Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2014

Mỹ đi quân bài ngoại giao khí đốt

Phản ứng trước khủng hoảng chính trị ở Ukraine, một số nhà lập pháp và công ty năng lượng Mỹ đang thúc đẩy việc xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang châu Âu nhằm giảm bớt ảnh hưởng của Nga

Các công ty xuất khẩu khí đốt nhanh chóng xây dựng các hải cảng để xuất khẩu khí tự nhiên. Ảnh: FOREIGN POLICY

Dường như cuộc khủng hoảng tại Ukraine được xem là điềm báo về sự nổi lên của kỷ nguyên ngoại giao năng lượng mới của Mỹ. Chính quyền Tổng thống Barack Obama dường như đang tìm cách mở rộng thị trường khí đốt tự nhiên của mình như một vũ khí để giảm bớt ảnh hưởng của Nga tại Ukraine và châu Âu.

Các nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt lớn như ExxonMobil hối thúc chính quyền Obama tăng tốc độ xuất khẩu dầu và khí tự nhiên dù Washington chưa từng xuất khẩu khí đốt.

Bộ Năng lượng Mỹ bắt đầu cấp giấy phép xuất khẩu khí đốt tự nhiên từ năm 2015. Song song đó, các công ty xuất khẩu khí đốt nhanh chóng xây dựng các hải cảng để xuất khẩu khí tự nhiên ở dạng hóa lỏng vận chuyển bằng tàu chở dầu.

Tuy nhiên, hoạt động chuẩn bị này sẽ phải mất ít nhất một vài năm. Hầu hết các thiết bị đầu cuối phục vụ cho xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Mỹ đang trong giai đoạn bắt đầu xây dựng.

Như vậy, Ukraine và Đông Âu có thể nhận được nhiều khí đốt từ Bắc Phi, trong đó có Libya và Algeria; từ Đông Phi hoặc Địa Trung Hải trong vài năm tới. Washington cũng hy vọng Croatia sẽ xây dựng các thiết bị đầu cuối vốn có thể giúp Hungary, Slovenia và có lẽ cả Ukraine.

Các cuộc cách mạng khí đốt tự nhiên của Mỹ đã đẩy mạnh khả năng cạnh tranh kinh tế, góp phần giảm thiểu khí thải carbon của Mỹ xuống mức thấp nhất trong 20 năm. Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu Mỹ sẽ tận dụng điều này để thúc đẩy các mục tiêu chính sách đối ngoại của mình trong tình thế hiện nay hay không.

Hãng Reuters nhận định việc cho phép một nguồn cung khí đốt ổn định từ Mỹ đến châu Âu sẽ có lợi cho cả hai khu vực, xét về mặt địa chính trị, môi trường lẫn vấn đề kinh tế. Điều đó sẽ thúc đẩy sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương và tạo thế thống nhất trong phản ứng giữa Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) đối với động thái can thiệp quân sự ở Crimea của Nga.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét