Việc điều hành giá xăng dầu sẽ được chuyển về Bộ Công thương thay vì Bộ Tài chính như trước đây.
Vừa đá bóng vừa thổi còi
Theo quyết định mới đây về điều hành giá xăng dầu, việc điều hành giá xăng dầu sẽ được chuyển về Bộ Công thương thay vì Bộ Tài chính như trước đây. Đồng thời, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu được quyền tự quyết trong trường hợp giá cơ sở tăng dưới 2% thay vì 7% như dự thảo nghị định 84 lúc đầu.
Trao đổi với báo Đất Việt, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế trung ương cho biết, ưu điểm của quyết định này là Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm về toàn bộ vấn đề quản lý giá xăng và công luận sẽ chỉ cần phải hỏi một địa chỉ là Bộ Công thương.
Song, bất cập được chỉ ra là, Bộ Công thương chịu trách nhiệm cả về quản lý cạnh tranh, quản lý giá cả và các mặt khác sẽ dễ rơi vào tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi.
Trước lo ngại của dư luận về việc, Bộ Công thương chủ trì điều hành giá xăng dầu sẽ tạo nên sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu (doanh nghiệp thuộc Bộ và không thuộc Bộ), củng cố thế độc quyền của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex (thuộc Bộ) hiện đang chiếm tới gần 50% thị phần, TS Lê Đăng Doanh nêu quan điểm: "Việc giám sát các chức năng của Bộ Công thương là hết sức cần thiết".
Việc điều hành giá xăng dầu sẽ được chuyển về Bộ Công thương thay vì Bộ Tài chính như trước đây.
TS Lê Đăng Doanh cũng bày tỏ thắc mắc: "Lực lượng nhân viên tại Viện Quản lý giá, Cục quản lý giá của Bộ Tài chính phần xăng dầu có được chuyển sang Bộ Công thương hay Bộ Công thương phải xây dựng lực lượng mới sẽ rất lãng phí và không tận dụng được kinh nghiệm và kiến thức đã tích lũy được từ Bộ Tài chính".
Đồng quan điểm với TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế thương mại, ông Vũ Vinh Phú cũng cho biết, việc điều hành giá xăng dầu sẽ được chuyển về Bộ Công thương thay vì Bộ Tài chính như trước đây chỉ là vấn đề hai bố, giờ còn một bố, thay ông bố này bằng ông bố khác nhưng vẫn chưa có sự cạnh tranh hoàn hảo thì việc điều hành giá xăng vẫn không thể minh bạch.
Ngoài ra, ông Vũ Vinh Phú cũng lưu ý, nếu các nút thắt như vấn đề quỹ bình ổn giá, lợi nhuận định mức, vấn đề độc quyền, quản lý… không giải quyết được thì thậm chí Thủ tướng trực tiếp điều hành cũng không được.
Về biên độ 2% thay vì 7%, trả lời trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long bình luận, với biên độ này sẽ rất dễ xảy ra tình trạng các doanh nghiệp đầu mối tăng giá xăng dầu liên tục. “Dự thảo nghị định quy định thời gian giãn cách giữa hai lần tăng giá tối đa là 15 ngày nhưng với biên độ 2% như vậy thì doanh nghiệp rất dễ lợi dụng điều này để tăng giá liên tục. Với người dân, giá xăng tăng 2%, tức khoảng 400 – 500 đồng/lít là cả vấn đề”, ông Long nói.
Điều hành giá... lởm khởm
Trước con số mà Tập đoàn xăng dầu Việt Nam Petrolimex mới đây công bố năm 2013, doanh thu thuần từ kinh doanh xăng dầu là hơn 163.000 tỷ đồng, lãi trước thuế là hơn 1000 tỷ đồng trong khi mỗi lần xin chính sách ưu đãi, Petrolimex lại viện cớ phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, không đặt mục tiêu kinh doanh nhưng khi cần tăng giá lại lấy cớ kinh doanh phải có lãi, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, các Bộ sẽ phải giải thích cho người tiêu dùng.
"Đây là kết quả của việc điều hành... lởm khởm, không có nhạc trưởng chỉ huy. Việc chuyển qua Bộ Công thương thay vì Bộ Tài chính tình trạng cũng sẽ không thay đổi gì", ông Vũ Vinh Phú nói.
Theo ông Vũ Vinh Phú, kinh tế thị trường phải tách chính trị ra, kinh doanh phải là kinh doanh, để lẫn lộn nhập nhèm các doanh nghiệp sẽ vin vào mục tiêu chính trị để báo lỗ, tăng giá.
TS Lê Đăng Doanh cũng cho biết, lợi nhuận phải được tạo ra một cách hợp lý trên cơ sở cạnh tranh và đem lại lợi ích cho người dân, không phải lợi nhuận là độc quyền, dựa trên việc lạm dụng vị thế độc quyền.
Trước quyết định Bộ Công thương trực tiếp điều hành giá xăng dầu và việc Bộ Xây dựng cho biết phải có bàn tay hữu hình can thiệp vào thị trường thông qua quyết định cấm xây dựng nhà ở thương mại trong năm 2014, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, chính những quyết định phi thị trường đã ngăn cản Việt Nam đến với nền kinh tế thị trường.
"Nếu Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng quyết định cấm nhà ở thương mại thì số bất động sản đang có sẽ tăng giá vì nguồn cung không có", ông Vũ Vinh Phú phân tích.
Trong khi đó, TS Lê Đăng Doanh tin tưởng: “Thủ tướng Chính phủ đã có thông điệp đầu năm, khẳng định rõ sẽ thực hiện cơ chế cạnh tranh, thậm chí theo Thủ tướng sẽ loại bỏ độc quyền. Vậy nên tôi hi vọng Bộ Công thương sẽ thực hiện nghiêm túc thông điệp của Thủ tướng”.
Theo Tâm An Đất Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét