Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Trung Quốc dự trữ dầu mỏ ở mức kỷ lục

Động thái này diễn ra trong thời điểm căng thẳng trên biển Đông chưa có dấu hiệu hòa dịu và phương Tây có khả năng áp các lệnh trừng phạt vào ngành dầu mỏ của Nga sau khủng hoảng tại miền Tây Ukraine. Các chuyên gia phân tích tin rằng Trung Quốc đang lặng lẽ xây dựng một vòng đệm cho mình tránh những rủi ro khi giá dầu đột ngột tăng cao hoặc nguồn cung gián đoạn.

Báo cáo mới đây nhất của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, Trung Quốc đã nhập khẩu 6,81 triệu thùng dầu một ngày trong tháng 4, cao nhất từ trước đến nay. Nguồn cung chủ yếu đến từ Nga, Angola và Iraq.


Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu dầu nhiều thứ hai thế giới, theo Bloomberg, nhằm đáp ứng tốc độ phát triển nhanh ba thập kỷ qua. Tuy nhiên, động thái gần đây của nước này lại làm dấy lên nhiều nghi ngờ, do kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm nhiều tháng nay với sự suy giảm của ngành thép và xây dựng.

IEA cũng đưa ra ước tính có khoảng 1,4 triệu thùng dầu chảy vào kho dự trữ ngày một lớn của Trung Quốc. Hoạt động giao hàng chủ yếu tập trung tại các cảng biển gần bồn dự trữ ở Thiên Tân và Hoàng Đảo của Trung Quốc.

Trung Quốc chiếm khoảng 40% mức tăng trưởng trong nhu cầu dầu thế giới. Vì vậy, bất kỳ động thái làm tăng dự trữ nào của họ cũng sẽ khiến thắt chặt nguồn cung thế giới ngay lập tức và đẩy giá dầu lên cao.

Michael Lewis, giám đốc bộ phận hàng hóa của Ngân hàng Deutsche cho biết, quan chức Trung Quốc tại Cục dự trữ Chiến lược Bắc Kinh đang thực hiện chiến lược “mua khi giá giảm”. Họ tích trữ bất cứ khi nào giá dầu thô Brent giảm xuống ngưỡng hỗ trợ, như thời điểm đầu năm nay. Hiện nay, giá dầu Brent đang ở mức 110 USD/thùng.

“Việc này tương tự với những gì họ làm với kim loại đồng. Bất kỳ lúc nào giá đồng giảm xuống dưới 7.000 USD/tấn, Trung Quốc lại nhanh chóng mua vào. Với nông sản họ cũng làm như vậy”, ông Lewis cho biết.

Trung Quốc đang đặt mức giá sàn cho thị trường dầu thế giới, điều này đã làm dấy lên nghi ngờ về dự báo của các ngân hàng thương mại trong năm nay, rằng giá dầu sẽ tăng cao khi lượng dầu thô từ Libya, Iraq và Iran tăng lên.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, chiến lược mua vào của nước này có thể còn tiếp diễn trong thời gian dài, do Trung Quốc đang tăng khả năng dự trữ từ 160 triệu thùng lên 500 triệu thùng vào năm 2020, với nhiều điểm dự trữ trên khắp cả nước.

Tuy nhiên, giới chức nước này lo ngại khi Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ với lượng dầu mỏ nhập khẩu đã chiếm tới 60% sản lượng tiêu thụ trong năm nay. Đây được cho là một mốc nguy hiểm. Các nhà hoạch định chính sách nước này đang nghiên cứu kịch bản có thể xảy ra nếu thế giới có xung đột, như chiến tranh tại Trung Đông hay Eo biển Hormuz bị đóng cửa sẽ khiến ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ. Trong trường hợp đó, khu vực Đông Á sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn thị trường Mỹ nếu nguồn cung dầu mỏ từ Trung Đông bị gián đoạn.

Trước đó, trong bối cảnh lo ngại phương Tây sẽ áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga nếu cuộc bầu cử tại Ukraine không diễn ra suôn sẻ, Trung Quốc đã tích cực tăng cường dự trữ dầu mỏ. Các nguồn tin từ Washington cho thấy Mỹ có thể đưa hãng dầu mỏ quốc gia Nga - Rosneft vào tầm ngắm. Việc này sẽ khiến các đồng minh châu Âu của Mỹ ít tổn hại hơn là đánh vào Gazprom. Do khí đốt tự nhiên hãng này đang cung cấp cho châu Âu chủ yếu qua đường ống và khó thay thế./.

CTV Thùy Anh/VOV online
Theo Telegraph

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét