Mỹ có nguồn cung cấp khí gas tự nhiên dồi dào, vì vậy Washington dễ dàng tỏ ra cứng rắn với động thái mạnh mẽ của Nga trong việc tiếp quản Crimea thuộc Ukraine. Điều này làm nên lợi thế của Mỹ trong khi Liên minh châu Âu buộc phải tính toán đến khả năng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ cắt đứt nguồn cung cấp khí gas trong các khung trừng phạt.
Trong khi đó, hiện tại chưa thể có ngay một đường cung cấp từ Mỹ băng qua Đại Tây Dương cho châu Âu.
Hóa lỏng khí đốt tự nhiên có thể dễ dàng vận chuyển bằng tàu, song lại là một quá trình rất tốn kém. Chính phủ Mỹ đến bây giờ vẫn chưa đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ mục đích này.
Bên cạnh đó, trở ngại lớn hơn là các quy định ngặt nghèo về việc bán khí đốt của Mỹ cho các quốc gia không nằm trong hiệp định tự do thương mại với Washington. Điều này tiếp tục tạo nên một hạn chế khác đối với EU. Với việc nguồn cung cấp khí đốt từ Nga chiếm tới 30%, phản ứng của châu Âu với việc “xâm lược” Crimea của Nga trở nên ít nhiều cần phải cân nhắc.
Trong quá khứ, Moscow từng có lần cắt giảm một số nguồn cung cấp cho châu Âu. Trong năm 2009, người dân châu Âu phải đối mặt với cái lạnh khắc nghiệt vì lệnh ngừng cung cấp khí đốt từ Moscow trong một tranh chấp với Ukraine. Giá khí đốt bị đẩy tăng cao.
Về phía Ukraine, vì một số đường ống dẫn khí đốt của Nga đi qua Ukraine, một lần nữa chính phủ Kiev đòi hỏi Moscow phải chi thêm 1,89 tỷ USD cho mắt xích này trong việc buôn bán khí đốt.
Sự phụ thuộc của châu Âu vào Nga về khí đốt chắc chắn nằm trong những tính toán của Putin khi quyết định cho phép lực lượng của mình nắm quyền kiểm soát bán đảo Crimea, nơi Hạm đội Biển Đen của Moscow đặt căn cứ và 60% dân số là người gốc Nga. Khí đốt thiên nhiên trở thành con át chủ bài của Nga.
Và trước khi quá trình cung cấp khí đốt của Mỹ được đưa vào hoạt động thì Putin đã bắt đầu gây ra cuộc khủng hoảng hiện tại. Nga biết Mỹ không thể nhanh chóng giải quyết vấn đề này.
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine dự kiến sẽ kéo dài ngay cả sau khi tình trạng của Crimea được giải quyết, và châu Âu có thể phải chờ đợi việc cung cấp khí đốt từ Mỹ trong một khoảng thời gian dài, dự kiến đến cuối năm 2015 thì việc cung cấp từ một cơ sở ở Louisiana mới được tiến hành.
Chỉ 6 trường hợp xuất khẩu khí đốt được Bộ Năng lượng của tổng thống Barack Obama phê duyệt trong bốn năm qua. Tất cả quyết định này đến năm 2017 mới có hiệu lực.
22 dự án xuất khẩu khí gas vẫn chưa được giải quyết. Khối lượng xuất khẩu ban đầu của Mỹ, thậm chí kể cả khi cung cấp cho thị trường châu Âu, thì cũng không thể soán ngôi thống trị thị trường của Nga.
Chính quyền Obama đã tiến hành nhiều chính sách trong ngành công nghiệp năng lượng để Mỹ không phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu. Hiện tại, một số tranh luận đưa ra cho rằng xuất khẩu sẽ làm tăng chi phí của người dùng trong nước và tăng giá với các nhà sản xuất sử dụng khí đốt để sản xuất các sản phẩm như nhựa và phân bón. Hơn thế nữa, các nhà hoạt động vì môi trường cho rằng quá trình sản xuất khí gas xuất khẩu sẽ làm ô nhiễm nguồn nước và làm tăng chất thải nhà kính.
Sau đó là chi phí. Với đường ống hiện có - một số đi qua Ukraine - Nga có thể tiết kiệm được chi phí cung cấp khí so với các công ty Mỹ đang phải tăng phụ phí cho quá trình hóa lỏng khí đốt và trung chuyển bằng tàu. Điều này hiển nhiên khiến người mua khí đốt từ Mỹ phải trả nhiều tiền hơn so với châu Âu mua khí đốt của Nga.
Vì vậy, theo Michael Levi - thư ký của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, dường như Mỹ có thay đổi chính sách thì cũng chẳng "ngăn nổi Putin sử dụng khí đốt như một vũ khí”.
"Hơn nữa, không giống như các công ty khí đốt châu Âu, các đại gia khí đốt của Nga có mối quan hệ chặt chẽ với chính phủ. Nếu Moscow muốn họ thay đổi vai trò của mình trong thị trường châu Âu vì những lý do chiến lược thì họ sẵn sàng làm điều đó. Nga sẽ mất tiền – có thể gây thiệt hại lớn về địa vị chính trị - nhưng việc làm đó sẽ đem lại những lợi ích khác lớn hơn", ông Michael Levi bổ sung thêm.
"Tuy nhiên, nguồn cung cấp từ Mỹ vẫn có thể có chút ảnh hưởng”, Vali Nasr, Hiệu trưởng Trường Johns Hopkins về Nghiên cứu Quốc tế, cho biết.
Ông Vali Nasr viết trên tờ The New York Times: "Khí đốt của Mỹ sẽ đắt hơn so với Nga nhưng dựa vào thực tế thì Nga có thể “tống tiền châu Âu” bằng cách đe dọa tăng giá hoặc cắt nguồn cung cấp".
Michael McFaul, đại sứ Mỹ vừa rời khỏi Moscow, cho biết việc sẵn sàng cung cấp khí gas từ Mỹ cho châu Âu cũng "gây áp lực lên chính phủ nước Nga nếu nước này đột nhiên mất đi các thị trường tiềm năng".
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh “điều này không phải việc dễ dàng hoàn thành trong một đêm, một ngày hay một tuần, sẽ mất nhiều năm nếu không muốn nói là cả thập kỷ”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét