Trong cuộc điều trần ngày 20.5 của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel trước Tiểu ban Châu Á - Thái Bình Dương, thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, các nghị sĩ Mỹ cho rằng, hành động Trung Quốc (TQ) hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại Biển Đông, và sử dụng nhiều tàu thuyền, trong đó có tàu của hải quân hộ tống, đã và đang đe dọa tới hòa bình và an ninh, cũng như sự hiện diện của Mỹ trong khu vực
ảnh minh họa
Phát biểu trong phiên điều trần, ông Russel khẳng định, các diễn biến ở Biển Đông hiện nay là những hành động nhằm "giành giật chủ quyền một cách phi pháp" của TQ. Cũng theo ông Russel, việc xây dựng trên đảo Gạc Ma là hành động quân sự hóa, để làm cơ sở cho các yêu sách chủ quyền.
Chủ tịch Tiểu ban Châu Á - Thái Bình Dương Steve Chabot cho rằng, hành động của TQ là một trong những thách thức đối với mục tiêu mà Mỹ đặt ra ở khu vực khi thực hiện chiến lược tái cân bằng. Hạ nghị sĩ Ami Bera - thành viên cao cấp của tiểu ban - đặt câu hỏi: "Nếu Mỹ khoanh tay đứng nhìn, TQ sẽ gây chuyện tương tự với Nhật Bản và Philippines. Vậy Chính phủ Mỹ có hành động gì để can thiệp, bảo vệ các đồng minh, đối tác cũng như đảm bảo an ninh, ổn định ở khu vực?".
Trợ lý Ngoại trưởng Russel cho biết, vấn đề trên đã được chính quyền của Tổng thống Barack Obama thẳng thắn nêu ra với phía TQ thông qua kênh ngoại giao, và Mỹ cũng không giấu giếm khi hối thúc TQ không nên dùng vũ lực.
Indonesia phản bác luận điểm của TQ về Biển Đông
Trả lời phỏng vấn của Tạp chí Phố Wall (Mỹ) ngày 20.5, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã phản bác một số quan điểm từng được TQ đưa ra để biện minh cho hành động leo thang tại Biển Đông, đồng thời cho biết, Indonesia sẽ can dự mạnh mẽ hơn nhằm giải quyết tình hình căng thẳng trên Biển Đông, sau khi TQ đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam.
Theo Ngoại trưởng Natalegawa, TQ luôn chủ trương giải quyết tranh chấp Biển Đông trên cơ sở song phương và gạt bỏ sự can dự của bên thứ ba. Tuy nhiên, căng thẳng Việt Nam - TQ hiện nay không chỉ là vấn đề song phương, mà còn là vấn đề khu vực, vì vậy ASEAN có “trách nhiệm đặc biệt” để đảm bảo hai bên sẽ đối thoại để giải quyết tình hình.
Ông khẳng định, hành động của TQ rõ ràng đã vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trong khi Bắc Kinh thường xuyên cam kết thực thi tuyên bố này.
Thủ tướng Singapore: ASEAN sẽ can dự vào vấn đề Biển Đông
Trong khi đó, cùng ngày 20.5, trả lời phỏng vấn Tập đoàn Truyền thông Nikkei khi tới Nhật Bản dự Hội nghị "Tương lai Châu Á," Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (ảnh) cho rằng, vấn đề Biển Đông là một trong những vấn đề trong quan hệ giữa TQ và ASEAN xét từ góc độ ASEAN có quyền lợi từ sự ổn định của khu vực và ASEAN đang thảo luận Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với TQ, trong khi đã có Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký với TQ năm 2002. Ông Lý Hiển Long nêu rõ, từ góc độ trên, ASEAN sẽ can dự vào vấn đề Biển Đông.
Malaysia: Sự cần thiết sớm đạt được COC
Chính phủ Malaysia cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những diễn biến gần đây ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh tiến trình đàm phán nhằm sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 8 ở thủ đô Nay Pyi Taw của Myanmar ngày 20.5, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein kêu gọi các quốc gia liên quan đối thoại hướng tới "xây dựng lòng tin, tăng cường hợp tác, tránh những hành động không cần thiết có thể dẫn tới căng thẳng leo thang và xung đột"
.
Trung Quốc cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ Theo Reuters/AP/Kyodo, ngày 21.5, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố, Trung Quốc cam kết giải quyết một cách hòa bình các cuộc tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, đồng thời cảnh báo các nước khác rằng, việc tăng cường liên minh quân sự chống lại bên thứ ba sẽ không có lợi cho an ninh.
Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao lần thứ 4 về phối hợp hành động và các biện pháp củng cố lòng tin ở Châu Á (CICA) ở thành phố Thượng Hải, ông Tập Cận Bình kêu gọi thiết lập một cấu trúc hợp tác an ninh Châu Á mới dựa trên một nhóm khu vực, trong đó có Nga và Iran, song loại trừ Mỹ. Ông Tập Cận Bình nêu rõ: "Chúng ta cần đổi mới hợp tác an ninh và thiết lập cấu trúc hợp tác an ninh khu vực mới, trong đó hoàn toàn loại bỏ tâm lý chiến tranh lạnh lỗi thời".
Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc không đề cập tới vụ tranh chấp với Việt Nam liên quan tới giàn khoan dầu mỏ Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou-981) trên Biển Đông trong bài phát biểu này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét