Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Petrolimex: Lãi ở xăng dầu, lỗ ở ngân hàng, bất động sản...

Thoái vốn ngoài ngành là một chủ trương đúng đắn tuy nhiên đối với từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp phải nhìn vào tình hình hết sức cụ thể.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thông tin trên TTXVN khi được hỏi về vấn đề thoái vốn ngoài ngành, tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước.

Xăng dầu lãi lớn

Cụ thể, theo ông Bùi Ngọc Bảo, cơ cấu của các doanh nghiệp nhà nước rất khác nhau, đơn cử như lĩnh vực như sản xuất điện, dầu khí hoặc sản xuất mang tính chất công nghiệp thì yêu cầu lượng vốn rất lớn và cần tính tập trung cao độ, mang tính chuyên ngành cao.

Trong khi một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ thì tính đa dạng của lĩnh vực này lại nảy sinh ra các hoạt động thương mại và dịch vụ của lĩnh vực khác, có sự liên kết hết sức chặt chẽ với nhau, thừa hưởng những hệ quả của nhau và tác động bổ sung cho nhau để tạo ra hiệu quả chung cho doanh nghiệp ấy.

Do đó, đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ việc xác định tính đa ngành sẽ có độ mở hơn các công ty mang tính chuyên ngành, sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp nặng.


Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)


Theo ông Bùi Ngọc Bảo, thông thường lĩnh vực thương mại và dịch vụ thường có những ngành nghề xoay quanh trục chính, hỗ trợ bổ sung cho nhau mang tính chất dài hạn và từ đó đạt hiệu quả chung.

"Đây cũng là biện pháp giảm thiểu rủi ro khi một trong những ngành nghề cơ bản nào đó gặp khủng hoảng.

Nhìn tổng quan, việc xác định ngành nghề trọng tâm thì doanh nghiệp nào cũng có, nhưng việc thoái vốn ở trong những lĩnh vực rủi ro thì đó lại thuộc quan điểm của chủ sở hữu và việc cân đối vốn của bản thân từng doanh nghiệp", ông Bùi Ngọc Bảo nói.

Ông Bùi Ngọc Bảo cũng khẳng định, hoạt động của Petrolimex là hoạt động đa ngành lấy xăng dầu làm trục chính, liên quan chặt chẽ đến hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Ông Bùi Ngọc Bảo dẫn chứng, trong lĩnh vực vận tải biển của Petrolimex, đến giờ phút này, dù khủng hoảng từ bên ngoài nhưng bên vận tải thủy của tập đoàn vẫn phát triển và rất ổn định, bởi nó có sự liên kết rất chặt chẽ với tập đoàn và các doanh nghiệp trong ngành xăng dầu.

Tương tự, với Tổng công ty hóa dầu Petrolimex cũng vậy, lĩnh vực hoạt động của nó là những sản phẩm đi rất chặt chẽ với mặt hàng xăng, tính chuyên ngành cao, nhưng cũng được hình thành từ rất lâu.

Với các lĩnh vực khác như bảo hiểm, ngân hàng ông Bùi Ngọc Bảo tự tin, Tổng công ty bảo hiểm Petrolimex (PJICO) đang đứng trong top 3,4 các tổng công ty bảo hiểm hàng đầu Việt Nam.

Ngân hàng xăng dầu, Petrolimex đã đầu tư 800 tỷ đồng vào đó thì bây giờ số vốn của tập đoàn đã lên tới 1.200 tỷ đồng. Có nghĩa là nó đã đạt được sự tăng trưởng về mặt lợi ích là trên 30%.

"Phải khẳng định Petrolimex không có đầu tư tài chính tức là không có đầu tư mỗi lĩnh vực một ít và cũng không đầu tư vào những lĩnh vực không có liên quan đến hoạt động của xăng dầu, tức là không đầu tư dàn trải mà chỉ đầu tư vào những lĩnh vực Thủ tướng cho phép. Phải nhấn mạnh là đa ngành nhưng không ngoài ngành", ông Bùi Ngọc Bảo nói.

Ngân hàng xăng dầu, bất động sản... khó gỡ!

Trong khi Tổng giám đốc Petrolimex tự tin về hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Xăng dầu (PG Bank) thì kết quả báo cáo tài chính của ngân hàng đến hết quý 4/2013 lại cho thấy, ngân hàng hiện đang dẫn đầu về tỷ lệ nợ xấu.

Ngân hàng xăng dầu đứng đầu nợ xấu


Cụ thể, tính đến hết tháng 9/2013, PGBank có 1.240 tỷ đồng nợ xấu chiếm 9,5% trên tổng dư nợ 13.057 tỷ đồng. Hơn ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) đứng ở vị trí thứ 2 là 206 tỷ đồng.

PGBank đã phải trích lập dự phòng rủi ro hơn 219 tỷ đồng, đồng nghĩa với lợi nhuận ngân hàng này sẽ giảm xuống.

Giải thích về hoạt động kinh doanh không sáng sủa của ngân hàng PGBank, ông Bùi Ngọc Bảo cho biết, trong bối cảnh khủng hoảng của 2012-2013 thì ngân hàng PGBank cũng không ngoại lệ và gặp khó khăn.

Với lĩnh vực bất động sản, ông Bùi Ngọc Bảo cho cho biết, đây là công ty được lập ra để khai thác hết tất cả các quỹ đất hạ tầng của Petrolimex.

Tuy nhiên, ông Bùi Ngọc Bảo cũng thừa nhận: "Rõ ràng lĩnh vực bất động sản là quá xa với với ngành xăng dầu, do đó tập đoàn đã có Nghị quyết là phải thoái vốn trong lĩnh vực này một cách triệt để".

Việc tái cơ cấu của Petrolimex thời gian qua đã được các chuyên gia chỉ ra rằng, tái cơ cấu mới dừng lại ở chuyển đổi mô hình khi Tập đoàn, nâng cấp và đổi tên một số đơn vị như Công ty cổ phần bảo hiểm PJICO thành Tổng công ty CP bảo hiểm PJICO, Công ty Gas Petrolimex - Công ty CP thành Tổng công ty gas Petrolimex - CTCP và Công ty CP Hóa dầu Petrolimex thành Tổng công ty Hóa đầu Petrolimex - CTCP.

Hà Anh (Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét