Thứ Sáu, 29 tháng 8, 2014

Kinh nghiệm lái xe mùa mưa bão

An toàn nhất là ở trong nhà khi trời mưa bão, khỏi lo thủy kích hay tai nạn. Nhưng đã đến ngày cuối tuần cùng với đợt nghỉ tết Độc lập, gia đình, bạn bè đang mong chờ một chuyến đi thoải mái, tiếp thêm năng lượng cho tuần làm việc tới ... Chẳng lẽ lại để những cơn mưa cản chân bạn?, Vậy hãy cùng Dân trí điểm qua một số lưu ý khi lái xe trong mùa mưa bão để bạn có thể thoải mái tận hưởng kỳ nghỉ tới đây.


Trời mưa bão sẽ gây khó khăn cho các lái xe quan sát đường, các ký hiệu giao thông cũng như các xe đang di chuyển, cộng với đường trơn, dễ mất lái, do vậy khi di chuyển trong thời điểm này, việc đầu tiên là nên đi chậm và quan sát kỹ đường đi. Dưới đây là một số lưu ý mà các "tài già" cung cấp cho những người mới, "giờ bay" chưa nhiều.

1. Duy trì khoảng cách hợp lí đối với các xe đi trước, không nên chạy song song với xe ô tô nào (đặc biệt là các xe trọng tải lớn).

2. Nếu có thể, hãy cố gắng quan sát đường vết bánh xe của xe trước để có thể chủ động tránh những bất trắc mà xe trước đã gặp phải.

3. Không nên đi gần những xe trọng tải lớn, bởi những dòng nước bắn ra từ những bánh xe kích cỡ lớn sẽ làm giảm tầm quan sát của bạn. Tuy nhiên, đừng cố vượt khi bạn chưa chắc chắn về tầm nhìn cũng như khả năng tăng tốc của xe không phù hợp.

4. Bật đèn cốt hoặc đèn sương mù ngay cả khi mưa nhỏ cũng như lúc trời âm u, điều này không chỉ giúp bạn quan sát đường tốt hơn, mà còn giúp các phương tiện giao thông khác nhìn thấy bạn. Không nên bật đèn pha khi có xe chạy đối diện vì nó sẽ gây nguy hiểm cho cả hai khi lưu thông.

5. Nếu điều kiện cho phép, hãy chạy xe ở chính giữa tim đường, vì ở hai bên đường thường trũng và rất dễ có hố sâu bên dưới làn nước.

Nếu cẩn trọng, bạn có thể tháo ống ra khỏi cổ lọc gió trước khi qua vũng nước và lắp lại ngay sau khi qua vũng nước ngập để tránh giảm tuổi thọ động cơ

6. Không nên vượt quá giới hạn mà tầm nhìn cho phép. Trời mưa to sẽ hạn chế tầm nhìn của tài xế. Đã có khá nhiều trường hợp “tưởng vậy mà không phải vậy” gây ra những tai nạn đáng tiếc.

7. Khi đi trong khu vực ngập nước, hay cố gắng giữ tốc độ động cơ cao (vòng tua máy) để tránh nước lọt vào ống xả, khiến xe chết máy. Với xe số sàn, nên để số 1, còn với xe số tự động có các số D1, D2… hãy chuyển về D1, cố gắng giữ vòng tua máy cao nhất ở mức có thể.

8. Khi mức nước ngập nửa lốp xe - tức là đã đến giới hạn không nên vượt qua; với xe gầm cao, có thể đi qua nhưng không được để nước tràn qua mũi xe vào cửa gió và động cơ.

Để nước ngập qua cổ hút gió rất dễ gây ra hiện tượng thủy kích và cái giá phải trả rất có thể là một bộ hơi hoặc động cơ mới

9. Khi đi qua khu vực ngập nước cố gắng tránh thời điểm có xe đi ngược chiều. Hai xe đi ngược chiều sẽ tạo sóng hoặc hắt nước ngược lên capo xe, dẫn đến nguy cơ lớn là nước tràn vào họng hút và khoang động cơ.

10. Không phóng xe tốc độ cao vào vũng nước, vì như vậy rất dễ bị nước sục vào họng gió, cũng như tạo "sóng nước", nguy hiểm cho các phương tiện giao thông khác.

11. Khi xe vào đường ngập nước và đột ngột chết máy, tuyệt đối không được khởi động lại động cơ, vì máy sẽ không thể khởi động lại được nữa, mà sẽ rất dễ làm hỏng động cơ (làm cong tay biên, vỡ thành máy...)

12. Khi lái xe vượt qua vùng ngập nước, bạn nên tắt toàn bộ các thiết bị phụ tải không cần thiết như: hệ thống điều hòa, âm thanh… để giảm tải cho động cơ.

Tránh lao nhanh vào vũng nước, gây nguy hiểm cho chính mình và các phương tiện giao thông khác

13. Khi xe chết máy, bạn hãy quan sát xem mực nước có vượt qua mép sàn xe hay chưa, nếu cao hơn thì tuyệt đối không mở cửa, vì nước sẽ tràn vào bên trong, làm hư các hệ thống điện tử, các chất liệu nội thất như: nỉ, da, gỗ....

14. Khi qua chỗ ngập, bạn nên rà nhẹ chân phanh để làm khô các má phanh, loại bớt nước trong hệ thống phanh, đảm bảo cho hệ thống an toàn này hoạt động đúng cách

15. Luôn mang sẵn theo mình một số điện thoại cứu hộ giao thông khi cần thiết.

Còn nhiều câu chuyện lái xe mùa mưa bão mà bài viết này không liệt kê đủ, nếu có thể, xin bạn đọc đừng ngại ngần gì khi chia sẻ tại đây, với báo Dân trí để chúng ta luôn yên tâm khi ra đường, với điều kiện giao thông an toàn nhất, cho mình và cả người thân của mình.
Xin trân trọng những ý kiến đóng góp quý báu của các bạn.

Việt Hưng

Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

Đi xe máy xịn mới được tôn trọng?

Khi chạy những chiếc xe cà tàng, chủ sở hữu chịu nhiều thiệt thòi, chẳng hạn những chiếc xe xấu bị xếp những vị trí tệ nhất trong bãi giữ xe. Thời gian gần đây, trên các diễn đàn chuyên về xe đang xôn xao những câu chuyện xung quanh việc bị phân biệt đối xử khi đi xe cà tàng.

Điển hình là câu chuyện của thành viên Girl Biker trên một diễn đàn xe máy về việc đi xe Dream vào quán cà phê thì bị dắt tít vào trong xó, trong khi cũng chàng trai đó, hôm sau chạy xe Attila thì được chễm chệ ngay hàng đầu. Hay một thành viên khác kể lại câu chuyện khi ra Hà Nội mượn chiếc xe cà tàng của bạn đi chơi, vào quán ăn, bảo vệ không thèm dắt xe mà còn hỏi: "Chú vào đây làm gì?".

Những chiếc xe xịn sẽ được chiếm những vị trí đẹp trong bãi giữ xe. Ảnh: Mạnh Tú.

Trên đây chỉ là hai trong số hàng trăm mẩu chuyện xung quanh vị trí chiếc xe máy tại Việt Nam. Những câu chuyện này diễn ra thường ngày, ở bất kỳ đâu.

Trao đổi với phóng viên, chàng trai tên Minh (25 tuổi, ngụ Gò Vấp) kể lại: Cách đây 2 năm, Minh yêu một cô bé học cùng trường nhưng dưới 2 khóa. Quen nhau được một tuần, vì thích tính cách và giọng nói dễ thương của bé nên cậu "chết mê, chết mệt". Cô bé cũng có tình cảm với Minh nên cả 2 hay gọi điện, nhắn tin cho nhau.

Một hôm, cô bé rủ đi chơi với nhóm bạn, Minh sướng run người. "Mình không thể tin được", cậu kể lại. Hôm đó mọi người trong nhà đi vắng hết, Minh có chiếc Nouvo LX nhưng vừa cho cậu bạn mượn hồi chiều, và nhà chỉ còn chiếc Dream tàu cà tàng để trong góc.

Vốn là dân Sài Gòn, không trọng hình thức nên Minh đem chiếc Dream ra lau chùi sơ sơ rồi đến chỗ gặp. "Khi đến, nhìn nét mặt em không vui, mình ngờ ngợ nhận ra khi xung quanh toàn các chàng trai, cô gái ăn mặc sành điệu, chạy Vespa LX, Honda SH hay bèo nhất cũng Air Blade", cậu phân tích.

Rồi cậu thông tin thêm: "Em miễn cưỡng ngồi lên xe của mình nhưng trong lòng không vui. Suốt chặng đường em cũng chẳng nói câu nào". Nhưng mọi chuyện chưa dừng ở đó. Chạy được 2km, chiếc Dream tàu bị bể bánh (thủng săm), hai đứa phải xuống dắt bộ, trong khi bạn bè đã chạy tới quán nhậu ngồi chờ.

Sáng hôm sau, Minh nhận được tin nhắn của cô bạn, nói sắp đi xa, có lẽ không nên gặp nhau nữa. Đọc xong, Minh rất buồn nhưng cũng không muốn níu kéo. "Qua bạn bè, mình biết em vẫn học ở trường. Vừa giận, vừa cảm ơn chiếc Dream, nhờ nó mà mình biết ai thực lòng".

"Thực ra bây giờ, khoảng 4 tháng lương của mình, tiết kiệm một chút là mua được một chiếc SH, nhưng mình vẫn chưa muốn đổi xe. Theo mình, xe máy vẫn chỉ là phương tiện di chuyển mà thôi", Minh nêu quan điểm.


Chiếc xe máy không nói lên con người đó là ai. Ảnh: Kenhmuaban.

Bàn về những câu chuyện thực tế này, anh Thắng, một thành viên trên diễn đàn lý giải: Bên nước ngoài người ta cũng phân chia đẳng cấp theo giá trị chiếc xe hơi thì Việt Nam phân chia theo xe máy cũng là chuyện dễ hiểu. Ở nước ngoài, thủ tục pháp lý để sở hữu xe máy rất khó nên người ta mua xe hơi cho lành. Chẳng hạn ngoài tiền mua xe còn phải tiền bảo hiểm. Đường sá toàn xe hơi nên dễ bị tai nạn. Chính vì thế xe máy ở một số nước phát triển là dành cho những ai đam mê, nhưng ở Việt Nam không chạy xe máy thì chạy bằng gì?

"Chính vì đa số mọi người chạy xe máy nên những chiếc xe đẹp sẽ được coi trọng hơn là hoàn toàn hợp lý”, anh Thắng kết luận.

Chú Tâm (đang sống ở quận 8, TP.HCM), một người đã từng chạy qua rất nhiều dòng xe, cho rằng: Sở dĩ người Việt trọng xe máy là bởi tư duy của một nước nông nghiệp. Các cụ xưa có câu: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, con trâu là tài sản lớn nhất, cũng trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất nuôi sống cả gia đình nên được coi là đầu cơ nghiệp. Tương tự như con trâu, chiếc xe máy đối với người Việt chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng, nó vừa là phương tiện di chuyển để mưu sinh, vừa là tài sản đáng giá nhất trong nhà, vì vậy họ rất nâng niu và trân trọng chiếc xe máy.

“Còn nhớ khoảng năm 80 của thế kỷ trước, khi đó tôi là người duy nhất trong làng sở hữu một chiếc Mobylette. Mỗi khi tôi về tới đầu làng, đám trẻ con chạy ùa theo, chỉ để ngửi thứ khói thơm xanh lè của nó và được sờ tận tay chiếc xe", chú Tâm nhớ lại.

Và chính nhận thức xe máy là biểu tượng của sự giàu có nên đến bây giờ, người ta vẫn chưa bỏ được suy nghĩ đó. Thay vì ngưỡng mộ những chiếc như Mobylette, Simson… thì bây giờ họ ngưỡng một những chiếc như SH, Vespa, đắt tiền hơn.

"Trong thời gian tới, khi thị trường xe hơi Việt Nam rộng mở hơn, người người có thể sở hữu xe hơi thì lúc đó những chiếc xe máy xịn sẽ không còn vị trí như bây giờ” - anh Hiếu, thành viên hội môtô phân khối lớn tại TP. HCM dự đoán. Theo Minh Anh (Zing.vn)

Lúng túng trong đăng ký, quản lý xe máy và xe đạp điện

Tại Hội thảo quốc tế về bảo đảm an toàn giao thông cho người sử dụng phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện vào ngày hôm nay (26/8), đại diện các cơ quan nhìn nhận, xe hai bánh chạy điện phát triển nhanh chóng nhưng chưa được đăng ký, quản lý theo quy định cả về chất lượng cũng như số lượng đã dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn an toàn giao thông.

Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn

Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc Gia, trong 7 tháng đầu năm, tai nạn giao thông trên cả nước đã giảm cả 3 tiêu chí nhưng vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là liên quan đến xe 2 bánh.


Ngoài ra, ông Hùng cũng đề cập đến thực trạng phát triển ồ ạt về số lượng xe điện 2 bánh trong khi người điều khiển phương tiện lại chưa có ý thức chấp hành Luật giao thông.

Ông Hùng kể về lần tới Philippines công tác chỉ cách đây vài năm, có người thắc mắc vì sao ở Việt Nam xe điện hai bánh không phát triển, ông trả lời rằng sau 1-2 năm tới sẽ khác. Và giờ thì cả nước đã có khoảng 2 triệu xe đạp điện đang lăn bánh.

“Một thống kê chưa đầy đủ cho thấy, có tới 80% số vụ tai nạn liên quan đến người điều khiển phương tiện xe 2 bánh có động cơ như xe điện, xe hai bánh…Bởi vậy, việc kéo giảm tai nạn là cần thiết vì đa số người đi xe này có độ tuổi dưới 18 và hầu như là họ tham gia giao thông không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, thậm chí đi đường không có trật tự,” ông Khuất Việt Hùng đánh giá.

Trong một bản thăm dò của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong quý 2/2014 cho thấy, hơn 87% người sử dụng xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm. Trong khi đó, mũ bảo hiểm chất lượng tốt và được cài đúng cách, người điều khiển xe có thể làm giảm chấn thương đầu gây tử vong tới 42% và chấn thương đầu nghiêm trọng tới 69%.

Tiến sĩ Gabit Ismailov, Phó trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, với việc xe đạp điện trở nên ngày càng phổ biến tại nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam, tỷ lệ sử dụng mũ bảo hiểm rất thấp đã cho thấy Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề tương tự như Trung Quốc.

Xử phạt xe máy điện không có biển số

Theo quy định các phương tiện là xe máy điện phải đăng ký, quản lý khi có đầy đủ các thủ tục giấy tờ chứng minh nguồn gốc phương tiện, có chứng nhận đảm bảo an toàn kỹ thuật và nộp thuế theo quy định.

Nhưng trên thực tế hiện nay, nhiều xe máy điện chưa được đăng kiểm chất lượng an toàn kỹ thuật, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, không có chứng nhận đã nộp thuế theo quy định… nên công an không thể cấp chứng nhận đăng ký được vì không đúng quy định của pháp luật.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan từ năm 2009 đến ngày 30/5/2014 cho thấy, nước ta đã làm thủ tục nhập khẩu 61.329 xe 2 bánh chạy điện (trong đó 1.564 xe máy điện và 59.765 xe đạp điện) theo diện nhập khẩu chính ngạch (ngoài ra còn có hàng triệu chiếc xe 2 bánh chạy điện nhập khẩu không chính ngạch, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc).

Bộ Giao thông Vận tải kiểm tra và cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật được 780 xe máy điện và 24.290 xe đạp điện, số xe đã được đăng ký quản lý là 70 xe.

Liên quan đến vấn đề này, Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt, nhấn mạnh xe 2 bánh chạy bằng điện hiện chưa được quản lý và quy định điều kiện hoạt động chặt chẽ nên đã gây ra nhiều phức tạp về trật tự, an toàn giao thông.

“Các đơn vị liên quan cần phải tổ chức đăng ký cấp biển số phương tiện để quản lý chặt chẽ loại phương tiện này. Thông tư 15 của Bộ Công an đã quy định tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được thực hiện quyền chủ sở hữu phương tiện. Tuy nhiên, Bộ Công an cũng không thể vi phạm pháp luật để đăng ký đối với các phương tiện xe máy điện không có chứng nhận đảm bảo an toàn kỹ thuật, không được nộp thuế theo quy định,” Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định.

Nhằm ngăn chặn kịp thời tai nạn giao thông, giảm ùn tắc giao thông, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ-đường sắt đề nghị có quy định cụ thể về đối tượng sử dụng loại phương tiện này, nhất là xe máy điện đồng thời tăng cường xử phạt hành chính người điều khiển và người ngôi trên xe máy, xe đạp điện, xe máy điện vi phạm trật tự an toàn giao thông và các quy tắc giao thông.

Bà Lê Minh Châu, Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) kiến nghị, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cần xây dựng một chương trình tuyền truyền để nâng cao nhận thức về an toàn giao thông đường bộ đối với người sử dụng xe điện 2 bánh; tăng cường kiểm soát chất lượng xe nhập khẩu và xe sản xuất, lắp ráp trong nước phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định về tốc độ và yêu cầu kỹ thuật.

Để siết chặt công tác quản lý đối với các loại phương tiện này, theo ông Khuất Việt Hùng, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ chỉ đạo kiểm đếm xe máy điện ngay từ trong đơn vị nhập khẩu. Từ ngày 1/7/2015, xe máy điện tham gia giao thông không có biển số sẽ bị phạt như xe máy không biển.

“Để thực hiện được việc này, Bộ Giao thông Vận tải cũng sẽ chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm, đề xuất các đơn vị thuế tạo điều kiện cho các phương tiện hoàn thiện thủ tục để có thể đăng kiểm trước thời hạn 1/7/2015,” ông Khuất Việt Hùng cho biết./.

Xe máy ế cũng cố tăng giá

Vừa kết thúc tháng 7 âm lịch, các mẫu xe máy Honda bắt đầu tăng từ 100.000 đến 200.000 đồng, trong khi các model của Yamaha, Suzuki đang có dấu hiệu bán tốt hơn.

Tháng Ngâu (tháng 7 âm lịch) vừa đi qua cũng là lúc các đại lý kinh doanh xe máy kỳ vọng thị trường sẽ khởi sắc trong tháng 8. Có nhiều lý do để họ tin tưởng vào sự tăng trưởng doanh số, trong đó có nhu cầu đổi xe mới của giới văn phòng, công nhân viên chức sau một tháng kiêng kỵ, hay nhu cầu sắm một chiếc xe mới làm phương tiện đi lại của các tân sinh viên.

Trong tháng "cô hồn", khảo sát tại các cửa hàng kinh doanh xe máy Honda, Yamaha, Suzuki chính hãng ở Hà Nội cho thấy, mặc dù lượng xe tiêu thụ tốt nhưng giá bán chỉ dao dộng quanh giá đề xuất từ hãng. Duy chỉ vài model ăn khách có giá cao hơn hoặc model ngừng sản xuất nhưng vẫn lên cơn sốt như Honda Super Dream 100 được bán cao hơn giá đề xuất đến 10 triệu đồng.

Bắt đầu hôm nay (25/8), cũng là ngày đầu tiên của tháng 8 âm lịch, nhiều chủ cửa hàng kinh doanh xe máy cho biết đã nhận được những tín hiệu vui, khi có nhiều khách hàng gọi điện tham khảo giá, hẹn đặt tiền và ngày lấy xe.

"Giá bán của các mẫu xe sẽ tăng nhích dần từ 100.000 đồng, 200.000 đồng đến 500.000 đồng hoặc một triệu đồng tùy thuộc vào số lượng, màu và nhu cầu nhiều hay ít từ khách hàng. Theo kinh nghiệm, tháng 8 là tháng tiêu thụ xe khá tốt trong năm, đặc biệt vào các ngày mùng 6, mùng 8. Đối tượng mua xe thời gian này phần đông là học sinh, sinh viên", chủ một cửa hàng Honda ở quận Đống Đa chia sẻ.

Nhiều mẫu xe máy rục rịch tăng giá khi bước qua tháng Ngâu. Ảnh: Hân Nguyễn.

Trong khi đó, theo chia sẻ của một quản lý cửa hàng Yamaha trên phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội, bước sang tháng 8, tín hiệu thị trường khả quan hơn khi đại lý nhận được nhiều lời hứa hẹn đến xem và mua xe từ khách hàng. Các mẫu xe tay ga dành cho nữ là model được quan tâm nhiều.

Cửa hàng trưởng Suzuki World Hà Nội chia sẻ, ngày đầu tiên bước qua tháng Ngâu, đã có một vài mẫu xe của Suzuki được tiêu thụ. Doanh số bán hàng trong tháng mới được cho là có thể tăng 130% so với tháng 7 âm lịch. Lý do, theo chia sẻ, là có một lượng người dùng nhất định thường có tâm lý chờ đợi hết tháng "cô hồn" mới mua xe.

Ngoài ra, đây cũng là thời điểm các tân sinh viên nhập trường, nên nhu cầu về xe máy thường cao hơn các tháng khác trong năm. Do đó, các mẫu xe số phổ thông như Axelo, Viva 110 Fi là những model được dự báo sẽ bán chạy tại các đại lý của Suzuki.(Theo Zing)

Phạt xe máy điện không có biển số từ 1/7/2015

TP - Theo kế hoạch, từ 1/7/2015, xe máy điện tham gia giao thông không có biển số sẽ bị xử phạt. Đây là thông tin đưa ra tại Hội thảo về bảo đảm an toàn giao thông cho người sử dụng phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện do Bộ GTVT và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam tổ chức ngày 26 và 27/8 .


Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, nước ta hiện có khoảng 2 triệu xe hai bánh chạy điện hoạt động chủ yếu ở đô thị. Việt Nam đang gặp phải một số vấn đề với xe đạp điện như: Người điều khiển không đội mũ bảo hiểm (khảo sát của WHO tại Việt Nam có hơn 87% không đội); khó khăn trong tiến hành đăng kiểm, đăng ký biển số; tình trạng xe máy điện lắp thêm bàn đạp để giả mạo xe đạp điện; nguy cơ rác thải từ ắc - quy đã qua sử dụng.

Bà Lê Minh Châu, Phó Vụ trưởng ATGT (Bộ GTVT) cũng cho biết, Cục Đăng kiểm mới kiểm tra được 1.373 xe máy điện và 24.290 xe đạp điện trong hơn 2 triệu xe điện hai bánh.

Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Cục phó CSGT đường bộ, đường sắt cho rằng, xe máy điện chưa được đăng kiểm chất lượng an toàn kỹ thuật, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, không có chứng nhận đã nộp thuế theo quy định… nên công an không thể cấp chứng nhận đăng ký được vì không đúng quy định của pháp luật.

Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

30 siêu xe của người Việt chuẩn bị hành trình trên đất Mỹ

Các thành viên của Gia Lai Team từng tham gia Goldrush Rally cùng các bạn bè sẽ có hành trình toàn siêu xe trên đất Mỹ. Ngay sau khi trở về từ hành trình Goldrush Rally cùng giới chơi siêu xe Mỹ, những thành viên người Việt của Gia Lai Team lại chuẩn bị cho hành trình của riêng mình.

Họa tiết của các siêu xe tham gia hành trình. Ảnh: Gia Lai Team.

Nếu ở Goldrush Rally số lượng xe tham gia là 10 thì ở hành trình này sẽ có tới khoảng 30. Các thành viên đều là người Việt, thuộc Gia Lai Team và bạn bè mở rộng. Cũng giống lần trước, tất cả các xe tham dự lần này đều vẽ chung một kiểu họa tiết.

Hành trình bắt đầu từ 13/9 ở San Franciso, chạy qua các thành phố lớn như San Francisco, Los Angeles, Santa Ana, San Diego trước khi dừng chân kết thúc tại Las Vegas vào ngày 20/9.

Lực lượng hùng hậu của hành trình có thể kể tới 2 chiếc Lamborghini Aventador, 7 chiếc Ferrari 458, 4 chiếc Lamborghini Gallardo cùng những Lamborghini Murcielago, Audi R8, Mercedes SLR...














Ảnh: Gia Lai Team

Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

Thành phần cơ bản của dầu nhớt

Dầu gốc chiếm 75-80% trọng lượng, còn các chất phụ gia tuy chỉ chiếm thành phần nhỏ nhưng quyết định sự khác nhau về chất lượng dầu nhớt.

Dùng để bôi trơn cho các động cơ đốt trong, dầu nhớt được tạo thành bởi dầu gốc và các chất phụ gia. Dầu gốc là dầu thu được sau quá trình chế biến, xử lý tổng hợp bằng các quá trình xử lý vật lý và hóa học.


Các thành phần cơ bản của dầu nhớt.

Dựa vào thành phần của dầu gốc, có thể chia dầu nhớt thành 3 loại gồm dầu khoáng (có thành phần chủ yếu là dầu gốc khoáng), dầu tổng hợp (loại dầu cao cấp nhất do thành phần tinh khiết, tính ổn định độ nhớt cao giúp bảo vệ động cơ tốt hơn) và dầu bán tổng hợp (kết hợp giữa dầu khoáng và dầu tổng hợp).

Thành phần của phụ gia (chiếm khoảng 20-25%) bao gồm polymer (chỉ có trong các loại nhớt đa cấp) giúp dầu nhớt hoạt động được trong các điều kiện nhiệt độ khác nhau. Kèm theo là phụ gia tẩy rửa và phân tán giúp làm sạch máy, phụ gia chống mài mòn để bảo vệ động cơ, giảm ma sát chống mài mòn cơ học. Hay phụ gia chống ăn mòn chống lại quá trình ăn mòn hóa học và bảo vệ động cơ, phụ gia chống oxy hóa và chống tạo bọt nhằm ngăn cản quá trình oxy hóa bên trong động cơ, giúp tính năng của dầu nhớt ít bị biến đổi bởi sự oxy hóa (đóng cặn, bị đặc…).

Dầu nhớt chỉ có thể bảo vệ động cơ nếu đáp ứng tốt hai tiêu chí là nhớt đã được phân bố trong khắp các bề mặt ma sát và nhiệt độ của động cơ đạt trên 70 độ C. Thông thường trong quá trình vận hành, lượng dầu nhớt cần thiết sẽ được bơm đều đặn vào động cơ, và nhiệt độ của động cơ cũng vượt nhiệt độ tối thiểu yêu cầu. Nhưng điều này không đúng trong một trường hợp khoảng thời gian khởi động và làm nóng máy.


Có chức năng bôi trơn, làm mát và làm sạch, dầu nhớt ngăn cản các bề mặt kim loại tiếp xúc trực tiếp với nhau và bảo vệ động cơ khỏi những chất cặn có trong quá trình hoạt động.

Lúc máy dừng hoạt động, dầu nhớt sẽ chảy khỏi các bộ phận quan trọng của động cơ và lắng đọng tại các-te. Khi khởi động xe, lượng nhớt này sẽ không kịp có mặt và bảo vệ phần lớn các bộ phận của động cơ (nhất là các bộ phận xa nhất của động cơ như vấu cam) và phải mất đến 20 phút để lượng nhớt ở các-te được bơm và phân bố trong các bề mặt gặp ma sát.

Đây cũng là thời gian mà dầu nhớt chưa đạt đến nhiệt độ tối ưu để các thành phần phụ gia chống mài mòn trong nhớt phát huy tác dụng. Các nghiên cứu thực nghiệm đã cho thấy, 20 phút ngắn ngủi này chịu trách nhiệm đến 75% sự mài mòn mà động cơ phải hứng chịu. Vì thế, giai đoạn khởi động là lúc máy móc dễ bị mài mòn và cần được bảo vệ nhiều nhất.

Castrol đã nghiên cứu giải pháp khắc phục tình trạng mài mòn trong quá trình khởi động bằng các phân tử Magnatec. Đây là những phân tử có độ linh động cao với khả năng bám chặt lên các bề mặt, đồng thời liên kết chặt chẽ với nhau.

Với những đặc tính riêng đó, kể cả khi phần lớn dầu nhớt rút về các-te, một lượng vừa đủ các phân tử dầu vẫn còn lưu lại ở động cơ, chúng bám vào các bộ của động cơ giúp tạo thêm một lớp bảo vệ cần thiết mỗi khi động cơ khởi động.


Các phân tử thông minh bám chặt như nam châm và tăng cường thêm một lớp bảo vệ cho động cơ.

Dầu nhớt - dòng máu của bộ máy xe hơi

Phó mặc cho gara và hãng bảo dưỡng, phần lớn người dùng ôtô ở Việt Nam ít quan tâm tới việc kiểm tra mức dầu động cơ thường xuyên, trong khi đó dầu nhớt lại chính là “dòng máu” bảo vệ và kéo dài tuổi thọ động cơ.


Dầu nhớt quan trọng như thế nào?

Không có chiếc xe nào có thể chạy được nếu thiếu dầu nhớt. Ngay từ những ngày đầu tiên của ngành công nghiệp sản xuất ô tô, cũng như các động cơ khác, nhớt đã là một sản phẩm tối quan trọng được tiêu thụ bên cạnh nhiên liệu khí đốt. Những chức năng chính và khả năng bảo vệ của dầu nhớt bao gồm:

Bảo vệ các bề mặt khỏi lực ma sát: Màng dầu ngăn cản các bề mặt kim loại tiếp xúc trực tiếp với nhau, bảo vệ các bề mặt chịu tải cao, và chống ăn mòn cho các bề mặt kim loại và hợp kim.

Tản nhiệt: Dầu nhớt phân tán nhiệt sinh ra do ma sát và quá trình đốt nhiên liệu, lên đến 350°C ở vùng pít-tông. Khi làm mát kim loại, dầu nhớt phải có khả năng chống ôxi hóa. Quá trình tản nhiệt còn được tăng cường bởi hệ thống làm mát bằng dung dịch hoặc gió.

Đối với người sử dụng ô tô, tự mình kiểm tra lượng nhớt và thay nhớt xe là một thói quen tốt

Làm sạch: Dầu nhớt giúp làm sạch các bộ phận bên trong động cơ. Pít-tông phải sạch để xéc-măng không bị dính và đưa được dầu nhớt đến các điểm nóng. Lọc nhớt phải sạch để đảm bảo các mạch dầu bôi trơn các ổ đỡ không bị tắc. Các đường dẫn dầu cần phải sạch để có thể nhanh chóng đưa dầu nhớt đến trục cam.

Làm kín: Dầu nhớt lấp đầy những khoảng trống giữa xéc măng, pít-tông và thành xy-lanh để giữ áp suất trong buồng đốt và giảm thiểu các chất khí cháy lọt xuống các-te.

Chứa đựng cặn: Các chất cặn được giữ lơ lửng trong dầu nhớt, giúp tránh tạo thành các cặn kích thước lớn có thể làm nghẹt lọc nhớt.

Thứ Sáu, 15 tháng 8, 2014

Lúng túng quản lý xe đạp điện, xe máy điện

Mặc dù các cơ quan chức năng đã có những quy định cụ thể để quản lý xe đạp điện, xe máy điện nhưng số lượng xe điện nhập lậu, trôi nổi trên thị trường vẫn diễn ra nhan nhản và có chiều hướng ngày càng phức tạp.
Xe hợp pháp chiếm chưa tới 10%

Xe hai bánh chạy điện được bày bán trên thị trường. (Ảnh: Q.Tấn)

Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt (Bộ Công an), hiện nay có hơn 61.329 xe đạp điện, xe máy điện hợp pháp đang lưu thông. Tuy nhiên con số này chỉ chiếm 8,7% so với số xe máy, xe đạp điện đang lưu thông trên cả nước (theo số liệu không chính thức do cơ quan Công an công bố hiện đã có khoảng 700.000 xe). Qua đó có thể thấy công tác quản lý xe đạp điện, xe máy điện nhập khẩu và xe nội địa đang tồn tại nhiều bất cập.

Tính riêng xe máy điện, theo số liệu thống kê của Cục Đăng kiểm- Bộ Giao thông vận tải, tính đến 31/7/2014 có 3.298 xe được lắp ráp, xuất xưởng hợp pháp; 773 xe nguyên chiếc nhập khẩu (tổng cộng 4.071 chiếc) nhưng mới có 70 xe được đăng ký biển kiểm soát. “Con số này quá nhỏ so với số xe Nhà nước đang quản lý, đó là chưa tính đến số xe lậu đang được người dân sử dụng trôi nổi hiện nay”- ông Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt cho biết.

Theo một số cơ quan chức năng, cho đến thời điểm hiện tại, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đối với các mặt hàng này đã được ban hành khá đầy đủ để cơ quan quản lý nhà nước thực hiện công tác đăng kiểm chất lượng; quản lý nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp; đăng ký và gắn biển cho phương tiện. Tuy nhiên thực tế lại cho thấy các bộ, ngành chưa thực sự vào cuộc trong việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát tạo kẽ hở cho các đối tượng vi phạm pháp luật lợi dụng.

Khó trong quản lý

Ông Đỗ Thanh Lam Phó Cục trưởng Cục QLTT cho biết: “Các văn bản pháp luật đã quy định đầy đủ nhưng cơ quan nhà nước chưa quản chặt được là vì đã có nhiều xe đạp điện, xe máy điện nhập khẩu, lưu hành trước thời điểm văn bản pháp luật có hiệu lực”. Có thể kể đến Thông tư 41/2013/TT- BGTVT quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật xe đạp điện, quy định rõ việc dán tem hợp quy đối với phương tiện xe đạp điện nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp có hiệu lực từ 1/1/2014. Tuy nhiên, trước thời điểm này nhiều xe đạp điện đã được nhập khẩu, lắp ráp vẫn còn tồn kho, chưa được cơ quan chức năng quản lý (số xe này chưa dán tem và chưa được cơ quan chức năng kiểm kê số lượng) nên một số cơ sở sản xuất, cửa hàng đã quay vòng xe trong kho và xe bán ra thị trường để hợp thức hóa xe nhập lậu. Thủ đoạn của các cơ sở kinh doanh phi pháp này là kê khai số lượng xe nhập lậu trong kho là xe nhập khẩu trước thời điểm 1//2014. Ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết: “Nếu các cơ quan chức năng không kiểm soát được số xe đạp điện đang tồn kho tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thì xe đạp điện nhập lậu tại các cửa hàng sẽ vẫn được đưa ra thị trường”.

Đối với toàn bộ xe hai bánh chạy điện nhập khẩu, mới đây Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã có công văn số 10609/BTC-TCHQ yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại thông báo số 259/TB-VPCP ngày 7/7/2014. Theo đó, Cục Hải quan tỉnh, thành phố áp dụng điều kiện về giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật đối với toàn bộ xe hai bánh chạy điện nhập khẩu. Chỉ thông quan xe hai bánh điện nhập khẩu khi người khai hải quan xuất trình và nộp cho cơ quan Hải quan giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp.

Tuy nhiên, vấn đề phân biệt đâu là xe đạp điện, xe máy điện đang trở thành “bài toán” làm đau đầu cơ quan chức năng. Sở dĩ vậy là do quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 14:2011/BGTVT về xe máy điện và QCVN 68:2013/BGTVT về xe đạp điện của Bộ GTVT còn thiếu các quy định chi tiết về kết cấu, bộ phận xe. Cụ thể, quy chuẩn kỹ thuật về xe máy điện quy định xe máy điện có công suất lớn nhất không hơn 4kW, vận tốc không hơn 50km/h; quy chuẩn về xe đạp điện quy định xe có công suất lớn nhất không hơn 250W, có vận tốc không lớn hơn 25km/h, khối lượng không hơn 40kg. Chia sẻ về những hạn chế trong quy định, ông Trần Kỳ Hình cho biết: “Nhiều xe máy điện được lắp thêm bàn đạp vào để trở thành xe đạp điện nhưng các chỉ tiêu về công suất, tốc độ không đổi. Họ làm vậy để thông quan hàng hóa dễ, trốn đăng ký và kiểm soát tại cửa khẩu”. Theo ông Nguyễn Hữu Dánh, với những quy chuẩn kỹ thuật trên: “Cán bộ làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông rất khó khăn trong việc phân biệt bằng cảm quan 2 loại xe này”.

Lỗ hổng hàng lậu

Hiện công tác xử lý đối với xe máy điện, xe đạp điện nhập lậu cũng tạo kẽ hở cho đối tượng buôn lậu. Ông Đỗ Thanh Lam chia sẻ: “Hàng hóa nhập lậu, trong đó có xe máy điện, khi bị bắt sau đó sẽ được phát mại. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là phát mại rồi thì phải ghi nhãn như thế nào đối với số xe này để các đối tượng phi pháp không lợi dụng để nhập tiếp những đợt xe máy điện, xe đạp điện khác. Hôm nay thu được 100 xe để bán ra thì các đối tượng làm ăn phi pháp lại dùng hóa đơn phát mại của cơ quan chức năng hợp thức hóa cho rất nhiều loại xe lậu khác”. Ông Lam cũng kiến nghị nên sửa đổi Thông tư liên tịch 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA ngày 12/5/2011 của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Công an hướng dẫn chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường để giải quyết vấn đề quay vòng hóa đơn, hợp thức hóa hàng lậu trong 72 giờ.

Tại cuộc họp về tăng cường biện pháp quản lý và sử dụng xe máy điện do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức vừa qua, đại diện Bộ Công an cho biết, trên thực tế, thị trường xe máy điện hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc, Đài Loan. Do vậy, Bộ Công an đề nghị Bộ GTVT bổ sung các quy chuẩn kỹ thuật để phân biệt xe máy điện và xe đạp điện, có tem quy định rõ ràng. Đồng thời, các bộ, ngành liên quan cùng phối hợp thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân nhập khẩu, kinh doanh, sản xuất xe máy điện, yêu cầu mỗi xe máy điện bán ra thị trường cần có đầy đủ pháp lý theo đúng quy định của pháp luật. Cũng về vấn đề này, Bộ Công Thương cho rằng, Bộ GTVT cần phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai ghi nhãn phương tiện để dễ dàng quản lý.

Trước những kiến nghị trên, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của bộ đưa ra khái niệm xe máy điện là gì một cách đơn giản, dễ hiểu để người dân hiểu được; báo cáo Chính phủ, đề nghị Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan không thu phí trước bạ, cho phép người dân tự kê khai đăng ký, tự chịu trách nhiệm, thủ tục đăng ký đơn giản, có lộ trình tạo điều kiện cho người sử dụng tự giác đến đăng ký. Đối với xe sản xuất, lắp rắp trong nước, Bộ trưởng yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam chịu trách nhiệm kiểm tra và xác định chất lượng. Đối với số phương tiện hiện nay chưa bán ra, yêu cầu doanh nghiệp tự kê khai xong trước ngày 31/12/2014. Từ ngày 1/7/2015, tất cả những người sử dụng xe máy điện mà chưa đăng ký sẽ thực hiện xử phạt theo đúng quy định.

Tính đến thời diểm 26-5-2014 mới có 3 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp (3 kiểu loại, 600 xe) và 3 doanh nghiệp nhập khẩu (5 kiểu loại, 174 xe) xe máy điện, 2 doanh nghiệp nhập khẩu mô tô điện (2 kiểu loại, 6 xe) đưa xe đến kiểm định chất lượng khi nhập khẩu, sản xuất lắp ráp.

Tính từ ngày Thông tư 41/2013/TT-BGTVT có hiệu lực (1-1-2014) đến ngày 26-5-2014 có 13 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp (23 kiểu loại, 24.162 xe) và 4 doanh nghiệp nhập khẩu (4 kiểu loại, 128 xe) xe đạp điện đưa xe đến kiếm định chất lượng chiếm tỷ lệ nhỏ so với số phương tiện đang lưu hành trong thực tế (khoảng 700.000 xe).

Theo Quang Tấn
Hải quan Online

Tạm giữ hàng trăm thùng dầu nhớt nghi hàng dỏm

Hàng trăm thùng dầu nhớt với khoảng 90.000 lít và mỡ bò thành phẩm, hàng ngàn bao bì, thùng nhựa không hóa đơn chứng từ và các nguyên phụ liệu đã bị tạm giữ.

PC46 Công an tỉnh Đồng Nai đang kiểm tra và niêm phong các thùng chứa dầu nhớt không rõ nguồn gốc - Ảnh: Hà Mi

Theo Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC 46) Công an tỉnh Đồng Nai, ngày 12-8, PC 46 phối hợp các cơ quan chức năng bất ngờ kiểm tra cơ sở kinh doanh dầu nhớt không tên đang thuê mặt bằng ở kho J 250 (thuộc Tổng cục kỹ thuật, Bộ Quốc phòng) tại phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa) phát hiện gần 430 thùng dầu nhớt (loại thùng 200 lít) cùng nhiều bồn chứa chất nhờn để sản xuất dầu nhớt thành phẩm.

Qua kiểm tra, lực lượng đã niêm phong các thùng và bồn chứa dầu nhớt với số lượng khoảng 90.000 lít.

PC 46 còn thu giữ hàng ngàn bao bì, thùng nhựa không và cả trăm thùng mỡ bò đã thành phẩm. Đại diện cơ sở là ông Nguyễn Mận không cung cấp được các hóa đơn chứng từ về nguồn gốc số hàng hóa thành phẩm, các nguyên phụ liệu tại kho và nơi sản xuất.

Ông Mận khai Công ty TNHH dầu mỡ hóa chất T.D (đóng tại Q.Bình Tân, TP.HCM) đứng ra thuê kho bãi và mướn ông quản lý để sản xuất dầu nhớt.

PC 46 nghi cơ sở này kinh doanh trái phép, trốn thuế nên đã niêm phong và tạm giữ toàn bộ tang vật, đồng thời lấy mẫu đưa đi giám định, điều tra.

HÀ MI

Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

Hàng trăm xế cổ họp mặt ở Sài Gòn

Từ xe đạp gắn động cơ đến những chiếc sidecar, mobylette có tuổi đời hơn nửa thế kỷ đều tham gia ngày hội. Ngày 10/8, tại một địa điểm thuộc quận Thủ Đức, TP HCM, hàng trăm mẫu xe cả 2 bánh, 3 bánh và 4 bánh cùng tụ hội. Xe đến từ các câu lạc bộ khác nhau trên khắp cả nước, từ Hải Phòng, Thanh Hóa xuống đến Cà Mau.

Một trong số 2 chiếc Moto Rumi hàng hiếm góp mặt tại sự kiện.

Vô số mẫu xe lạ cùng xuất hiện và tất cả được đánh số thứ tự. Có cả xe đạp gắn động cơ từ những năm đầu 1950-1960, xe sidecar BMW, xe mobylette hiệu Honda hay ôtô cổ của các thương hiệu như Ford, Chevrolet hay Cadillac.

Ngày hội có những hoạt động như diễu hành hay giới thiệu xe cổ. Gần như tất cả các xe tham gia đều có thể hoạt động bình thường. Trong số đó, thu hút sự chú ý lớn nhất là bộ đôi xe máy hiệu Moto Rumi thuộc sở hữu một người chơi xe cổ nổi tiếng tại Sài Gòn. Xe ra đời vào những năm 1950 với động cơ 2 thì dung tích 125 phân khối, hộp số 4 cấp với kết cấu khác biệt khi chân số nằm bên phải và chân phanh bên trái. Xe màu trắng giữ gần như nguyên bản, còn xe màu cam đã được phục hồi.


Mẫu sidecar hiệu BMW.


Xe màu trắng với thiết kế đặc trưg của thương hiệu xe Đức.


Một chiếc Vespa sidecar.



Xe đạp máy Honda.



Rất nhiều xe máy hiệu Honda tham gia sự kiện.


Một chiếc thuộc dòng Super Cub lừng danh.



Lambretta Li 150 đứng cạnh Vespa 150.



Scooter Đức hiệu IWL Berlin.






Motobecane là một hãng xe Pháp thành lập năm 1923. Năm 1981, hãng phá sản và được Yamaha mua lại rồi tái thiết vào năm 1984 với tên gọi mới MBK. Tên gọi Motobecane không liên quan tới một hãng cùng tên của Mỹ, chuyên nhập xe đạp từ Đài Loan.





Mẫu Moto Rumi gần như nguyên bản.


Moto Rumi với thiết kế độc đáo.


Chiếc Moto Rumi màu cam đã được phục chế.


Một chiếc Royal Enfield.