Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

Dầu mỏ Mỹ không giải quyết được khủng hoảng Ukraine

Đảng Cộng hòa đang thúc giục Tổng thống Mỹ Barack Obama sử dụng dầu mỏ như một vũ khí trong cuộc chiến ngoại giao của phương Tây với Nga về tương lai của Ukraine. Họ cho rằng bằng việc cấp giấy phép xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của Mỹ, ông Obama có thể giúp giảm sự phụ thuộc của phương Tây và "đánh vào" thu nhập của Nga.

Người dân Ukraine tuần hành ủng hộ Nga tại thành phố Odessa ngày 9/3.

Tuy nhiên, chắc chắn rằng Mỹ chưa có cơ sở hạ tầng cho việc xuất khẩu này và Nga không phải là bên duy nhất bị thua thiệt nếu giá dầu giảm. Các nước Arập xuất khẩu dầu mỏ vùng Vịnh cũng bị ảnh hưởng tương tự. Thu nhập từ dầu khí đang đóng góp tới một nửa ngân sách của Nga. Chi tiêu của chính phủ đang tăng nhanh, nhưng trong những năm gần đây, mức chi tiêu này được bù đắp nhờ giá dầu cao và sản lượng ngày càng tăng. Năm 2013, Nga là một trong những quốc gia sản xuất dầu hàng đầu thế giới với sản lượng 10,5 triệu thùng dầu/ngày, nhưng ngân sách của chính phủ Nga chỉ có thể cân bằng nếu dầu có mức giá 110 USD/thùng (năm 2013). Để có thể cung cấp đủ cho chi tiêu ngân sách trong năm 2014, Nga đang cần mức giá dầu thô là 115 USD/thùng.

Trong khi đó, các nước xuất khẩu dầu mỏ khác cũng đang tăng ngân sách theo hướng thu nhập từ dầu mỏ cao hơn. Ngân sách năm 2014 của Saudi Arabia dự kiến là 253,2 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay theo các số liệu của Ngân hàng Mỹ Merrill Lynch. Ngân sách của Saudi Arabia dự kiến cân bằng nếu giá dầu thô đạt 85 USD/thùng. Tuy nhiên, chi tiêu thực tế ở Saudi Arabia có thể lên tới 296,1 tỷ USD, đồng nghĩa với việc họ cần giá dầu ở mức cao hơn trên thị trường quốc tế.

Tuần trước, công ty Moody đã thực hiện một thử nghiệm về tài chính của một số nước thành viên của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC). Nếu giá dầu giảm xuống 90 USD/thùng, Moody kết luận rằng các nền kinh tế như Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đều bị ảnh hưởng mạnh, đòi hỏi các chính phủ phải cắt giảm chi tiêu.

Sự phụ thuộc của quá nhiều quốc gia vào thu nhập từ dầu mỏ và giá dầu là đáng báo động. Nó báo hiệu điềm xấu cho những triển vọng giải pháp hòa bình cho những cuộc xung đột chính trị và xã hội đang xảy ra tại Trung Đông và Bắc Phi.

Đối với các nhân vật Cộng hòa diều hâu tại Mỹ, sự dễ bị tổn thương của nhiều quốc gia OPEC và Nga khiến họ hài lòng. Tuy nhiên, họ nên thận trọng với mong muốn trên bởi vì vấn đề chi phí cao không chỉ ảnh hưởng đến chính phủ các nước xuất khẩu dầu mỏ, mà cả các nhà sản xuất khu vực tư nhân.

Tại Houston mới đây, các nhà xuất khẩu dầu mỏ tham dự hội nghị năng lượng CERA rất quan ngại về chi phí sản xuất một thùng dầu tăng vọt. Chỉ trong vòng hơn 1 thập niên, chi phí sản xuất một thùng dầu đã tăng gấp 4 lần. Theo công ty tư vấn tài chính Mỹ Sanford Bernstein, chi phí cận biên của sản xuất dầu tại Mỹ năm 2013 đã tăng lên 114 USD/thùng, do chi phí từ các dàn khoan dầu ở vùng nước sâu tại Vịnh Mexico và công nghệ mới để khai thác dầu mỏ đá phiến.

Những người đang hy vọng rằng Mỹ sẽ khiến những kẻ thù của họ "chết đuối" trong dầu giá rẻ dường như sẽ bị thất vọng. Nếu Tổng thống Mỹ quyết định cho phép xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt cho châu Âu, ban đầu chỉ một số lượng nhỏ các công ty xuất khẩu Mỹ có lãi lớn. Các giếng dầu sẽ nhanh chóng cạn kiệt. Các công ty lớn đã xem xét các dự án lớn nhất của họ để tìm lợi nhuận, trong khi các công ty nhỏ hơn đang chi phối khu vực dầu khí đá phiến sẽ nhanh chóng giảm sản lượng để phản ứng với giá dầu thấp hơn.

Có lẽ thay đổi lớn nhất sẽ nổi lên từ sức mạnh dầu mỏ của Mỹ không phải là một OPEC hoặc Nga yếu hơn về chính trị, mà Mỹ sẽ hành xử như một nhà sản xuất có ảnh hưởng lớn để giữ cho giá dầu ở mức cao. Hàng trăm công ty sản xuất dầu mỏ tư nhân có thể nhanh chóng dừng hoặc tiếp tục việc khai thác dầu đá phiến để phản ứng với những dấu hiệu giá cả. Đối với Nga và các nước Arab xuất khẩu dầu mỏ, điều đó có thể làm họ yên lòng. Dương Hoa (Theo báo "Thư tín địa cầu")

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét