít. Sự cạnh tranh để hút đại lý cũng khiến lợi nhuận của các DN đầu mối bị san sẻ. Do vậy, phần đông các DN đều chọn kinh doanh ở các địa bàn thuận lợi, bỏ trống những địa bàn khó khăn. Vùng sâu, vùng xa gần như vắng bóng các DN xăng dầu.

Ông Trần Ngọc Năm - Phó TGĐ Petrolimex (DN hiện chiếm khoảng 50% thị phần xăng dầu cả nước) - cho biết: Tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, thị phần của Petrolimex thậm chí là 100%, trong khi ở các thành phố lớn, như TPHCM - thị phần của tập đoàn này chỉ còn khoảng 20%.

Bà Trần Thị Thu Hương - GĐ Cty xăng dầu Hà Giang - chia sẻ: Do đường sá xa xôi, để vận chuyển xăng dầu từ HN (tại tổng kho Đức Giang) lên đến Hà Giang, trung bình chi phí vận chuyển khoảng 709đ/lít xăng, dầu. Còn nếu tính từ đầu nguồn (tại Cty xăng dầu B12 - Quảng Ninh) lên đến Hà Giang, cước phí vận chuyển bình quân lên tới 1.217đ/lít, lên đến huyện Mèo Vạc (Hà Giang) là 1.595đ/lít.

Trong khi theo quy định, giá xăng, dầu bán ở các vùng khó khăn (được tính là vùng 2) được cộng thêm 2% thì cũng chỉ tương đương khoảng 400đ/lít xăng dầu.

Đó là chưa kể đưa xăng dầu lên đến Đồng Văn, Mèo Vạc còn bị hao hụt lớn do chênh lệch nhiệt độ, độ cao, khiến mỗi xe hàng có khi hao hụt tới 200-300 lít. Bên cạnh đó là những khó khăn do chi phí đầu tư xây dựng các cây xăng, chi phí quản lý vận hành cao, nhưng lượng bán thấp, khiến các DN đầu mối đều không mặn mà.

Ông Trần Ngọc Năm cho biết: Năm 2013, Petrolimex đã phải bù lỗ cho Cty xăng dầu Hà Giang 7,7 tỉ đồng do kinh doanh ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa như tại 6 huyện vùng cao núi đá là Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc, Xín Mần, Hoàng Su Phì.

Đây là các huyện nghèo của Hà Giang, đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn, hiện duy nhất Petrolimex phủ kín 100% địa bàn các huyện này, với 9/23 cửa hàng trên toàn tỉnh. Để làm nhiệm vụ chính trị, hằng năm Petrolimex đều có kế hoạch bù lỗ cho các đơn vị thành viên kinh doanh ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa như Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, năm 2013 khoảng 100 tỉ đồng. Năm nay, tập đoàn đang xem xét bù lỗ cho Quảng Trị, Cà Mau...

Bất cập trong cơ chế giá xăng dầu đã khiến DN phải bù chéo giá trong nội bộ tập đoàn, trong khi không thu hút được các nguồn lực từ bên ngoài. Tại nhiều địa bàn, tập đoàn cung ứng xăng dầu không phải vì mục tiêu lợi nhuận, mà để làm nhiệm vụ chính trị.

Đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đề nghị, liên bộ Tài chính - Công Thương cần tính toán điều chỉnh dần từng bước để có sự dãn cách về giá bán giữa các vùng thuận lợi và các vùng khó khăn, thu hút nhà đầu tư tham gia thị trường...

Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

Ukraine phải thanh toán thêm 11 tỷ USD hóa đơn khí đốt

Theo Reuters, Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đã chuyển thêm một hóa đơn khí đốt bổ sung trị giá 11,4 tỷ USD cho công ty năng lượng Naftogaz của Ukraine, cao gấp 5 lần số tiền trước đó.


Động thái này sẽ gây thêm sức ép đối với Kiev trong bối cảnh đang nảy sinh mâu thuẫn Đông-Tây sâu sắc nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Một nguồn tin từ Gazprom cho biết khoản tiền 11,4 tỷ USD đã được bổ sung vào hóa đơn 2,2 tỷ USD mà công ty Naftogaz đã nợ trong những lần mua khí đốt năm 2013 và 2014 cho đến nay.

Nguồn tin nhấn mạnh rằng hóa đơn này đã được chuyển cho Naftogaz hôm 23/4 và liên quan tới việc công ty này không đáp ứng một điều khoản "mua và thanh toán" các nguồn khí đốt.

Trong khi đó, hãng thông tấn Interfax ngày 24/4 đưa tin Phó Giám đốc điều hành tập đoàn Gazprom Alexander Medvedev đã tiết lộ với báo giới về hóa đơn trên tại thủ đô Paris của Pháp. Cả Gazprom và Naftogaz đều từ chối bình luận về thông tin trên./.

TQ không xuất dầu thô sang Bắc Hàn trong quý 1 năm 2014

Tàu tuần tra Bắc Hàn trên sông Yaly ở thị trấn Sinuiju của Bắc Hàn và thị trấn biên giới Đan Đông của Trung Quốc vào ngày 10 tháng 4 năm 2013.


Trong ba tháng đầu năm nay, Trung Quốc không xuất khẩu lượng dầu thô nào sang Bắc Hàn. Dữ liệu của cơ quan mậu dịch của chính phủ Hàn Quốc đưa ra hôm qua cho thấy như vừa nêu.

Hồi năm ngoái trong các tháng hai, sáu và bảy việc ngưng xuất dầu thô từ Trung Quốc sang Bắc Hàn cũng từng đã diễn ra. Tuy nhiên đây là một tiền lệ chưa từng có với suốt ba tháng Trung Quốc ngưng không xuất dầu thô sang Bắc Hàn.

Theo nhận định của một nhà ngoại giao Hàn Quốc ở Bắc Kinh thì biện pháp đó sẽ tác động đến nền kinh tế của Bắc Hàn. Thống kê cũng cho thấy tổng kim ngạnh xuất khẩu của Trung Quốc sang Bắc Hàn giảm gần 3% chỉ còn 1 tỷ 270 triệu trong quí một năm nay.

Biện pháp ngưng xuất khẩu dầu thô sang Bắc Hàn suốt quí một diễn ra khi mà phía Bắc Hàn đưa ra đe dọa tiến hành một vụ thử nghiệm hạt nhân mới.

Giá dầu giảm do dự trữ dầu thô của Mỹ tăng cao kỷ lục

Giá dầu giảm trong ngày 23/4 khi lượng dầu thô dự trữ hàng tuần của Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục nhờ các hoạt động kinh tế sôi động trở lại ở nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới này. Giá dầu ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) giao tháng 6/2014 tại thị trường New York (Mỹ) giảm 31 xu xuống còn 101,44 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent biển Bắc giao tháng 6/2014 tại London giảm 16 xu xuống 109,11 USD/thùng.

Trước đó, Bộ Năng lượng Mỹ thông báo lượng dầu thô dự trữ của nước này đã tăng 3,5 triệu thùng lên 397,7 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 18/4. Đây là mức cao nhất kể từ khi Bộ Năng lượng Mỹ bắt đầu công bố số liệu hàng tuần về lượng dầu thô dự trữ của Mỹ từ năm 1982 và cũng là mức cao nhất kể từ năm 1931.


Mức tăng trên vượt xa dự kiến của giới phân tích (với ước tính tăng 2,4 triệu thùng, theo khảo sát của hãng tin Dow Jones Newswire).Theo nhà phân tích John Kilduff của Again Capital, phản ứng của thị trường đã dịu bớt khi Bộ Năng lượng Mỹ thông báo lượng dầu thô dự trữ của kho dự trữ quan trọng ở Cushing, Oklahoma đã giảm 800.000 thùng xuống 26 triệu thùng.

Các nhà đầu tư tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình tại Ukraine, điểm trung chuyển quan trọng trong hoạt động xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga sang châu Âu.Nhà phân tích Tim Evans của Citi Futures cho hay các thương nhân vẫn thận trọng trước bất kỳ diễn biến nào tại Ukraine - có thể "hạ nhiệt" căng thẳng hoặc làm tăng khả năng gián đoạn nguồn cung dầu khí từ Nga./.

Giá xăng dầu “đổ lửa” lên vận tải

Trong bối cảnh ngành vận tải gặp khó khăn, cước vận tải đã tăng từ 2-3 lần khi Bộ GTVT thực hiện siết trọng tải xe, thêm vào đó, 5 ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5 đã cận kề thì xăng dầu lại điều chỉnh tăng giá. Động thái này chẳng khác nào “thêm dầu vào lửa”.

Áp lực tăng cước

Từ 12h trưa 22-4, xăng dầu đã đồng loạt điều chỉnh tăng giá. Trong đó, xăng là mặt hàng tăng cao nhất với 210 đồng/lít cho cả RON 95 và RON 92, lần lượt là 25.400 đồng và 24.900 đồng. Với dầu diesel mức tăng là 170 đồng, với dầu hỏa, mức tăng ít hơn (130 đồng), từ 22.350 lên 22.480 đồng/lít. Lần tăng giá xăng dầu gần đây nhất (ngày 19-3), mức điều chỉnh của xăng là 180 đồng/lít, dầu diesel tăng 70 đồng. Việc điều chỉnh giá xăng trong bối cảnh hiện nay khiến các doanh nghiệp vận tải hàng hóa cũng như vận tải hành khách chịu thêm áp lực tăng cước.


Một tháng nay, Bộ GTVT cùng Bộ Công an và các địa phương ráo riết vào cuộc, siết lại trọng tải xe đã khiến các doanh nghiệp vận tải hàng hóa kêu trời vì giá cước tăng. Theo nhận định từ Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, giá cước vận tải đã tăng từ 2-2,5 lần so với trước. Đại diện một doanh nghiệp thép tại Bắc Ninh cho biết, ngay sau khi thực hiện việc siết trọng tải xe, mỗi 1kg thép phải chịu thêm 1.500 đồng cước vận chuyển.

Tương tự, ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc Tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí cho biết, nhu cầu vận chuyển hàng hóa của đơn vị này vào khoảng 1,3 triệu tấn/năm, trong đó, khoảng 500.000 tấn vận chuyển bằng đường bộ. Đơn vị này đã phải làm việc với doanh nghiệp vận tải, đàm phán tìm ra hướng giải quyết chung, mỗi bên sẽ gánh một ít trong việc tăng giá cước.

Câu chuyện về “cân xe” còn chưa hết “nóng” thì động thái tăng giá xăng dầu càng làm khó cho ngành vận tải. Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng phản ánh, từ khi thực hiện cân xe siết tải trọng, cước vận tải hàng hóa đã tăng đáng kể. Cụ thể như, vận chuyển hàng bằng container từ Hải Phòng- Hà Nội tăng từ 500.000-700.000 đồng/chuyến so với trước kia, còn vận chuyển hàng rời thì cước tăng gấp đôi. Theo tính toán, trong chi phí đầu vào, dầu chiếm khoảng 30-35% giá thành cước vận tải, việc điều chỉnh tăng giá dầu từ 130-170 đồng/lít vừa qua tuy không tác động lớn đến cấu thành giá cước nhưng cũng khiến các doanh nghiệp vận tải bức xúc. “Với mức tăng nhẹ này, vào thời điểm khác các doanh nghiệp vận tải cũng vui vẻ chấp nhận, nhưng trong bối cảnh hiện nay thì dường như không có tinh thần chia sẻ”, ông Lê Văn Tiến bày tỏ.

Vận tải khách lo ngại “tăng vé mồm”

Vận tải hành khách đến thời điểm này cũng bắt đầu “sốt” vì lượng khách đi lại được dự báo tăng khá mạnh. Một số hãng xe uy tín như Phương Trang, Mai Linh, Văn Minh trong những ngày cao điểm đã “cháy” vé. Bến xe miền Đông và miền Tây đã có thông báo điều chỉnh giá vé từ 30-40% để bù đắp chiều xe chạy không.

Tại Hà Nội, đến thời điểm này chưa có doanh nghiệp nào đăng ký tăng giá cước đi lại dịp 30-4, tuy vậy, việc tăng giá xăng dầu áp sát kỳ nghỉ khiến nhiều doanh nghiệp trở tay không kịp. Một chuyên gia trong ngành vận tải nhận định, động thái tăng giá xăng dầu sát kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 chẳng khác nào “đánh úp” doanh nghiệp vận tải khách.

Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Xí nghiệp bến xe phía Nam (Giáp Bát) cho biết, ngay từ đầu tháng 4, đơn vị này đã có kế hoạch về việc tăng cường xe cũng như thông báo đăng ký tăng giá cước trong dịp nghỉ lễ sắp tới. Hạn chót để các doanh nghiệp đăng ký tăng giá là ngày 25-4. “Nếu muốn tăng giá cước, các doanh nghiệp vận tải phải cần thời gian khoảng 10 ngày để hoàn tất thủ tục, in ấn vé, ra thông báo. Tuy nhiên, xăng dầu tăng giá vào ngày 22-4 vừa qua khiến các doanh nghiệp không kịp trở tay”. Mặc dù đến thời điểm này, chưa có doanh nghiệp vận tải khách nào đăng ký tăng giá cước trong đợt nghỉ lễ sắp tới, nhưng ông Nguyễn Tất Thành không khỏi lo lắng, trước sức ép tăng giá xăng dầu vừa qua sẽ xuất hiện tình trạng “tăng vé mồm”. “Các doanh nghiệp vận tải không kịp đăng ký tăng giá cước vì hạn chót là ngày 25-4. Song, tôi lo ngại, một số chủ xe, lái xe sẽ tăng giá ngoài bến đối với những hành khách bắt xe dọc đường”, lãnh đạo bến xe phía Nam bày tỏ.

Ngân Tuyền

Công khai, minh bạch hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương vừa có Chỉ thị 11/CT-BCT về việc tăng cường công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu.


Điện, xăng là các hàng hóa thiết yếu có ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân. Trong thời gian qua, giá xăng, dầu chịu sự điều tiết của Nhà nước và việc điều chỉnh giá điện và giá xăng dầu đã từng bước được thực hiện một cách công khai, minh bạch với sự giám sát của cơ quan Nhà nước và người tiêu dùng.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để tăng cường hơn nữa việc công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện và xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chỉ thị Cục Điều tiết Điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức triển khai việc công khai, minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện, nhất là công khai về giá, các yếu tố hình thành giá. Thực hiện công bố giá điện theo cơ chế thị trường, bao gồm giá bán điện và giá truyền tải, báo cáo quyết toán tài chính (có kiểm toán) và kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp,…

Đồng thời, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về cơ chế, chính sách giá điện, cơ chế điều hành giá điện và sản xuất kinh doanh điện và thực hiện công bố giá điện theo cơ chế thị trường, công khai các yếu tố cấu thành giá bán điện và phương án điều chỉnh giá bán điện.

Đối với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ thị phải phối hợp với Vụ Thị trường trong nước công khai, minh bạch các hoạt động kinh doanh xăng dầu, nhất là công khai về giá, các yếu tố hình thành giá, việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ Bình ổn giá trên website của Bộ Công Thương.

Công bố thu nhập của viên chức quản lý doanh nghiệp

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng chỉ thị Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với một số cơ quan cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) định kỳ hàng năm công bố Báo cáo đánh giá xếp loại doanh nghiệp, báo cáo các khoản thu nhập bình quân của người lao động, tình hình tiền lương, thù lao, tiền thưởng và thu nhập bình quân hàng tháng của từng viên chức quản lý doanh nghiệp của mỗi Tập đoàn.

Đặc biệt, Vụ Tài chính theo định kỳ 6 tháng phải công bố kết quả sản xuất kinh doanh của EVN và Petrolimex; đồng thời báo cáo giám sát tài chính của hai Tập đoàn này.

Thanh Hoa

Xăng dầu theo thị trường kiểu ngược chiều thế giới

Sau nhiều lần sửa chữa, dự thảo mới nhất Nghị định kinh doanh xăng dầu đã được trình Thủ tướng. Tuy nhiên, các bộ vẫn chưa thể thống nhất với nhau về cách tính giá xăng dầu. Các doanh nghiệp lo ngại giá trong nước sẽ tiếp tục trái chiều giá thế giới.

Không sát với giá thế giới

Theo dự thảo nghị định thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, các căn cứ biến động đầu vào để điều chỉnh giá bán lẻ vẫn giữ nguyên như các mốc 7%, 12% hiện nay.

Khác với hiện nay, giá bán lẻ xăng dầu sẽ được điều chỉnh theo tần suất 15 ngày/lần thay vì 10 ngày, đồng thời, sẽ được tính theo giá bình quân giá 15 ngày đầu của chu kỳ dự trữ (30 ngày). Đây là điểm đang gây tranh cãi nhiều nhất giữa các Bộ và doanh nghiệp.

Chia sẻ với PV, SaigonPetro cho biết, với cách tính mới, thị trường xăng dầu sẽ phát sinh kịch bản, giá bán lẻ xăng dầu sẽ tăng vào giữa lúc giá thế giới trong 10-15 ngày qua đang đi xuống, bởi vì giá 15 ngày trước đó, tức nửa đầu chu kỳ dự trữ ở mức cao.

Ngược lại, với lý do tương tự, khi giá thế giới đang tăng thì giá xăng dầu trong nước lại giảm.

Áp dụng cách tính mới với diễn biên giá xăng dầu 30 ngày qua, từ ngày 18/3 đến 16/4, SaigonPetro cho rằng có sự chênh lệch rất lớn.

Giá xăng trong nước luôn chệch chiều thế giới (ảnh: P.H)

Nếu tính theo 15 ngày đầu, giá xăng bình quân là 115,12 USD/thùng, giá dầu diesel là 121,19 USD/thùng. So với giá cơ sở, giá xăng bán lẻ lỗ 114 đồng và dầu diesel lỗ 19 đồng.

Nhưng nếu tính theo 15 ngày cuối chu kỳ, giá xăng bình quân là 116,7 USD/thùng, dầu diesel là 121,97 USD/thùng. Khi đó, giá xăng sẽ lỗ nặng hơn, tới hơn 382 đồng/lít, và giá dầu diesel lỗ tới hơn 136 đồng/lít.

Như vậy, thay vì tăng giá xăng gần 382 đồng/lít thì doanh nghiệp sẽ chỉ được phép tăng giá xăng hơn 114 đồng; dầu diesel cũng tương tự, sẽ chỉ được tăng 19 đồng/lít thay vì 136 đồng/lít.

Dường như, tình huống này sẽ có lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu thị trường xăng dầu diễn ra chiều ngược lại, người tiêu dùng sẽ chịu thiệt thòi lớn khi phải chấp nhận mức giá tăng cao hơn thời điểm hiện tại; hoặc, chỉ được hưởng mức giá giảm nhẹ hơn so với mức giảm của thế giới; thậm chí, có thể không được giảm trong khi giá thế giới đã giảm mạnh.

Đó là chưa kể, các doanh nghiệp nhỏ có thể lợi dụng điểm hở này để làm ăn chộp giật, gây cạnh tranh không lành mạnh.

SaigonPetro phân tích, trường hợp thứ 3, giá 15 ngày đầu của chu kỳ dự trữ đang tương ứng với giá bán trong nước thì giá sẽ được giữ nguyên, trong khi đó, thực tế, giá xăng dầu của 10 đến 15 ngày gần nhất so với hiện tại có thể đang biến động bất thường.

Nếu là xu hướng giảm, những doanh nghiệp nhỏ sẽ tranh thủ nhập hàng, tăng thù lao cao về để đẩy hàng bán ngay, hưởng chênh lệch lớn kiếm lời. Các doanh nghiệp lớn sẽ buộc phải tăng thù lao theo để giữ thị phần, chấp nhận lỗ. Còn khi giá thế giới đang có xu hướng tăng cao, nhưng do giá bán lẻ không được tăng, những DN này có thể bỏ thị trường, không nhập hàng.

Đây là điều đã thường xảy ra trên thị trường hiện nay trong khi Nhà nước không kiểm soát được việc chấp hành dự trữ lưu thông đủ 30 ngày của doanh nghiệp.

Lo ngân sách phải bù chi phí cho doanh nghiệp

Trước đó, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương cũng đã thừa nhận, một trong những sự bất hợp lý của Nghị định 84 hiện nay là quy định tính giá xăng dầu dựa trên biến động 30 ngày đã tạo ra độ trễ giữa giá trong nước và giá thế giới. Đây cũng là lý do mà chu kỳ tính giá được rút ngắn lại.

Trên thực tế, hiện vẫn có ý kiến trái chiều nhau giữa các bộ này. Là đơn vị chủ trì soạn thảo Nghị định 84, Bộ Công Thương đề xuất phương án như trên với lý do, nếu áp dụng phương án 2, tính giá theo 15 ngày cuối chu kỳ, sát ngày tính giá thì tuy sát diễn biến thế giới nhưng Nhà nước sẽ phải bù đắp chi phí cho doanh nghiệp tồn kho 15 ngày đầu. Mức bù đắp này là giá vốn 15 ngày đầu với lãi suất ngân hàng, chênh lệch tỷ giá nếu có.

Nếu tính theo phương án 1, Nhà nước không phải bỏ chi phí như vậy.

Thêm vào đó, Bộ Công Thương cho hay, thực tế từ khi doanh nghiệp mua hàng cho đến khi vận chuyển về Việt Nam, làm xong thủ tục hải quan và nhập về kho dự trữ cũng phải mất từ 7-15 ngày. Hay nói cách khác, xăng dầu bán ra thị trường chính là xăng dầu của 7-15 ngày trước đó. Do vậy, cách tính giá theo 15 ngày đầu là phù hợp thực tế hơn.

Hơn nữa, do đã rút ngắn lại 15 ngày nên chắc chắn, cách tính mới dựa trên dữ liệu 15 ngày đầu vẫn sẽ cho giá bán xăng dầu sát thế giới hơn so với cách tính 30 ngày của Nghị định 84 hiện hành.

Tuy nhiên, không chỉ Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng bày tỏ ý kiến không đồng tình với Bộ Công Thương. Bộ Tài chính cho rằng, trong 30 ngày chu kỳ dự trữ, có những thời điểm mà diễn biến giá 15 ngày đầu ngược chiều với 15 ngày cuối. Nghị đinh mới nên tiếp thu ý kiến của Hiệp hội xăng dầu, người tiêu dùng, các cơ quan quản lý, có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá thế giới.

Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất, nên lấy giá 15 ngày sát ngày tính giá để phản ánh chính xác hơn xu thế biến động của thế giới. Khi đó, việc điều chỉnh giá bán lẻ sẽ kịp thời, tránh phản ứng tiêu cực từ dư luận khi giá thế giới đã giảm mạnh, giá trong nước chậm giảm.

"Cách làm này mới ở dự thảo trên là không theo tiền lệ của bất kỳ nước nào trên thế giới khi thực hiện theo giá thị trường, ngay cả có sự điều hành của nhà nước", đại diện SaigonPetro nói

Theo Phạm Huyền
VEF

Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

Giá xăng dầu trong nước tăng

Liên bộ yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tiếp tục giữ ổn định mức trích Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng, dầu. Liên bộ Tài chính - Công Thương vừa thông báo điều chỉnh giá xăng dầu trong nước, áp dụng từ 12h ngày 22/4.


Cụ thể, liên bộ yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tiếp tục giữ ổn định mức trích Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng, dầu. Đồng thời ngừng sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng, từ 50 đồng/lít xuống còn 0 đồng/lít; mức sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng dầu diesel, dầu hỏa và madút giữ nguyên như hiện hành (0 đồng/lít,kg).

Sau khi thực hiện các biện pháp trên, liên bộ cho phép tăng giá bán xăng, dầu diesel, dầu hỏa, nhưng không cao hơn giá cơ sở của xăng RON92 là 24.904 đồng/lít, dầu diesel 0,05S (22.680 đồng/lít), dầu hỏa (22.480 đồng/lít). Đồng thời giảm giá bán dầu madút nhưng không cao hơn giá cơ sở dầu madút 3,5S là 18.299 đồng/kg.

Tham chiếu theo giá hiện hành của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), thì mức giảm tối thiểu đối với dầu madút khoảng 61 đồng/kg; mức tăng tối đa đối với xăng RON92 khoảng 214 đồng/lít, dầu diesel 0,05S tăng khoảng 170 đồng/lít; dầu hỏa tăng khoảng 130 đồng/lít.

Trong khi đó, trong thông báo phát đi, Petrolimex thông báo tăng 210 đồng lên 24.900 đồng/lít xăng Ron 92, tăng 170 đồng lên 22.680 đồng/lít dầu diesel 0,05S và 130 đồng lên 22.480 đồng/lít dầu hỏa. Còn giá dầu madút giảm 70 đồng xuống 18.590 đồng/kg. Trước đó, ngày 11/4, Petrolimex đã giảm giá dầu từ 90 - 130 đồng/lít,kg.

Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

Giá xăng dầu “chọc tức’ cước vận tải

Kể từ 12 giờ ngày 22-4, giá xăng RON 92 đã được các doanh nghiệp (DN) điều chỉnh tăng 210 đồng/lít, nâng giá bán lẻ mặt hàng này lên 24.900 đồng/lít. Đây là lần tăng giá xăng thứ ba với tổng mức tăng 3 lần là 690 đồng/lít từ đầu năm đến nay. Ngoài tăng giá xăng RON 92, các mặt hàng dầu khác cũng có mức tăng lần lượt như sau: dầu diesel tăng 170 đồng/lít, dầu hỏa tăng 130 đồng/lít. Riêng dầu ma dút giảm mỗi lít 70 đồng. Theo Bộ Tài chính, giá xăng dầu thế giới từ sau ngày điều chỉnh 11-4 nhìn chung có xu hướng tăng dẫn đến giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện hành nên DN buộc phải tăng giá bán.
 
Các cây xăng đồng loạt tăng giá bán từ 12 giờ ngày 22-4 Ảnh: HỒNG THÚY

Thực tế, nhìn vào bảng giá xăng dầu do Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cung cấp có thể thấy giá xăng RON 92 trên thị trường Singapore từ ngày 10-3 đến 16-4 có xu hướng biến động rõ nét. Cụ thể, trong suốt thời gian từ ngày 13-3 đến 14-4, bình quân giá xăng RON 92 tại thị trường Singapore giảm từ 118,06 USD/thùng xuống 115,62 USD/thùng. Nếu quan sát giá theo ngày, cũng dễ nhận thấy giá xăng từ mốc 118,14 USD/thùng vào ngày 10-3 đã giảm xuống 114,29 USD/thùng vào ngày 20-3, sau đó tăng trở lại và tiếp tục giảm xuống 112,85 USD/thùng vào ngày 3-4. Như vậy, bất chấp chu kỳ tăng giảm của giá thế giới, giá xăng trong nước vẫn tăng 180 đồng/lít vào ngày 19-3 và không hề có đợt giảm nào cho đến ngày tăng giá mới nhất với 210 đồng/lít.

Ông Nguyễn Văn Thạc, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Nam Định, cho rằng giá xăng hiện được điều hành tăng ở biên độ khá nhỏ, chỉ loanh quanh từ 200-300 đồng/lít nên tác động trước mắt đến giá đầu vào không lớn. “Tuy nhiên đó chỉ là lý thuyết, còn thực tế áp lực trước mắt đổ lên các DN vận tải bởi phải mua xăng dầu với giá đắt nhưng chưa chắc đã đàm phán tăng giá cước vận tải ngay được” - ông Thạc phân tích. Hiện một số DN vận tải trên địa bàn đã tăng cước ở mức khá “nhẹ” từ 5%-6% với lý do Bộ Giao thông Vận tải siết tải trọng xe nhưng thực tế DN phải tăng khoảng 35% mới bù đắp đủ chi phí và nếu tính cả giá xăng thì cước còn cao hơn nữa.

Còn ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa đường bộ Hải Phòng, cho biết hiện tại, DN vận tải đã phải tăng cước trung bình 20%-30% sau khi có lệnh siết xe quá tải. “Nay giá dầu tăng thêm 170 đồng/lít tuy ảnh hưởng không lớn so với việc hạ tải nhưng chắc chắn sẽ gây khó khăn cho các DN” - ông Tiến nói. Phương Nhung

Xăng bất ngờ tăng giá từ trưa 22/4

Từ 12h trưa nay (22/4), liên bộ Tài chính – Công thương đã quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu, trừ dầu madut.


Theo đó, giá bán lẻ xăng RON 92 tăng thêm 214 đồng/lít, nâng mức giá bán lẻ mặt hàng này lên mức 24.900 đồng/lít. Giá xăng RON 95 cũng tăng thêm 210 đồng, nâng lên mức 25.400 đồng/lít. Dầu diesel 0,05S tăng khoảng 170 đồng/lít; dầu hỏa tăng 130 đồng/lít. Riêng giá dầu madut được điều chỉnh giảm 61 đồng/kg.

Bộ Tài chính cho biết, thời điểm tăng giá bán xăng, dầu diesel, dầu hỏa do doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối quy định nhưng không sớm hơn 12h hôm nay (22/4).

Nguyên nhân dẫn tới việc tăng giá xăng theo Bộ Tài chính là do giá xăng dầu thế giới từ sau ngày 11/4 có xu hướng tăng. Giá xăng, dầu thành phẩm thế giới bình quân 30 ngày từ 23/3 tới 21/4 cụ thể là: xăng RON 92: 116,49 USD/thùng; dầu diesel 0,05S: 122,15 USD/thùng; dầu hỏa: 119,95 USD/thùng, dầu madut 180 cst 3,5S: 597,64 USD/tấn.

Liên Bộ Tài chính – Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tiếp tục giữ ổn định mức trích Quỹ Bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng, dầu; Ngừng sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng xăng từ 12h trưa nay; Mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với các mặt hàng dầu diesel, dầu hỏa và madut giữ nguyên như hiện hành.

Bảng so sánh các mặt hàng xăng dầu theo giá tăng/giảm mới nhất (Đơn vị tính: VNĐ/lít,kg):

Mặt hàng
Giá bán hiện hành
Giá cơ sở theo quy định
Tăng/giảm
1. Xăng RON 92
24.690
24.904
+214
2. Dầu diesel 0,05S
22.510
22.680
+170
3. Dầu hoả
22.350
22.480
+130
4. Dầu madút 180CST 3,5S
18.360
18.299
-61

Mai Tân (Khampha.vn)

Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

Nga muốn mở rộng hợp tác dầu khí, trở lại Cam Ranh

Ngày 16/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho hay đang xem xét khả năng mở rộng hợp tác trong lĩnh vực dầu khí.

Dầu khí là thế mạnh của 2 nước

Thông tin trên VietNamNet, theo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, kinh tế, thương mại là trọng điểm và dầu khí, năng lượng là một "lĩnh vực thế mạnh" của hai nước.

Hiện nay, ông và Ngoại trưởng Nga đã thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy triển khai các hoạt động thăm dò dầu khí của Nga tại Việt Nam cũng như sự tham gia của dầu khí Việt Nam trong khai thác, thăm dò dầu khí tại Nga.

Ngoại trưởng Nga cũng cho hay, tổ công tác cấp cao các dự án đầu tư ưu tiên đang xem xét triển khai các dự án hợp tác song phương quan trọng. Trong đó, các công ty, tập đoàn của hai nước đang xem xét, thảo luận khả năng mở rộng hợp tác trong lĩnh vực dầu khí.

Nga và Việt Nam luôn khẳng định tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982

Trước đó, trong cuộc hội đàm nhân chuyến thăm Việt Nam ngày 7/11, Thủ tướng Nga Medvedev cũng đã từng khẳng định, chuyến thăm của ngài nhằm tăng cường hợp tác mạnh mẽ trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng vì Nga coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong hai lĩnh vực trên.

Tiếp đó, ngày 12/11/2013, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam, với khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Tổng thống V.Putin từng khẳng định "vai trò then chốt trong sự phát triển quan hệ hợp tác giữa Nga và Việt Nam về công nghiệp và đầu tư từ trước đến nay vẫn thuộc về lĩnh vực năng lượng và dầu khí".

"Ngọn cờ đầu" luôn được nhắc đến là liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro có khối lượng khai thác đạt đến 206 triệu tấn dầu, thu về tổng lợi nhuận hàng chục tỷ USD.

Hiện nay, hai hãng Gazprom và Rosneft đang bắt đầu triển khai liên quan đến khai thác dầu khí, hiện đại hóa những cơ sở lọc hóa dầu, cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng từ vùng Viễn Đông của Nga sang Việt Nam.

Nga muốn xây dựng trung tâm bảo dưỡng tại Cam Ranh

Còn nhớ, đầu tháng 2, nhiều nguồn tin cho biết, để khẳng định vị thế một cường quốc quân sự trên thế giới, Quân đội Nga đang có kế hoạch mở cửa trở lại một số căn cứ quân sự chiến lước bên ngoài lãnh thổ Nga, trong đó có thể bao gồm cả căn cứ Cam Ranh tại Việt Nam.

Theo TopWar, các căn cứ quân sự ở nước ngoài giúp cải thiện đáng kể các khả năng chiến đấu của quân đội Nga và Nga cần căn cứ quân sự “như cần không khí để thở”.

Được biết vào tháng 11/2013 vừa qua, sau cuộc thảo luận giữa lãnh đạo hai nước Nga và Việt Nam, báo giới đã đưa tin về sự hợp tác trong tương lai giữa hai nước. Và khi đó, người ta biết rằng tại cảng Cam Ranh xuất hiện một căn cứ bảo trì và sửa chữa tàu ngầm.

Thông tin hiện có cho thấy căn cứ này được thiết kế để sử dụng cho các tàu ngầm của Hải quân Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế thủy thủ Việt Nam vận hành tàu ngầm do Nga đóng, cũng như sự cần thiết phải tiếp tục hợp tác với Nga để hình thành cơ sở phục vụ đã đưa ra nhiều giả thuyết. Và không loại trừ khả năng trong tương lai, Hải quân Nga sẽ trở lại Cam Ranh.

Mới đây báo Cyprus Weekly đã đăng tải thông tin về việc Nga đang thảo luận với Síp để mở lại căn cứ quân sự có từ thời Liên Xô tại nước này, tuy nhiên việc sử dụng căn cứ Không quân của Síp hay căn cứ tại Cam Ranh rõ ràng đều có lợi cho Quân đội Nga.

Liên quan đến vấn đề này, hồi tháng 8/2013, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã trả lời hãng tin ITAR-TASS trước khi lên đường sang thăm Nga, Bộ trưởng Thanh nói: "Việt Nam dự định thành lập một trung tâm dịch vụ quốc tế hoạt động độc lập tại Cam Ranh".

Bộ trưởng Thanh nói thêm, Việt Nam chỉ cho tàu nước ngoài thuê dịch vụ hậu cần, kỹ thuật tại cảng Cam Ranh chứ không cho thuê làm căn cứ quân sự.

Theo Đất Việt