Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2014

Trung Quốc hí hửng về tiềm năng khí đốt ở vùng biển Việt Nam

Giới quan sát dự báo việc Trung Quốc khai thác khí đốt tại vùng biển Việt Nam sẽ khiến cho quan hệ Việt-Trung căng thẳng trong nhiều năm tới.Hãng tin Reuters ngày 29/5 dẫn lời một số chuyên gia Trung Quốc nói mặc dù kết quả tìm kiếm ban đầu của giàn khoan Hải Dương-981 chưa được công bố, nhưng rất có thể vùng biển ngoài khơi Việt Nam có trữ lượng khí đốt lớn.

Bản đồ dầu khí Biển Đông của EIA - Cơ quan thông tin năng lượng của chính phủ Mỹ.

Theo Reuters, việc giàn khoan Hải Dương 981 trị giá gần 1 tỷ USD của Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) tiến hành thăm dò tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam từ đầu tháng 5/2014 đang khiến quan hệ giữa hai nước láng giềng rạn nứt chưa từng thấy kể từ những năm 1980.
Va chạm liên tục xảy ra giữa tàu Việt Nam với các tàu Trung Quốc bảo vệ khu vực giàn khoan.
Giàn khoan Hải Dương-981 vừa kết thúc điểm thăm dò đầu tiên, đã di chuyển tới một địa điểm mới và dự kiến sẽ tiếp tục hoạt động tại vùng biển này đến giữa tháng 8/2014. Hiện tại Trung Quốc chưa có thông báo chính thức về kết quả thăm dò, nhưng theo một số chuyên gia, vị trí tìm kiếm hiện nay nhiều triển vọng có khí đốt.

Wu Shicun - chủ tịch Viện nghiên cứu quốc gia Nam Hải có trụ sở tại đảo Hải Nam – nói: “Trung Quốc đã tiến hành nghiên cứu địa chất tại khu vực này trên không gian ba chiều… Phía Trung Quốc tin tưởng vào điều này, nếu không đã không đưa giàn khoan tới đây”.
Theo một báo cáo năm 2013 của Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) của Mỹ, các dữ liệu địa chất cho thấy khu vực xung quanh quần đảo Hoàng Sa không có nhiều khí đốt.
Tuy nhiên, theo một đánh giá khác của ông James Hubbard (phụ trách bộ phận thăm dò dầu khí ở Châu Á của Ngân hàng đầu tư Macquarie, Hong Kong) không loại trừ khu vực này có một trữ lượng lớn khí đốt, bởi vì tại một số khu vực lân cận, kết quả thăm dò khá khả quan.Năm 2011 và 2012, tập đoàn Mỹ Exxon Mobil Corp – đối tác với Tập đoàn dầu khí Việt Nam - đã phát hiện được dầu khí tại hai lô 118 và 119, cũng nằm trong khu vực này, nhưng gần bờ biển Việt Nam hơn. Một phần của hai lô 118 và 119, nằm trên thềm lục địa Việt Nam, bị Bắc Kinh đưa vào trong phạm vi đòi hỏi chủ quyền theo cái gọi là bản đồ “đường 9 đoạn” (hay còn gọi là “đường lưỡi bò” vô căn cứ và vô cùng phi lý).

Ukraine không chấp nhận mua khí đốt với giá do Nga đặt ra

Theo AFP, quyền Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk ngày 30/5 tuyên bố Kiev sẽ không bao giờ mua khí đốt với mức giá hiện tại do Nga đặt ra, đồng thời cảnh báo sẽ nhờ trọng tài phân xử nếu không đạt được thỏa thuận mới nào.

Nga và Ukraine vẫn chưa thống nhất được về vấn đề giá khí đốt. (Nguồn: AP)

Phát biểu tại một phiên họp nội các, ông Yatsenyuk nói: “Ukraine sẽ không bao giờ chấp nhận mức giá gần 500 USD và sẽ không bao giờ mua khí đốt ở mức giá đó. Sẽ có một vòng đàm phán mới vào ngày 2/6 và đàm phán sẽ kết thúc bằng việc ký kết một thỏa thuận hoặc chúng tôi sẽ khởi kiện.” Trong diễn biến liên quan, Ủy viên Năng lượng Liên minh châu Âu (EU) Guenther Oettinger cùng ngày cho hay Ukraine đã thanh toán cho Nga 786 triệu USD, một phần tiền mua khí đốt mà Kiev nợ tập đoàn Gazprom.

Hai bên sẽ tiếp tục đàm phán vào tuần tới tại Brussels (Bỉ) để ngăn ngừa nguy cơ nguồn cung khí đốt cho Ukraine bị gián đoạn. Theo vietnamplus.vn

Có bao nhiêu dầu mỏ tại vị trí mới của giàn khoan Hải dương 981?

Đã có nhiều phân tích về trữ lượng dầu mỏ tại vị trí Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên biển Đông.


Theo ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 có tiềm năng dầu khí không cao và là vùng nước sâu, độ sâu trung bình là 1.000 m, rất khó để khai thác.

Đồng thời, ông Hậu phản bác hoàn toàn lời vu khống của phía Trung Quốc cho rằng Việt Nam phân 57 lô dầu khí tại các vùng biển có tranh chấp. Trên thực tế, mọi hoạt động dầu khí của Việt Nam đều nằm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam theo công ước quốc tế.

Năm 1972, PVN đã thuê một công ty của Mỹ để khảo sát tiềm năng dầu khí tại đây. Các nghiên cứu của PVN về tiềm năng dầu khí tại khu vực này cho thấy nơi đây chỉ có một ít khí đốt tự nhiên và hoàn toàn không có dầu mỏ.

Lúc 5g45 sáng 28-5, tàu Kiểm ngư 630 của Việt Nam đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công bằng vòi rồng - Ảnh: Tuổi trẻ

5h30 sáng 27/5, giàn khoan 981 đã được 2 tàu Hải Dương 612 và 613 kéo về phía Đông Nam đảo Tri Tôn 25 hải lý nhưng vẫn nằm sâu trong thềm lục địa Việt Nam.

Kết luận của Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) mới đây về tiềm năng dầu khí tại khu vực căng thẳng trên Biển Đông cũng khẳng định đây là khu vực ít có dầu khí và thậm chí quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hoàn toàn không có dầu mỏ. Theo EIA, không giống như các bộ phận khác của Biển Đông, quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam không có trữ lượng lớn về tài nguyên dầu khí.

Một chuyên gia người Đức cũng phân tích thêm, dù những căng thẳng trên Biển Đông chủ yếu vì tài nguyên cũng như việc khai thác tài nguyên nhưng dường như Trung Quốc không đặt nặng động cơ này. Cái mà Trung Quốc ưu tiên hàng đầu là đòi hỏi tuyên bố chủ quyền và làm các nước láng giềng lo ngại. Để làm điều đó, Trung Quốc đã đầu tư một khoản tiền khổng lồ cho các lực lượng quân sự và bán vũ trang. Lợi ích thu được về kinh tế không đáng kể gì so với chi phí rất lớn mà họ bỏ ra.

Sau khi di chuyển giàn khoan đến vị trí mới, hôm 27/5, Trung Quốc cho hay, giàn khoan Hải Dương 981 đã hoàn thành giai đoạn đầu tiên trong hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông, vì vậy cần đưa đến vị trí mới để phục vụ giai đoạn hai.

Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng, có thể do vị trí ban đầu nhiều bùn, độ bùn ngập sâu quá hoặc đáy biển chưa phù hợp, hay có thể có dấu hiệu của khí nông nên Trung Quốc không dám làm, không thể đặt được thiết bị đầu giếng; về mặt kỹ thuật có thể Trung Quốc gặp sự cố trong khi khoan... nên nước này mới di chuyển giàn khoan.

Cụ thể, ngày 27/5, giàn khoan Hải Dương 981 đã di chuyển cách vị trí cũ 23 hải lý, cách đảo Lý Sơn khoảng 150 hải lý. So với vị trí ban đầu, giàn khoan này đã di chuyển hơn 40 km. Với sự dịch chuyển này, giàn khoan Hải dương 981 vẫn thuộc lô khai thác dầu khí 142, 143 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

"Ở lô 142, 143 mà giàn khoan của Trung Quốc đang khoan tìm kiếm thăm dò dầu khí trái phép chưa có phát hiện thương mại nào để có thể khai thác dầu khí và đây là lần đầu tiên có hoạt động thăm dò dầu khí ở khu vực này. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có nhiều đợt khảo sát thăm dò tại đây nhưng chưa tiến hành khoan", Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu nói trong buổi họp báo quốc tế.

Trong một diễn biến khác, theo quan sát của Cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư, ngày 28-5, giàn khoan Hải Dương 981 vẫn đang ở tọa độ 15 độ 33 phút Bắc - 111 độ 34 phút Đông và chưa có động thái dịch chuyển tiếp theo.

Tổng hợp

Xăng dầu rục rịch đòi tăng giá, Bộ Tài chính ra “chỉ thị thép”

Sau khi thống nhất với Bộ Công thương, Bộ Tài chính có công văn gửi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối yêu cầu giữ ổn định mức giá hiện hành.Sau khi “ngập ngừng” muốn tăng giá bán lẻ vì kêu lỗ hồi giữa tháng 5, mới đây, các doanh nghiệp xăng dầu trong nước lại tiếp tục bài ca “lỗ” để được tăng giá bán lẻ.

Theo Bộ Tài chính, căn cứ diễn biến giá xăng dầu thế giới trong thời gian gần đây, trên cơ sở nguyên tắc tính toán giá cơ sở theo các quy định hiện hành, hiện xăng RON 92 đang lỗ 228 đồng/lít; dầu điêzen lỗ 87 đồng/lít; dầu hỏa lỗ 52 đồng/lít và dầu madút 180CGT 3,5S lỗ 162 đồng/lít.
 

Tuy nhiên, nhằm ổn định tình hình thị trường trong nước, tránh tình trạng “nước đục thả câu”, lợi dụng tình trạng tăng giá xăng dầu để tăng giá các sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống của người dân, sau khi thống nhất với Bộ Công thương, Bộ Tài chính có công văn gửi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối yêu cầu giữ ổn định mức giá hiện hành.

Và để các doanh nghiệp kinh doanh không chịu thiệt thòi, Bộ đã đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục giữ ổn định mức trích Quỹ Bình ổn giá (BOG) đối với các mặt hàng xăng là 200 đồng/lít; giảm sử dụng Quỹ BOG với dầu điêzen 90 đồng/lít (từ 180 đồng/lít xuống còn 90 đồng/lít) và tăng mức sử dụng với dầu madút lên 160 đồng/kg (từ 0 đồng/kg lên 160 đồng/kg).

Thời điểm áp dụng quy định trích quỹ bình ổn mới là từ 14h chiều ngày 28/5. Đây là lần thứ hai trong tháng 5 Bộ Tài chính đề nghi các doanh nghiệp giữ nguyên mức giá bán các mặt hàng xăng dầu trong nước.

Hốt bạc nghề 'tái chế dầu nhớt' ở Hà Nội

Bằng những công nghệ thủ công, số dầu thải này được tái chế sau đó tuồn ra thị trường với giá chẳng kém gì dầu mới. Nhớt tái chế có màu sắc đẹp, giống y như màu dầu nhớt xịn.

Nơi tái chế dầu nhớt lớn nhất Việt Nam

Hằng ngày có hàng nghìn lít dầu thải được người dân gom về xã An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) để tiêu thụ. Bằng những công nghệ hết sức thủ công, số dầu thải này được tái chế sau đó tuồn ra thị trường với giá chẳng kém gì dầu mới. Nhớt tái chế có màu sắc đẹp, giống y như màu của dầu nhớt xịn, không người tiêu dùng nào có thể phân biệt được, thậm chí cả những chuyên gia về động cơ.

Theo những thợ sửa xe thì các đầu nậu ở đây gom dầu nhớt cũ dùng vài thao tác đơn giản, nhớt sẽ đẹp như mới, sau đó lại tuồn ra thị trường. Việc làm này rất công khai và diễn ra một thời gian dài, không hề có cơ quan chức năng nào hỏi han.

Anh Vũ nói: "Mỗi ngày có hàng nghìn lít dầu thải được nhập về đây, sau khi được tái chế lại sẽ bán ra thị trường. Chẳng có cơ quan nào tới đây kiểm định chất lượng cả, hơn nữa vấn đề về môi trường cũng không ai quan tâm. Khách hàng cần bao nhiêu cũng có".

Rất nhiều thùng phuy chứa nhớt thải chờ mang đi tiêu thụ.

Mới về đến đầu xã An Khánh, có rất nhiều biển quảng cáo như "thu mua dầu nhớt" hay "chuyên bán dầu nhớt giá rẻ" được đặt ngay những quán cóc nhỏ cạnh lề đường. Rất nhiều thùng phuy, can dầu xếp thành đống khiến cho cả vùng này trở nên ngột ngạt vì mùi dầu mỡ. Việc mua bán hết sức công khai mà không mắc phải sự kiểm tra nào của cơ quan chức năng. Với ý muốn mua số lượng lớn dầu đã qua tái chế tức dầu nhái, một chủ cửa hàng tên Minh đon đả hỏi dồn: "Anh chị mua bao nhiêu cũng có, nhà em không đủ em gom chỗ khác cho. Đảm bảo hàng đẹp, giống y như thật luôn". Qua tìm hiểu của phóng viên, chủ thu gom dầu nhớt thải bán ra ngoài với giá thường gấp đôi giá mua nhớt thải vào. Chủ ở đây có 2 nguồn thu gom dầu nhớt thải, một là của những người gom nhỏ từ các quán sửa xe nhỏ, hai là thu gom nhớt mới do người từ công trình, nhà máy tuồn ra.

Khi chúng tôi đưa ra câu hỏi thắc mắc tại sao ở khu vực này bỗng dưng thành "làng nghề thu gom và tái chế dầu nhớt", chủ cửa hàng bật mí: "Vài năm nay ở đây là khu vực có rất nhiều công trình xây dựng, tài xế ôtô chở vật liệu, máy công trình ăn bớt dầu nhớt rồi mang đi bán. Họ có nhu cầu bán, mình mua thôi, mà mua một bán lãi 2, 3 lần là chuyện bình thường. Chính vì thấy có lời nên rất nhiều người đã đổ xô mở những cửa hàng thu gom dầu nhớt như thế này".

Ở khu vực xã An Khánh không chỉ tồn tại những người thu mua dầu nhớt rồi bán lấy chênh lệch, mà còn có những người mở cơ sở tái chế dầu nhớt cũ. Để tránh cái nhìn của khách hàng, cơ quan chức năng, nhiều hộ gia đình mở những xưởng tái chế một nơi, chỗ thu gom một nơi, chỗ bán hàng một nơi. Dầu nhớt cũ được cho vào thùng phuy sắt và đun bằng công nghệ thủ công cộng với một số hóa chất. Họ sẽ có được một loại dầu tái chế đẹp không kém gì dầu xịn của hãng. Bà Nguyễn Thị Bình, người dân An Khánh chia sẻ: "Cơ quan chức năng mà động vào những cơ sở đó chắc chắn phạt nặng, họ pha chế bằng axít và nhựa thông. Sau đó họ dùng hai hóa chất màu nữa, có giời mà biết thật với giả".


Kinh doanh dầu nhớt

Sau những câu chuyện "bán mua" chúng tôi lấy lòng được một chủ cửa hàng khác trên địa bàn tên T, đây là người khá nổi và giàu lên nhờ nhề "thu mua nhớt bẩn". Ông T rỉ tai: "Chú ý nhé, những của hàng xấu xí, biển quảng cáo bẩn, cũ là nơi cung cấp nhớt tái chế. Còn những cửa hàng có biển mới toanh thì là hàng xịn của hãng đó".

Tại cơ sở của ông T. loại dầu nào cũng có, từ dầu thải từ máy móc cho đến những loại đã được đun, trộn hóa chất. Những loại nhớt cũ lấy từ máy móc với giá khoảng 2 triệu/200 lít. Những loại này sau khi được tái chế có màu sắc đẹp như hàng công ty sẽ có giá khoảng 3-5 triệu tùy theo chất lượng. "Ở đây chúng tôi gần như chỉ cắm biển để gom hoặc bán nhớt còn điểm tái chế phải xây dựng ở nơi khác, xa trung tâm. Nếu như bị phát hiện thì ăn phạt rất nặng". Điều đặc biệt nữa mà ông T. bật mí, nếu muốn mua dầu nhớt, đóng chai dùng cho động cơ xe máy, giả các hãng lớn cũng sẽ có nơi cung cấp cho. Đảm bảo người tiêu dùng không bao giờ nhận ra.

Công nghệ phù phép nhớt "bẩn" thành nhớt "xịn"

Được sự giới thiệu của một thợ sửa xe có uy tín tại khu vực, chúng tôi kết nối được với anh Dũng, anh này nổi tiếng tới mức người ta vẫn gọi là "Dũng nhớt". Chẳng ngần ngại, "Dũng nhớt" chia sẻ rất chân thật về công nghệ tái chế dầu nhớt của mình. Theo như Dũng cho biết ở khu vực này có hai loại, nhớt tái sinh và nhớt xuyên chai. Nhớt tái sinh là loại chỉ qua lọc cặn bẩn, có màu sẫm. Loại này sơ chế rất đơn giản, chỉ cần cho máy khoắng lên là sẽ có sản phẩm. Với cách làm đơn giản nên giá chỉ khoảng 3 triệu đồng/phuy 200 lít. "Càng cho máy khoắng càng nhiều sản phẩm sẽ càng thật và có độ nhớt cao hơn. Đảm bảo khách hàng không thể nhận ra thật giả".

Loại nhớt thứ hai được được gọi là "nhớt xuyên chai", tức là nhớt có độ trong có thể nhìn từ bên nọ sang bên kia. Đây là loại nhớt được tái sinh bằng công thức công phu hơn rất nhiều. Giá của loại "nhớt xuyên chai" này dao động từ 4 đến 5 triệu đồng/phuy 200 lít.

Anh Dũng tiết lộ, để có được sản phẩm "nhớt xuyên chai" người làm phải sử dụng axít và nhựa thông, cùng với một vài phụ gia khác để biến nhớt bẩn thành nhớt có màu đẹp như nước chè. "Anh đảm bảo với chú là có tới 99% khách hàng không nhận ra. Kể cả những tay thợ về máy móc cũng khó lòng nhận ra được. Chỉ có những chuyên gia họ sử dụng máy móc để đo đạc chất nọ chất kia thì mới biết được đâu là thật đâu là giả”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù đây là khu vực tập trung nhiều người hành nghề buôn bán, tái chế dầu thải nhưng họ đều hoạt động khá độc lập. Mỗi cơ sở đều có những mối làm ăn ruột với nhau. Chỉ cần những mối ruột điện thoại, số lượng bao nhiêu cũng sẵn sàng.

Cũng có khá nhiều người kiêm luôn cả "kỹ thuật" cho khách hàng. Tức là đến tận nơi để đun, tái chế cho khách hàng. Thường thì giá cho mỗi lít tái chế thuê khoảng 20.000 đồng/200 lít. Anh Dũng nói: "Kể ra đi tái chế thuê cũng được, không phải bỏ vốn không lo đầu ra đầu vào. Hơn nữa không sợ cơ quan chức năng nào nhòm ngó. Nếu đi tái chế thuê tiền triệu mỗi ngày cũng chả chơi".


Sau khi thu gom đủ nhớt thải những người này sẽ đem bán cho “dân tái chế”.

Để tìm hiểu về sự ảnh hưởng và lợi nhuận "khủng" của những người đang hành nghề tái chế, thu mua dầu nhớt bẩn, chúng tôi đã có buổi tiếp xúc với anh Nguyễn Công Vũ, một nhân viên kỹ thuật của hãng xe Honda trên địa bàn quận Hà Đông.

Anh Vũ chia sẻ: Dầu nhờn chính hãng giá khá cao, khi các cửa hàng sửa chữa xe máy thay cho khách lãi rất ít chỉ vài nghìn đồng. Ngược lại giá của mỗi chai dầu tái chế với dung tích 0.8 lít chỉ có giá khoảng 40 nghìn, khi thay cho khách hàng họ thường lấy 80 - 90 nghìn đồng/chai. Như vậy họ đã lãi gấp đôi. Trong khi giá của những chai dầu xịn của hãng lên tới 80.000 đồng/chai, bán cho khách chỉ khoảng 85.000 đồng/chai.

Rất nhiều thợ sửa xe nhập cả 2 loại này, khi có khách đến thay dầu sẽ tùy cơ mà thay cho khách. Khách quen thân họ thay cho dầu xịn, còn khách lạ chắc chắn bị ăn dầu tái chế. Động cơ tốt đến đâu khi dùng nhớt thải dần dần cũng sẽ ảnh hưởng, tuổi thọ giảm. Dầu nhớt bẩn đôi khi sẽ gây nổ, tụt áp, hỏng xi lanh.

Một người làng An Khánh bức xúc: "Từ khi có cái nghề tái chế dầu nhớt này tôi thấy không khí ngột ngạt lắm. Cây cối xung quanh đó chả thể sống được. Nếu có làm thì tập trung vào một khu nào đó làm chứ không nên làm ở khu vực dân sinh thế này".

(Theo CAND)

Thị trường dầu mỏ chờ đợi thông tin từ Bộ Năng lượng Mỹ

Trên Sàn giao dịch điện tử Singapore sáng 29/5, giá dầu ngọt nhẹ New York giao tháng 7/2014 tăng 14 xu lên 102,86 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ cũng tăng 2 xu lên 109,83 USD/thùng.


Thị trường đang nóng lòng chờ đợi Mỹ công bố báo cáo về tình hình dự trữ nhiên liệu tại cường quốc này để tìm "manh mối" giao dịch. Tâm lý lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung đang hỗ trợ giá dầu phiên 29/5.

Sanjeev Gupta, phụ trách mảng dầu khí khu vực châu Á-Thái Bình Dương thuộc công ty tư vấn EY, nhận định: thị trường dầu sẽ theo dõi sát những diễn biến tại Ukraine và Libya để tìm kiếm định hướng.

Ukraine đang sở hữu tuyến đường huyết mạch để khí đốt của Nga có thể tới được thị trường châu Âu.

Trong khi đó, bất ổn chính trị đang leo thang tại Libya, quốc gia thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Đêm qua, giá dầu thế giới đi xuống do hầu hết các nhà giao dịch đều cho rằng nguồn cung năng lượng đang gia tăng tại Mỹ, nước tiêu thụ nhiều dầu thô nhất thế giới.

Giá dầu thô New York thuộc hợp đồng trên giảm 1,39 USD xuống 102,72 USD/thùng. Còn giá dầu Brent Biển Bắc cũng giảm 22 xu, còn 109,81 USD/thùng.

Chuyên gia Gene McGillian thuộc Tradition Energy nhận định: Hoạt động chốt lời được đẩy lên tại New York phiên 28/5, trong bối cảnh tâm điểm của thị trường hướng về báo cáo định kỳ hàng tuần của Bộ Năng lượng Mỹ.

Giới giao dịch ước đoán dự trữ dầu thô tại nền kinh tế mạnh nhất hành tinh tăng khoảng 1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 23/5, sau khi bất ngờ giảm tới 7,2 triệu thùng trong tuần trước đó.

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của Wall Street Journal, các chuyên gia phân tích lại dự đoán dự trữ dầu của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 23/5 chỉ tăng 100.000 thùng.

Hoạt động sản xuất dầu được đẩy mạnh khiến dự trữ dầu của Mỹ tính đến cuối tháng 4/2014 đạt 399,4 triệu thùng, mức cao nhất kể từ năm 1931./.

Thứ Tư, 28 tháng 5, 2014

Đề xuất chi 6 tỷ USD lắp đường ống dẫn khí đốt từ Sakhalin đến Nhật Bản

Một nhóm nghị sĩ Nhật Bản đứng đầu là ông Naokadzu Takemoto chuẩn bị đệ trình lên Thủ tướng Shinzo Abe bản dự án lập đường ống dẫn khí đốt từ Sakhalin đến Nhật Bản.


Hôm thứ Tư ông Takemoto đã thông báo về việc này khi trả lời phỏng vấn của Bloomberg. Theo đánh giá ​​của các nghị viên trong nhóm sáng kiến "Vì triển khai đường ống dẫn khí đốt giữa Nga và Nhật Bản”, được thành lập hồi tháng Năm, chi phí của dự án sẽ khoảng 600 tỷ yên (bằng 6 tỷ USD) và có thể thực thi trong vòng 5 năm.

Đường ống dẫn tiềm năng có chiều dài 1.350 km sẽ kéo từ cực nam của Sakhalin chạy dọc theo đáy đại dương đến hòn đảo Hokkaido của Nhật Bản, sau đó thông qua vùng phía bắc đảo Honshiu dẫn đến thành phố Hitachi của tỉnh Ibaraki, cách thủ đô Tokyo 150 km. Các nghị sĩ cho rằng khí đốt chảy theo đường ống sẽ rẻ hơn nhiều so với khí hóa lỏng LNG. Trong một năm thông qua đường ống dẫn có thể chuyển giao cho Nhật Bản khoảng 20 tỷ mét khối khí, bằng 1.500 tấn LNG, như vậy đáp ứng 20 % nhu cầu hàng năm của đất nước.

Ở Nhật Bản, sự kiện gây hiệu ứng cộng hưởng vang dội là việc ký kết hợp đồng “khủng” giữa "Gazprom" Nga và tập đoàn nhà nước Trung Quốc CNPC, theo đó mỗi năm Nga cung cấp cho Trung Quốc 38 tỷ mét khối khí đốt và liên tục trong 30 năm. Tổng giá thành cung cấp khí đốt 30 năm cho Trung Quốc là 400 tỷ USD.

Nắn dòng khí đốt, Putin lấy Đông đe Tây

Những bước đi gần đây cho thấy, Tổng thống Nga Putin có những toan tính chiến lược mới với nguồn lực dầu khí của mình. Ông Putin đã nắn dòng khí đốt khi mở van sang phương Đông với đối tác Trung Quốc khi những cảnh báo về khả năng gián đoạn dòng khí sang EU bởi diễn biến mới ở Ukraine.

"Lo ngại" gián đoạn với phương Tây

Phát biểu tại cuộc gặp giám đốc điều hành các công ty dầu khí quốc tế bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 18 tại St. Petersburg cuối tuần qua, Tổng thống Nga Putin đã bày tỏ sự lo ngại trước những tuyên bố của các "phần tử cực đoan ở Ukraine", trong đó có lời đe dọa sẽ làm gián đoạn hoạt động trung chuyển khí đốt của Nga sang Liên minh châu Âu.

"Chúng tôi hy vọng điều đó sẽ không xảy ra. Năng lượng - ngành chiến lược của Nga không nên bị ảnh hưởng bởi chính trị", ông Putin chia sẻ.

Điều này cho thấy, Nga lo ngại về vấn đề xuất khẩu dầu khí vốn đóng góp một phần lớn vào ngân sách của nước này. Nga lo ngại dòng dầu khí sang phương Tây có thể bị ảnh hưởng bởi tình hình căng thẳng trong khu vực, nhất là trên tuyến trung chuyển qua Ukraine.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Liên minh Châu Âu (EU) có lẽ còn lo ngại hơn, như ngồi trên lửa với những phát biểu của người đứng đầu nước Nga và hàng loạt các bước đi chấn động gần đây của ông Putin.


Những bước đi gần đây cho thấy, Tổng thống Nga Putin có những toan tính chiến lược mới với nguồn lực dầu khí của mình

Trong tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thúc đẩy thành công hợp đồng "mang tính lịch sử" trị giá 400 tỷ USD giữa Tập đoàn Năng lượng quốc doanh Nga Gazprom và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) kéo dài trong vòng 30 năm.

Sau 10 năm thương thảo, "hợp đồng lịch sử" đã trở thành hiện thực và theo đó Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc 38 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm thông qua đường ống "Sức mạnh Siberia", đi qua Siberia tới vùng đông bắc Trung Quốc, tương đương 20% lượng khí xuất khẩu của Nga trong năm vừa qua.

Với cái bắt tay giữa Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Nga đã thành công trong việc tìm thị trường dầu khí thay thế, gạt bỏ nỗi ám ảnh dòng khí đốt có thể bị ảnh hưởng bởi các lệnh cấm của châu Âu trong bối cảnh EU cũng đang chạy đua với thời gian để cắt giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga.

Trước đó, hồi cuối tháng 4, ông Putin cũng đã từng cảnh báo về những lệnh trừng phạt mới của Liên minh châu Âu và Mỹ có thể ảnh hưởng tới chính công việc của những công ty năng lượng phương Tây ở Nga và mong muốn không phải viện tới bất kỳ biện pháp trả đũa nào.

EU - Nga: chặng mới của 'mối tình' dầu khí

Hợp đồng khí đốt trị giá 400 tỷ USD kéo dài 30 năm được được đánh giá là một bước đi lịch sử trong quan hệ giữa 2 cường quốc Nga và Trung Quốc. Nó được xem là một bước ngoặt thay đổi không chỉ bộ mặt thị trường khí đốt toàn cầu mà còn là các mối quan hệ quốc tế.

Ông Putin đã nắn dòng khí đốt khi mở van sang phương Đông với đối tác Trung Quốc

Đánh giá hợp đồng "mang tính lịch sử" Nga-Trung, một số chuyên gia cho rằng, Tập đoàn Năng lượng quốc doanh Nga Gazprom có thể phải chịu thiệt khi ký hợp đồng khí đốt với Trung Quốc bởi mức giá được đồn đoán rẻ hơn giá bán cho EU trong khi chi phí bán dầu sang EU lại rẻ hơn do có sẵn hệ thống đường ống dẫn.

Tuy nhiên, điều này có lẽ không khiến ông Putin bận tâm bởi Gazprom được đánh giá sẽ tích cực trong dài hạn và trên hết có lẽ là con đường mà Nga lựa chọn là mở van dòng dầu khí sang phương Đông, thay vì chăm chăm vào thị trường EU.

Trên thực tế, hợp đồng nói trên đã được ông Putin đặt ra từ 10 năm qua và đây có lẽ là thời điểm thích hợp bởi sự căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang, trong khi Trung Quốc cũng không muốn kéo dài thêm thời gian cho cơn khát dầu khí đang tăng dần. Cũng như Trung Quốc, Nga có lẽ cần thiết lập một mối tình mới trong bối cảnh mới.

Không chỉ Putin thủ thế mà các nước Liên minh Châu Âu cũng ở trong tình trạng tương tự. Trong bối cảnh xung đột giá khí đốt giữa Nga và Ukraine đe dọa tới an ninh năng lượng của EU, Ủy ban châu Âu (EC) cũng xúc tiến xây dựng một chiến lược nhằm giảm sự phụ thuộc năng lượng. Theo đó, EU sẽ chi nhiều tỷ euro để kết nối các cơ sở năng lượng toàn châu Âu và đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng hạt nhân.

Các bước đi của EU có lẽ cũng là để nhằm giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu năng lượng tiêu thụ, nhất là từ Nga nơi cung cấp hơn 40% lượng khí đốt thiên nhiên và 33% lượng dầu nhập khẩu vào EU trong năm vừa qua.

Mặc dù vậy, trước mắt, cả Nga và EU dường như chưa thể rời nhau. Liên tục nhiều lần trong vài tháng gần đây, các quan chức EU kêu gọi Nga duy trì nguồn khí đốt cho châu Âu. EC kêu gọi Nga tôn trọng cam kết đảm bảo nguồn cung khí đốt liên tục cho châu Âu thông qua Ukraine chừng nào cuộc đàm phán về tương lai của lượng khí đốt này vẫn tiếp tục. Và cũng nhằm đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng thông suốt, châu Âu kêu gọi Nga áp dụng mức giá thị trường trong cung cấp khí đốt sang khu vực này.

EU muốn "tay ba" Nga - Ukraine và EU đạt được một giải pháp xây dựng trong cung cấp và trung chuyển khí đốt Nga sang châu Âu qua lãnh thổ Ukraine.Với Nga, việc cung cấp khí với Trung Quốc tới 2018 mới thực sự bắt đầu nhưng có lẽ vị thế của nước này đã thay đổi khá nhiều sau những nước cờ của Putin.

Văn Minh

Nga có bị Trung Quốc “bắt bí” về hợp đồng khí đốt?

Bị phương Tây trừng phạt vì cuộc khủng hoảng Ukraina, Nga đã nhượng bộ Trung Quốc về hợp đồng khí đốt 400 tỷ USD để tìm lối thoát cho nền kinh tế.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin

Tin tức cho hay Nga và Trung Quốc chủ trương tăng trao đổi mậu dịch song phương lên 200 tỷ USD vào năm 2020 thay vì 90 tỷ USD hiện nay. Tổng thống Putin nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quan hệ kinh tế Nga-Trung.

Trước đó tại Bắc Kinh, lãnh đạo Nga và Trung Quốc cam kết đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực: từ tài chính đến thương mại, từ năng lượng đến giao thông. Hai bên cũng cam kết sử dụng đồng nội tệ của nhau nhiều hơn trong thanh toán song phương.

Cũng tại Bắc Kinh, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận mua bán khí đốt giữa tập đoàn dầu khí Gazprom và CNPC trị giá 400 tỷ USD. Theo hợp đồng “lịch sử” này, Gazprom cam kết trong vòng 30 năm, kể từ 2018, cung cấp hàng năm 38 tỷ mét khối cho Trung Quốc với giá 350 USD/1000 mét khối. Trên thực tế Nga và Trung Quốc đã liên tục đàm phán từ 10 năm qua về một hợp đồng mua bán khí đốt. Trở ngại lớn nhất trong quá trình đàm phán liên quan đến vấn đề giá cả.

Tập đoàn CNPC không tiết lộ thông tin cụ thể về thỏa thuận vừa đạt được tuần trước với Gazprom. Tất cả các nhà phân tích đều đi đến kết luận rằng khủng hoảng Ukraina đã bất ngờ tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc nhanh chóng đạt được kết quả mong muốn sau nhiều năm dài đàm phán. Hơn bao giờ hết, Nga cần bảo đảm một thị trường lớn để giải tỏa bớt tác động của các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Âu-Mỹ đang áp đặt.

Lợi thế của Trung Quốc đối với Nga

Trả lời phỏng vấn của đài RFI, chuyên gia Pierre Terzian - Chủ tịch kiêm tổng giám đốc cơ quan tư vấn về dầu khí PetroStrategies - phân tích về lợi thế của Trung Quốc đối với Nga vào thời điểm hiện tại: “Hợp đồng mua bán khí đốt mà Nga và Trung Quốc vừa ký kết vào tuần trước là hợp đồng có trị giá lớn nhất chưa từng thấy trên thế giới. Phía Trung Quốc đã lợi dựng tình thế để mặc cả ráo riết với Nga, đặc biệt về giá cả và khối lượng khí đốt mà phía Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc. Tuy nhiên có thể nói rằng Gazprom đã đoán trước được những ý đồ của đối tác Trung Quốc…Cách đây gần 10 năm, Trung Quốc muốn mua 68 tỷ mét khối khí đốt của Nga hàng năm. Nhưng trong hợp đồng mà hai tập đoàn CNPC và Gazprom vừa đạt được, khối lượng mua bán khí đốt chỉ cao hơn phân nửa của con số nói trên.Tức là giờ đây Trung Quốc chỉ được mua khí đốt Nga khoảng 38 tỷ mét khối/năm”.

Về hậu quả của hợp đồng khí đối Nga-Trung đối với Châu Âu, nhà phân tích Pierre Terzian không cho rằng Nga dại dột “bỏ tất cả số trứng hiện có vào một cái giỏ”. Ông nói: “Về mặt lý thuyết, Nga có thể đưa khí đốt khai thác ở Siberia sang Trung Quốc thay vì sang châu Âu. Nhưng đó chỉ về mặt lý thuyết bởi vì không khi nào Trung Quốc lại chi ra đến 400 tỷ đô la mà chỉ trông chờ vào dự trữ khí đốt của khu vực Siberia. Để cung cấp khí đốt cho Trung Quốc, Nga sẽ phải khai thác thêm các nguồn dự trữ khác. Theo tôi, việc Nga ngưng bán khí đốt cho Châu Âu để phục vụ Trung Quốc rất ít có khả năng xảy ra”.

Nga đã nhượng bộ Trung Quốc những gì?

Theo các phương tiện truyền thông ở Matxcơva, trong lúc Ukraina phải mua vào 1000 mét khối khí đốt của Nga với giá từ 410 đến 430 USD, thì với hợp đồng 400 tỷ USD vừa ký kết hồi tuần trước, Gazprom cam kết bán khí đốt cho CNPC với giá 350 USD/1000 m3.

Nga sẽ phải xây dựng toàn bộ hệ thống đường ống dẫn mang tên “Sức mạnh Siberia” và Gazprom sẽ phải đầu tư tới 60 tỷ USD.

Sự so sánh nói trên cho thấy Trung Quốc đã chiếm thế thượng phong trong cuộc mặc cả với Nga. Nga đã phải chấp nhận “bán rẻ” năng lượng cho Trung Quốc. Không những thế, để khí đốt khai thác từ vùng Siberia đến được thị trường Trung Quốc, Nga phải xây dựng toàn bộ hệ thống đường ống dẫn mang tên “Sức mạnh Siberia” và Gazprom sẽ phải đầu tư tới 60 tỷ USD. Theo các nhà quan sát, xét về phương diện kinh tế thuần túy, đối với cả nhà nước Nga lẫn tập đoàn Gazprom, hợp đồng bán khí đốt 400 tỷ USD cho Trung Quốc không “hời”như mong đợi

Câu hỏi kế tiếp là tại sao Tổng thống Putin lại chịu bán rẻ khí đốt cho Trung Quốc ?

Có hai yếu tố cấu thành câu trả lời. Thứ nhất, không ít người cho rằng các doanh nghiệp được quyền xây dựng đường ống dẫn khí đốt “Sức mạnh Siberia” đã phóng đại giá thành của đường ống dẫn khí đốt như họ đã từng làm với trong dự án xây dựng đường ống đưa khí đốt từ Bovanenkovo - ngoài khơi mạng tây bắc Siberia- đến thành phố Ukhta. Do vậy, chưa chắc Gazprom sẽ phải thực sự chi đến 60 tỷ USD để xây dựng đường ống dẫn khí đốt “Sức mạnh Siberia”. Thứ hai, dù có bị lỗ thì điều mà Gazprom và Nga nhắm tới là về lâu về dài. Sau Trung Quốc, khí đốt của Nga sẽ còn được bán ra hai thị trường đầy tiềm năng khác là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hơn nữa, việc Nga nhanh chóng đạt thỏa thuận với Trung Quốc về hợp đồng 400 tỷ đô la vừa qua, một lần nữa thể hiện thái độ thực tiễn của tổng thống Putin. Sau khi thất bại trong việc dùng lá bài năng lượng để giữ chặt Ukraina trong vòng kiềm tỏa, Tổng thống Putin ý thức được rằng Nga không phải là nguồn xuất khẩu khí đốt duy nhất trên thế giới.

Trung Quốc lâu nay vẫn dựa vào khí đốt của Turkmenistan qua đường ống dẫn khí đốt dài hơn 6.400 km. Nhờ đó, Bắc Kinh đã ở thế mạnh để mặc cả với Nga. Ngoài Turkmenistan, thì Uzbekistan, Australia hay Qatar cũng là những nguồn cung cấp khác của Trung Quốc.

Chính vì vậy mà Matxcơva chịu nhượng bộ Bắc Kinh về mặt giá cả, với mục đích biến Trung Quốc thành “cánh cửa” mở ra thị trường Châu Á. Tuy nhiên chiến lược « đông hướng » này của Nga cũng có nhiều thách thức, khi biết rằng Bắc Kinh khẳng định chủ quyền đối với một số vùng lãnh thổ của Nga tại lưu vực sông Amur và hồ Baikal. Rốt cuộc, cả Nga lẫn Trung Quốc đều chưa thể quên những vụ xung đột biên giới dưới thời Liên Xô cũ.

Hợp tác về quân sự

Sự gắn bó Bắc Kinh-Matxcơva không chỉ giới hạn trong lĩnh vực năng lượng hay thương mại. Nga và Trung Quốc đề ra mục tiêu đến năm 2020, nâng tổng đầu tư hai chiều lên gấp 7 lần so với hiện tại. Năm ngoái đầu tư qua lại giữa hai nước lên tới hơn 4 tỷ USD. Tổng trao đổi mậu dịch hai chiều hiện nay là 99 tỷ USD một năm.

Ngoài những hợp đồng dầu khí, Nga còn là một trong những đối tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân cho Trung Quốc, cạnh tranh trực tiếp với các tập đoàn của Tây Âu.

Riêng trong lĩnh vực quân sự, Nga và Trung Quốc là những đối tác “không thể tách rời” của nhau.
Theo thống kê của tập đoàn xuất khẩu vũ khí của Nga, Rosoboronexport, trong năm 2013, Trung Quốc chiếm 12% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga. Trước đó vào năm 2012, Matxcơva đã ký hợp đồng trị giá 2,1 tỷ USD để cung cấp trang thiết bị quân sự cho Bắc Kinh. Bên cạnh đó còn phải kể tới những hợp đồng cung cấp các linh kiện để Trung Quốc tự lắp ráp. Trên thực tế, tổng trao đổi mậu dịch chỉ riêng trong lĩnh vực quân sự giữa Nga và Trung Quốc còn cao hơn rất nhiều so với các con số chính thức được Rosoboronexport cung cấp.


Matxcơva cung cấp cho Trung Quốc từ chiến đấu cơ đến máy bay vận tải, từ trực thăng đến các loại vũ khí phòng không…

Thêm một yếu tố cần lưu ý khác đó là trong những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng mua nhiều vũ khí của Nga. Riêng trong năm 2011, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã chi ra 1,9 tỷ USD để mua trang thiết bị của Nga và như vậy, 15 % vũ khí của Nga sản xuất là để bán cho Trung Quốc. Trong 20 năm qua, hợp tác quân sự song phương đã liên tục được mở rộng. Matxcơva cung cấp cho Trung Quốc từ chiến đấu cơ đến máy bay vận tải, từ trực thăng đến các loại vũ khí phòng không…

Một số thông tin rò rỉ mà báo chí ở Matxcơva thu lượm được cho thấy Trung Quốc đặt mua động cơ máy bay phản lực loại AL-31F, loại động cơ mà tới nay Nga luôn dành để trang bị cho loại máy bay tiêm kích Su- 30MKM bán cho Ấn Độ và Malaysia. Ngoài ra Trung Quốc đặt mua luôn hơn 50 chiếc trực thăng vận tải loại Mi-17. Đáng chú ý hơn nữa là Matxcơva và Bắc Kinh đang hướng tới một số dự án nghiên cứu quân sự chung để cùng sản xuất vũ khí và các trang thiết bị.

Từ năm 2004 tới nay, Nga liên tục là nguồn cung cấp vũ khí số 2 của thế giới (chiếm từ 24 đến 27 % thị phần toàn cầu và chỉ chịu đứng sau Mỹ). Máy bay chiến đấu của Nga thuộc vào hàng lợi hại nhất và hiện được ưa chuộng tại nhiều quốc gia: từ Ấn Độ qua Trung Quốc, từ Uganda đến Malaysia. Tuy nhiên, Nga luôn thận trọng trong hợp tác quân sự với Trung Quốc, nhất là sau khi Trung Quốc đã sao chép gần như thành công nhiều chiến đấu cơ của Nga.

Trung Quốc dự trữ dầu mỏ ở mức kỷ lục

Động thái này diễn ra trong thời điểm căng thẳng trên biển Đông chưa có dấu hiệu hòa dịu và phương Tây có khả năng áp các lệnh trừng phạt vào ngành dầu mỏ của Nga sau khủng hoảng tại miền Tây Ukraine. Các chuyên gia phân tích tin rằng Trung Quốc đang lặng lẽ xây dựng một vòng đệm cho mình tránh những rủi ro khi giá dầu đột ngột tăng cao hoặc nguồn cung gián đoạn.

Báo cáo mới đây nhất của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, Trung Quốc đã nhập khẩu 6,81 triệu thùng dầu một ngày trong tháng 4, cao nhất từ trước đến nay. Nguồn cung chủ yếu đến từ Nga, Angola và Iraq.


Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu dầu nhiều thứ hai thế giới, theo Bloomberg, nhằm đáp ứng tốc độ phát triển nhanh ba thập kỷ qua. Tuy nhiên, động thái gần đây của nước này lại làm dấy lên nhiều nghi ngờ, do kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm nhiều tháng nay với sự suy giảm của ngành thép và xây dựng.

IEA cũng đưa ra ước tính có khoảng 1,4 triệu thùng dầu chảy vào kho dự trữ ngày một lớn của Trung Quốc. Hoạt động giao hàng chủ yếu tập trung tại các cảng biển gần bồn dự trữ ở Thiên Tân và Hoàng Đảo của Trung Quốc.

Trung Quốc chiếm khoảng 40% mức tăng trưởng trong nhu cầu dầu thế giới. Vì vậy, bất kỳ động thái làm tăng dự trữ nào của họ cũng sẽ khiến thắt chặt nguồn cung thế giới ngay lập tức và đẩy giá dầu lên cao.

Michael Lewis, giám đốc bộ phận hàng hóa của Ngân hàng Deutsche cho biết, quan chức Trung Quốc tại Cục dự trữ Chiến lược Bắc Kinh đang thực hiện chiến lược “mua khi giá giảm”. Họ tích trữ bất cứ khi nào giá dầu thô Brent giảm xuống ngưỡng hỗ trợ, như thời điểm đầu năm nay. Hiện nay, giá dầu Brent đang ở mức 110 USD/thùng.

“Việc này tương tự với những gì họ làm với kim loại đồng. Bất kỳ lúc nào giá đồng giảm xuống dưới 7.000 USD/tấn, Trung Quốc lại nhanh chóng mua vào. Với nông sản họ cũng làm như vậy”, ông Lewis cho biết.

Trung Quốc đang đặt mức giá sàn cho thị trường dầu thế giới, điều này đã làm dấy lên nghi ngờ về dự báo của các ngân hàng thương mại trong năm nay, rằng giá dầu sẽ tăng cao khi lượng dầu thô từ Libya, Iraq và Iran tăng lên.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, chiến lược mua vào của nước này có thể còn tiếp diễn trong thời gian dài, do Trung Quốc đang tăng khả năng dự trữ từ 160 triệu thùng lên 500 triệu thùng vào năm 2020, với nhiều điểm dự trữ trên khắp cả nước.

Tuy nhiên, giới chức nước này lo ngại khi Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ với lượng dầu mỏ nhập khẩu đã chiếm tới 60% sản lượng tiêu thụ trong năm nay. Đây được cho là một mốc nguy hiểm. Các nhà hoạch định chính sách nước này đang nghiên cứu kịch bản có thể xảy ra nếu thế giới có xung đột, như chiến tranh tại Trung Đông hay Eo biển Hormuz bị đóng cửa sẽ khiến ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ. Trong trường hợp đó, khu vực Đông Á sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn thị trường Mỹ nếu nguồn cung dầu mỏ từ Trung Đông bị gián đoạn.

Trước đó, trong bối cảnh lo ngại phương Tây sẽ áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga nếu cuộc bầu cử tại Ukraine không diễn ra suôn sẻ, Trung Quốc đã tích cực tăng cường dự trữ dầu mỏ. Các nguồn tin từ Washington cho thấy Mỹ có thể đưa hãng dầu mỏ quốc gia Nga - Rosneft vào tầm ngắm. Việc này sẽ khiến các đồng minh châu Âu của Mỹ ít tổn hại hơn là đánh vào Gazprom. Do khí đốt tự nhiên hãng này đang cung cấp cho châu Âu chủ yếu qua đường ống và khó thay thế./.

CTV Thùy Anh/VOV online
Theo Telegraph

Người Kurd ở Iraq bắt đầu đơn phương xuất khẩu dầu thô

Ngày 22/5, Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Taner Yildiz cho biết khu vực tự trị của người Kurd miền bắc Iraq đã bắt đầu xuất khẩu dầu thô sang thị trường quốc tế thông qua cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ, bất chấp sự phản đối từ chính quyền trung ương ở Baghdad.

Người Kurd đã đơn phương xuất khẩu dầu thô sang Thổ Nhĩ Kỳ

Chính phủ Iraq khẳng định họ là phía duy nhất được quyền phát triển và kinh doanh nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Kể từ cuộc xâm lược Iraq năm 2003 do Mỹ cầm đầu, người Kurd thiểu số và chính quyền trung ương Iraq do người Arab kiểm soát tại Baghdad luôn bất hòa về quyền sử dụng các nguồn tài nguyên.

Baghdad khẳng định chỉ có chính quyền trung ương mới có thể lập kế hoạch, trao hợp đồng cho các đối tác phát triển và xuất khẩu dầu thô ra thị trường quốc tế. Trong khi đó, người Kurds phản bác rằng hiến pháp cho phép chính quyền khu vực của họ được làm điều tương tự.

Người Kurd đã ký hơn 50 hợp đồng với các công ty dầu phương Tây mà không có sự đồng thuận của Baghdad. Kể từ đầu tháng Giêng, họ bắt đầu bơm dầu thô thông qua một đường ống riêng để đi qua Thổ Nhĩ Kỳ, bỏ qua hệ thống đường ống do Bangdad kiểm soát.

Tranh cãi nói trên sẽ làm gia tăng mối bất hòa giữa người Kurds và chính quyền trung ương Baghdad vào thời điểm bắt đầu cuộc đàm phán để lập chính phủ mới sau cuộc tổng tuyển cử hôm 30/4 vừa qua.

Bộ Tài chính yêu cầu giữ nguyên giá xăng dầu

Sau khi thống nhất với Bộ Công thương, Bộ Tài chính vừa có công văn số 7005/BTC-QLG gửi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối về điều hành xăng dầu.


Công văn nêu rõ mức chênh lệch giữa giá bán hiện hành và giá cơ sở bình quân 30 ngày từ ngày 28/04/2014 đến 27/5/2014 thì giá bán hiện hành các mặt hàng xăng dầu đều đang thấp hơn giá cơ sở từ 52 - 225 đồng/lít, kg.

Trên cơ sở chênh lệch giữa giá bán và giá cơ sở theo tính toán như trên, Bộ Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đầu mối giữ ổn định giá bán xăng, dầu trong nước như hiện hành.

Bộ cũng yêu cầu tiếp tục giữ ổn định mức trích Quỹ Bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng, dầu như hiện hành.

Cụ thể, đối với mặt hàng xăng: Tiếp tục sử dụng Quỹ Bình ổn giá 200 đồng/lít như hiện hành;
  • Dầu điêzen: Giảm sử dụng Quỹ Bình ổn giá 90 đồng/lít (từ 180 đồng/lít xuống còn 90 đồng/lít);
  • Dầu hỏa: Giảm sử dụng Quỹ Bình ổn giá 100 đồng/lít (từ 160 đồng/lít xuống còn 60 đồng/lít);
  • Dầu madút: Sử dụng Quỹ Bình ổn giá 160 đồng/kg (từ 0 đồng/kg lên 160 đồng/kg);
N.T/VOV online

Chủ Nhật, 25 tháng 5, 2014

Tổng thống Putin: Trữ lượng khí đốt của Nga đủ cho 50 năm tới

Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Petersburg - 2014 hôm cuối tuần, Tổng thống Nga Vladimir Putin đề cập hợp đồng cung cấp khí đốt khổng lồ trị giá 400 tỉ USD mà ông vừa ký với chính phủ Trung Quốc, cho biết hợp đồng được ký cho 30 năm trong khi trữ lượng của Nga đủ cho 50 năm tới.


Trong vòng 4-6 năm, Nga sẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng của dự án khí đốt (xây dựng đường ống) 55 tỉ USD, còn Trung Quốc đầu tư 20-22 tỉ USD.

Cũng tại phiên họp này, Tổng thống Nga đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố lòng tin trong bối cảnh xảy ra một loạt sự kiện chính trị và kinh tế quốc tế gần đây. Về cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Tổng thống Putin đánh giá, hiện nay Ukraine đã rơi vào cuộc nội chiến và nguyên nhân xảy ra khủng hoảng là việc mất lòng tin, dẫn đến đảo chính nhà nước ngày 21/2 và tình trạng hỗn loạn như hiện nay. Nhà lãnh đạo Nga một lần nữa kêu gọi các bên đối thoại để tìm ra giải pháp nhượng bộ cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Ông khẳng định, đàm phán trực tiếp và tìm kiếm nhân nhượng là con đường duy nhất để giúp Ukraine thoát khỏi cuộc khủng hoảng, và điều kiện tiên quyết để thực hiện đối thoại là chính quyền lâm thời Kiev phải ngừng ngay các hành động quân sự tại miền đông-nam.

Đối với các biện pháp của nhiều nước trừng phạt Nga liên quan đến khủng hoảng tại Ukraine, ông Putin cho rằng việc sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế như một sức ép chính trị sẽ có hiệu ứng ngược "như chiếc boomerang", theo đó các nước trừng phạt cũng phải chịu thiệt hại từ chính các biện pháp này. Về quan hệ giữa Nga với các nước khác nói chung, ông Putin cho biết Nga không muốn tự cô lập mình trên trường quốc tế, nhưng cũng không "cố" để hợp tác với các nước khác. Đề cập quan hệ căng thẳng giữa Nga và Mỹ liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, Tổng thống Puttin cho rằng những khác biệt trong quan điểm giữa hai bên không cản trở hợp tác. Tuy nhiên, ông chỉ trích lời đe dọa về gói biện pháp trừng phạt Nga lần thứ 3 mà Mỹ đưa ra, cho rằng nó không công bằng và Mỹ muốn dùng biện pháp này nhằm có được ưu thế trong cạnh tranh thương mại tại châu Âu.

Theo TTXVN/Vietnam+

Khai thác mỏ dầu lớn nhất thế giới

Phương pháp "đun nóng" lòng đất để dầu chảy ra từ đá phiến đang được thử nghiệm để áp dụng trong tương lai ở khu mỏ dầu khổng lồ thuộc bang Colorado và các bang lân cận là Utah và Wyoming của Mỹ. Tuy việc thử nghiệm ở giai đoạn một đã thất bại hoàn toàn nhưng hãng American Shale Oil vẫn quyết định tiếp tục đầu tư cho phương pháp này.


Từ hàng chục năm nay Roger Day, một nhân vật nổi tiếng ở thị trấn Rifle bé nhỏ (gần Denver thuộc bang Colorado) với khoảng 10.000 dân, luôn chăm chú đào bới để tìm tài nguyên khoáng sản trong lòng đất. Ông là người phát hiện mỏ natron tự nhiên duy nhất ở Mỹ, nguyên liệu chính dùng làm bột nở cho các loại bánh, có mặt trong hầu hết các siêu thị ở Mỹ.

Giờ đây ông ước mơ tên tuổi ông sẽ được biết đến ở tất cả các cây xăng trên đất nước này.Ở tuổi 63, thực ra Day, vốn là đại diện của doanh nghiệp năng lượng American Shale Oil (Amso), có thể yên tâm chuẩn bị để nghỉ hưu. Tuy nhiên một nhiệm vụ to lớn, nặng nề nhất lại đang đợi ông ở phía trước - khai thác khu mỏ dầu khổng lồ ở Colorado và các bang lân cận Utah và Wyoming.

Theo ước đoán của Cơ quan địa chất Mỹ USGS thì trên diện tích khoảng 70.000 km2 ở đây, trữ lượng dầu mỏ lên tới 4,3 nghìn tỷ thùng. Theo các nhà địa chất, trong điều kiện tốt nhất, các doanh nghiệp có thể khai thác được ¼ trữ lượng này ở khu vực Green River – tức là gấp bốn lần trữ lượng dầu mỏ ước tính của A-rập Xê-út hiện nay.Cái khó nằm ở chỗ, báu vật trong lòng đất không phải là loại dầu mỏ thông thường mà là tiền chất của nguyên liệu dầu mỏ có tên là Kerogen ở trong đá phiến.

Cội nguồn của Kerogen là các loài tảo, sinh vật phù du và vi khuẩn tích tụ hàng triệu năm dưới đáy một hồ muối khổng lồ. Nhưng do chỉ có một lượng nhỏ oxy tiếp cận được với lớp tích tụ này, chúng không thể trở thành dầu ở dạng lỏng. Mãi tới cách đây 5 triệu năm, nước mới biến mất. Nhưng để tạo thành dầu mỏ, cần có khoảng thời gian từ 50 triệu đến 300 triệu năm. Xét về mặt hoá học, đây là quá trình chuỗi carbon dài bị phá vỡ thành chuỗi carbon ngắn.

Không chỉ Mỹ mới có một khối lượng lớn Kerogen mà cả các nước như Israel, Jordani, Australia, Đông Âu... cũng có trữ lượng lớn Kerogen trong lòng đất. Chính vì vậy nên Amso và hàng chục doanh nghiệp khác đang đặt vận may vào đá dầu.

Kỹ sư Roger Day đã có ý tưởng về việc biến Kerogen thành dầu.Cách Rifle về phía bắc, khoảng 90 phút chạy xe ô tô, là khu vực thử nghiệm của Amso. Đây là một vùng đất hoang vu toàn sỏi đá với những cây thông thấp tè. Theo ông Day thì “dân săn bắn là những người duy nhất tự nguyện đến nơi hoang vắng này”.

Kỹ sư Day và 12 cộng sự đã xây dựng khu thử nghiệm tại vùng đất hoang sơ hầu như không một bóng người này: rất nhiều chuyến xe tải chở thiết bị, máy móc thí nghiệm tới đây. Người ta đã dựng hai tháp khoan, trên đỉnh tháp là cờ Mỹ bay phấp phới. Hàng rào cao khoảng hai mét bao quanh khu thử nghiệm rộng mênh mông.

Đun dầu trong lòng đất

Mục tiêu của Day là đun nóng để dầu chảy ra từ đá phiến. Người ta tuồn hàng chục ống thép xuống độ sâu 650 mét trong lòng đất trên một khoảng diện tích rộng ít nhất 2,5 km2, giống như một dạng lò sưởi giữ ấm nền nhà. Lớp Kerogen ở độ sâu này dày chừng 300 mét.Các nhà kỹ thuật dự kiến sẽ bơm vào một nửa số đường ống hơi một loại dung dịch đặc biệt có nhiệt độ khoảng 500 độ C. Sau khoảng ba tuần, sức nóng làm cho Kerogen biến thành hơi dầu.

Do vật chất ở dạng khí giãn nở nên có thể tạo áp lực đủ để đẩy hơi dầu lên trên qua hệ thống đường ống thứ hai. Tại đây có các thiết bị máy móc làm lạnh để hơi dầu ngưng tụ và được làm sạch. Khí đốt cùng dầu bay lên trên dùng để vận hành nhà máy điện chuyên tạo hơi nóng, do đó không cần có nguồn năng lượng từ bên ngoài.Theo tập đoàn Amso, chỉ cần 25 cơ sở cỡ này là đủ đáp ứng nhu cầu về dầu mỏ của nước Đức trong vòng 30 năm. Giá thành một thùng dầu 120 lít dao động từ 40 đến 80 đôla. Hiện tại giá một thùng dầu trên thị trường là trên 100 đôla.

Bản thân Day cho rằng, phải mất khoảng 10 năm nữa ông mới có thể đạt được mục tiêu nói trên. Cho đến nay, cơ sở đã khoan được hai giếng để đặt đường ống làm lò sưởi trong lòng đất nhưng các nhà kỹ thuật đang đứng trước khó khăn về nguyên liệu làm đường ống.

Khu thử nghiệm của Amso bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2008. Trong quá trình làm thử nghiệm, Day không phải bận tâm về chi phí. Amso và Total đã chi tổng cộng hơn 100 triệu đôla cho việc phát triển công nghệ này.Sau khi nghiên cứu rất kỹ về địa chất, một quá trình mà Day gọi là “chụp X-quang lòng đất”, việc khoan được tiến hành trong bốn tháng và đặt được hàng kilômet đường ống, họ cũng kết nối xong với máy tính và hoàn thiện việc xây dựng một nhà máy phát điện cỡ nhỏ.

Trong thử nghiệm đầu tiên, Day không dùng hơi nước siêu nóng mà dùng một thiết bị giống như một que đun điện khổng lồ, do một doanh nghiệp ở Canada chế tạo với giá 600.000 đôla. Khi kết nối với nhau, que đun điện dài khoảng 30 mét nhưng chỉ to hơn bắp tay này tạo nhiệt độ lên đến 360 độ C và sẽ đun nóng lớp đá phiến trong sáu tháng liền.Để đánh giá kết quả, người ta cài một máy quay phim xuống sâu trong lòng đất; ngoài ra còn có trên 700 cảm biến theo dõi công tác khoan trên địa bàn và cứ mỗi giây thu được hàng nghìn dữ liệu khác nhau.

Tuy nhiên việc thử nghiệm đã thất bại hoàn toàn.Chỉ sau 21 ngày, que đun điện bị cháy. Không có chút dầu nào lên được khỏi mặt đất. Sau đó, người ta đã tuồn xuống lòng đất hai thiết bị rất đắt tiền nhưng tuổi thọ cũng chỉ dài hơn vài tuần lễ so với thiết bị thử nghiệm đầu tiên.


Các đường ống trên bãi thử nghiện của Amso. Chúng bị bẹp dúm như vỏ hộp Coca vì không chịu nổi nhiệt độ cao ở độ sâu 650 mét.

Vấn đề thứ hai là thất bại khi đưa những ống thép xuống dưới lòng đất. Áp lực lớn làm cho các ống kim loại gặp nhiệt bị bẹp dúm như vỏ hộp cola. Vì vậy Day và các chuyên gia về nguyên liệu đã phải tạo ra những hợp kim mới có khả năng chịu lực và tồn tại nhiều năm trong lòng đất.

Tuy vậy Day không hoàn toàn hài lòng với giai đoạn thử nghiệm này. Các cảm biến mỗi ngày thu được hơn một terabyte dữ liệu, Day giải thích, và các nhân viên của ông giờ đây phải đánh giá các dữ liệu đó. Để tối ưu hoá hệ thống này, họ cần biết đá ở trên diện tích rộng bao nhiêu đã được đun nóng đến mức độ nào trong lòng đất và áp lực ở dưới độ sâu này là bao nhiêu. Cuối năm nay, Day sẽ triển khai những thí nghiệm đầu tiên với hơi nóng. Hiện đã có một loại gel đặc biệt có thể cách nhiệt những ống nằm ở gần mặt đất.

Như vậy lượng nhiệt toả xuống lòng đất hầu như không bị thất thoát do đó tăng hiệu quả của công nghệ. Không phải tất cả các doanh nghiệp dự định khai thác Kerogen ở trong lòng đất ở Colorado đều thấy rằng trong tương lai gần việc khai thác này là có hiệu quả kinh tế. Thí dụ hãng Shell cách đây vài tháng đã bỏ dự án đá dầu của mình ở gần khu thí nghiệm của Amso. Vấn đề nổi cộm ở đây không phải là sự cố đối với thanh đun điện, mà là chi phí bảo vệ nguồn nước ngầm quá tốn kém.

Các kỹ sư của hãng Shell có ý định tạo một bức tường băng trong lòng đất xung quanh khu vực khoan để bảo vệ nguồn nước ngầm. Shell không công bố nguyên nhân đích thực của việc ngừng không tiến hành dự án khai thác Kerogen tại đây.

Các nhà bảo vệ môi trường lên tiếng

ExxonMobil có ý định áp dụng phương pháp gây sốc điện trong lòng đất. Phương pháp này còn có tên là Elektrofracking. Theo đó, các ống kim loại sẽ được tuồn theo chiều thẳng đứng vào lòng đất với khoảng cách chừng vài trăm mét một ống. Ở khoảng trống, người ta sẽ bơm một loại chất lỏng có khả năng dẫn điện. Điện chạy trong đất và nung nóng Kerogen, làm bốc hơi và bay lên trên mặt đất.

Mọi phương pháp mà các doanh nghiệp dầu khí đang dự định áp dụng ở Colorado đều là những phương pháp mới mẻ về kỹ thuật. Bởi vậy không có gì lạ khi lực lượng bảo vệ môi trường cũng như cơ quan quản lý nhà nước hết sức chăm chú theo dõi mọi biến động tại đây. Sự bùng nổ phương pháp fracking ở những vùng khác nhau thuộc Mỹ đã giúp mỗi ngày khai thác được khoảng 2 triệu lít dầu mỏ và nhiều km3 khí đốt, nhưng điều này càng làm cho những người bảo vệ môi trường thêm lo lắng.

Tuy có nhiều nghiên cứu nhưng cho đến nay vẫn chưa thể đánh giá cụ thể phương pháp fracking nguy hại đến mức độ nào đối với môi trường. Phương pháp này bơm hàng triệu lít nước trộn với cát và hoá chất vào trong lòng đất để lấy dầu hay khí đốt từ đá phiến. Việc khai thác Kerogen từ trong lòng đất cho đến nay hoàn toàn không có những thẩm định đáng tin cậy về tác động đối với môi trường. Vì lý do này, giờ đây chính phủ ở Denver đã thu hẹp đáng kể diện tích khu thử nghiệm khai thác Kerogen.

Ở Israel, giới bảo vệ thiên nhiên cũng đã có đơn kiện giới ủng hộ Kerogen ra toà, cho nên chưa chắc việc khai thác sẽ được phê chuẩn. Cách đây năm năm, chính phủ Israel đã chèo kéo ông Harold Vinegar, phụ trách nhóm nghiên cứu Kerogen của hãng Shell, nhằm nghiên cứu khai thác mỏ đá dầu tại nước này. Người ta hy vọng Israel sẽ không còn bị lệ thuộc vào việc nhập khẩu dầu mỏ. Tuy nhiên sự phản đối của lực lượng bảo vệ thiên nhiên có thể làm cho dự án này phải ngừng hoạt động.

Đằng sau những cuộc xung đột trên Biển Đông

Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam từ ngày 2/5 đã khiến khu vực Biển Đông dậy sóng. Tuy nhiên, đây chỉ là bước đi mới nhất của Trung Quốc sau một loạt vụ vô cớ gây hấn gần đây. Lâu nay Biển Đông hầu như chưa bao giờ bình yên, bởi nó là nơi Trung Quốc muốn thực hiện tham vọng mở rộng vùng kiểm soát nhằm thâu tóm toàn bộ vùng biển này.



Bãi đá cạn Scarborough.

Tại sao Trung Quốc lại muốn độc chiếm Biển Đông? Nguyên nhân là bởi vùng biển này có tầm quan trọng về mặt kinh tế và chiến lược. Về mặt kinh tế, đây là ngư trường đánh bắt cá quan trọng, nơi kiếm sống từ bao đời nay của ngư dân Việt Nam. Năm 1988, người ta ước tính Biển Đông chiếm 8% sản lượng đánh bắt cá toàn thế giới và con số này ngày càng tăng. Khu vực Biển Đông cũng là một trong những tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới. Từ những năm 1980, đã có ít nhất 270 tàu buôn dùng tuyến đường này mỗi ngày. Hiện nay, hơn một nửa lượng dầu vận chuyển bằng đường biển đi qua khu vực này. Lưu lượng phương tiện giao thông trên Biển Đông lớn gấp ba lần so với kênh đào Suez và gấp năm lần kênh đào Panama.

Hơn nữa, khu vực Biển Đông được cho là có nhiều trữ lượng dầu mỏ và khí đốt, mặc dù các con số ước tính có sự khác nhau khá lớn. Bộ Khai mỏ và Tài nguyên Địa chất Trung Quốc cho rằng Biển Đông có thể có trữ lượng 17,7 tỷ tấn dầu thô (cao hơn ở trữ lượng 13 tỷ tấn của Kuwait). Một vài năm sau khi có thông tin trên, cuộc chiến giành chủ quyền của một số hòn đảo trên Biển Đông lại thêm căng thẳng.



Bản đồ vẽ đường “lưỡi bò” chiếm gần hết diện tích Biển Đông do Trung Quốc tự vẽ ra.

Một số nguồn khác lại cho rằng trữ lượng dầu ở Biển Đông có thể chỉ là 7,5 tỷ thùng, tương đương 1,1 tỷ tấn, thấp hơn rất nhiều so với ước tính của Trung Quốc. Theo thông tin về Biển Đông của Cục Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính trữ lượng dầu đã được phát hiện và chưa được phát hiện vào khoảng 28 tỷ thùng, chỉ bằng một phần nhỏ so với ước tính của Trung Quốc là 213 tỷ thùng. Về khí đốt, EIA cho rằng Biển Đông có từ 25.500 đến 56.600 tỷ m3.

Với trữ lượng dầu khí nhiều như vậy, không ngạc nhiên khi Trung Quốc coi Biển Đông là “biển Ba Tư thứ hai” và lên kế hoạch độc chiếm khai thác. Tổng công ty dầu khí Hải Dương (CNOOC) của nước này đã lên kế hoạch chi 30 tỷ USD trong vòng 20 năm tới để khai thác dầu khí trong khu vực Biển Đông. CNOOC đặt mục tiêu khai thác khoảng 27,5 triệu tấn dầu thô và khí đốt mỗi năm ở độ sâu 2.000 m trong vòng 5 năm tới.

Về tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Khoa học (Bộ Công an) nhận định: “Trung Quốc vạch chiến lược để khống chế Biển Đông, chứ không phải dầu khí”. Đến nay, Trung Quốc tự nhận phần lớn Biển Đông là của mình và tự vẽ ra “đường chín đoạn” kéo dài hàng nghìn km về phía đông và nam của tỉnh Hải Nam.

Năm 1947, chính quyền Tưởng Giới Thạch tuyên bố chủ quyền với hầu như toàn bộ Biển Đông bằng “bản đồ 11 đoạn”. Đến năm 1953, Trung Quốc xóa 2 nét đứt ở vịnh Bắc Bộ thành đường 9 đoạn, còn gọi là “đường lưỡi bò”. Trung Quốc còn phát hành bản đồ chi tiết “đường chín đoạn” này, theo đó hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm trọn trong lãnh thổ Trung Quốc.

Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, “Đường chín đoạn” đã bị các nước láng giềng và trên thế giới phản đối vì tính mơ hồ mà chính Trung Quốc cũng không thể giải thích được.

Hiện nay, trong quần đảo Trường Sa Việt Nam kiểm soát nhiều đảo nhất, mặc dù một số nước khác, trong đó có Trung Quốc, cũng tham gia tuyên bố chủ quyền sau khi vô cớ chiếm đóng một số hòn đảo tại đây. Còn quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm đóng của Việt Nam từ năm 1974. Tháng 7/2012, Trung Quốc ngang nhiên thành lập thành phố Tam Sa, coi đây cơ quan hành chính để quản lý lãnh thổ ở một khu vực rộng lớn trên Biển Đông. Việc này bị nhiều nước phản đối và lên án.

Chiểu theo những quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 thì Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; khẳng định quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Từ nhiều thế kỷ nay (ít nhất là từ thế kỷ 17), Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi chúng còn là vô chủ. Các nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này một cách liên tục, hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế mà không gặp phải sự phản đối của quốc gia nào.

Một điểm nóng khác trên Biển Đông là bãi đá ngầm Scarborough đang tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc. Bãi này cách Philippines 160 km và cách Trung Quốc 800 km. Bãi ngầm Scarborough là nguyên nhân khiến quan hệ giữa hai nước căng thẳng, trong đó Philippines cáo buộc Trung Quốc huy động cả tàu quân sự can thiệp tranh chấp. Tháng 4/2012, lực lượng hải quân Philippines phát hiện một số tàu cá Trung Quốc đánh bắt ở khu vực này và tìm cách can thiệp nhưng bị tàu quân sự Trung Quốc chặn lại. Tháng 1/2013, Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế theo các điều khoản của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển để phản đối “đường chín đoạn” của Trung Quốc. Vụ kiện đến nay vẫn chưa được giải quyết, với lý do Trung Quốc... từ chối ra tòa để đấu lý.
Thùy Dương (tổng hợp)

Hệ lụy từ thỏa thuận khí đốt Nga - Trung

Hợp đồng khí đốt trị giá 400 tỷ USD được ký giữa Nga và Trung Quốc sẽ gây ra những tác động rất lớn đến cấu trúc địa chính trị thế giới. Phương Tây biết rõ điều này, song lại chẳng thể ngăn cản vì căn nguyên suy cho cùng cũng từ họ mà ra.

Liên minh năng lượng Nga-Trung khiến phương Tây lo ngại.

Ngày 21/5, Nga và Trung Quốc đã chính thức ký thỏa thuận khí đốt lịch sử sau đúng 10 năm đàm phán. Theo đó, Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc 38 tỷ m3 khí đốt mỗi năm và kéo dài trong 30 năm để đổi lấy số tiền thu về lên tới 400 tỷ USD.

Thỏa thuận được ký tại thành phố Thượng Hải nhân dịp Tổng thống Nga Vladimir Putin sang thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị thượng đỉnh “phối hợp hành động và củng cố lòng tin ở châu Á” (CICA).

Khỏi phải nói giới chức hai nước đã hoan hỉ đến mức nào trước sự kiện này, song với dư luận khu vực và phương Tây, cú bắt tay này ẩn chứa nhiều mưu đồ địa chính trị hơn là ý nghĩa kinh tế. Với bản thân hai nước đứng tên hợp đồng, những toan tính chính trị và lợi ích thu được cũng không tương xứng với nhau.

Hoàn cảnh đưa đẩy Nga

Với Nga, việc ký thỏa thuận chẳng qua cũng chỉ là “vạn bất đắc dĩ” khi việc đa dạng hóa các thị trường năng lượng ngoài Liên minh châu Âu (EU) có tầm quan trọng sống còn đối với Mátxcơva và trở thành vấn đề bắt buộc chứ không đơn thuần là một sự lựa chọn.

Lý do Nga buộc phải làm vậy là vì nước này đang phải hứng chịu các lệnh trừng phạt liên tiếp của Mỹ và châu Âu liên quan đến việc sáp nhập Crimea và cuộc khủng hoảng ở quốc gia láng giềng Ukraine. Với các lệnh trừng phạt ngày càng siết chặt, nền kinh tế Nga đang gặp phải không ít khó khăn khi các nhà đầu tư phương Tây ồ ạt rút vốn tron g khi thị trường xuất khẩu năng lượng chính của Nga là EU đang dần co hẹp.

Trong bối cảnh đó, Nga phải tận dụng mọi khả năng và cơ hội có được để thoát khỏi gọng kìm của phương Tây, qua đó đẩy lùi đà Đông tiến của NATO đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng sang khu vực sân sau truyền thống của Nga. Trong muôn vàn cách ứng phó, Nga luôn biết tận dụng sức mạnh vô đối của mình là dầu mỏ và khí đốt để nhắc nhở EU rằng “lục địa già” vẫn đang phải phụ thuộc vào Nga và rằng, Mỹ dù có muốn cũng chưa thể thế chân Nga tại thị trường này nếu như các hợp đồng bị dừng đột ngột.

Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa sẽ không có chiều phụ thuộc ngược lại. Hiện tại, Nga xuất sang EU 160 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Với giá bán trung bình 350 USD/1.000 m3, số khí đốt này giúp Nga thu về 56 tỷ USD hàng năm cho ngân sách .

Là quốc gia chủ yếu dựa vào xuất khẩu năng lượng, khi nguồn thu bị siết lại, Nga buộc phải tìm thị trường thay thế. Nổi lên trong số này là châu Á và trong châu Á tiềm năng nhất lại là Trung Quốc, quốc gia vừa có nguồn lực tài chính vừa có nhu cầu năng lượng khổng lồ trong cả hiện tại lẫn tương lai. Theo ước tính, nhu cầu khí đốt của Trung Quốc sẽ vượt xa con số 38 tỷ m3/năm một khi các dự án đường ống vận chuyển hoàn tất và kinh tế nước này lấy lại đà tăng trưởng như trước đây.

Đây chính là lý do vì sao Nga quyết định khóa van châu Âu để mở van Trung Quốc, cho dù xét về giá cả, hợp đồng này không phải là món hời với Nga. Không chỉ chấp nhận giá bán không cao, Nga còn phải tính đến những nguy cơ nảy sinh từ việc phụ thuộc chặt chẽ vào thị trường Trung Quốc, cũng giống như đang phụ thuộc vào thị trường EU hiện nay. Các nhà lãnh đạo Nga không thể không tính tới điều này nhưng hoàn cảnh cấp bách khiến Mátxcơva không thể làm khác.

Chiến lược “chớp mồi” của Trung Quốc

Hiểu rõ thế khó của Nga, Trung Quốc đã chớp lấy cơ hội để đẩy nhanh tiến độ ký kết thỏa thuận và gây sức ép tối đa về mặt giá cả.

Kết quả là sau một thập kỷ thương lượng, cuối cùng Trung Quốc cũng đã ép được Nga ký siêu hợp đồng khí đốt tự nhiên có thời hạn lâu dài, kèm theo một lô nhượng bộ do phía Bắc Kinh đưa ra.

Cụ thể, toàn bộ khí đốt bán cho Trung Quốc sẽ được tính ngang bằng với mức giá bán cho châu Âu hiện nay, trong khi hợp đồng thì mãi đến năm 2018 mới chính thức có hiệu lực. Trong khi đó, Nga đã phải chi rất nhiều tiền cho việc xây dựng đường ống dẫn khí mới nối sang Trung Quốc. Với kinh phí xây dựng hơn 60 tỷ USD cho đường ống mới và việc phải bỏ không đường ống dẫn khí sang châu Âu, tính ra Mátxcơva đang chịu “thiệt đơn thiệt kép” trước “đối tác chiến lược toàn diện” của mình.

Lẽ thường là bên bán, Nga phải nắm quyền chủ động về giá, đặc biệt khi Nga là quốc gia sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới còn Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, do quan hệ căng thẳng với phương Tây nên lợi thế đó của Nga giờ đã không còn nữa. Biết bị Trung Quốc ép giá song ông Putin vẫn phải quyết định “nắn dòng” khí đốt chảy sang Bắc Kinh, chấp nhận mất đi một phần lợi nhuận và làm giảm vị thế của Mátxcơva trong quan hệ đối tác với Bắc Kinh.

Nhưng cái thiệt của Nga chưa dừng lại ở đó. Qua siêu hợp đồng này, Trung Quốc còn muốn đẩy mạnh sử dụng đồng nhân dân tệ trong thanh toán thương mại quốc tế. Bắc Kinh tuyên bố sẵn sàng dùng nội tệ để chi trả nguyên liệu thô của Nga, hoặc sẽ trừ dần số tiền thanh toán vào hàng hóa và dịch vụ xuất sang Mátxcơva.

Theo số liệu thống kê, thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc đạt 90 tỷ USD trong năm 2013, trong đó Trung Quốc xuất sang Nga gần 50 tỷ và nhập về chừng 40 tỷ. Hai bên đặt mục tiêu sẽ nâng con số này lên 100 tỷ vào năm 2015 và 200 tỷ vào năm 2020. Với xu hướng xuất siêu của Trung Quốc, số tiền thanh toán khí đốt mua của Nga thừa sức chuyển hóa thành một phần hàng hóa và dịch vụ xuất sang Mátxcơva.

Và hệ lụy đối với địa chính trị thế giới: Việc Nga – Trung ký hợp đồng khí đốt 400 tỷ USD đang khiến phương Tây hết sức lo ngại.

Xét về kinh tế, giá trị thương mại của hợp đồng này không phải quá lớn khi lượng khí đốt Nga bán cho Trung Quốc từ năm 2018 chỉ chiếm 16% tổng lượng khí đốt xuất khẩu của Tập đoàn Gazprom. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Nga chỉ bằng 1/3 kim ngạch Trung Quốc - EU và 1/5 kim ngạch Trung - Mỹ.

Nhưng xét về chính trị, ý nghĩa của hợp đồng này lại có sức mạnh quá lớn, đến mức Tổng thống Putin đã buộc các nhà thương lượng của Nga phải đẩy nhanh tiến trình đàm phán để kịp "chốt hạ" ngay trong chuyến thăm. Việc ký hợp đồng không chỉ giúp Tổng thống Putin gỡ được “bàn thua trông thấy” trong cuộc đối đầu với phương Tây trên mặt trận năng lượng, mà còn tạo ra “liên minh ngầm” chống Mỹ, đối thủ lớn nhất đối với cả Nga và Trung Quốc hiện nay.

Tuy nhiên nếu đánh giá tổng thể, hợp đồng này chỉ có thể giúp Nga giải quyết được các vấn đề trước mắt, còn lâu dài sẽ mang lại không ít bất lợi.

Thứ nhất, để đảm bảo nguồn cung cho mình, châu Âu sẽ phải tìm các nhà cung cấp khác. Trong bối cảnh đó, Mỹ với nguồn khí đốt đá phiến dồi dào và Trung Đông với các giếng dầu khổng lồ sẽ là hai sự lựa chọn hoàn hảo thay thế cho Nga. Vì thế, hệ lụy đầu tiên mà hợp đồng này đem lại là quan hệ Nga – phương Tây sẽ ngày càng xa cách, thậm chí đối đầu căng thẳng khi sợi dây kết nối duy nhất là khí đốt bị cắt đứt. Châu Âu thậm chí sẽ càng có thêm lý do để thúc đẩy chính sách hướng Đông của mình.

Thứ hai, việc Nga và Trung Quốc tăng cường quan hệ - hiện đã lên mức “đối tác toàn diện và tương tác chiến lược” - không chỉ đưa tới việc ký kết hợp đồng khí đốt, mà còn cả các hợp đồng vũ khí công nghệ cao và sự “ủng hộ ngoại giao ngầm” đối với các tuyên bố lãnh thổ của hai bên. Việc Trung Quốc bỏ phiếu trắng cho Nga sau vụ Crimea và Nga gần đây đồng ý bán các máy bay chiến đấu tân tiến cho Trung Quốc, đồng thời “tỏ ra nhỏ nhẹ” trước việc Bắc Kinh đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là những ví dụ điển hình.

Thứ ba, sự bắt tay giữa Nga và Trung Quốc bắt nguồn từ sự nghi ngờ đối với Mỹ nhưng với tham vọng bá quyền của mình, Trung Quốc chắc chắn sẽ khó đáp lại mong muốn lãnh đạo của Nga. “Giấc mộng Trung Hoa” và sự cao ngạo của Bắc Kinh sẽ không cho phép Nga giữ vai trò chủ đạo ở châu Á như Tổng thống Putin mong muốn, mà thay vào đó Trung Quốc chỉ lợi dụng tình cảnh của Nga để làm lợi cho mình.

Thứ tư, dù coi là đối tác quan trọng bậc nhất nhưng Trung Quốc lại đang tìm cách thúc đẩy quan hệ với khu vực Trung Á vốn được coi là sân sau của Nga. Tại hội nghị SCO ở Bishkek tháng 9 năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra sáng kiến vành đai kinh tế có tên “Con đường tơ lụa mới”. Nếu hình thành, vành đai này sẽ là đối thủ cạnh tranh với Liên minh Á-Âu của Tổng thống Putin. Bước đi này cho thấy Trung Quốc chắc chắn sẽ không chấp nhận sự chế ngự của Nga dưới bất kỳ hình thức nào. Nói theo cách khác, ảnh hưởng của Nga ở Trung Á sẽ tỷ lệ nghịch với sự lớn mạnh của Trung Quốc ở khu vực này và Trung Á rất có thể sẽ trở thành mặt trận tranh giành ảnh hưởng mới giữa hai “người bạn” trong tương lai.

Với những phân tích trên, có thể thấy quan hệ Nga - Trung tuy bên ngoài đang tạo ra hình ảnh về một “liên minh mới nổi” giữa hai nước cùng muốn xây dựng viễn cảnh trật tự thế giới mới nhằm làm thay đổi căn bản cán cân sức mạnh toàn cầu. Nhưng nếu đi sâu hơn vào bản chất bên trong, đây chỉ là quan hệ thực dụng dựa trên những tính toán đôi bên cùng có lợi.

Vì vậy trong thời gian tới, Nga và Trung Quốc chỉ có thể tiếp tục hợp tác chọn lọc mà chưa thể thực sự trở thành đồng minh. Đây cũng là điều đã được chính Tổng thống Putin khẳng định bên lề Diễn đàn kinh tế quốc tế ở St Peterbour ngày 24/5. Có lẽ ông Putin hiểu rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Nga sẽ không thể “hết mình” cho mối quan hệ mang lại lợi ích nhiều hơn cho Trung Quốc, nước có thể sẽ trở thành đối thủ của Nga trong tương lai, nhất là ở khu vực Trung Á. Đức Vũ

Giá dầu tăng do nhu cầu ở Mỹ cùng căng thẳng tại Ukraine

Thị trường dầu mỏ thế giới tuần qua đi lên trong bối cảnh nhu cầu dầu tại Mỹ tăng lên cùng tình hình căng thẳng tiếp tục leo thang khi ngày bầu cử Tổng thống Ukraine ngày càng cận kề.

Cảng dầu Marsa al-Hariga, Libya. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nguyên liệu chiến lược này đã tăng mạnh lên mức cao trong nhiều tháng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư 21/5, khi giới đầu tư được biết thông tin lượng dầu dự trữ tại Mỹ giảm nhiều hơn dự kiến.Chốt lại phiên này, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ tăng lên mức cao nhất trong một tháng là 104,07 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent tăng lên 110,55 USD/thùng - mức cao nhất trong hai tháng rưỡi qua.

Đây là kết quả của việc kho dầu dự trữ chiến lược của Mỹ trong tuần trước nữa (kết thúc ngày 16/5) đã giảm mạnh tới 7,2 triệu thùng, trái ngược hoàn toàn với dự báo tăng thêm của giới chuyên gia và sau nhiều tháng được giữ ở mức khá ổn định. Điều này cho thấy nhu cầu tại Mỹ - nhà tiêu thụ dầu thô hàng đầu thế giới, đã tăng mạnh.Bên cạnh đó thị trường còn lo ngại về những căng thẳng địa chính trị ngày càng nóng lên tại Ukraine và Libya, đặc biệt là ở Ukraine khi ngày bầu cử Tổng thống tại nước này sẽ diễn ra vào ngày 25/5.

Các nhà chức trách Ukraine đã triển khai hàng ngàn cảnh sát và tình nguyên viên sẵn sàng hoạt động nhằm bảo đảm an ninh trong ngày bỏ phiếu, bất chấp việc các phần tử ly khai đe dọa sẽ ngăn cản việc bỏ phiếu tại các khu vực mà họ đang kiểm soát ở miền Đông nước này.Ít nhất bảy người đã bị chết trong cuộc đụng độ giữa những người biểu tình và các lực lượng bảo vệ tại trung tâm công nghiệp Donetsk ở miền Đông Ukraine hôm thứ Sáu 23/5.

Góp phần đẩy giá dầu đi lên còn là những thông tin tích cực đến từ các nền kinh tế lớn, trong đó Chỉ số quản lý sức mua (PMI) của Trung Quốc gia tăng trong tháng Năm và nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức có mức tăng trưởng ấn tượng.Những diễn biến này đã khiến giá dầu Brent thường xuyên được duy trì ở mức quanh 110 USD/thùng trong hầu như suốt tuần.

Diễn biến trên cũng đẩy giá dầu tăng nhẹ trong phiên cuối tuần 23/5 - hai ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống tại Ukraine. Trong đó tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 7/2014 tăng 61 xu Mỹ so với phiên trước lên chốt tuần ở mức 104,34 USD/thùng, trong khi tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ cũng tăng 18 xu lên 110,54 USD/thùng. Cả hai hợp đồng dầu này đều cao hơn các mức chốt của một tuần trước đó.

Các nhà giao dịch đang đánh cược vào khả năng kho dầu dự trữ của Mỹ lại tiếp tục giảm trong tuần tới do mùa duy tu, bảo dưỡng các nhà máy lọc dầu tại Mỹ sẽ còn kéo dài trong hai tuần nữa.Bên cạnh đó, nhu cầu đi lại gia tăng trong dịp nghỉ Hè cũng sẽ khiến xăng dầu bị "ngốn" nhiều hơn.

Doanh nghiệp than cơ chế quản lý giá xăng dầu

Cơ chế quản lý giá xăng dầu hiện nay bị các doanh nghiệp phàn nàn là không sát với giá thị trường và họ không tự chủ được hoạt động kinh doanh.

Theo báo cáo tài chính quý I/2014 hợp nhất mới được Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) công bố, lợi nhuận trước thuế toàn tập đoàn đạt 337 tỉ đồng; trong đó, lợi nhuận đến từ khối kinh doanh xăng dầu được đánh giá là không cao, với 28 tỉ đồng.

Lỗ, lãi theo cơ chế

Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex, cho biết theo tính toán, khoản lãi 28 tỉ đồng từ xăng dầu nói trên chỉ chiếm 8% tổng lợi nhuận của tập đoàn. Trong khi đó, lợi nhuận từ kinh doanh các sản phẩm hóa dầu như: dầu mỡ nhờn, gas, nhựa đường, hóa chất lớn nhất, chiếm đến 53%. Lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng đem lại 14% lợi nhuận. Vận tải đường bộ và đường thủy viễn dương chiếm khoảng 8% lợi nhuận. Các lĩnh vực còn lại, trong đó có kinh doanh xăng dầu ở nước ngoài và một số ngành nghề khác, chiếm khoảng 17%.

Theo ông Năm, hiện nhà nước chỉ quản lý hoạt động kinh doanh, giá cả bán lẻ các mặt hàng xăng dầu khoáng; còn các sản phẩm hóa dầu thì không trong diện quản lý nên doanh nghiệp (DN) được tự kinh doanh theo giá thị trường. “Giá này vận hành theo nhịp điệu lên xuống của thị trường, không bị điều chỉnh bằng các mệnh lệnh hành chính. Lợi nhuận đến từ nhóm ngành hàng hóa dầu do đó luôn ổn định. Trong khi đó, mặt hàng xăng dầu hoạt động theo sự quản lý của nhà nước nên kết quả kinh doanh phụ thuộc rất nhiều vào chính sách” - ông Năm cho biết.

Điều hành giá xăng dầu hiện nay của cơ quan quản lý còn nhiều bất cập Ảnh: Hồng Thúy

Điều này cũng giải thích vì sao mới đây, kết quả tạm đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh quý đầu năm 2014, Petrolimex ước tính bị lỗ khoảng 30 tỉ đồng từ xăng dầu nhưng báo cáo tài chính vừa công bố lại chuyển thành lãi 28 tỉ đồng.

Một lãnh đạo của tập đoàn cho biết với sản lượng tiêu thụ mỗi quý của Petrolimex khoảng hơn 2 triệu lít xăng, chỉ cần chi phí lên xuống khoảng 5 đồng/lít thì đã ra mức chênh lệch lợi nhuận 10 tỉ đồng. Mức chênh lệch này liên quan đến hóa đơn các lô hàng về trước hoặc về sau, chi phí định mức được nhà nước cho phép cũng như các công cụ điều hành giá khác...

Chu kỳ giá không sát thị trường

Theo đại diện Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (Saigon Petro), dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu quy định giá cơ sở được tính theo mức bình quân 15 ngày đầu chu kỳ dự trữ tuy đã rút ngắn thời gian so với mức tính 30 ngày nhưng về bản chất hầu như không thay đổi, tức giá xăng dầu vẫn sẽ không theo nhịp thế giới.

Đối chiếu bảng tính giá mà DN này cung cấp có thể thấy rõ điều này. Giả sử ngày 15-5 được lấy là ngày điều chỉnh giá và chu kỳ dự trữ 30 ngày được tính từ ngày 15-4 đến 15-5, khi đó giá cơ sở có sự chênh lệch không nhỏ nếu tính theo 2 cách: 15 ngày đầu dự trữ và 15 ngày sát ngày điều hành.

Cụ thể, nếu lấy giá cơ sở là 15 ngày đầu chu kỳ dự trữ, đến ngày 15-5, giá xăng phải điều chỉnh tăng 600 đồng/lít. Nhưng nếu lấy giá cơ sở 15 ngày sát ngày điều hành thì không phải tăng giá do đang hòa vốn.

“Cách làm này không theo tiền lệ của bất kỳ nước nào trên thế giới khi thực hiện theo giá thị trường, ngay cả khi có sự điều hành của nhà nước” - đại diện Saigon Petro khẳng định.

Còn theo một DN đầu mối khác, nếu tính giá cơ sở theo chu kỳ 15 ngày đầu dự trữ sẽ xảy ra tình trạng một số thương nhân đầu mối tranh thủ cơ hội “trục lợi”. Theo đó, nếu giá 15 ngày sát chu kỳ điều hành giá thấp hơn giá cơ sở, DN có thể tranh thủ nhập nhanh hàng về rồi đưa ra thị trường tiêu thụ với mức thù lao rất cao để hưởng chênh lệch. Còn ngược lại thì một số DN đầu mối có thể hoàn toàn không tham gia thị trường, trong khi các DN khác vẫn phải nhập hàng bình thường và “ôm” luôn phần tiêu thụ của các DN “cơ hội” kia.

“Những DN đầu mối có nguồn hàng ổn định không thể thực hiện được điều đó, vẫn phải vừa nhập với giá cao vừa cạnh tranh hoa hồng gây thua lỗ” - đại diện DN này phân tích.

Đánh giá về công tác điều hành xăng dầu, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho biết: “Về mặt chủ trương, cần phải dần loại bỏ quyết định hành chính để điều hành bằng cơ chế chính sách ổn định, đồng thời phải tách bạch giữa quản lý nhà nước và việc can thiệp vào hoạt động của DN”.

Tách giá cơ sở và tồn kho

Quan điểm của Saigon Petro cho rằng nên hiểu giá cơ sở hoàn toàn không liên quan đến tồn kho. Giá cơ sở là giá thế giới tại thời điểm điều hành giá, còn tồn kho là thực hiện theo yêu cầu kinh doanh của DN và yêu cầu của nhà nước. “Khi giá thế giới tăng thì tồn kho giá thấp có lợi; ngược lại, khi giá thế giới giảm, tồn kho giá cao bị thiệt, do đó bù trừ được lẫn nhau. Khi tách biệt giá cơ sở và tồn kho thì giá sẽ theo giá thị trường, chúng ta hoàn toàn không lo ngại xảy ra tình trạng như nêu trên và dư luận cũng không thể phàn nàn được” - vị đại diện Saigon Petro nói
Theo Phương Nhung
Người Lao động

Tập đoàn hàng đầu Nhật Bản khánh thành nhà máy tại Hải Phòng

Công ty JX Nippon Oil & Energy Việt Nam vừa tổ chức khánh thành nhà máy sản xuất dầu nhờn tại khu hóa chất hóa dầu thuộc KCN Đình Vũ, Hải Phòng.

Nhà máy JX NIPPON OIL & ENERGY Việt Nam tại KCN Đình Vũ, Hải Phòng. Ảnh: baohaiphong.com.vn

Công ty JX Nippon Oil & Energy Việt Nam (thuộc Tập đoàn JX Nippon Oil & Energy, Nhật Bản) được cấp phép thực hiện dự án dầu nhờn tại KCN Đình Vũ vào năm 2012; khởi công xây dựng nhà máy vào tháng 11/2013 và chính thức đi vào hoạt động chỉ sau hơn 1 năm xây dựng.

Theo ông Toshiaki Nagasawa, Tổng Giám đốc JX Nippon Oil & Energy Việt Nam, đây là nhà máy thứ 8 sản xuất dầu nhờn ở nước ngoài của Tập đoàn JX Nippon Oil & Energy, sử dụng công nghệ hiện đại, công suất 40.000 tấn/ năm, cung cấp cho thị trường xe máy và ô tô các sản phẩm chất lượng cao gồm dầu động cơ gasoline, dầu động cơ diesl, dầu nhớt hộp số, ATE, dầu công nghiệp… với nhãn hiệu OEM và ENEOS.

Tổng Giám đốc Toshiaki Nagasawa cho biết trước đây, Tập đoàn thường cung cấp dầu nhờn qua ủy thác. Nay với sự hoạt động của nhà máy dầu nhờn tại KCN Đình Vũ, Tập đoàn sẽ cung cấp trực tiếp sản phẩm tại thị trường Việt Nam.

JX Nippon Oil & Energy là tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản về lọc dầu, kinh doanh dầu nguyên liệu, chiếm tới 1/3 sản lượng tại Nhật Bản và là nhà sản xuất dầu nhờn có quy mô đứng thứ 6 trên thế giới. Ngoài ra còn tham gia thị trường điện lực, khí nhiên liệu, than, máy phát điện năng lượng mặt trời và đang mở rộng phạm vi kinh doanh sang lĩnh vực thăm dò, phát triển dầu và khí đốt…

Tập đoàn JX Nippon Oil & Energy bắt đầu hoạt động kinh doanh dầu nhờn tại Việt Nam từ năm 1996 và thành lập Văn phòng đại diện tại TP Hồ Chí Minh năm 2010.

BT