Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Petersburg - 2014 hôm cuối tuần, Tổng thống Nga Vladimir Putin đề cập hợp đồng cung cấp khí đốt khổng lồ trị giá 400 tỉ USD mà ông vừa ký với chính phủ Trung Quốc, cho biết hợp đồng được ký cho 30 năm trong khi trữ lượng của Nga đủ cho 50 năm tới.
Trong vòng 4-6 năm, Nga sẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng của dự án khí đốt (xây dựng đường ống) 55 tỉ USD, còn Trung Quốc đầu tư 20-22 tỉ USD.
Cũng tại phiên họp này, Tổng thống Nga đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố lòng tin trong bối cảnh xảy ra một loạt sự kiện chính trị và kinh tế quốc tế gần đây. Về cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Tổng thống Putin đánh giá, hiện nay Ukraine đã rơi vào cuộc nội chiến và nguyên nhân xảy ra khủng hoảng là việc mất lòng tin, dẫn đến đảo chính nhà nước ngày 21/2 và tình trạng hỗn loạn như hiện nay. Nhà lãnh đạo Nga một lần nữa kêu gọi các bên đối thoại để tìm ra giải pháp nhượng bộ cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Ông khẳng định, đàm phán trực tiếp và tìm kiếm nhân nhượng là con đường duy nhất để giúp Ukraine thoát khỏi cuộc khủng hoảng, và điều kiện tiên quyết để thực hiện đối thoại là chính quyền lâm thời Kiev phải ngừng ngay các hành động quân sự tại miền đông-nam.
Đối với các biện pháp của nhiều nước trừng phạt Nga liên quan đến khủng hoảng tại Ukraine, ông Putin cho rằng việc sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế như một sức ép chính trị sẽ có hiệu ứng ngược "như chiếc boomerang", theo đó các nước trừng phạt cũng phải chịu thiệt hại từ chính các biện pháp này. Về quan hệ giữa Nga với các nước khác nói chung, ông Putin cho biết Nga không muốn tự cô lập mình trên trường quốc tế, nhưng cũng không "cố" để hợp tác với các nước khác. Đề cập quan hệ căng thẳng giữa Nga và Mỹ liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, Tổng thống Puttin cho rằng những khác biệt trong quan điểm giữa hai bên không cản trở hợp tác. Tuy nhiên, ông chỉ trích lời đe dọa về gói biện pháp trừng phạt Nga lần thứ 3 mà Mỹ đưa ra, cho rằng nó không công bằng và Mỹ muốn dùng biện pháp này nhằm có được ưu thế trong cạnh tranh thương mại tại châu Âu.
Theo TTXVN/Vietnam+
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét