Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

“Truy” Bộ trưởng Công thương về giá xăng dầu, điện

Giá xăng dầu, giá điện một lần nữa trở lại trong phiên chất vấn Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng tại UB Thường vụ Quốc hội ngày 1/4. Công khai minh bạch các yếu tố giá, công tác điều hành giá là yêu cầu số một đặt ra với mặt hàng thiết yếu này.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn 169 tỷ đồng

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) đặt vấn đề, Bộ Công thương được giao nhiệm vụ xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 84 về việc điều hành giá xăng dầu để khắc phục những bất cập, đảm bảo công khai minh bạch trong việc điều hành, quản lý giá, quỹ bình ổn… xăng dầu. Yêu cầu đề ra đã hơn một năm qua nhưng đến nay vẫn chậm.

Ông Vở đề nghị làm rõ trách nhiệm của cá nhân liên quan cũng như hướng xử lý để đáp ứng mong mỏi của cử tri. Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng xác nhận, Nghị định 84 đến thời điểm này đã bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém như dư luận từng phản ánh. Việc sửa Nghị định này chậm vì ban đầu, Chính phủ chỉ định sửa một vài điểm không còn phù hợp liên quan đến việc hình thành quỹ bình ổn giá xăng, công khai minh bạch giá xăng dầu… Tuy nhiên, quá trình xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung, các địa phương, DN, bộ ngành cùng góp ý cho rằng những vấn đề dự kiến đưa ra không đáp ứng yêu cầu đề ra vì chỉ chỉnh sửa một vài điều.

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng tại phiên chất vấn,

Do đó, sau khi trình Chính phủ cho ý kiến lần đầu vào tháng 6/2013, dự thảo này này phải dừng, xây dựng lại. Đến tháng 11 vừa qua, Bộ Công thương đã trình lại Chính phủ. Đến nay, 26 thành viên Chính phủ đã có ý kiến lần cuối đối với dự thảo này, cơ bản các ý kiến đồng ý chỉ còn 2 Bộ trưởng phân vân về việc tổ chức quỹ bình ổn và thời gian điều chỉnh giá. Bộ Công thương đang trả lời những ý kiến này.

“Nhận thức rằng đây là vấn đề hết sức bức xúc, cần sớm ban hành Nghị định thay thế, chúng tôi đã rất nỗ lực nhưng việc ban hành, phê duyệt còn phụ thuộc nhiều khâu, trong đó có việc giải trình những ý kiến khác. Tôi tin rằng, sau khi giải trình xong 2 ý kiến còn vướng lần này, Nghị định sẽ sớm được ban hành. Bộ Công thương cũng đã đồng thời chuẩn bị Thông tư hướng dẫn thực hiện” – ông Hoàng giải thích.

Thứ trưởng Tài chính Trần Văn Hiếu cũng được huy động hỗ trợ Bộ trưởng Công thương trả lời câu hỏi của đại biểu. Theo ông Hiếu, yêu cầu điều hành giá xăng dầu đề ra là sao để bám sát giá thế giới nhưng nhà nước cũng chủ động quản lý, không để mật độ các lần điều chỉnh quá dày, cũng không được tăng quá sốc.

Liên ngành Tài chính - Công thương cũng đã thống nhất nguyên tắc tổ chức Quỹ bình ổn giá đặt ở các DN kinh doanh xăng dầu, chỉ sử dụng cho mục đích bình ổn giá xăng dầu, nghiêm cấm sử dụng mục đích khác. Hiện tại, liên bộ đã thường xuyên nắm số tồn quỹ để cân nhắc mức điều hành giá xăng dầu. Hàng quý đều công khai mức thu, mức tồn quỹ của các DN, công khai trên website của Bộ Tài chính.

Việc kiểm toán quỹ cũng được thực hiên thường xuyên, định kỳ. Lần kiểm toán gần đây nhất, tính đến31/12/2013 quỹ vẫn còn 169 tỷ đồng. 10/4 tới đây, liên Bộ cũng sẽ công bố số dư mới của quỹ. Theo ông Hiếu, kiểm toán nhà nước đã ghi nhận tác động tích cực của quỹ và đánh giá việc điều hành quỹ cơ bản tuân thủ quy định, chỉ có một số sai sót nhỏ giá trị không lớn, khoảng vài chục tỷ đồng.
Không lý do gì cản trở việc bán điện cạnh tranh
Phiên chất vấn Bộ trưởng Công thương tại UB Thường vụ QH ngày 1/4.

Chuyển sang nội dung điều hành giá bán điện, đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) nhận xét, việc tăng giá điện gần đây chưa được dư luận, người dân đồng tình vì yêu cầu công khai, minh bạch giá chưa được đáp ứng. Giải pháp công khai khi tăng giá điện, công khai chi phí đầu vào của ngành điện lực là yêu cầu đại biểu đặt ra.

Bác nhận định này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định việc tăng giá điện thời gian qua đã được công khai minh bạch. Hàng năm, tập đoàn Điện lực EVN đều có kiểm toán chi phí sản xuất kinh doanh. Sau khi có báo cáo kiểm toán, liên ngành Công thương - Tài chính - Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng sẽ kiểm tra lại tình hình kinh doanh để xem giá thành điện có hợp lý không, rồi mới quyết định có đồng ý kế hoạch điều chỉnh giá điện năm tiếp theo không.

Bộ trưởng Công thương cũng khẳng định quan điểm cần kiên quyết thực hiện công khai minh bạch giá điện. Trong tháng 4 này, Bộ cũng sẽ ban hành quy định những yếu tố chi phí phải công khai để người dân biết, kiểm tra, giám sát và nếu thấy hợp lý thì đồng thuận thực hiện.

Đại biểu Trần Văn Tấn cũng băn khoăn Quyết định 63 của Thủ tướng đưa ra lộ trình cơ cấu ngành điện để xây dựng thị trường điện cạnh tranh đề ra các mốc thời gian cụ thể. Theo đó, hết 2014 hoàn thành thị trường phát điện cạnh tranh (cấp độ 1), từ 2015 bắt đầu xây dựng thị trường bán buôn cạnh tranh (cấp độ 2), từ 2021 tiến tới thị trường bán lẻ cạnh tranh (cấp độ 3).
Lo lắng về tiến độ triển khai hiện tại, ông Tấn đặt câu hỏi, liệu có hoàn thành được mục tiêu thị trường điện cạnh tranh cấp độ 1 trong năm nay?
Thứ trưởng Tài chính là người "chia lửa" với Bộ trưởng Công thưong tại phiên giải trình.

Chưa đồng tình thông báo tăng giá điện của ngành thời gian qua. Giải pháp công khai minh bạch khi tăng giá điện, công khai các chi phí đầu vào làm cơ sở khi tăng giá?
Bộ trưởng Công thương quả quyết, đến lúc này không thấy vướng mắc gì khiến không thực hiện được kế hoạch. Hết 2014, cả nước sẽ thực hiện xong lộ trình xây dựng thị trường phát điện cạnh tranh.

“Đến nay có 48/102 nhà máy điện hoạt động tham gia thị trường, nghĩa là chào giá điện 1 cách công khai. Có 5 TCty điện lực có quyền lựa chọn để mua điện của nhà máy có giá cạnh tranh. Thị trường đã vận hành chính thức” – ông Hoàng nói.

Tới đây, công việc bước 2 của Bộ Công thương là sắp xếp lại hình thành thị trường hạch toán độc lập. Đã có 2 TCty phát điện độc lập được lập ra. Cục điều tiết thị trường Bộ Công thương sẽ thành đơn vị độc lập, hoạt động không phụ thuộc các nhà sản xuất điện.

Người đứng đầu ngành Công thương nhắc lại: “Với các biện pháp như vậy, bên cạnh quyết định của Thủ tướng về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, không có lý do gì không hoàn thành tiến độ thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh từ 2024”.

P.Thảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét