Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Trung Quốc hí hửng về tiềm năng khí đốt ở vùng biển Việt Nam

Giới quan sát dự báo việc Trung Quốc khai thác khí đốt tại vùng biển Việt Nam sẽ khiến cho quan hệ Việt-Trung căng thẳng trong nhiều năm tới.Hãng tin Reuters ngày 29/5 dẫn lời một số chuyên gia Trung Quốc nói mặc dù kết quả tìm kiếm ban đầu của giàn khoan Hải Dương-981 chưa được công bố, nhưng rất có thể vùng biển ngoài khơi Việt Nam có trữ lượng khí đốt lớn.

Bản đồ dầu khí Biển Đông của EIA - Cơ quan thông tin năng lượng của chính phủ Mỹ.

Theo Reuters, việc giàn khoan Hải Dương 981 trị giá gần 1 tỷ USD của Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) tiến hành thăm dò tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam từ đầu tháng 5/2014 đang khiến quan hệ giữa hai nước láng giềng rạn nứt chưa từng thấy kể từ những năm 1980.
Va chạm liên tục xảy ra giữa tàu Việt Nam với các tàu Trung Quốc bảo vệ khu vực giàn khoan.
Giàn khoan Hải Dương-981 vừa kết thúc điểm thăm dò đầu tiên, đã di chuyển tới một địa điểm mới và dự kiến sẽ tiếp tục hoạt động tại vùng biển này đến giữa tháng 8/2014. Hiện tại Trung Quốc chưa có thông báo chính thức về kết quả thăm dò, nhưng theo một số chuyên gia, vị trí tìm kiếm hiện nay nhiều triển vọng có khí đốt.

Wu Shicun - chủ tịch Viện nghiên cứu quốc gia Nam Hải có trụ sở tại đảo Hải Nam – nói: “Trung Quốc đã tiến hành nghiên cứu địa chất tại khu vực này trên không gian ba chiều… Phía Trung Quốc tin tưởng vào điều này, nếu không đã không đưa giàn khoan tới đây”.
Theo một báo cáo năm 2013 của Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) của Mỹ, các dữ liệu địa chất cho thấy khu vực xung quanh quần đảo Hoàng Sa không có nhiều khí đốt.
Tuy nhiên, theo một đánh giá khác của ông James Hubbard (phụ trách bộ phận thăm dò dầu khí ở Châu Á của Ngân hàng đầu tư Macquarie, Hong Kong) không loại trừ khu vực này có một trữ lượng lớn khí đốt, bởi vì tại một số khu vực lân cận, kết quả thăm dò khá khả quan.Năm 2011 và 2012, tập đoàn Mỹ Exxon Mobil Corp – đối tác với Tập đoàn dầu khí Việt Nam - đã phát hiện được dầu khí tại hai lô 118 và 119, cũng nằm trong khu vực này, nhưng gần bờ biển Việt Nam hơn. Một phần của hai lô 118 và 119, nằm trên thềm lục địa Việt Nam, bị Bắc Kinh đưa vào trong phạm vi đòi hỏi chủ quyền theo cái gọi là bản đồ “đường 9 đoạn” (hay còn gọi là “đường lưỡi bò” vô căn cứ và vô cùng phi lý).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét