Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

Cơn khát dầu của Trung Quốc khiến Biển Đông dậy sóng

Trung Quốc tự rút dao đâm mình khi đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam.Trung Quốc đang tích cực bổ sung nguồn dự trữ dầu mỏ chiến lược của mình với một tốc độ kỷ lục nhằm can thiệp trên quy mô đủ lớn để tạo một xung lực mạnh mẽ thông qua thị trường dầu thô thế giới.

Động thái này dường như có liên hệ chặt chẽ với những căng thẳng ở Biển Đông khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trị giá cả tỷ USD, Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi đầu tháng 5 này và việc phương Tây chuẩn bị các lệnh trừng phạt dầu mỏ chống lại Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Các nhà phân tích kinh tế nhận định rằng Trung Quốc đang lặng lẽ xây dựng một vùng đệm chống lại nguy cơ bị tổn thương từ sự thay đổi thất thường của giá dầu và sự gián đoạn nguồn cung.

Giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế của Mỹ (IEA) cho biết trong báo cáo hàng tháng mới nhất, Trung Quốc nhập khẩu 6,81 triệu thùng một ngày trong tháng 4/2014, một con số kỷ lục, cao nhất từ trước tới nay. Điều này đang gây ngạc nhiên bởi vì nền kinh tế của Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại trong nhiều tháng gần đây, trong bối cảnh nước này khủng hoảng ngành công nghiệp thép và suy thoái mạnh trong lĩnh vực xây dựng mới.

IEA ước tính rằng 1,4 triệu thùng/ ngày đổ vào các cơ sở dự trữ đang được mở rộng một cách nhanh chóng của Trung Quốc và đây là một sự phát triển “chưa từng có". Các lô hàng dầu nhập khẩu được tập trung chủ yếu tại các cảng gần các lưu vực dự trữ mới tại Thiên Tân và Hoàng Đảo (Huangdao) của Trung Quốc. "Chúng tôi nghĩ rằng đây là một vấn đề lớn", một quan chức của IEA cho biết.

Trung Quốc chiếm 40% tổng số nhu cầu tăng trưởng dầu của thế giới, vì vậy bất kỳ hành động gia tăng nguồn dự trữ chiến lược sẽ thắt chặt nguồn cung ứng toàn cầu và đẩy giá lên cao ngay lập tức.

Michael Lewis, người phụ trách về các mặt hàng tại Deutsche Bank cho biết các quan chức của Cục Dự trữ chiến lược của Bắc Kinh đang thực hiện các bước đi chiến thuật trên thị trường dầu mỏ, hay nói theo giới kinh doanh gọi là “mua với giá thấp”. Trung Quốc đang thiết lập một mức sàn thấp hơn ở thị trường dầu mỏ toàn cầu, gây ra những nghi ngờ về dự báo của các ngân hàng thương mại dầu mỏ rằng giá cả sẽ giảm trong năm nay khi dòng dầu thô từ Libya, Iraq và Iran đổ về nhiều hơn và Mỹ tiếp túc bổ sung thêm nguồn cung khí đá phiến sét.

Việc thu gom chiến lược này của Trung Quốc có thể diễn ra trong một thời gian dài khi Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng khả năng dự trữ của mình từ 160 lên 500 triệu/ thùng vào năm 2020 tại các kho dự trữ nằm rải rác trên khắp cả nước.

Các quan chức Trung Quốc đang ngày càng lo lắng khi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu của nước này đang tiếp tục tăng, đạt mức 60% trong năm nay. Đây được coi là dòng nguy hiểm. Các nhà lập kế hoạch của Trung Quốc đã nghiên cứu chặt chẽ những gì sẽ xảy ra trong một cuộc xung đột toàn cầu kiểu như chiến tranh toàn diện ở Trung Đông, đóng cửa vịnh Hormuz. Đông Á sẽ chịu tổn thương nhiều hơn so với Mỹ nếu nguồn cung dầu mỏ từ Trung Đông bị gián đoạn.

Ông Lewis cho biết bất kỳ động thái nào chống lại ngành công nghiệp năng lượng sẽ tạo ra nguy cơ làm gián làm đoạn lĩnh vực kinh doanh dầu về mặt vật lý vì hầu hết các ngân hàng sẽ không thực hiện các giao dịch. "Nó sẽ thắt chặt nguồn cung và làm cho dầu thô tăng giá", ông Lewis nói.


Dầu nhập khẩu của Trung Quốc đạt mức cao mọi thời đại trong tháng 4/2014 khi Bắc Kinh tăng dự trữ.

Để thực hiện mục tiêu trên của mình, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để khai thác dầu mỏ ở Biển Đông, nhằm bổ sung vào kho dự trữ của mình. Các nhà bình luận quốc tế cho rằng Trung Quốc đang tự rút dao đâm vào chính mình khi hành động này đã làm Biển Đông dậy sóng, tạo ra một phản ứng mạnh mẽ ở Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế, khiến cho hình ảnh “trỗi dậy hòa bình” của nước này bị sứt mẻ. Tuy nhiên, các chuyên gia về dầu mỏ nói rằng vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc đang tích trữ dầu diesel hoặc tăng sản lượng các sản phẩm tinh chế như nhiên liệu dành cho máy bay phản lực, những tín hiệu chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm năng.

Theo Brad Glosserman tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), hành động trên của Trung Quốc thực sự gây quan ngại, đặc biệt là đối với các nước láng giềng. Trên thực tế, Trung Quốc đang phải đối mặt với các vấn đề trong nước nghiêm trọng. Bắc Kinh đang thực hiện chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn và làm giới tinh hoa tại Bắc Kinh bị chia rẽ. Bên cạnh đó, sau nhiều thập kỷ tăng trưởng 2 con số, nền kinh tế Trung Quốc trong thời gian gần đây đã có dấu hiệu chậm lại. Ngoài ra, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng đang tạo áp lực rất lớn đối với Bắc Kinh. Ô nhiễm đất, nước và không khí đã ở mức đe dọa nghiêm trọng đến đời sống người dân, ảnh hưởng đến sự tồn tại lâu dài của nhà nước. Kế đến là là các vụ khủng bố, bạo động xuất hiện ngày càng nhiều và có nguy cơ lan rộng. Trong điều kiện như vậy, việc Bắc Kinh gây gổ với hầu hết các nước láng giềng của mình là điều "rất khó giải thích". Chỉ có lý do duy nhất là Bắc Kinh muốn giải quyết "cơn khát" năng lượng của mình.

Dầu nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 4 vừa qua chủ yếu đến từ Nga, Angola và Iraq. IEA cho biết cũng có những chuyến hàng từ Iran tới Trung Quốc lên tới 615.000 thùng /ngày, một sự gia tăng rất lớn cho thấy sự hạn chế từ những biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran. Vũ Thanh (Telegraph)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét