Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

Có nên mua xe sang đã qua sử dụng?

Bỏ một món tiền không nhỏ để mua một chiếc xe đã qua sử dụng, điều người tiêu dùng lo ngại nhất là chất lượng và nguồn gốc xe

Nắm bắt được tâm lý này, Mercedes-Benz là nhãn hiệu hạng sang đi tiên phong giới thiệu chương trình Xe đã qua sử dụng chính hãng mang tên Proven Exclusivity, nhằm giúp khách hàng có thể trao đổi, mua bán và ký gửi các mẫu xe Mercedes-Benz đã qua sử dụng. Điểm nổi bật của chương trình này là giải quyết 2 mối băn khoăn lớn của khách hàng mùa xe cũ:

-Nguồn gốc xe phải minh bạch
-Chất lượng xe phải được đảm bảo

Để mang tới điều đó, Mercedes-Benz buộc các xe có chứng nhận Proven Exclusivity đạt các yêu cầu và đưa ra những đảm bảo sau:
  • -xe phải đạt 110 điểm kiểm tra kỹ thuật trở lên, sử dụng không quá 4 năm hoặc 80.000km.
  • -xe sẽ được hãng bảo hành 6 tháng hoặc 15.000km, tuỳ theo điều kiện nào đến trước. Khách hàng cũng có thể ký gửi xe tại các đại lý để nâng cấp lên xe Mercedes-Benz hoàn toàn mới.
  • -Lái thử xe, tư vấn chuyên gia và hỗ trợ tài chính nếu cần
Ông Dirk Adelmann, Giám đốc Kinh doanh & Tiếp thị của Mercedes-Benz Việt Nam cho biết: “Đây là cơ hội cho những khách hàng mong muốn sở hữu một chiếc Mercedes-Benz với mức chi phí ban đầu thấp hơn. Với chương trình xe đã qua sử dụng chính hãng - Proven Exclusivity, khách hàng có thể tránh được các rủi ro thiếu thông tin khi chọn mua xe đã qua sử dụng trên thị trường.”

Hệ thống kinh doanh xe chính hãng đã qua sử dụng của Mercedes-Benz hình thành từ năm 2011 với đại lý Haxaco Võ Văn Kiệt, Vietnam Star Phú Mỹ Hưng, Vietnam Star Trường Chinh… Để chào đón tết nguyên đán Giáp Ngọ, Mercedes-Benz giới thiệu chương trình “Lên Merc đón xuân“. Theo đó, khách hàng khi đổi từ xe cũ của bất cứ nhãn hiệu nào để mua xe mới Mercedes-Benz sẽ nhận được “lộc tết“ giá trị.

Bí quyết lái xe tiết kiệm xăng trong mùa hè

Hạ cửa kính khi chạy ở tốc độ thấp, trước khi bật điều hòa nên mở kính cho hơi nóng thoát ra, không nên để nhiệt độ điều hòa quá thấp hoặc quá cao. Mùa hè động cơ nóng nhanh hơn, do đó sẽ cần ít nhiên liệu khi khởi động xe. Theo các chuyên gia ôtô của Bộ Năng lượng Mỹ, người sử dụng cần điều chỉnh để giữ khoang hành khách mát mà không cần bật điều hòa với cấp gió tối đa.

Mở cửa sổ trước khi bật điều hòa. Ảnh: Sheknows.

Hệ thống điều hòa chính là nguyên nhân làm tăng mức tiêu hao nhiên liệu trong thời tiết nóng. Hiệu quả sử dụng điều hòa phụ thuộc một số yếu tố như nhiệt độ bên ngoài, độ ẩm và cường độ nóng của mặt trời. Trong điều kiện thời tiết rất nóng, điều hòa nhiệt độ có thể làm tăng mức tiêu hao nhiên liệu lên 25%.

Chạy xe với cửa sổ hạ thấp cũng là nguyên nhân gây tốn nhiên liệu. Cửa sổ mở làm tăng lực kéo khí động học, làm cho chiếc xe phải sử dụng nhiều năng lượng hơn để đẩy xe. Tuy nhiên, ở tốc độ thấp, hiệu ứng này là khá nhỏ nhưng tăng lên ở tốc độ cao.

Điều chỉnh nhiệt độ điều hòa không quá thấp hoặc quá cao.

Chuyên gia của Bộ Năng lượng Mỹ khuyến cáo:
- Hạ cửa kính khi chạy xe ở tốc độ thấp trong điều kiện cho phép; Sử dụng điều hòa nhiệt độ trên đường cao tốc.
- Không nên đặt nhiệt độ của điều hòa quá thấp.
- Đỗ xe ở nơi có bóng râm hoặc sử dụng tấm chắn bên trong cabin ngăn ánh nắng mặt trời.
- Chạy xe với các cửa sổ mở trong thời gian ngắn trước khi bật điều hòa. Làm như vậy giúp hơi nóng thoát ra và giúp điều hòa làm mát nhanh hơn.
- Chú ý vệ sinh lọc gió điều hòa và bảo dưỡng hệ thống điều hòa thường xuyên.

Minh Vũ

Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

Ngày hội chăm sóc xe tại TP HCM

Bệnh viện Ôtô phối hợp cùng Bridgestone Việt Nam tổ chức chuỗi chương trình "Vì cộng đồng ôtô Việt 2014", dự kiến có hơn 1.000 xe ô tô cùng hơn 2.000 chủ xe tại TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng được tư vấn, chăm sóc, hướng dẫn sử dụng xe an toàn.

Trong chương trình năm nay, các xe ôtô đến tham dự sẽ được sử dụng hơn 20 dịch vụ kiểm tra, chăm sóc xe đến từ các tập đoàn linh kiện, phụ tùng ô tô hàng đầu thế giới. Theo đó, Bridgestone Việt Nam sẽ thực hiện kiểm tra áp suất lốp, đo hoa lốp, hướng dẫn đảo lốp, phương pháp bơm hơi đúng chuẩn, hướng dẫn cách chọn mua lốp tiết kiệm, an toàn…


Gần 800 ôtô đến tham dự các chương trình Car Care Day tại TP HCM và Hà Nội trong năm 2013.

3M Việt Nam sẽ cung cấp các gói dịch vụ chăm sóc xe toàn diện như rửa xe, khử mùi nội thất, tẩy nhựa đường, bảo dưỡng thân vỏ, lốp… Còn hãng Bosch Việt Nam sẽ kiểm tra và cứu hộ ắc quy, còi, cần gạt mưa và tư vấn về phụ tùng ôtô.

Ngoài ra, các vấn đề về xử lý va chạm, tai nạn trên đường sẽ được Liberty Việt Nam tư vấn. Đội ngũ bác sĩ của Bệnh viện Ôtô sẽ sử dụng máy scan để quét lỗi điện tử và châm nước làm mát, nước rửa kính cho toàn bộ các xe đến tham dự chương trình.


Theo thống kê từ chương trình "Vì cộng đồng ôtô Việt 2013", rất nhiều xe ít được quan tâm chăm sóc bảo dưỡng.

Mở đầu cho chuỗi chương trình "Vì cộng đồng ôtô Việt 2014" sẽ là ngày hội chăm sóc xe - Car Care Day diễn ra vào ngày 5-6/7 tại sân vận động Quân khu 7 TP HCM. Số lượng xe tham dự được ban tổ chức giới hạn ở mức 400 xe để đảm bảo chất lượng dịch vụ.

Chương trình kết hợp với UNESCO dành tặng toàn bộ số chi phí thu được để hỗ trợ cho ngư dân miền Trung đang gặp khó khăn và các trẻ em bị tai nạn giao thông nghiêm trọng. Phí tham dự mỗi xe 4-7 chỗ là 200.000 đồng. Ban tổ chức ưu tiên giảm 50% đối với lái xe nữ. Mỗi khách hàng tham dự sẽ nhận được phần quà trị giá trên 500.000 đồng và các voucher có giá trị từ các hãng.

Theo kết quả khảo sát từ hơn 1.646 khách hàng và 878 xe ôtô trong các chương trình "Vì cộng đồng ôtô Việt 2013", 30% xe chạy trên đường có lốp không đủ hơi, 77% xe có bình ắc quy cần phải bảo dưỡng, 63% xe cần chăm sóc thường xuyên, 25% xe cần phải thay cần gạt mưa, 20% xe cần phải thay dầu máy... Qua siêu âm bằng máy quét lỗi, các bác sĩ của Bệnh viện Ôtô phát hiện có hơn 30% xe có lỗi hiện hành ở các hệ thống liên quan đến điện tử, tập trung chủ yếu ở hệ thống ABS và ESP.


Đăng ký tham dự chương trình trực tiếp qua đường số điện thoại: 0903255254 - 0906255254 hoặc đăng ký online tại đây.

Theo ông Hiroyuki Saito, Tổng giám đốc Bridgestone Việt Nam, các số liệu thống kê này cho thấy thực trạng đáng lo ngại đối với cộng đồng ôtô tại Việt Nam. "Nếu muốn nâng cao tính an toàn khi tham gia giao thông, người sử dụng xe cần được trang bị những kiến thức sử dụng cơ bản nhất cũng như cách tự chăm sóc bảo dưỡng xe. Điều này cũng chính là mục tiêu mà các đơn vị tham gia chương trình 'Vì cộng đồng ôtô Việt' muốn hướng tới", ông Hiroyuki Saito chia sẻ.

Minh Trí

Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2014

Xe máy phụt khói trắng - hiện tượng nguy hiểm

Khi thải ra những màu khói khác lạ, có nghĩa xe cần phải đưa đi kiểm tra và sửa chữa. Với một chiếc xe hoạt động bình thường, bằng mắt thường không nhìn thấy khói thải ra từ ống xả. Lượng khí thải ra không màu là nhờ vào việc đốt cháy hết nhiên liệu.


Khói trắng phun ra từ ống xả cho thấy hiện tượng bất thường và xe cần đi kiểm tra, sửa chữa.

Nguyên nhân của hiện tượng ống xả xả khói trắng chủ yếu do dầu nhớt lọt vào buồng đốt. Có thể hở van, hở séc-măng, piston, hoặc do thành xi-lanh bị mài mòn và cũng không loại trừ trường hợp bề mặt gioăng quy-lát bị hở khiến dầu lọt vào xi-lanh bị đốt cháy, xả ra ngoài với khói có màu trắng lẫn mùi khét.Những chiếc xe bị hiện tượng xả khói trắng nên khắc phục ngay, nếu để lâu sẽ làm hại động cơ, piston, xi-lanh và ảnh hưởng xấu đến môi trường.


Hở van, hở séc-măng hoặc thành xi-lanh bị mòn có thể khiến dầu nhớt lọt vào buồng đốt, gây ra hiện tượng khói trắng.

Khắc phục hiện tượng xe xả khói trắng, vì có liên quan trực tiếp đến động cơ nên việc xử lý khá phức tạp. Theo một chuyên gia ở Thành Gia Motor, thông thường, khi gặp bệnh này, thợ sửa chữa sẽ tiến hành thay thế séc-măng, piston hoặc doa lại thành xi-lanh. Cũng có thể thay thế cả bugi nếu kiểm tra thấy có muội đen và bị ướt, đánh lửa kém.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo người sử dụng xe bị khói trắng là thay dầu máy sớm hơn so với định kỳ thông thường, tốt nhất là nên thay dầu khi xe vận hành trong khoảng từ 700 đến 1.500 km, để đảm bảo cho thành xi-lanh hoặc séc-măng ít bị mài mòn do khô dầu hoặc lẫn tạp chất. Người sử dụng nên mang xe đến các trạm dịch vụ để khắc phục càng sớm càng tốt.

Lương Dũng
Ảnh: Cường Pink

Dầu láp - yếu tố thường bị 'quên' trên xe tay ga

Những chiếc scooter có hiện tượng máy kêu to, gằn, ì hơn bình thường có thể là cạn dầu hộp số hoặc nước lọt vào hoặc do lâu ngày không kiểm tra hay không chú ý tới và thay thế định kỳ. Dầu láp hay còn gọi là dầu cầu vẫn còn là khái niệm khá mới mẻ với nhiều người sử dụng xe tay ga do không để ý đến. Không giống như xe số, xe tay ga sử dụng hệ thống truyền động vô cấp dẫn động bằng dây đai thay cho xích và hộp số. Ở cầu sau xe tay ga sử dụng hệ thống bánh răng dẫn động đến trục bánh xe và dầu để bôi trơn gọi là dầu láp.

Hệ thống bánh răng dẫn động trục bánh sau xe tay ga. Ảnh: Lương Dũng.

Do các bánh răng truyền động hoạt động thường xuyên với cường độ và tải trọng cao, nếu không được bôi trơn thường xuyên dẫn đến bị mài mòn, tạo ra độ rơ dẫn đến tăng tính va đập giữa các bánh răng tạo nên tiếng kêu và làm giảm công suất truyền động. Nếu tình trạng này kéo dài làm tăng độ mài mòn nhanh, tiếng kêu càng lớn và thâm chí có thể gây vỡ, mẻ và bị trượt khiến xe không hoạt động.

Có những trường hợp còn sử dụng dầu động cơ (dầu máy) thay cho dầu láp. Đây là một sai lầm rất nghiêm trọng. Trên thực tế, thông số kỹ thuật của dầu cầu khác hẳn dầu máy và độ nhớt gấp vài lần dầu máy. Phương pháp thay thế này gây ra phản ứng phụ là sau 2 đến 3 tháng, khi tăng ga xe có tiếng hú ở phần láp.

Ống thông hơi hộp số chưa gắn vào lỗ định vị. Ảnh: Thành Gia Motor

Với những xe tay ga do cấu tạo đặc biệt, đường ống thông hơi của hộp số tự động thấp nên nước rất dễ lọt vào và làm cho dầu láp bị axit hóa chuyển từ màu vàng sang màu trắng đục và giảm tính bôi trơn. Bánh răng sẽ nhanh chóng bị phá hủy và gây ra tiêng hú to và rất tốn xăng.

Với Vespa, để kiểm tra, chỉ cần tháo que thăm dầu hộp số xem tình trạng dầu có khác thường hay không. Còn trên các xe như Honda, Yamaha, có thể tháo ốc nạp ra kiểm tra. Nếu có hiện tượng bị nước lọt vào, tốt nhất nên thay dầu láp mới. Cần kiểm tra thêm ống thông hơi hộp số đã định vị vào đúng vị trí chưa.

Đôi khi còn có trường hợp phớt láp bị rò rỉ, dầu sẽ vào khu vực dây đai truyền động, làm trượt đai và dầu láp cũng bị hao, dẫn đến không đảm bảo chức năng truyền động.

Hộp đai truyền động. Ảnh: Lương Dũng.

Nhiều trường hợp sau khi kiểm tra bộ bánh răng truyền động còn bị mòn hoặc sứt mẻ, thì phải thay thế. Chi phí thay thế bộ bánh răng rất tốn kém, những dòng xe cao cấp như Honda SH khoảng 6 triệu đồng, đối với các dòng xe khác như Honda Air Blade hay Lead hay SCR cũng từ 1 đến 2 triệu đồng. Với những trường hợp sau khi xe đi vào chỗ ngập nước sâu thì cần đưa xe đi kiểm tra.

Các kỹ sư khuyến cáo khách hàng sử dụng xe tay ga nên thường xuyên kiểm tra, thay thế dầu láp và bảo dưỡng xe theo định kỳ. Trường hợp máy kêu to hoặc có tiếng hú, máy gằn và ì hơn bình thường thì cần đưa xe đi kiểm tra sớm.

Tùy từng loại xe tay ga và điều kiện hoạt động thực tế của xe, các kỹ thuật viên sẽ tư vấn loại dầu và thời gian định kỳ phù hợp. Quy trình thay dầu láp đơn giản, chi phí không lớn nhưng nếu bạn không lưu ý thì tuổi thọ của bộ láp cũng như hệ thống truyền động của xe sẽ giảm đi đáng kể. Theo kinh nghiệm thì cứ 3 lần thay dầu máy thì một lần thay dầu láp.

Lương Dũng

Thứ Sáu, 20 tháng 6, 2014

Rửa xe máy đúng cách

Rửa xe có thể làm cho nước vào ống pô, làm ướt phanh gây mất hiệu quả khi phanh, làm ướt bugi gây khó nổ máy. Rửa xe là một việc làm hoàn toàn bình thường, không những mang lại vẻ đẹp thẩm mỹ mà còn tăng tuổi thọ cho xe. Rửa xe cũng ví như công việc bảo dưỡng xe định kỳ. Tuy nhiên rửa xe thế nào cho đúng lại là một vấn đề đáng quan tâm. Đa số các cửa hàng rửa xe hiện nay thường dùng nước rửa chén bát để làm sạch. Những loại nước rửa này có độ kiềm cao, gây tổn hại cho độ bóng của sơn và bề mặt kim loại.
 
Nước có thể vào bugi khi rửa xe, khiến sau đó khó nổ máy.

Khi máy đang nóng, nếu dùng vòi phun nước với áp suất cao, chỗ tiếp xúc với nước bị giảm nhiệt rất nhanh so với các chỗ khác và bị co vào trong khi các chi tiết khác vẫn nóng và còn đang giãn nở. Do sự co giãn không đồng đều sẽ gây biến dạng, gioăng bị cứng, thậm chí có thể gây nứt vỡ các chi tiết.

Rửa xe có thể làm nước đọng lại trong ống pô khiến bộ phận này bị rỉ sét. Nước lọt vào động cơ làm khó khởi động, phanh kém hiệu quả khi bị ướt sẽ gây mất an toàn.

Một vài trường hợp nước có thể vào hệ thống điện gây chập, vào bugi do chụp bugi bị rách, cứng hoặc hở và vào chế hòa khí thông qua lọc gió dẫn đến gây khó nổ máy.

Nên rửa xe sau khi động cơ nguội hẳn. Nên sử dụng băng dính bịt ổ khóa điện để đảm bảo nước không vào. Không dùng vòi phun cao áp phun vào các bộ phận điện tử, bộ phận chuyển động và tránh vị trí của bugi.

Nên dùng nước chuyên dụng để rửa xe. Cẩn thận không để nước vào ống pô. Cần kiểm tra hệ thống phanh sau khi rửa và trong sách hướng dẫn sử dụng có đề cập đến việc phải làm thế nào khi phanh bị ướt. Lốp xe phải căng, không được quá non dẫn đến nước vào phía trong gây hoen gỉ vành và giảm tuổi thọ của săm và lốp.

Việc rửa xe có thể làm trôi mất dầu bôi trơn, nên cần tra dầu vào tay phanh, chân chống và xích tải để xe hoạt động êm ái. Lưu ý không được tra dầu vào phanh.

Nên đưa xe đi kiểm tra và bảo dưỡng định kỳ tại các cơ sở sửa chữa và bảo dưỡng có uy tín.

Lưu ý khi rửa xe

Nên bơm lốp căng trước khi rửa, lốp non có thể khiến nước vào trong gây gỉ vành, làm hỏng săm, lốp.

Nước cũng có thể vào ống pô. Nên dùng nước chuyên dụng để rửa xe. Nước rửa chén bát có thể gây tổn hại cho độ bóng của sơn và bề mặt kim loại.

Sau khi rửa xe nên tra dầu tay phanh.

Tra dầu chân chống.

Và tra dầu xích. Ảnh: Lương Dũng

Xe bền tại người

Bài và hình: Tư Mỏ Lết

Việc thay nhớt định kỳ cho xe hơi, xe mô tô là một chuyện mà ai đi xe cũng phải biết. Việc này khá đơn giản, đến độ có nhiều người còn tự làm lấy ở nhà. Vậy mà vẫn cứ có nhiều trường hợp, xe bị hư máy chỉ vì... thiếu nhớt! Việc thay nhớt là một công việc bảo trì quan trọng, vì nó giúp cho xe chạy bền hơn, ít bị nằm vạ dọc đường, đồng thời còn giúp xe chạy đỡ hao xăng nữa.

Nói chung, một chiếc xe hơi có hai loại nhớt cần phải thay định kỳ: nhớt máy và nhớt hộp số. Nhớt máy dùng để bôi trơn bộ phận xy lanh, piston tạo chuyển động; còn nhớt hộp số dùng để bôi trơn bộ bánh răng truyền động. Nhớt sử dụng sau một thời gian thì độ nhớt bị giảm, nhớt dơ, cho nên phải thay nhớt, để máy và hộp số được bôi trơn tốt, sẽ ít bị mòn, tuổi thọ dài hơn.

Nhớt tổng hợp (synthetic) và nhớt thường (conventional).

Ðầu tiên nói về việc thay nhớt máy, chừng nào thì phải thay? Có người nói 3,000 dặm, có người nói 6,000 dặm. Thật ra điều này được quyết định bởi việc loại nhớt sử dụng: nhớt thường hay nhớt tổng hợp. Giải thích một cách vắn tắt, nhớt thường mà trước đây ta thường sử dụng có nguồn gốc từ dầu mỏ. Còn nhớt tổng hợp mới được chế tạo bởi con người, bằng cách pha trộn các loại dầu hữu cơ và vô cơ với nhau, để có được những đặc tính đúng như mong muốn. So với nhớt thường, nhớt tổng hợp có nhiều ưu điểm như độ nhớt cao hơn, độ bền nhiệt, hóa cao hơn, ít bị bay hơi hơn... Do đó nhớt tổng hợp sử dụng được lâu hơn và bảo vệ máy tốt hơn. Tất nhiên nó cũng mắc hơn. Thông thường, người ta thay nhớt thường sau 3,000 dặm, còn nhớt tổng hợp thì sau 6,000 miles. Tuy nhiên, điều này cũng chỉ đúng tương đối. Thời gian thay nhớt còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa.

Thí dụ như xe cũ hay xe mới, xe đi nhiều hay ít, đi freeway hay đường trong... Xe cũ thì nhớt mau bị cặn hơn (do máy cũ). Xe cũ còn có tình trạng là nhớt bị hao hụt nữa, bởi vì máy cũ thì bị hở bạc piston. Do đó, nếu đi xe cũ thì phải thường xuyên kiểm tra xem nhớt có còn đủ hay không (dùng cây thăm nhớt ở trong máy xe để kiểm tra), và thay nhớt sớm hơn bình thường. Ví dụ, những ai đang đi xe Toyota Corolla đời khoảng 1999 đến 2005 nên để ý thăm nhớt thường xuyên một chút.

Cũng cần lưu ý là nhớt tổng hợp cũng có nhiều loại khác nhau, và mỗi một loại xe đều có đề nghị một loại nhớt phù hợp với máy của nó. Thợ của những tiệm sửa xe chuyên nghiệp thường nắm vững điều này để chọn nhớt cho đúng.

Làm sao để nhớ đến kỳ thay nhớt? Mỗi khi thay nhớt, đa số người thợ đều có dán một sticker trên kiếng xe, ghi rõ số miles đến kỳ thay nhớt sắp tới. Ðây là hình thức nhắc nhở khá hiệu quả. Ðừng tin rằng mình tự nhớ nổi thời hạn thay nhớt! Do vậy, nếu người thợ có quên dán sticker thì mình phải nhắc họ làm. Có người làm tròn số miles thay nhớt cho dễ nhớ. Thí dụ: với nhớt tổng hợp họ qui định là thay nhớt mỗi 5,000 dặm: 5,000, 10,000, 15,000... và kết hợp thay nhớt với một vài việc bảo dưỡng định kỳ khác luôn (đổi vị trí vỏ từ trước ra sau...).

Ðối với nhớt hộp số, thời gian phải thay dài hơn so với nhớt máy, và cũng phụ thuộc vào chủng loại xe.

Phổ biến nhất là khoảng 15,000 miles phải thay nhớt hộp số. Cũng có loại xe khỏi phải thay nhớt hộp xe trong trọn đời chiếc xe (Volkswagen)! Ðể cho dễ nhớ, có người tự qui định mỗi năm thay nhớt máy một lần vào đầu năm. Ðiều này cũng hợp lý. Người dân Cali trung bình mỗi tháng chạy cỡ 1,000 miles, tức là một năm cỡ 12,000 miles. Ðầu mỗi năm thay nhớt hộp số một lần đâu có tốn kém thêm bao nhiêu, mà giúp cho hộp số bền hơn.

Có người sợ là các tiệm sửa xe thay nhớt ăn gian, dùng nhớt tái sinh để cho rẻ tiền, lời nhiều. Ðiều này không đáng lo ở Mỹ, vì nhớt tái sinh không rẻ hơn nhớt thường là bao nhiêu, không đáng để ăn gian!

Tương tự là việc một số người nghĩ rằng ở tiệm sửa xe thay nhớt đựng trong các thùng lớn sẽ không tốt bằng nhớt mua trong những bình nhựa nhỏ. Ðiều này không đúng. Nếu nhớt cùng một nhà sản xuất, cùng chủng loại, thì chất lượng giữa nhớt thùng và nhớt trong bình nhỏ sẽ giống nhau. Những tiệm sửa xe sử dụng số lượng lớn, nên xài nhớt thùng sẽ tiết kiệm được chi phí bao bì, Chỉ có vậy thôi.

Cũng một phần vì sợ bị thay nhớt “dỏm,” một số người tự thay nhớt ở nhà. Họ cho rằng chuyện này dễ làm, tiết kiệm tiền, và nhớt mình tự mua là nhớt “xịn” hơn, cho nên tốt cho xe hơn. Nếu công việc này là thú vui của các vị khéo tay, hiểu biết về cơ khí, thích tự làm thì được. Chứ người bình thường làm vì mục đích tiết kiệm thì nên xem xét lại. Ðã có người đội xe lên không đúng kỹ thuật, chui vào tự thay nhớt thì đội bị tuột, xe đè chết! Rồi mở ốc nhớt không đúng cách làm ốc bị lờn ren, bị tuôn cạnh... phải thay thế còn tốn tiền hơn. Thêm nữa, nhớt cũ cũng phải đổ bỏ cho đúng chỗ, chứ nếu không còn làm hại cho môi trường. Xem ra cái hại nhiều hơn cái lợi, không đáng để tiết kiệm!

Nói tóm lại, thay nhớt là một công việc bảo trì xe rất căn bản, ít tốn kém nhưng quan trọng. Một lần thay nhớt thường khoảng $25, nhớt tổng hợp khoảng $40. Thay nhớt đều đặn, đúng lúc, đúng cách sẽ giúp cho chiếc xe có tuổi thọ dài hơn, an toàn hơn, ít hao xăng hơn. Ðừng nên tiết kiệm tiền, hay tiết kiệm thời giờ mà quên làm việc này!

Các nhà khổng lồ dầu mỏ phương Tây thừa nhận họ không thể thiếu Nga

Châu Âu có nguy cơ đối mặt với sự cung cấp khí đốt gián đoạn do cuộc khủng hoảng ở Ukraina, trong khi đó Nga là chìa khóa đảm bảo nhu cầu năng lượng của phương Tây, - theo AFP đưa tin về tuyên bố của đại diện các nhà khổng lồ dầu mỏ Exxon Mobil và BP tại Hội nghị Dầu khí thế giới ở Moskva.



"Thực tế châu Âu phụ thuộc vào khí đốt của Nga, và Nga phụ thuộc vào doanh thu từ châu Âu tạo nên mối liên kết quan trọng, và tôi tin rằng năng lượng có thể trở thành một cầu nối,” - Giám đốc điều hành BP Robert Dudle cho biết.

BP tuyên bố tiếp tục hợp tác với nhà khổng lồ dầu mỏ Rosneft (Nga), bất chấp thực tế Chủ tịch Rosneft, ông Igor Sechin có tên trong danh sách những đối tượng bị áp đặt biện pháp trừng phạt do quan điểm của Liên bang Nga về Ukraina.

Giám đốc điều hành ExxonMobil Rex Tillerson đã gọi Nga là một trong những hướng phát triển hợp tác tiềm năng.

Bất chấp những căng thẳng chính trị nảy sinh trong quan hệ giữa Nga và phương Tây, Rosneft vẫn ký kết được loạt hợp đồng với ExxonMobil (Mỹ), Statoil (Na Uy) và ENI (Ý). Cũng có thông báo việc một số công ty phương Tây đang xem xét lại nghĩa vụ của họ đối với Liên bang Nga, sau khi Washington và Brussels áp đặt các biện pháp trừng phạt chống điện Kremlin.

Thứ Năm, 19 tháng 6, 2014

Trung Quốc điều giàn khoan thứ 2 tới vùng giàu dầu mỏ nhất ở Biển Đông?

Có một sự trùng hợp đáng chú ý. Ngày 18/6, đúng thời điểm Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì tới Hà Nội, có các cuộc thảo luận ở cấp cao nhất với các nhà lãnh đạo Việt Nam kể từ sau vụ giàn khoan Hải Dương 981, thì một số nguồn tin từ Cơ quan Hải sự Hải Nam thuộc Cục Hải sự Trung Quốc tiết lộ: nước này đang triển khai một giàn khoan nước sâu khác ở Biển Đông.

Giàn khoan này có tên gọi Nam Hải 9 (Nanhai Jiuhao), được Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) mua từ Transocean Ltd. - tập đoàn chuyên chế tạo giàn khoan nước sâu có trụ sở tại Thụy Sỹ. Theo trang web deepwater.com, đây là giàn khoan nửa chìm, có khả năng tác nghiệp tại những vùng biển sâu 1.500m, với khả năng khoan sâu 15.000m.

Bãi Cỏ Rong - nơi Trung Quốc tính hạ đặt giàn khoan Hải Nam 9? Ảnh: Invisionfree

Giàn khoan Nam Hải 9 này đang di chuyển với tốc độ 4 hải lý/giờ, hoàn toàn có khả năng tiến đến khu vực Hải Dương 981 đang hạ đặt trong 3 ngày tới và đây là một khả năng. Thế nhưng nó có thể sẽ tiến xa hơn, hướng xuống bãi Cỏ Rong (Reed Bank) nằm ở phía Tây Palawan, Philippines trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Địa điểm mà giàn khoan Hải Dương 981 đang hạ đặt trái phép trên vùng biển nước sâu thuộc chủ quyền Việt Nam gần bể Phú Khánh (Việt Nam) - khu vực rất có triển vọng dầu khí sau khi tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ) đã cho công bố các kết quả thăm dò gần đây. Thế nhưng, Phú Khánh chỉ là bể giàu tiềm năng dầu khí thứ hai ở Biển Đông, sau khu vực bãi Cỏ Rong. Chính quyền Manila đã giao quyền cho tập đoàn dầu khí Philex Petroleum của nước này bắt đầu tiến hành khoan thăm dò tại vùng biển quanh bãi Cỏ Rong từ năm 2015.

Phải chăng Bắc Kinh coi đây là động thái “khiêu khích” và quyết có bước đi "chặn đầu" bằng cách triển khai trước giàn khoan nước sâu Nam Hải 9?

Báo Tin Tức/ TTXVN

Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014

Cách chuẩn bị xe trước những chuyến đi xa

Chỉ một hỏng hóc nhỏ cũng làm cho chuyến đi mất thú vị, như cần gạt nước không hoạt động, ắc-quy không đủ điện. Vì vậy cần bỏ ra chút công sức và thời gian để kiểm tra, giúp phần nào yên tâm khi lên đường. Trên xe có một số bộ phận có thể kiểm tra bằng mắt, còn những hệ thống khác như phanh, hệ thống treo lại cần tới gara chuyên nghiệp. Nên nhớ, an toàn là quan trọng nhất.



Kiểm tra xe trước chuyến đi.

Dầu máy

Nên đỗ xe trên nền đất bằng phẳng, cho máy chạy nóng rồi tắt máy. Đợi vài phút cho dầu chảy xuống hết cácte dầu. Que thăm dầu có ghi "engine oil". Rút que thăm ra lau bằng vải sạch, sau đó cắm ngập que thăm vào bình rồi rút ra, kiểm tra mức dầu trên que. Nếu dầu có màu đen sẫm thì đã đến lúc thay dầu. Nếu có màu vàng, nhưng mức dầu còn quá ít, chỉ cần đổ thêm dầu cùng loại vào. Cách khác, kiểm tra theo kinh nghiệm: quệt dầu lên tay, miết giữa hai ngón tay xem dầu có mạt không.

Dầu hộp số tự động

Kiểm tra dầu hộp số chủ yếu ở trạng thái nóng. Tùy từng loại xe mà cách kiểm tra dầu hộp số cũng khác nhau. Ban đầu dầu hộp số tự động có màu đỏ. Sau thời gian sử dụng dưới nhiệt độ cao và tải trọng lớn, dầu bị ôxy hóa, chất lượng kém đi chuyển dần sang màu nâu.

Nếu có màu hồng, chứng tỏ dầu bị loãng, có thể do nước trong bộ tản nhiệt rò ra. Khi đó phải kiểm tra két nước. Nếu dầu có màu nâu là do nhiễm bẩn, nên thay dầu. Nếu dầu ở dưới mức "hot" thì cần bổ sung thêm, nhưng không được đổ đầy quá mức quy định, sẽ làm cho ly hợp và đai phanh bị trượt, gây cháy.

Nước làm mát

Mức nước làm mát có thể nhìn được từ bên ngoài và phải luôn nằm ở giữa mức thấp nhất và cao nhất. Không nên mở nắp két nước khi đang nóng. Nếu mức nước còn ít thì có thể bị rò rỉ, kiểm tra kỹ nếu có phải đi sửa ngay.

Ắc-quy

Thông thường một ắc-quy mới có thể sử dụng từ 2 đến 5 năm. Không có cách nào để biết trước khi nào ắc-quy sẽ hết điện. Hiện tượng có thể là tốc độ của máy chậm đi so với trước. Nếu đã dùng được từ 4 đến 5 năm thì nên thay mới. Nên kiểm tra xem ắc-quy có bị rò rỉ hoặc các vết nứt hay có dầu hiệu của sự ăn mòn không, nếu có nên thay mới. Kiểm tra các đầu điện cực, nếu bị ăn mòn thì ắc-quy rất dễ bị hỏng, nhất là khi đang đi trên đường.

Dưới nắp ca-pô

Kiểm tra các dây đai dẫn động, nếu có rạn nứt nên thay thế. Kiểm tra dầu phanh, dầu trợ lực tay lái, đổ thêm nước vào bình nước rửa kính. Nếu không nhớ lọc gió thay khi nào thì nên thay luôn, vì lọc gió bẩn sẽ gây tốn xăng và tiêu hao nhiều năng lượng. Cũng nên kiểm tra các đường ống gấp khúc và xoắn.

Lốp xe và phanh

Kiểm tra áp suất, độ mòn của lốp. Nên bơm lốp theo đúng tiêu chuẩn của nhà sản xuất và độ mòn của lốp cũng không vượt quá mức tiêu chuẩn quy định. Nên kiểm tra áp suất của cả lốp dự phòng, kiểm tra cả bộ kích xem còn hoạt động tốt không. Nếu có nắp khóa bánh xe, nên nhớ là phải luôn có chìa và cờ-lê để tháo. Nên đưa xe đến các trung tâm lốp xe có uy tín để kiểm tra phanh và láng, cân bằng đĩa phanh.



Láng và cân bằng đĩa phanh.

Hệ thống treo và tay lái

Khi đi xa, xe phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống treo và tay lái. Để kiểm tra các bộ phận này một cách chính xác, nên đưa xe ra gara. Tuy nhiên, nếu có hỏng hóc gì thì vẫn có thể biết được qua dấu hiệu như xe bị rung, có tiếng động lạ, tiếng gõ lạch cạch khi đi qua chỗ xóc...

Nếu giảm xóc bị thiếu dầu, đi xe có cảm giác như đang cưỡi ngựa. Nên kiểm tra các thanh giảm xóc ở gần bánh xe xem có vết dầu rỉ ra không. Nếu đi trên đường cao tốc xe bị lạng từ bên này sang bên kia là do xe bị lệch thước lái, nên đưa xe đến gara để chỉnh lại.

Các bộ phận cần thiết khác cũng cần kiểm tra như còi xe, cần gạt nước, tất cả các đèn. Nếu cần gạt nước không lau sạch được kính thì cũng nên thay. Nếu là loại zin theo xe thì chỉ cần thay lớp cao su mới. Cần kiểm tra thêm máy lạnh, máy sưởi và gương chiếu hậu.

Ngoài ra, cần trang bị thêm dây câu điện, bộ kích điện ắc-quy, dầu máy, nước làm mát, đèn pin và bộ dụng cụ thông dụng. Cũng cần lưu giữ số điện thoại của đội cứu hộ, hay số điện thoại cần thiết khác của nơi đến. Dũng Lương
Ảnh: Đại Benmar

Muốn “tự do hóa” giá xăng, điện thì phải xóa độc quyền

Nếu thị trường còn độc quyền, dân nghèo và doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa được hỗ trợ thì việc tự do hóa giá xăng, điện coi chừng “bóp bụng” người dân.Việc tự do hóa giá cả các loại năng lượng cũng có nghĩa là giá các mặt hàng điện, xăng dầu, than… sẽ tăng giảm theo giá thị trường mà không có sự can thiệp của Nhà nước. Nhưng liệu việc tự do hóa giá năng lượng trong khi vẫn còn tình trạng độc quyền thì có đảm bảo mang lại hiệu quả như mong đợi? Và việc tăng giá như thế nào để không tạo gánh nặng cho người tiêu thụ, nhất là những hộ dân nghèo và doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV)?

Đây là những băn khoăn của nhiều người tại buổi đối thoại chính sách về tăng trưởng xanh và chính sách tài khóa nhiên liệu hóa thạch ở Việt Nam diễn ra sáng 18-6.

Trước tăng minh bạch, sau giảm độc quyền

Bà Michaela Prokop, cố vấn chính sách về kinh tế của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), cho rằng hầu hết các trợ cấp giá nhiên liệu hiện nay của Việt Nam là gián tiếp, chỉ ưu đãi cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong ngành năng lượng.

Việc tự do hóa giá năng lượng khó mang lại hiệu quả khi vẫn còn tình trạng độc quyền. Ảnh: HTD

Cụ thể, DNNN xăng dầu được ưu đãi về thị trường, vay vốn, tiếp cận đất đai… Trong khi đó cấu trúc của ngành năng lượng chỉ mang lại rất ít động lực cho việc đầu tư vào công suất mới. Việc này đồng nghĩa là thị trường thiếu cạnh tranh nên kém hiệu quả.

Đồng tình với bà Michaela Prokop, bà Vũ Xuân Nguyệt Hồng, Viện phó Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cũng nhận định ngành năng lượng chủ yếu là DNNN đang độc quyền trong sản xuất và phân phối năng lượng. Độc quyền dẫn đến sự nhập nhằng giữa bảo hộ ngành và bảo hộ DNNN trong các ngành đó. Trong khi đó thông tin về giá thành, kết quả sản xuất, kinh doanh của các DNNN này lại thiếu công khai, nhất là các khoản nợ xấu.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng nếu vẫn còn tình trạng độc quyền và chi phối thị trường như hiện nay thì không thể cải cách giá năng lượng được. “Sẽ không có giá thị trường nếu như không có cơ cấu thị trường” - bà Lan nhấn mạnh.

“Tự do hóa về giá trong điều kiện độc quyền và trong bối cảnh thiếu vắng các cơ quan điều tiết độc lập sẽ làm gia tăng sự thiếu hiệu quả, gây lãng phí và các vấn đề cấu trúc. Qua nghiên cứu chúng tôi còn hoài nghi về lý do tăng giá nhiên liệu do thiếu sự minh bạch và nhận thức của các DNNN trong ngành năng lượng còn thiếu hiệu quả” - bà Michaela Prokop nhấn mạnh.

Bộ Công Thương đừng đứng “ba chân”!

Đi sâu vào gốc rễ của vấn đề, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM, cho rằng các DNNN như EVN, PVN, VINACOMIN đều thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương. Nhưng bộ này hiện nay lại giữ ba vai trò cùng một lúc vừa làm chính sách, vừa làm đại diện chủ sở hữu, vừa điều tiết thị trường. Ba chức năng trong một như vậy là mâu thuẫn với kinh tế thị trường.

Vì vậy theo ông Cung, muốn cải cách những DN này thì phải tách ba chức năng này. Trong đó, Bộ Công Thương chỉ tập trung làm chính sách. Chức năng chủ sở hữu DN giao cho một cơ quan khác. Đồng thời cần một cơ quan độc lập để điều tiết thị trường thì mới đảm bảo hiệu quả, hiệu lực và công bằng.

Trợ sức cho người nghèo và DNNVV

Theo bà Michaela Prokop, để tiến tới tự do hóa giá năng lượng phải có chính sách hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt đối với đối tượng dễ bị tổn thương - các hộ nghèo. “Bằng chứng quốc tế cho thấy hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt là cách phù hợp và hiệu quả nhất để giảm thiểu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến các hộ nghèo. Việc này cần thực hiện lồng ghép vào khung bảo trợ xã hội rộng hơn. Ngoài ra việc hỗ trợ bằng tiền mặt cũng cần thực hiện đối với các hộ nông dân và kinh doanh” - bà Michaela Prokop nói.

Để tránh tình trạng người dân để nhận được vài chục ngàn đồng tiền hỗ trợ thì phải mất cả trăm ngàn đồng tiền xe ôm đi lại như báo chí phản ảnh vừa qua, ông Nguyễn Thắng, Trung tâm Phân tích và Dự báo (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), cho rằng thay vì mức hỗ trợ 30.000 đồng/tháng thì hỗ trợ luôn mức điện tiêu thụ tương đương với giá trị này. Tức là hỗ trợ khoảng 30 kWh/tháng cho mỗi hộ nghèo bất kể họ dùng bao nhiêu điện.

Đồng thời, ông Thắng cũng đề nghị áp dụng trở lại biểu giá đặc biệt đối với điện cho tưới tiêu tập trung vào nông dân nghèo và hộ quy mô nhỏ hiện nay đã bỏ…

Ngoài ra, ông Thắng cũng đề nghị khi thực hiện tự do hóa giá năng lượng, Nhà nước cũng cần có sự hỗ trợ cho DNNVV và một số DN có lựa chọn để tránh tình trạng DN sống không nổi, ngưng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng vì giá nhiên liệu tăng cao.

THU HẰNG


Đừng chuyển từ độc quyền nhà nước sang độc quyền tư nhân!

Bà Vũ Xuân Nguyệt Hồng (Viện phí Viện CIEM) cho hay muốn thực hiện lộ trình cải cách giá phải gắn liền với cải cách DNNN, nếu không sẽ khó thành công. Hiện Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty năng lượng chủ chốt: EVN, PVN và VINACOMIN.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có một kế hoạch nào để dỡ bỏ tính độc quyền của các DNNN trong ngành năng lượng, trừ ngành điện đã có cam kết tự do hóa thị trường phát điện, thí điểm cạnh tranh trên thị trường truyền tải điện trước năm 2015 và cạnh tranh trên thị trường phân phối điện trước năm 2021.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM, cũng cho rằng: “Nếu các DNNN chỉ dừng ở cổ phần hóa sẽ dẫn đến nguy cơ chuyển từ độc quyền nhà nước sang độc quyền tư nhân.

Dân bàn chính sách còn “hai ông bộ” đi đâu?

Câu chuyện giá điện, xăng, than… là vấn đề thiết thực với đời sống hằng ngày của người dân, liên quan trực tiếp đến sự quản lý của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương nhưng không hiểu tại sao các bộ, ngành được ban tổ chức mời lại thờ ơ khi không ai đến dự buổi đối thoại này. Thậm chí báo cáo được thảo luận hôm nay đưa ra nhiều dữ liệu và khuyến nghị có lợi cho các DNNN ngành năng lượng và cho các bộ, ngành quản lý những DN này nhưng họ cũng không bận tâm. Tôi được biết trong quá trình thực hiện báo cáo, nhóm nghiên cứu đã nhiều lần mời các bộ, ngành liên quan góp ý nhưng họ không có một sự phản hồi nào.

Chuyên gia kinh tế PHẠM CHI LAN

Cho DN định giá xăng dầu: Người tiêu dùng xuống... thứ yếu!

Nghị định 84 sau gần 17 tháng chỉnh sửa đến nay vẫn chưa thể ban hành. Nguyên nhân chính vẫn là do việc trao quyền định giá một cách thông thoáng cho các doanh nghiệp (DN) bị dư luận phản ứng...

Sửa nửa vời

Tại kỳ họp này của Quốc hội, khi đánh giá về Nghị định 84, cả hai Bộ trưởng Tài chính và Công Thương đều nhìn nhận rằng, việc điều hành giá xăng dầu hiện nay đã tránh được các cú sốc về giá và người dân đã quen dần với sự lên-xuống của giá xăng dầu. Tuy nhiên, các Bộ trưởng cũng cho biết, việc sửa Nghị định 84 là cần thiết nhằm điều hành giá xăng dầu mềm dẻo, sát thực tế hơn. Theo đó, nội dung Nghị định 84 thời gian tới sẽ được sửa đổi và ban hành sớm theo hướng sát diễn biến thị trường hơn.


Và để đúng theo hướng "sát thị trường hơn", Nghị định 84 sửa đổi đã được đề xuất cơ chế định giá vẫn theo 3 mức (nhưng biên độ có thấp hơn trước), cụ thể: DN xăng dầu có quyền tự định giá (tăng, giảm với biên độ 2%), còn với các biên độ cụ thể trên 2- 7%, thì Nhà nước và cùng tham gia với DN. Trên 7% thì Nhà nước "quyết".

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cơ chế điều hành giá như vậy sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và người tiêu dùng vẫn xếp hàng thứ yếu. Theo ông Long, hiện xăng dầu chưa có thị trường cạnh tranh thực sự, còn có DN giữ vị trí thống lĩnh thị trường (thực chất là độc quyền nhóm). Sự cạnh tranh còn rất yếu, bởi hiện trên thị trường kinh doanh xăng dầu nước ta có 21 đầu mối, nhưng Petrolimex vẫn chiếm khoảng gần 50% thị phần. Giá cơ sở để tính giá bán lẻ xăng dầu đều được tính từ "ông lớn" Petrolimex.

Điểm “tối” nhất của Nghị định 84 là để cho DN tự định giá theo biên độ, ai cũng biết, nhưng sửa lại vẫn là để cho DN tự định giá theo biên độ, có chăng thấp hơn, vậy là "sửa quá nửa vời, vô lý". Trên thực tế, khi giá xăng dầu thế giới vừa tăng nhẹ, trong thời gian quy định các DN xăng dầu ngay lập tức kêu lỗ và tăng giá.

Khi giá xăng dầu thế giới giảm liên tục và giảm sâu, các DN đã không giảm giá kịp thời, hoặc giảm rất ít và viện đủ lý do cho việc giảm giá không tương xứng này. Ông Long cho rằng, với biên độ cho phép DN xăng dầu tự tăng giá đến 2%, so với mức giá xăng hiện tại thì DN được phép tăng trên 400 đồng/lít - mức giá tuyệt đối mà DN được phép tăng như vậy sẽ không phải là nhỏ và nếu cứ tăng liên tục theo quy định thì người dân cũng đủ "hết hơi".

Nhà nước muốn "buông"

Trên cơ sở sửa đổi Nghị định 84 như nói trên, trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị, cần mạnh dạn cho DN tự định giá xăng dầu trên cơ sở hướng dẫn của Nhà nước... Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh lo ngại: Thị trường xăng dầu chưa hình thành cạnh tranh đúng nghĩa, nếu Nhà nước "buông" thì dân quá "gay".

"Giờ Nhà nước đang "bám" vào mà giá xăng dầu cũng đã nhảy loạn xạ, người dân, DN không có quyền lựa chọn giá khi mua xăng. Nếu Nhà nước bỏ quyền định giá thì không biết nền kinh tế, quyền lợi người dân sẽ đi về đâu trong tay một vài DN xăng dầu lớn như hiện nay?!"- ông Doanh nói.

Phân tích sâu hơn vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, thị trường xăng dầu Việt Nam, với 11 đầu mối kinh doanh nhập khẩu xăng dầu, trong đó Petrolimex chiếm đến gần 60% thị phần, PVOil chiếm gần 20%, hai DN trên chiếm đến 80% thị phần nên việc để cho DN tự định giá là chưa hợp lý.

Hơn nữa, tính công khai, minh bạch của DN trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu chưa đảm bảo để họ tự quyết định giá. Với năng lực hạn chế trong viêc kiểm soát nguyên tắc tính giá xăng dầu của DN như hiện nay, nếu Nhà nước tiếp tục để cho họ tự định giá dù biên độ hẹp cũng sẽ rất nguy hại. DN xăng dầu đang thống lĩnh thị trường họ sẽ làm mọi cách để tính giá có lợi cho DN và đưa lại lợi nhuận mà Nhà nước rất khó "cầm cương", còn người tiêu dùng luôn phải chịu thiệt.

"Tôi vẫn e ngại khi Nhà nước giao quyền tự quyết về giá cho DN đầu mối xăng dầu. Theo tôi, cần giảm vai trò thống lĩnh thị trường của các DN thị phần lớn, như nâng thị phần của các DN nhỏ, cho phép DN nước ngoài tham gia thị trường xăng dầu Việt Nam. Petrolimex hiện nay đang gần như dẫn dắt về giá, các DN nhỏ vẫn phải định giá dựa vào "ông lớn" này, như thế đâu có cạnh tranh và có lợi cho người tiêu dùng và xã hội”.
Ông Phạm Tất Thắngchuyên gia kinh tế

Ông Ánh đề nghị: Với thị trường xăng dầu, để phù hợp với thể chế xác định giá đối với thị trường, khi còn có DN giữ vị trí thống lĩnh thị trường, phù hợp với Luật Giá đã ban hành, Nhà nước cần quy định giá trần, mới đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, tạo sự cạnh tranh về giá giữa các DN.

Theo đó, giá bán của các DN không được vượt qua giá trần. Để làm được như vậy, bản thân DN cần cố gắng phấn đấu giảm chi phí quản lý, kinh doanh, tiếp thị để giảm giá bán nhằm thu hút khách hàng. Mức giá tối đa này phải đảm bảo cho DN bù đắp được chi phí và có lãi hợp lý, phải sát với giá thị trường.

Thứ Ba, 17 tháng 6, 2014

Chạy xe máy sao cho không ngã?

Luyện tập cách phanh, thay đổi tốc độ, thậm chí chọn chiếc xe thế nào cho phù hợp với cơ thể là những kỹ năng mà người lái xe máy cần có.

Kỹ năng lái xe có thể phát triển theo thâm niên nhưng không đồng nghĩa với vệc cứ lái xe hai bánh nhiều là có kỹ năng tốt hơn. Để làm chủ chiếc xe ở nhiều tốc độ, nhiều loại địa hình, thời gian chạy xe khác nhau cần luyện tập và nắm bắt những bí quyết. Dưới đây là những cách rèn luyện để nâng cao kỹ năng lái xe máy.

1. Giữ khoảng cách an toàn

Trừ những trường hợp đường giao thông quá đông như khi vào giờ tan tầm trong đô thị, người chạy xe máy luôn phải ở trong tâm thế giữ khoảng cách an toàn đến xe phía trước. Những lý thuyết về tối thiểu bao nhiêu mét đến xe phía trước có thể khó áp dụng trong thực tế, nhưng theo kinh nghiệm của những lái cứng, nên chọn một khoảng cách sao cho có thể xử lý phanh dừng hoặc tránh khi xe trước dừng đột ngột, khoảng cách này theo đổi theo tốc độ.

2. Phanh nhẹ hơn, phanh dài hơn

Dùng lực phanh quá mạnh hoặc đột ngột khi muốn dừng có thể khiến xe mất quán tính, người lái bất ngờ hoặc trượt bánh. Luôn tập cách phanh với lực vừa phải, nhẹ và mượt. Để phanh trong những tình huống bất ngờ hoặc khi điều kiện thời tiết, mặt đường không ưu đãi đọc hướng dẫn ở đây.

3. Điều chỉnh tốc độ trước khi vào cua

Có thể là thói quen chạy xe hoặc do không hiểu hết các kỹ năng, nhiều người có thói quen chạy sát đến góc cua rồi mới phanh dúi dụi để vào cua, liên tục rà phanh khi xe đang trong cua. Thực tế kỹ thuật rà phanh để áp dụng được cần luyện tập rất kỹ khi muốn qua khúc cua ở tốc độ cao.


Với hầu hết mọi người, để chạy xe an toàn nên xác định góc cua trước khi vào cua. Chủ động kết hợp phanh và về số thấp để giảm tốc độ, không cứng nhắc giữ thẳng người khi xe đang nghiêng và chủ động đổ người nghiêng vào trong cua để người và xe thành khối thống nhất, xe không bị mất trọng tâm. Không nên giữ phanh khi đang vào cua. Một điểm lưu ý nữa là không được chém cua ở góc cua khuất, lấn làn xe đối diện chỉ khiến xe của mình mất an toàn.

4. Giữ tay phanh khi qua ngã tư

Luôn luôn giữ tay phanh khi qua ngã tư là một kỹ năng nữa mà người lái xe máy cần luyện tập. Ghi nhớ nếu có ngã tư phải sẵn sàng tay phanh. Có thể chưa phanh nhưng việc lưu ý chân và tay phanh sẽ giúp người lái phản ứng với tình huống bất ngờ khi các xe vượt đèn đỏ, chạy ẩu khi qua ngã tư.

5. Chạy chậm không đồng nghĩa với an toàn

Đôi khi không phải cứ chạy xe ở tốc độ chậm là đảm bảo an toàn, bởi có thể bị xe đằng sau húc vào, cũng có thể bị mắc kẹt vào khu vực giao thông phức tạp. Khi đi trên đường quốc lộ, rất cần quyết đoán tăng tốc để vượt qua những xe tải cỡ lớn, xe container để chiếm khu vực đường an toàn.

6. Không bị cuốn theo tốc độ

Xe hai bánh là thứ dễ khiến người ta bị cuốn theo tốc độ không dừng lại được nếu quá "mát ga". Khi di chuyển theo đoàn, nếu có kỹ năng chạy xe chậm hơn, bị bạn đồng hành bỏ xa cũng không nên cố gắng chạy theo bằng mọi giá, bởi khi điều khiển xe vượt qua giới hạn kiểu soát, sẽ không thể lường trước điều gì xảy ra.

7. Quan sát chướng ngại vật

Có nhiều lái xe chỉ nhận ra đã đâm vào cục đá, chạy qua ổ ga khi mọi chuyện đã rồi. Nếu là những chướng ngại vật lớn hơn thì thật nguy hiểm. Do đó, cần chủ động quan sát với tầm nhìn rộng, hướng mắt về phía trước song song với mặt đường. Trang bị cho xe bóng đèn có khả năng chiếu sáng tốt nhất, phù hợp với quy định và hệ thống điện của xe. Không chờ đến khi thấy chướng ngại vật mới tránh mà chủ động tránh từ trước đó để không phải đánh lái đột ngột.

8. Chọn chiếc xe phù hợp với hình dáng

Từ kỹ thuật gọi là thiết kế hình học (ergonomics). Tùy vào vóc dáng, chiều cao, cân nặng của lái xe mà chọn cho mình chiếc xe phù hợp. Xe quá to, quá nhỏ so với cơ thể đều khiến người lái không thể làm chủ chiếc xe, những động tác điều khiển xe khi gặp sự cố trên đường cũng có khó khăn hơn.

9. Mặc đồ bảo hộ phù hợp

Rất nhiều người Việt coi thường đồ bảo hộ khi đi xe máy, đặc biệt là di chuyển đường xa. Khi mặc đầy đủ giầy, quần áo có khả năng tránh sát thương và mũ bảo hiểm sẽ giúp người lái ngăn chặn tác động của thời tiết như nắng, mưa gió đồng thời bảo vệ không bị sát thương khi chẳng may xảy ra tai nạn.

Đồ bảo hộ không những đáp ứng được chức năng bảo vệ mà còn phải thông thoáng, dễ nhận biết cho người đi đường.

10. Thực hành nhiều

Có nhiều hướng dẫn về lái xe an toàn trong sách, báo chí, hay trên internet. Chỉ có cách người lái tự đọc nhiều để hiểu, đồng thời thực hành, lưu ý ngay khi di chuyển trên đường thì mới có thể hoàn thiện kỹ năng lái xe theo từng ngày.

Minh Hy

Phòng chống mất cắp hiệu quả cho xe hơi và phụ tùng

Thực hiện đầy đủ những bước sau, chiếc xe của bạn sẽ trở thành một thử thách lớn cho bất kỳ tên đạo chích nào muốn "hành nghề".



Ở mỗi nơi, đạo chích lại thích “nhòm ngó” phụ tùng xe hơi theo kiểu khác nhau. Ngược với những nước phát triển, nơi kẻ trộm thường tìm cách đánh cắp cả chiếc xe, tại những quốc gia ít phát triển hơn thì phụ tùng xe hơi là những thứ dễ bị mất nhất. Ví như tại Cuba, xe hơi thường hay bị mất đầu đọc đĩa, hệ thông âm thanh và logo. Còn ở Ukraina, chi tiết xe hay bị “thuổng” nhất lại là gạt mưa và vô-lăng,…

Trong khi đó, “dân hai ngón” trên dải đất hình chữ S rất “khoái” gương chiếu hậu, các loại nẹp, logo và cả… bánh xe.

Rủi ro mất xe hay phụ tùng luôn tiềm ẩn đối với bất kỳ ai. Tuy nhiên, nếu có ý thức tự bảo vệ và tránh tâm lý chủ quan trong mọi tình huống, thì có thể phòng tránh và giảm thiểu được nguy cơ tài sản bị nẫng mất hoặc bỗng dưng trở thành “khuyết tật”.

Dưới đây là một số biện pháp an ninh, hy vọng có thể sẽ giúp các chủ sở hữu phòng ngừa rủi ro cho chiếc xe hơi của mình. Bài viết được sự hỗ trợ của ông Nguyễn Hoàng Linh thuộc Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn (Bộ Ngoại giao Việt Nam), người đã áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ xe ở những quốc gia trên thế giới mà ông được cử đến làm việc.

1. Thói quen tự bảo vệ trước khi rời xe

Có ý thức giữ gìn tài sản cá nhân là biện pháp phòng ngừa mất trộm đơn giản nhất nhưng lại rất hiệu quả đối với đạo chích không chuyên nghiệp. Cách này sẽ gây cản trở quá trình “tác nghiệp” của “dân hai ngón” và loại bỏ được hành vi “tự tay dắt dê” đối với những người không có ý định ăn cắp.

Tìm chỗ đậu xe an toàn là bước đầu tiên nên áp dụng để bảo vệ tài sản của mình. Nếu bắt gặp nơi để xe có người trông giữ gần đích đến, đừng ngại đi bộ và tiếc một khoản chi phí nhỏ cho người giữ xe. Trường hợp phải đỗ xe ngoài đường (không có người trông), thì không nên chọn những nơi tối tăm, hẻo lánh và vắng người qua lại.

Trước khi ra khỏi xe, đừng quên kiểm tra lại tất cả các cửa sổ xe, nhất là cửa nóc (nếu có). Cất kín tài sản có giá trị, rút chìa khóa mang theo người và chắc chắn toàn bộ cửa xe đã được khóa chặt khi rời xe. Không giao chìa khóa cho người giữ xe, coi đây là vật bất ly thân.

Tuyệt đối không để xe nổ máy rồi bỏ ra ngoài, nhất là khi trong xe không có ai hoặc chỉ có trẻ em. Đừng chủ quan với tình huống này, bởi chỉ cần một vài phút bất cẩn là chiếc xe hoặc tài sản bên trong hoàn toàn có thể “không cánh mà bay”.

2. Trang bị thêm thiết bị bảo vệ

Ở một số dòng xe hiện đại, ngoài trang bị an toàn cơ bản như chìa khóa xe, còn có thêm thiết bị báo động phòng chống trộm cắp. Tuy nhiên, tại Việt Nam, số lượng xe có sự hiện diện hệ thống này như một trang bị tiêu chuẩn vẫn còn rất hạn chế. Do vậy, chủ sở hữu cũng nên tìm hiểu và trang bị thêm cho chiếc xe nếu có điều kiện.

Tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng, mà có thể lựa chọn thiết bị cảnh báo bằng âm thanh hay camera theo dõi từ xa hoặc cả hai. Ngoài ra, hệ thống định vị GPS cũng là lựa chọn không tồi, nhất là với những người chuyên kinh doanh dịch vụ cho thuê xe hay những người thường để xe ngoài đường vào ban đêm.

Mặc dù vậy, không nên chủ quan khi xe đã được trang bị thêm các loại thiết bị bảo vệ. Nhiều trường hợp, các thiết bị điện tử có thể hoạt động không theo ý muốn và không phát huy được tác dụng. Do vậy, bạn nên kiểm tra bộ phận này thường xuyên và đừng quên khởi động hệ thống trước khi rời khỏi xe.

Thêm nữa, khi lựa chọn thiết bị cảnh báo, cần tìm hiểu kỹ công năng của thiết bị, khả năng tương tích kỹ thuật với hệ thống điện của xe. Và đặc biệt, không nên sử dụng loại không rõ nguồn gốc hoặc cũ.

3. Thiết bị chặn khởi động xe

Đây là biện pháp rất hiệu quả để phòng mất trộm xe, nhưng lại không giúp chủ sở hữu tránh khỏi nguy cơ mất đồ hoặc phụ tùng.

Có hai cách để áp dụng biện pháp này cho xe hơi. Bạn có thể sử dụng thiết bị ngoại vi từ một số nhà cung cấp để can thiệp ngắt hệ thống điện và ống dẫn nhiên liệu. Hoặc tạo thêm một công tắc điện (đặt ở vị trí kín đáo trong xe) trước đường cấp điện cho chìa khóa xe. Tuy nhiên, cách thứ hai đòi hỏi người thực hiện phải hiểu sâu về hệ thống kỹ thuật điện của xe và đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hoạt động thông suốt của thiết kế ban đầu.

Ngoài ra, biện pháp lắp khóa cho vô-lăng cũng là một giải pháp hiệu quả nếu không muốn động chạm đến hệ thống điện của xe.

4. Khắc mã số lên kính lái và gương chiếu hậu

Việc khắc mã số lên kính lái và gương chiếu hậu xe hơi cũng là biện pháp hạn chế việc mất trộm. Những chiếc xe có khắc mã số sẽ khiến những tên trộm phải tốn thêm chi phí thay thế bộ phận này trước khi đem đi tiêu thụ.

Mã số sử dụng để gắn thường dùng luôn số khung xe (VIN - Vehicle Identification Number). Dãy ký tự này hầu như không có trùng lặp, do vậy sẽ rất khó để bán lại những chiếc gương chiếu hậu đã được “đóng dấu”.

Cách thức thực hiện này cũng khá đơn giản, khi mã số được in ra các miếng dán và dán trên kính bằng một loại keo đặc biệt. Sau vài phút, chỉ cần gỡ bỏ miếng dán là mã số sẽ được in mờ trên gương.

Một số chủ xe thường sử dụng một số biện pháp để chống trộm bằng cách gắn thêm bu-lông chống trộm bánh xe, xỏ cáp/xích vào kính chiếu hậu, bắn đinh tán ri-vê lên logo…

5. Khóa xe bằng biện pháp cơ học

Đối với những người phải để xe ngoài đường vào ban đêm, thì những biện pháp bảo vệ bằng các thiết bị điện tử sẽ không có nhiều tác dụng, đặc biệt với những tên trộm xe chuyên nghiệp.

Do vậy, việc kết hợp thiết bị bảo vệ với khóa xe cơ học cũng là một giải pháp không tồi. Trước khi bỏ xe lại ngoài đường, bạn có thể dùng khóa xích để liên kết các bánh xe lại với nhau,…

Trên tất cả, muốn chiếc xe phòng ngừa tốt nhất với đạo chích, người sử dụng nên có ý thức tự bảo vệ. Không nên ỷ lại vào các thiết bị hỗ trợ hoặc đỗ xe ở những nơi không đảm bảo an toàn.

Theo VnEconomy

Khám phá ý nghĩa trong tên gọi của các mẫu xe môtô

Bạn có biết từ CBR trong tên của Honda CBR1000RR có nghĩa là Cross Beam Racer, dùng để ám chỉ khối động cơ 4 xi-lanh thẳng hàng, nằm bắt ngang qua các dầm khung?

Honda CBR1000RR, BMW R1200 hay Kawasaki Ninja 10R từ lâu đã không còn là những mẫu môtô xa lạ với người tiêu dùng thế giới. Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu ý nghĩa chữ viết tắt trong tên của những mẫu môtô quen thuộc. Cùng tìm hiểu ý nghĩa những chữ cái, số và tên của các dòng môtô trên thị trường hiện nay.

Ý nghĩa của chữ cái, số và tên cụ thể

Các nhà sản xuất môtô thường có hai xu hướng đặt tên cho xe. Đầu tiên là dùng chữ cái và số. Thứ hai là chọn một cái tên cụ thể nào đó như Hayabusa, Ninja, Fireblade và Intruder. Làm như vậy, các nhà sản xuất có thể đa dạng hóa dòng sản phẩm của mình và không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Suzuki Hayabusa

Thông thường, số trong tên của môtô được dùng để ám chỉ dung tích động cơ. Ví dụ như Yamaha R1 với dung tích động cơ 1.000cc. Tương tự như vậy là Kawasaki Ninja 10R với động cơ cũng có dung tích 1.000cc.

Trong số các hãng sản xuất môtô, Suzuki có vẻ là nhãn hiệu ưa chuộng dùng số để đặt tên xe hơn cả. Có thể thấy điều đó qua tên của những mẫu xe Suzuki như GSX-R600, 750 và 1300. Bên cạnh đó là Yamaha với R125, R25 và R3 để ám chỉ phân khúc 125, 250 hay 300cc.

Dòng xe địa hình thậm chí còn thường xuyên được đặt tên với số hơn. Các mẫu xe địa hình thường không đi kèm những cái tên lấy từ một chữ có nghĩa nào đó.

Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, khi ngày càng có nhiều mẫu môtô xuất hiện trên thị trường, các nhà sản xuất đâm ra "bí" ở khoản đặt tên xe. Giải pháp của các nhà sản xuất là sử dụng tên mã để phân biệt các bản trang bị khác nhau trong cùng một mẫu xe. Những cấu trúc tên như Honda XL600V Transalp hay Suzuki M90R Boulevard đã trở nên khá quen thuộc đối với dòng môtô đường phố.

Honda CB và CBR có lẽ là hai cái tên gây tranh cãi nhất về mặt ý nghĩa trong ngành công nghiệp môtô thế giới. Phần lớn các tay lái đều giải thích CB là chữ viết tắt của cụm City Bike. Trong khi đó, Honda CBR được đặt tên theo cụm City Bike Racing hoặc Racer. Cũng có người lái khẳng định Honda CBR là từ viết tắt của cụm Closed Body Racer. Đây là cái tên nội bộ được dùng để chỉ dòng môtô với dàn ốp kín thân xe.

Tuy nhiên, theo ông Dan Hancock, đại diện của hãng Honda, CBR là từ viết tắt của cụm Cross Beam Racer. Được biết, Honda CBR là cái tên được dùng để ám chỉ khối động cơ 4 xi-lanh thẳng hàng, nằm bắt ngang qua các dầm khung.

Ý nghĩa của hai chữ cái R và RR

Xe Honda

Chữ cái R thường được dùng để kết thúc tên của một mẫu xe nào đó. Ý nghĩa của chữ R là khẳng định mẫu môtô đó có liên quan đến các giải đua xe. Ngoài ra, chữ R còn ám chỉ một mẫu môtô là bản sao của xe đua. Ngay cả trong ngành công nghiệp ôtô, chữ cái R cũng có ý nghĩa tương tự. Trong khi đó, RR có nghĩa là Race Replica hoặc Race-Ready.

Honda CBR1000RR

Đọc đến đây, một số người sẽ nghĩ RR chỉ là biến thể của R trong cách đặt tên xe. Tuy nhiên, RR thường được dùng để gọi những mẫu xe có trang thiết bị giống với môtô đua hơn. Ví dụ điển hình là Honda CBR600RR và CBR1000RR trên thực tế được trang bị các thành phần tốt hơn hẳn.

Có thể nói, dòng xe có tên RR của Honda là lựa chọn phù hợp cho những tay lái mê tốc độ và môtô đua. Nếu muốn mua nguyên mẫu của những chiếc môtô đua trong giải MotoGP, bạn phải chi số tiền lên đến 5 triệu Euro. Đáng tiếc thay, ngay cả có tiền bạn cũng chẳng thể mua được vì chúng không được dùng để bán ra thị trường.

Xe BMW

Bên cạnh đó, chữ R còn có ý nghĩa khác khi gắn trên dòng xe BMW. Khi được dùng làm chữ cái đầu tiên trong tên xe BMW, chữ R là viết tắt của Reihen để nhấn mạnh khối động cơ xi-lanh phẳng. Khối động cơ Boxer biểu tượng của BMW trên thực tế thường được miêu tả là máy xi-lanh đôi phẳng hoặc đối nghịch. Ngoài ra, chữ R trong tên xe của BMW cũng là viết tắt của Racing hoặc Rennsport.

Động cơ Boxer của BMW R1200.

Trong khi đó, GS vốn được dùng cho dòng xe adventure nổi tiếng của gia đình BMW là chữ viết tắt từ cụm Gelande và Strasse. Trong tiếng Đức, cụm từ này có nghĩa là Land/Dirt (đường đất) và Street/Road (đường phố) để nhấn mạnh sự đa dụng của dòng xe adventure mang nhãn hiệu BMW. Một số người lại khẳng định S trong GS vẫn là viết tắt của Sport.

Động cơ xi-lanh đôi song song hoặc nằm dọc.

Ngoài ra, hãng BMW còn có 2 dòng động cơ khác với chữ viết tắt F và K. BMW F nghĩa là xe sử dụng động cơ với cấu trúc xi-lanh nằm dọc. Tuy nhiên, BMW F650 là xe được trang bị động cơ xi-lanh đơn. Trong khi đó, BMW F700 và F800 lại được trang bị động cơ xi-lanh đôi song song hoặc nằm dọc.

Động cơ trên BMW K1600.

Dòng động cơ K của BMW được tái thiết kế sau năm 2000. Hiện động cơ này đang được trang bị cho BMW K1200, K1300 và K1600. Chữ K ở đây ám chỉ dòng xe touring của BMW với động cơ 4 hoặc 6 xi-lanh.

Đối với hãng BMW, những chữ cái GT hay GTL được sinh ra từ cụm Grand Turismo cũng như GT Luxury. Trong khi đó, RT và ST lại là chữ viết tắt của Reise Touring (Travel Touring) và Sport Touring. Ở dòng xe Honda, chữ ST cũng có ý nghĩa tương tự khi dùng cho ST100 và ST1300. Hãng Triumph cũng lấy ý nghĩa tương tự để đặt tên cho Sprint ST.

Xe Aprilia

Trong cái tên Aprilia RSV, chữ cái R lại có nghĩa là Racing, lấy từ cụm Racing Series V-Twin để gọi khối động cơ 2 xi-lanh. Trong khi đó, những người khác lại tin R là viết tắt của Rotax, một nhà sản xuất động cơ hiện đang cung cấp cho một số hãng môtô trên thế giới.

Ý nghĩa của chữ cái X

Các nhà sản xuất môtô dường như rất thích chữ cái X khi đặt tên xe. Đây là chữ cái thường có ý nghĩa là "bổ sung". Thậm chí, có hãng dùng chữ X để đặt tên xe chỉ vì nghe hay. Những mẫu xe như Kawasaki ZX hay Suzuki GSX được đặt tên để nhấn mạnh sự ưu việt so với phiên bản cũ hoặc đối thủ.


Z là dòng môtô có lịch sử lâu đời trong gia đình Kawasaki. Tuy nhiên, ít ai biết vì sao hãng Kawasaki lại chọn chữ cái Z để đặt tên xe. Có vẻ như hãng Kawasaki chỉ muốn dùng một chữ cái hiếm khi được sử dụng trong những từ phổ biến. Bản thân dòng xe YZ của Yamaha cũng khiến nhiều người thắc mắc về ý nghĩa tên gọi. Y có thể là viết tắt của Yamaha. Còn X dường như không có ý nghĩa gì.

Ngoài ra, mọi người còn đoán ý nghĩa của cái tên Suzuki GSX-R. Theo một số ý kiến, đây là chữ viết tắt của cụm Grand Sport eXperimental-Racing. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, những chữ cái chỉ được dùng để ám chỉ một mã riêng của nhà sản xuất chứ không có ý nghĩa gì. Suzuki GSX-R cũng có thể nằm trong số đó.

Ý nghĩa của những chữ cái khác

Một số hãng xe sử dụng những chữ cái khác để thể hiện sự đặc biệt của dòng sản phẩm. Ví dụ, F có thể hiểu là động cơ 4 kỳ hoặc dàn ốp kín thân. Trong đó, F đồng nghĩa với động cơ 4 kỳ thường được dùng trong phân khúc xe địa hình. F có nghĩa là dàn ốp kín thân được dùng để phân biệt với xe naked-bike. Nhiều mẫu xe streetfighter có chữ N ở cuối tên để khách hàng phân biệt dễ dàng hơn. Ví dụ điển hình là Kawasaki ER-6n và ER-6f.

Chữ cái A được dùng cho xe đi kèm hệ thống chống bó cứng phanh ABS. Trong khi đó, FI hay EFI là từ viết tắt của hệ thống phun nhiên liệu trong động cơ. V là chữ viết tắt ám chỉ động cơ V-Twin. Đây là chữ cái được phần lớn các hãng xe dùng từ khá lâu nay. Ví dụ cái tên Honda VTX1800 nghĩa là V-Twin eXtreme để ám chỉ động cơ có đường kính xi-lanh lớn.

Honda VTX1800

Honda VTX1800 còn đi kèm một số chữ cái khác như R (Retro), S (kiểu dáng cổ điển), F (cruiser thể thao) và C (khả năng vận hành). Ngoài ra, C còn là chữ viết tắt của từ Classic.

Phanh ôtô thế nào cho đúng?

Không chỉ phanh để dừng mà người lái còn phải học cách phanh kết hợp cả động cơ để vào cua ổn định mà vẫn đảm bảo vận tốc. Dù đang điều khiển một chiếc Lada cũ mèm hay Mercedes S-class với những công nghệ hàng đầu thì việc không sử dụng đúng kỹ năng phanh chỉ làm chiếc xe bớt đi giá trị. Bàn đạp chân phanh không phải dùng hết sức như đóng một cánh cửa nặng, cũng không phải là chiếc công tắc điện để chỉ nhấn on/off.

Một lái xe dạn dày là biết cách sử dụng phanh cho hợp lý, giống như câu cửa miệng dân lái xe chuyên nghiệp hay truyền tai nhau cho người mới vào nghề, "không biết dùng phanh là tài xế kém, dùng quá nhiều phanh là tài xế tồi". Một tài xế làm chủ được hệ thống phanh là khi nhận biết được sự ảnh hưởng của tốc độ, điều kiện thời tiết, mặt đường... đến thời gian, lực đạp chân phanh.

Dù trong đường đua hay ngoài đường phố, có 3 bước chính trong một kỹ thuật phanh hiệu quả. Trước tiên, bắt đầu khi xe đang ở tốc độ cao, đạp phanh nhanh, nhưng không đột ngột, sử dụng quá nhiều lực phanh sẽ khiến bánh xe bị khóa hoặc kích hoạt hệ thống chống bó cứng ABS trên những xe có tích hợp.



Sử dụng hợp lý chân phanh để an toàn nhưng vẫn đảm bảo tốc độ.

Thứ hai, khi hệ thống giảm xóc trước bắt đầu phản ứng với giai đoạn phanh đầu tiên, học cách cảm giác sự rung động trên chân từ bàn đạp và những phản hồi tới vô-lăng để biết được lốp trước có đang kiểm soát tình hình tốt hay không. Để giúp xe dừng hiệu quả, lái xe phải thật nhạy cảm và hiểu xe để biết được những gì đang xảy ra để điều chỉnh áp lực phanh cho phù hợp. Một sự thật là giữ phanh lâu sẽ khiến xe lâu dừng và có thể bị trượt. "Điều chỉnh" là yếu tố quan trọng trong giai đoạn này.

Bước thứ ba diễn ra vào điểm cuối của vùng phanh, thời điểm khi chiếc xe đã chậm lại, tới một vận tốc phù hợp để vào cua. Một lái xe giỏi thường giải phóng bàn đạp phanh, cho lực phanh từ lớn nhất về 0. Nhưng sẽ là không hiệu quả nếu thả phanh nhanh khiến những người ngồi hàng ghế khách bị giật. Giảm xóc trước và lốp của bất cứ loại xe nào cũng chịu áp lực lớn khi phanh, vì thế tăng độ bám đường. Nếu đột nhiên giải phóng phanh, có thể khiến lực bám và quán tính mất đột ngột, khiến xe không vững vàng khi vào cua.

Trong suốt thời gian vào cua, thân xe sẽ rất nhạy cảm khi đột ngột chuyển đổi phân bố trọng lượng. Do đó, sử dụng chân phanh cẩu thả trong quá trình này sẽ khiến xe mất cân bằng. Khi đã ra khỏi khúc cua, tăng ga để tiếp tục hành trình. Đó là lý thuyết cơ bản khi phanh ôtô, dưới đây là những kỹ thuật phanh cần thực hành.

Phanh theo ngưỡng

Phanh theo ngưỡng (threshold braking) là kỹ thuật phanh thường được áp dụng trong xe đua, nhưng đôi khi cũng phải dùng ngoài đường công cộng trong nhiều trường hợp bất ngờ. Với kỹ thuật này, người lái chủ động đạp phanh tới một lực tối đa và giữ sao cho chưa vượt qua giới hạn dẫn tới trượt bánh.

Để thực hiện được kỹ thuật này, người lái phải thực hành nhiều trong điều kiện tốc độ cao. Dấu hiệu nhận biết tốt nhất bao nhiêu lực phanh là đủ đó là độ rung của vô-lăng. Khi thực hành nhiều, lái xe sẽ cảm nhận được với độ rung tay lái như thế nào thì xe chuẩn bị trượt bánh.

Phanh theo nhịp

Phanh theo nhịp (cadence braking) là kiểu phanh được sử dụng phổ biến khi muốn dừng xe ở tốc độ cao mà không xảy ra rủi ro. Đây cũng chính là nguyên lý hoạt động cơ bản của hệ thống ABS, đó là nhấp nhả liên tục. Thay vì ECU điều khiển hệ thống phanh, lúc này lái xe chủ động chân phanh nhấp-nhả theo một nhịp độ đều đặn để xe từ từ dừng mà không bị khóa bánh vì phanh gấp.



Đường trơn trượt cần thanh theo nhịp tránh trượt bánh.

Tuy các xe ngày nay hầu hết đều được trang bị ABS nhưng tài xế vẫn nên thực hành kỹ thuật này để đảm bảo an toàn cao, nhất là khi xe chạy tốc độ cao vào vùng đường trơn trượt, mất độ bám đường.

Rà phanh

Rà phanh (trail braking) là kỹ thuật được sử dụng nhiều khi đua xe, cả ôtô và môtô lúc cần qua khúc cua với thời gian tối thiểu. Thay vì phanh để giảm tốc độ xe xuống ngưỡng thích hợp rồi bỏ phanh vào cua, tài xế vẫn giữ tốc độ cao và bắt đầu rà phanh bằng một lực vừa phải khi vào cua. Lúc đó xe vẫn giữ được một tốc độ cao mà không bị mất lái.

Phanh được giữ ở một ngưỡng liên tục cho tới khi xe an toàn thoát cua, để tập kiểu phanh này, tài xế phải cảm nhận một lực vừa đủ để xe vào cua an toàn mà vẫn đảm bảo tốc độ cao. Với môtô, tay lái sẽ rà phanh trước chứ không sử dụng phanh sau.

Giảm tốc kết hợp phanh và số

Đây được coi là kỹ thuật qua khúc cua nhanh nhất có thể mà các tay đua áp dụng, với những người mới, không quen tốc độ cao thì các thao tác kết hợp dưới đây có thể sẽ rất phức tạp để áp dụng.

Trước tiên, nhấc chân phải ra khỏi chân ga và nhấn chân phanh; trong khoảng một vài giây trước khi áp lực phanh có tác dụng cần đạp chân côn; tay phải đẩy cần số về số thấp khi đang giữ tay trái trên vô-lăng và vẫn giữ một áp lực phanh vừa đủ; sau khi về số thành công, nhẹ nhàng trượt mũi phải sang chân ga, chạm nhẹ và nhanh để đồng tốc giữa xe và động cơ, bỏ chân côn, đẩy toàn bộ chân phải sang chân ga và chờ thời điểm tăng tốc phù hợp để ra khỏi khúc cua.

Đức Huy

Lưu ý gì khi đi xe máy mùa hè?

Luôn giữ xe sạch, giảm áp suất lốp, kiểm tra nước làm mát, điều chỉnh lại chế hòa khí hay giảm bớt áp suất không khí lốp xe là một trong những việc cần làm.Vào mùa hè thời tiết nóng và ngột ngạt, không những ảnh hưởng trực tiếp đến người điều khiển xe mà còn ảnh hưởng đến cả xe máy.

Giữ xe sạch

Do bụi bẩn và bùn đất bám vào thành động cơ và cánh tản nhiệt, làm ngăn cản việc thoát nhiệt khi xe hoạt động. Động cơ trở lên nóng hơn dẫn đến xe hoạt động sẽ bị ì gây tốn xăng. Nếu vẫn sử dụng xe trong thời gian dài, sẽ dẫn đến tượng bị bó máy. Theo một số chuyên giá khuyến cáo, nên thường xuyên rửa xe và giữ xe luôn sạch trong mùa hè và cũng lưu ý thêm là không nên rửa xe khi động cơ còn nóng.

Dầu máy


Việc thay dầu máy mới vào đầu mùa hè sẽ làm cho động cơ vận hành êm ái, tăng khả năng thoát nhiệt giúp mát máy. Trên sách hướng dẫn sử dụng xe máy cũng cho thấy, vào mùa hè nên sử dụng loại dầu có độ nhớt cao. Lưu ý quan trọng là khi thay dầu máy cũng cần thay cả lọc dầu. Đối với xe ga, cũng cần chú ý thay cả dầu láp (dầu hộp số), theo kinh nghiệm 3 lần thay dầu máy thì 1 lần thay dầu láp.

Lốp xe


Việc kiểm tra lốp cũng rất quan trọng, nếu mặt lốp quá mòn thì nên thay. Ngoài ra cũng nên kiểm tra cả săm xe, nếu có trên hai miếng vá thì cũng nên thay mới để đảm bảo an toàn. Khi vận hành vào mùa hè, mặt đường thường có nhiệt độ cao, cộng với ma sát giữa lốp và mặt đường khiến không khí trong bánh xe giãn nở, lốp có thể nổ bất cứ lúc nào. Với những xe thường xuyên di chuyển ngoài trời, nên xả bớt áp suất không khí trong lốp.

Bổ sung nước làm mát


Ở hầu hết các mẫu xe tay ga đều sử dụng hệ thống làm mát bằng dung dịch. Vào mùa hè việc kiểm tra và bổ sung thêm nước làm mát là rất cần thiết. Hiện tượng khi nước làm mát bị cạn là xe bị ì, máy có mùi lạ, bốc hơi hay xe dễ chết máy và kim đồng hồ nhiệt độ chỉ ở vạch đỏ.

Lọc gió


Lọc gió quan trọng như lá phổi của xe. Hiện tượng xe tốn xăng hơn bình thường, nhanh nóng máy, yếu khi tăng ga hoặc lên dốc hoặc có khói đen là những dấu hiệu cho thấy cần kiểm tra và vệ sinh lọc gió. Với điều kiện hoạt động tại Việt Nam có phần khắc nghiệt và nhiều bụi bẩn, nên thay lọc gió định kỳ sau 10.000 km và thường xuyên kiểm tra, vệ sinh sau mỗi lần thay dầu.

Ngoài việc chăm sóc cho chú "chiến mã", bạn cũng cần phải trang bị cho mình những phụ kiện chống nắng như mũ bảo hiểm, kính bảo vệ mắt, khẩu trang, áo chống nắng, găng tay.Theo các kỹ sư tại Thành Gia Motor, nếu không chắc chắn về xe của mình, khách hàng nên đưa xe đến các trung tâm sửa chữa và bảo dưỡng để kiểm tra, giúp xe hoạt động ổn định trong mùa hè và đảm bảo an toàn. Bài và ảnh: Lương Dũng

Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

Đèn cảnh báo trên ôtô - dấu hiệu không thể bỏ qua

Những biểu tượng phổ biến nhất trên nhiều mẫu xe được giải thích giúp người sử dụng có được thông tin hữu ích. Thường đèn sẽ báo sáng nếu có bộ phận nào đó cần được quan tâm, và đèn sẽ ít báo sáng hơn nếu xe thường xuyên bảo dưỡng theo định kỳ. Có vài biểu tượng hễ mở khóa khởi động là sáng và đó là chuyện bình thường, bởi điều đó cho biết máy tính chủ đang kiểm tra hệ thống. Chỉ rắc rối thật sự nếu đèn không tắt khi động cơ đã hoạt động.Một điều quan trọng khác cần lưu ý là một số cảnh báo chỉ đơn giản là thông tin cho chủ xe về một trục trặc hệ thống chung chung. Hỏng hóc chính xác chỉ có thể được xác định với những thiết bị chuẩn đoán chuyên dụng.


Đèn cảnh báo túi khí: cho thấy rắc rối với hệ thống túi khí và hệ thống này có thể cần được kiểm tra tại một trung tâm dịch vụ có giấy chứng nhận. Biểu tượng này cũng có thể xuất hiện khi một hay nhiều túi khi bị vô hiệu hóa bằng tay.


Đèn báo hệ thống ABS: cho biết hệ thống chống bó cứng phanh đã gặp trục trặc hoặc một cảm biến cần phải thay. Biểu tượng này cũng phát sáng nếu một trong những cảm biến quá bẩn, hoặc người sử dụng đã thực hiện một pha đốt lốp và dừng xe đủ nhanh để đánh lừa hệ thống ABS. Thứ này cũng bật sáng khi xe bị sa lầy trong bùn hoặc tuyết và bánh xe xoay tít một chỗ.


Đèn báo động cơ: có thể là đèn cảnh báo đáng sợ nhất trên bảng điều khiển, và nhiều người chợt nghĩ rằng động cơ đã hỏng. Nhưng biểu tượng này có thể chỉ thông báo rằng một cảm biến đơn giản đã "hy sinh" và động cơ không hoạt động ở trạng thái tốt nhất khiến lượng khí thải nhiều hơn mức bình thường.



Đèn báo áp suất dầu: về cơ bản, nếu tín hiệu này xuất hiện có nghĩa áp suất dầu trong động cơ quá thấp hoặc quá cao, vì thế hãy kiểm tra trước khi lái xe đi. Thứ này cũng cho biết có thể bơm dầu đã bị hỏng hoặc đường vào bị tắc. Dầu với độ nhớt sai cũng có thể là lý do khác khiến đèn sáng.



Nhiệt độ động cơ: nếu đèn này không tắt sau khi đã chạy vài cây số thì nên mang xe đi kiểm tra. Bộ ổn nhiệt hoặc quạt thông gió có thể lúc nào cũng bật và đây là nguy cơ không nhỏ bởi động cơ sẽ ngốn xăng hơn và phát ra nhiều khí thải hơn.



Đèn chiếu gần (đèn cốt): thông báo rằng đèn chiếu gần hoặc đèn ban ngày/đèn định vị đang bật. Tín hiệu này còn có thể đồng nghĩa một hoặc nhiều bóng đã hỏng.



Yêu cầu bảo dưỡng: nhắc nhở rằng dầu và các bộ lọc cần được thay theo lịch bảo dưỡng định kỳ.



Cảnh báo nước rửa kính: cho biết chủ xe cần đổ đầy nước rửa kính chắn gió.



Cảnh báo nhiên liệu: nếu vạch cuối cùng của đồng hồ nhiên liệu sáng có nghĩa đã đến lúc ghé trạm xăng và đổ đầy bình.



Hệ thống lái trợ lực điện: có vấn đề gì đó với hệ thống lái trợ lực điện EPS. Không quá nguy hiểm, nhưng hệ thống lái có thể mang lại cảm giác như trên những chiếc xe vào những năm 1950. Hãy đưa xe đến các trạm dịch vụ sửa chữa.




Cảnh báo cửa mở: có nghĩa một hoặc nhiều cánh cửa đang mở hoặc đóng chưa đúng.



Cảnh báo phanh dừng: cho thấy phanh dừng đang được sử dụng. Nếu lái xe nhả phanh mà đèn vẫn sáng, nên kiểm tra lại hệ thống phanh. Đĩa phanh hoặc các miếng đệm hãm cần được thay mới.



Cảnh báo nhiệt độ làm mát: đơn giản là động cơ quá nóng. Hãy nhanh chóng dừng xe và đưa tới thợ hoặc nhờ kéo xe tới xưởng. Đèn sáng cũng có thể do mạch điện bị chập, cảm biến hỏng hoạc lỗi máy tính, nhưng dù là lý do gì vẫn nên đưa xe đi kiểm tra.


Đèn sương mù sáng: cho biết đèn sương mù đang bật.


Tín hiệu đèn pha sáng: cho thấy đèn pha đang bật. Hãy để tâm đến việc đèn pha có khiến tài xế xe ngược chiều bị chói hay không.


Đèn báo xi-nhan: cho biết đèn báo rẽ hoặc đèn cảnh báo nguy hiểm đang bật.


Cảnh báo ắc-quy: chủ yếu tín hiệu này thông báo rằng ắc-quy được sạc không đúng hoặc chưa được sạc. Thường thì tín hiệu này xuất hiện khi động cơ đang tắt.


Cảnh báo dây đai an toàn: tài xế hoặc hành khách cần thắt dây an toàn.


Cảnh báo hộp số: có sự cố trong hộp số. Thường tín hiệu này cho biết hộp số tự động hỏng chỗ nào đó. Lời khuyên là không nên vận hành xe nếu đèn này bật sáng.


VSC (kiểm soát cân bằng điện tử) hoặc hệ thống kiểm soát độ bám đường bật sáng: có vấn đề với một trong những hệ thống này. Nếu phanh vẫn làm việc thì mọi chuyện đều ổn, nhưng cần để ý rằng hệ thống ổn định không làm việc đúng vai trò vì thế đừng để xe chạy quá nhiều.

Cách hiểu đèn cảnh báo trên ôtô

Cảnh báo nước trong lọc nhiên liệu: nước được phát hiện có trong lọc nhiên liệu. Đừng hoảng sợ nếu đang lái xe, nhưng nên đến trạm bảo dưỡng, sửa chữa gần nhất để thợ bỏ nước hoặc cặn bẩn khỏi lọc.


Cảnh báo bugi sấy trên xe động cơ dầu: đèn sáng khi thời tiết bên ngoài lạnh. Không khởi động động cơ đến khi đèn tắt. Nếu đèn sáng quá lâu có nghĩa bugi sấy có vấn đề, hoặc do trời quá lạnh.


Cảnh báo dừng: sẽ bình thường nếu đèn sáng khi tài xế bắt đầu khởi động xe, nhưng nếu đèn vẫn sáng cùng đèn báo nhiệt độ động cơ thì thực sự nên dừng xe.


Đèn điều khiển hành trình: cho biết hệ thống điều khiển hành trình đang làm việc. Có thể làm đèn tắt bằng cách đạp phanh.


Vị trí hộp số: cho biết hộp số đang ở số nào.


Cảnh báo áp suất lốp: áp suất của một hoặc nhiều lốp xe quá thấp hoặc quá cao. Một hoặc vài lốp cũng có thể đã bị thủng.


Hệ thống kiểm soát độ bám đường tắt: cảnh báo rằng bạn đã vô hiệu hóa hệ thống chống trượt.


Đèn báo trượt xe: đèn sáng khi lái xe trên đường trơn, bùn và có nghĩa xe đang bị trượt và hệ thống chống trượt đang hoạt động nhằm đảm bảo xe bám đường ở mức tối đa có thể.


Cảnh báo nhiệt độ dầu hộp số tự động: dầu hộp số ở nhiệt độ quá cao, nên chạy chậm lại hoặc thậm chí nên dừng xe để làm nguội. Đổ dầu hộp số khác loại cũng có thể khiến nhiệt độ cao quá tiêu chuẩn. Hãy đưa xe tới trung tâm nếu cảnh báo vẫn tiếp tục diễn ra.


Cảnh báo chệch làn đường: hệ thống hỗ trợ xe đi giữa làn đường đã gặp trục trặc. Đừng rời tay khỏi vô-lăng trong trường hợp này.


Cảnh báo hệ thống chiếu sáng tương thích: hệ thống tự động điều chỉnh chùm sáng không hoạt động trơn tru.